Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

CHUYỆN XƯA TÍCH CŨ

Theo chị tám Lé:
- Ông nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà đài… đều là ông nhà “văn...g” ráo trọi. Chị Lé thứ ba, nhưng chuyện gì chị cũng “8”, thành danh: Tám Lé.
Đọc chưa xong tờ nhật trình, tám Lé giận dữ xé làm ba làm bốn. Mới năm ngoái, đưa lên mây, nào là “Nhân tài đất Việt”, “Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu”, “Dự đoán xuất sắc nhịp đập công nghiệp hoá, thế kỷ 21…”. Vậy mà bây giờ thi nhau chửi te cò bắp, đi tù vì làm ăn gian dối.
Kiểu này có bao nhiêu công lao, gia sản cũng văng, đừng nói là nhà.
Quán cà phê 'LÁ CHÁ", không hiểu nghĩa là gì. Nhưng được cái đông khách. Báo chí đủ loại được cập nhật, đọc thoải mái. Tám Lé ngồi thường trực, nên từ chuyện chó cán xe, xe cán chó đến quốc gia đại sự, chị rành sáu câu.
- Nè chủ quán, ông có đọc báo không? Hai Hơn gãi đầu, lắc lắc. Thì thầm:
- Báo nào cũng viết giống y chang...
- Hôm qua ông có thấy đám ma bà Tư Cậy không? Có để ý ông Tư đi theo quan tài, mặt ngó xuống đất mà cười mím chi không?
- Xạo, ai đời...
Tám Lé cướp lời:
- Thiệt mà, trời đánh đứa nào nói dóc, tui thấy rành rành...
- Ui bà ơi! Sau đợt tai biến suýt chết, thằng chả cứ cười hoài, có lúc khóc mếu như con nít. Bà đúng là "8" Lé!
Cụt hứng, móc điếu Bastos bật lửa làm một hơi.
Con bọ cạp đen thui bò vô, cái đuôi cong vòng đưa qua đưa lại như cần rà mìn, chích vô mắt cá hai Hơn một phát, đau nhức muốn nhảy đựng, chộp trúng bả vai tám Lé, mất đà cả hai té lăn quay nhằm ngay chóc chỗ con bọ cạp, nó lại cong đuôi quất phát nữa ngay bắp vế tám Lé, mặt chị nhăn quéo ôm cứng hai Hơn la như cháy nhà.
Vợ hai Hơn đi chợ về đến đầu ngõ, nhìn vô thấy hai anh chị nằm ôm xà nẹo, thiệt tình ngay lý gian. Hai Hơn phân bua nhưng vật chứng là con bọ cạp chui đi đâu tìm không ra.
Vợ hai Hơn lâu nay không ưa gì tám Lé, đàn bà mà ưa xía chuyện quốc sự với đàn ông, lại thêm dáng người tròn lẵn, mắt nhìn ai cứ ướt rượt như muốn hớp hồn người ta.
Bữa kia quán LÁ CHÁ vắng khách, vợ hai Hơn cầm nón nói dìa Cái Mơn thăm tía. Trời kéo mây âm u, hai Hơn ngáp dài định ra khép cửa nghỉ bán, bỗng con Tím - cháu họ vợ hai Hơn, từ ngoài đồng chạy vô đụt mưa. Nó quá lứa chưa chồng, tính dạn dĩ tự nhiên chạy lại vòng tay ôm bụng hai Hơn, cạ bộ ngực mát rượi vào lưng, tay chưn hai Hơn tê tái nổi da gà.
Nó cầm cái chổi quét nhà, hất mái tóc dài qua một bên, lộ ra đôi má hây hây, lại thêm cái áo ướt dính vô ngực, khiến hai Hơn muốn nổi máu. Anh cũng làm bộ tự nhiên, sà lại ôm eo con Tím, tóc con nhỏ thơm mùi con gái phả vô lỗ mũi khiến hai Hơn buông tay nhìn xuống ngượng nghịu, lật đật vô nhà tròng cái quần dài.
Thói đời, như nam châm cùng cực thì đẩy, tám Lé không ưa gì con Tím và ngược lại. Cùng tần số dễ bắt tín hiệu, giống như những người đồng tính có lực hấp dẫn kỳ bí với nhau. Nhưng cả hai đều có cảm tình với hai Hơn. Phải nói xóm lò Heo chỉ có tướng hai Hơn là ngon cơm, đàn ông hơn bốn mươi sung sức, bảnh tỏn. Nghiệt cái hai Hơn hay mặc quần đùi, mỗi lần bưng cà phê cho khách, thằng nhỏ cứ đong đưa.
Có phải cám cảnh nhà hai Hơn đơn chiếc hay không mà con Tím hay ghé, lúc phụ thổi lò than nấu ấm nước sôi hay cầm chổi quét từ trong ra ngoài. Tám Lé thấy gai mắt, nói trỏng:
- Ông cởi luôn cái quần đùi cho nó giặt, tui thấy mốc thếch rồi đó!
