Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

MA LAI

  Chuyện kể rằng:  M Kaly là “ma lai”, ban đêm nàng rút đầu ra khỏi thân mình mang theo tim, dạ dày, gan, ruột… bay đi lang thang kiếm ăn. Mái tóc nàng xõa dài lượn lờ với ánh sáng phát quang từ nội tạng trong những đêm trời âm u...
  Tiếng hú thê lương của nàng đột ngột vọng giữa thinh không như tiếng kêu thảng thốt cô đơn của loài chim ăn đêm.
  M Kaly đẹp hơn tất cả mọi thiếu nữ quê nàng, khuôn mặt rạng rỡ, hai mắt to tròn với mũi cao thanh tú. Nhưng từ lúc sinh ra, cổ nàng đã có ba ngấn như vòng kiền trên làn da nâu nhạt.
  Nàng lớn dần với thân hình như vũ nữ Apsara, bộ ngực căng tròn, hai cánh tay nõn nà, bắp đùi dài thon thả. Trong những đêm trăng, giữa vườn cây cỏ hoang dại, những điệu múa mềm mại phô bày dung nhan tuyệt mỹ của nàng, hai chân nhón gót theo đà uốn của thân mình uyển chuyển, đôi lúc hai cánh tay vòng lên cao, toàn thân rung lắc khiến các vòng cườm bật lên tiếng kêu khe khẻ như khóc như than của nỗi hờn vong quốc.
  Ánh tà dương bị che khuất bởi đỉnh tháp, tỏa ra những tia nắng như hào quang của thời thịnh trị, M Kaly mở khăn choàng dõi đôi mắt nhớ về thời hoàng kim Chiêm quốc xa xưa… 
   Nhưng trời đã về chiều, hoàng hôn sẽ tím thẩm núi đồi và bóng đêm xóa nhòa thành quách cũ, đã hoang phế từ lâu.
   Những chiến binh kiêu hùng ẩn hiện trong bức phù điêu bằng đá xám như lời nhắn nhủ của người xưa:“Hãy chung tay xây dựng cơ đồ”  khiến lòng M Kaly thổn thức mãi không nguôi.
   Đêm kia, M Kaly rời bỏ ngôi làng yêu dấu cùng đoàn quân tiến như vũ bão. Nữ tướng M Kaly uy dũng trên lưng voi chiến đã bị bọn gian manh cưa mất đôi ngà, hàng hàng lớp lớp oan hồn không siêu thoát cùng về tụ nghĩa. Lũ mặt người dạ thú như bầy ong vỡ tổ, dù bao phen ăn năn, sám hối mong lộn kiếp trở thành mặt thú dạ người, nhưng vốn đã xuôi dòng khó bề ngược nước.
  Những hồn ma “Sống vô gia cư – Chết vô địa táng” thi nhau nguyền rủa dưới chân đồi thiêng:
- Lũ chúng ta đã chết không còn nguyên vẹn, cải táng sót mất đôi tay, qui hoạch khu chung cư này ta không còn sọ.
-  Ngôi nhà nguy nga kia là mồ chôn tộc họ nhà ta, Thổ địa vầy hùa vì xôi vì thịt, không cho ta về thăm lại chốn xưa…
  Nàng dậm chân triệu Thổ địa, Thần hoàng:
- Các ngươi đã được giao trọng trách bảo vệ giang sơn, đem an vui và hạnh phúc cho lê dân. Cớ sao toa rập cùng lũ bạo tàn, tham quan ô lại đày đọa bá tánh, cơm không đủ ăn, nhà không có ở, lạc ngõ trôi sông, đầu đường xó chợ?
  Kể từ đó, hằng đêm có những thây người trong trang phục quyền quý, sang trọng chết “bất đắc kỳ tử”, bộ đồ lòng bị mất tim gan, riêng bộ óc được phơi bày cùng lúc nhúc giòi bọ.
  Người ta kết tội M Kaly chính là “ma lai”.
  Đám tham quan ô lại, đầu trâu mặt ngựa lẫn cô hồn các đảng ăn ngủ không yên. Trong tâm tưởng của chúng không hề có Phật, có Chúa thậm chí cũng chẳng có ông Trời, nhưng chúng sùng bái “Đa thần giáo” đến mức lú lẫn mê muội, cả lũ xúm lại “cầu cơ” mong tìm lối thoát.
Chúng cho người tìm những mảnh ván thiêng khắc làm con cơ, khoét lổ tròn để ngón tay vào. Bàn cầu cơ đầy đủ chữ cái và các con số từ 0 đến 9, hai bên viết tên Ma, Quỷ, Thánh, Thần…
   Đêm thanh vắng giữa nghĩa trang thành phố, trên nền đá hoa cương của ngôi mộ nguy nga như lăng tẩm vua chúa thời xưa, khói hương nghi ngút vờn quanh mâm cao cỗ đầy. Những gương mặt đờ đẩn, mê muội như thủ lợn béo ụ thi nhau lạy như tế sao. Ngón tay trỏ theo con “cơ” chạy vòng quanh rồi dừng lại chữ "Thần".
