Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

ANH NHẠC SĨ

 Dáng người anh cao lớn, đẹp trai, tóc dài che ót, rất nghệ sĩ. Thời chiến tranh, anh theo đoàn văn công đi lưu diễn dưới làn đạn réo, bom rơi.
Lần nào về cứ, anh cũng tìm cách tiếp cận lãnh đạo. Lúc thì ngâm những bài thơ ngút trời hào khí, hừng hực chiến công, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của chú A, anh Z.
Anh thú nhận chưa qua trường lớp âm nhạc nào, chỉ nhờ thiên bẩm. Những chỉ thị, diễn văn của cấp trên, anh biến hóa thành bài ca, bài vè ngân nga trong rừng sâu, chiến khu đạn bom tơi tả. Dễ hiểu, dễ trộn lẫn với rau rừng  gạo hẩm, qua cơn đói khát.
Ngày hòa bình, anh được bố trí chức trưởng phòng văn hóa - thông tin quận B. 
Anh hồ hởi đưa tôi đi thăm quan cơ ngơi của anh. Phòng làm việc sáng choang, những cây đàn guitar, mandolin, đàn tranh, ống tiêu, ống sáo…  treo lủng lẳng trên tường. Đàn piano quí phái đen bóng, nổi bật bên cạnh bộ salon sang trọng.
Tủ kính đầy ắp các tác phẩm kinh điển của Ludwig van Beethoven, Johann Sebastian BACH, Wolfgang Amadeus MOZART. Những nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại người Đức và nhiều tác giả danh tiếng khác.
Anh thật thà: "Trưng bày cho đẹp mắt, chứ ba thứ quỷ này không có tác dụng gì". Anh chỉ sáng tác những bài ca phục vụ đời sống thực tế của nhân dân, cảm hứng tùy từng thời kỳ đổi thay của đất nước. 
Nhạc lý anh chỉ qua sơ cấp, anh phát thảo ý tưởng, còn lại nhân viên cấp dưới thêm bớt, điều chỉnh cho phù hợp, nhưng bao giờ tên tác giả vẫn là: Nhạc và lời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi.
Một lần đi dạy về gặp mưa, tôi trú dưới mái hiên nhà bên đường. Chợt nghe tiếng cô xướng ngôn viên giới thiệu nhạc phẩm “Tiếng thu xưa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi. Giọng cô ca sĩ truyền cảm cao vút, trong veo. Tôi bồi hồi xúc động, nhưng vẫn băn khoăn không biết anh ấy là tác giả thực sự hay vay mượn chất xám của  người khác?
Tình cờ tôi gặp lại anh trong vai trò thuyết trình viên của chương trình “kế hoạch hóa gia đình” do hội phụ nữ phường TC tổ chức. Trên chiếc cặp da màu đen của anh có hàng chữ mạ vàng sáng chói: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi
Mới đây nghe tin anh có tên trong ban chấp hành hội nhạc sĩ X kiêm phó chủ tịch hội âm nhạc thành phố.
Anh gởi tặng tôi tập nhạc “Gió ru mây” của anh mới in, còn thơm mùi mực. Những ca từ mượt mà, thấp thoáng bóng dáng tài hoa của những nhạc sĩ đích thực, đã bị chìm khuất dưới tên: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Bi... 
Khi tôi viết những giòng chữ này, anh Trần Văn Bi đã được tín nhiệm giao chức trưởng khu phố từ ngày anh về hưu...
Anh trầm ngâm rồi tâm sự: 
- Dù bất cứ vị trí nào, tôi cũng cống hiến hết mình cho đất nước...
Tôi an ủi:
- Ngày xưa cụ Nguyễn Công Trứ cũng đã:"Tấn làm quan, thối làm lính thú..." nhưng cụ được vinh danh là nhà văn hóa thế giới...
Tôi giật mình khi anh vung tay quay sang tôi, giọng "khí khái":
- Đó, đó! Ổng cũng như tui...
Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...