Không biết hai Hơn có bị chạm nọc không mà lúng túng làm đổ ly xây chừng (cafe đen), đám thợ mổ heo cười rần, phụ họa:
- Mốc thếch cũng tại tám Lé, chớ ai vô!
Tám Lé hơi "quê", ngó ra ngoài cầu Bình Lợi, đánh trống lãng:
- Xe cộ chi thấy ớn, đua nhau chạy rầm trời!
Nhìn thấy ông già năm Pháo bước vô, thầy giáo Sum lật đật kéo ghế mời ngồi. Những chuyện xa xưa ổng rành, có cái ổng cũng nổ văng miểng như tên của ông. Thầy kêu dùm ly bạc xỉu, luôn tiện hỏi:
- Sao lại kêu xe cộ hả bác Năm. "Cộ" nghĩa là sao?
Ông năm Pháo lôi bịch thuốc rê, quấn điếu chà bá đưa lên miệng lăn qua lăn lại, thong thả:
- Ngày xưa, cũng hơn cả trăm năm không chừng. Vùng này đồng không mông quạnh, không có đường sá chi.
"Dân cư sinh sống về nghề ruộng nương, rẫy bái, làm nghề hạ bạc (đánh cá) dọc theo sông cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky bây giờ. Những khoảng đất không được khai phá thì toàn là rừng chồi cây lùm mọc rậm rạp.
Về sau, Tây lấy Gia Định rồi thì mở mang quốc lộ đi Thủ Đức và khu sát rìa quốc lộ được Tây khai phá làm rừng cao su, không có đường mòn để xê dịch. Dân chúng di chuyển bằng ngựa cũng không tiện chớ đừng nói chi đến dùng xe bò hoặc xe trâu.
Mỗi khi dân cư trong vùng này muốn ra tỉnh, lúc đó là thành Gia Định, có việc cần kíp rước thày trị bệnh hoặc tải hàng rẫy, gạo thóc ra chợ bán hoặc mua đổi các thứ cần thiết đem về dùng… thiệt là muôn vạn khó khăn. Chỉ có những trai tráng khoẻ mạnh mới có thể di chuyển nổi hằng mấy chục cây số đường lồi lõm. Mà hễ mỗi lần đi như vậy thì ruộng nương, rẫy bái ở nhà lại không ai làm lụng sản xuất. Mỗi lần đi ra thành lại mất ít nhất hai ngày – ngày đi, ngày về.
Một ngày, bỗng dưng người ta thấy trước cổng nhà của ông Ba phú hộ treo tấm bảng lớn đề mấy chữ:
“Đảm nhận 'Cộ' người và hàng hoá đi khắp nơi".
Đồng thời ông truyền thâu dụng tất cả thanh niên vạm vỡ muốn có chuyện làm, ngoài nghề ruộng rẫy.
“Cộ người và hàng”!
Đó là một lối tải người và hàng hoá giản tiện hơn cả võng hay kiệu.
Ông Ba phú hộ bèn cho dân đan những tấm vạc bằng tre, hai đầu có bốn lóng tre ló ra giống như cái băng ca nhà thương khiêng bệnh, để người đầu trước gác lên hai vai, khách thì ngồi ở vạc tre khúc giữa thòng chân lủng lẳng để người ta “Cộ” đi. Hàng hoá thì lại để ở khoảng giữa, thay vì tấm vạc tre đương thì nó là một miếng ván dày để có thể chất nhiều đồ mà không bị oằn chính giữa.
Người dân muốn mướn chỉ cần cho ông Ba phú hộ hay trước, cho biết nhà rồi sáng sớm, khi gà vừa gáy là có dân phu mang “Cộ” đến tận nhà mà rước người hoặc “Cộ” hàng đi ra thành Gia Định. Từ đó, dân cư bắt đầu xê dịch dễ dàng, không nhọc mệt, bận tâm, hay tốn hao người mỗi khi tải hàng đi ra thành.
Thời gian trôi qua, địa danh xuất hiện theo miệng người cư ngụ trong vùng. Khi hỏi:
– Ở đâu ?
Bèn đáp:
– Ở trong đồng ông Ba “Cộ”!
Dần dần, hàng trăm năm sau vùng này được mở mang nhưng là một vùng rộng lớn, dân chúng quy tụ về càng ngày càng đông, người ta nhớ ơn ông Ba “Cộ”, nên đặt địa danh vùng này là “Đồng ông Cộ” cho đến ngày nay".(*)
Thầy giáo Sum thong thả châm điếu thuốc, hỏi tiếp:
- Giồng "Ông Tố" là ai hả bác?