  Bỗng con cơ dựng đứng đưa mũi nhọn lên trời, đồng thời từ phía sau cây lộc vừng cành lá xum xuê, tắc kè chậm rãi tắc lưỡi kêu buồn thảm trong đêm khuya tich mịch, cả lũ giật mình ngơ ngác nhìn nhau. Tiếng sấm ì ùng của cơn mưa giông kèm theo ánh chớp sáng lòa, hiển hiện rõ bóng đen to lớn, khuôn mặt phương phi với chòm râu bạc quắc thước giống như thần Tản Viên trong “Tứ bất tử”(*) cất tiếng cười ha hả khiến cả bọn vắt giò lên cổ bỏ chạy, tên nào cũng thần hồn nát thần tính.
  Sự việc xảy ra không làm cho bọn chúng từ bỏ thói gian manh, chúng khẳng định do lễ vật cống nạp không tương xứng nên bị thần quở trách. Chúng toa rập bày mưu tính kế vơ vét thượng vàng hạ cám trong bá tánh, bày trai đàn cúng tế linh đình cầu xin các linh thần đồng tình chiếu cố.
  M Kaly cùng đám “ma trơi” bay là là trên cánh đồng hoang hóa, ánh sáng xanh lè chập chờn lúc ẩn lúc hiện, tiếng hú thê lương từ những hồn ma nghèo đói bị trấn áp, cướp bóc, bóp hầu bóp họng như khúc nhạc bi ai tiễn chân đoàn quân “ma da, ma trơi, ma le, ma cà rồng…” tiến công dẹp lũ tham tàn.
  M Kaly nhìn thằng mặt rỗ - hình như thủ lĩnh, mắt lương ti hí, hai chiếc cằm bạnh ra rõ tướng võ biền. M Kaly lắc đầu, dòng máu ứ phụt ra như cầu vồng bám theo gan ruột lòng thòng, mái tóc đen huyền của nàng phất phơ trong gió, lượn lờ và nhấp nhô như làn sóng, tỏa ánh sáng xanh biếc hòa cùng đoàn âm binh lần lượt moi gan.
  Bình minh chói lòa ngoài biển khơi, dát màu hồng  tươi trên ngàn cây nội cỏ. Thằng mặt rỗ cùng đám tùy tùng nằm phơi thây trắng phéo, kéo vệt dài trên đất màu nâu xạm của máu khô, xen lẫn những nụ hoa đỏ thắm của cội lộc vừng già.
..........
  Lũ ma mới đồng bọn của thằng mặt rỗ ngơ ngác và bỗng rụt rè khi đột nhiên sang cảnh giới khác. Lạ lùng thay, những hồn ma đã từng là nạn nhân của chúng không hề tỏ ý trả thù, họ khoan dung nhìn hồn phách của chúng đang ngỡ ngàng khúm núm và hèn nhát không còn phong độ, mất hết dáng vẻ oai phong lẫm liệt như khi còn sống. Những lâu đài tráng lệ, vàng bạc tiền tài, vinh hoa phú quý do cướp đoạt mà có, bây giờ đối với chúng là ảo ảnh. Bọn chúng tiếc nuối lẫn căm hờn khi nhìn bọn đồng liêu đang còn tại vị trên dương thế hoan hỉ thừa hưởng gia tài của chúng đã tích cóp một đời. Thậm chí lão Thổ địa già còn cản ngăn xua đuổi không cho vào ngôi biệt thự sang trọng còn mang tên bọn chúng là gia chủ.  
   “Cộng đồng ma” không tàn sát đồng loại, nước dòng sông Mê chỉ làm thức tỉnh những hồn ma đã một thời lầm lỗi, nhưng đôi bờ không hề có bến lú, sống chung hòa bình chỉ có ở thế giới ma. Nên những đêm về sáng, hồn ma “tinh anh” đã giác ngộ về báo mộng và  truyền đạt chân lý với dương gian:”Tiền tài như phấn thổ, nghĩa nặng tợ thiên kim”! 
Nguyễn Châu 
(*)Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đó là Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.
• Tản Viên Sơn Thánh, hay Sơn Tinh, là vị thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi nước Việt Nam. Tản Viên tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
• Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ.
• Chử Đồng Tử, còn được gọi là Chử Đạo Tổ, tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có.
• Liễu Hạnh công chúa, hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, phúc đức, sự thịnh vượng, văn thơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...