Ông năm Pháo rót ly trà nhấp giọng, kể:
- “Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải
Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai”
Đó là hai câu trong bài Gia Định phú của tác giả khuyết danh viết khoảng đầu thế kỷ 20, do nhà Nam Bộ học Vương Hồng Sển sưu tầm và chép lại trong sách "Tập thành" của ông. Giồng là phương ngữ Nam bộ, biến âm của từ “vồng”, tức một dải đất phù sa nổi lên ven sông, rạch tự nhiên hoặc do bàn tay người vun xới, đắp nên những luống, những vồng để trồng trọt. Đất vồng phù sa ven sông, rạch thường được trồng dưa gang, khoai lang, bầu, bí… Như lời một bài hát mang âm hưởng dân ca Nam Bộ: “Trên đất giồng mình trồng khoai lang
Trên đất giồng mình trồng dưa gang…”. Ở Nam bộ có nhiều địa danh bắt đầu từ “giồng” như Giồng Trôm – một huyện của tỉnh Bến Tre; Giồng Riềng – một huyện của tỉnh Kiên Giang…
Vùng đất giồng hai bên rạch Ông Tố ngày xưa một phần tự nhiên do phù sa đắp bồi mà thành nhưng một phần cũng do bàn tay người nạo vét rạch, đào đắp nên để trồng trọt. Họ là những lưu dân người Hoa, người Việt và người Khmer do ông Trương Vĩnh Tố chiêu mộ đến đây vét rạch, đào kênh, lên vồng canh tác, dựng chợ, lập ấp từ cuối thế kỷ 17. Trương Vĩnh Tố là tướng của phong trào “phản Thanh phục Minh” thất bại, chạy từ Trung Quốc sang thần phục chúa Nguyễn, cùng đợt với hai bại tướng khác là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) và Dương Ngạn Địch. Hai ông Trần và Dương được chúa Nguyễn cho vào khẩn hoang, lập ấp ở vùng đất mới chiêu nạp của Chân Lạp. Trần Thượng Xuyên dựng nên Nông Nại Đại Phố (tức Biên Hòa ngày nay). Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến có công thành lập Mỹ Tho (Tiền Giang). Cùng đợt này còn có Mạc Cửu đến khai khẩn vùng Hà Tiên. Nhưng họ Mạc đến thần phục vua Chân Lạp trước, sau khi thành lập Hà Tiên đã bị quân Xiêm đánh phá nên Mạc Cửu mới dâng đất Hà Tiên cho chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn phong làm tổng trấn, trấn giữ Hà Tiên.
Riêng trường hợp Trương Vĩnh Tố, do đến sau hai ông Trần, Dương vài năm, khoảng năm 1679 được chúa Nguyễn cho đến khẩn hoang vùng đất mới toàn rừng tràm, dừa nước “cây xanh nghịt nghịt” – bây giờ là khu vực giồng Ông Tố. Rừng rậm lắm cọp, báo.. nước ngập nhiều cá sấu, muỗi mòng, đất lại lắm phèn, canh tác thất bát, dân cư dần bỏ đi. Trương Vĩnh Tố buồn sinh bệnh chết, ông được chôn cất cạnh mộ vợ trên vùng đất vồng bên bờ rạch. Con rạch từ đó mang tên: Ông Tố. Cả vùng đất vồng hai bên rạch được gọi là giồng "Ông Tố", đọc theo giọng Nam bộ..."(**)
Tám Lé le te:
- Bác năm đúng là pho tự điển sống, chừ con mới rành. Ở miệt mình còn nhiều tên khác nghe lạ tai nhưng cũng có ngọn nguồn hả bác Năm?
Vợ hai Hơn nhìn tám Lé nguýt dài, lẩm bẩm:
- Thứ đàn bà gì mâm nào cũng xía vô. Dzô dziên hết sức!
Loa phóng thanh bên kia đường rè rè, nghe tiếng phát thanh viên ho nhẹ, lấy giọng:
- Đây là tiếng nói nhân dân... đồng Ông Cộ, kính mời bà con cô bác nghe thông tin buổi sáng...
Tám Lé phang một câu khiến thầy giáo Sum cau mày:
- Mẹ nó, sáng nào cũng điếc con ráy, báo chí tùm lum đây có ai đọc đâu mà thông tin thông tẹo.
Đám thợ hồ nhao nhao:
- Đi cày thấy mụ nội, quởn đâu đọc báo, nghe nó nói cũng hay. Có đợt nào nhà nước cứu trợ mình đăng ký, bà ở đó mà làm khôn.
Gần bảy giờ, còi tàu vang lên bên kia nghe hú hú, rập rình giảm tốc băng qua cầu Bình Lợi. Quán cafe "Lá Chá" khách thưa dần, thầy giáo Sum cuộn tròn tờ báo đứng lên chào bác năm Pháo. Ánh nắng ban mai vàng ươm trên đầu cây ngọn cỏ, nhìn về hướng trung tâm Saigon mặt trời đang lên, báo hiệu ngày mới sẽ rực rỡ, mang lại nguồn sống cho bao người lẫn ồn ào náo nhiệt của thành phố thân yêu.

(*)Trích “Gia Định Xưa và Nay – Huỳnh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...