Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

GIỌT NẮNG TRONG SƯƠNG : 001 - 053

BÈO GIẠT MÂY TRÔI

 

    Hùng "gấu" lừ đừ cộc cằn, to con vạm vỡ, đi lại hai tay khuỳnh khuỳnh, lưng khòm khòm như con gấu, cặp mắt lộ tròng trắng trợn trừng.

    Chỉ riêng Diễm có uy với Hùng "gấu", sai gì làm nấy. Đi học về Hùng "gấu" gò lưng trên chiếc xe đạp giàn ngang không gac-đờ-bu, không phanh, chậm rãi theo sau đưa Diễm về tận nhà như "garde corps".

    Vậy mà Diễm coi nó như thằng gù dị dạng Quasimodo trong tiểu thuyết "Nhà thờ Đức Bà Paris" của Victor Hugo, Diễm tránh né nhưng Hùng "gấu" vẫn lừ đừ đưa cặp mắt cú vọ quan sát từ xa.

Thậm chí có lần thầy Hai giám thị quở phạt Diễm vì đi học trễ, Hùng "gấu" đứng ngoài cửa sổ văn phòng gờm gờm nhìn thầy như sẵn sàng nhảy xổ vào...

Thi tú tài hỏng, đến tuổi bị động viên, cha nó chạy chọt cho làm lính "văn phòng" để khỏi đi tác chiến.

    Nhìn tướng nó trong bộ treilli không ra làm sao. Tan trường, đã thấy nó ngồi trên chiếc xe SS67 ngoài cổng chờ Diễm.

    Diễm kéo theo đám bạn gái đứng bao quanh thằng Hùng, phang một câu nghe rụng rời:

    - Đúng lý ra, làm trai thời chiến phải hiên ngang ra sa trường, thỏa chí nam nhi. Ai đời tướng tá như ông lại làm lính... kiểng. Ông làm nhục cái tên "Hùng... gấu" quá đi!

    Lần đầu tiên trong đời nó gục mặt xấu hổ trước bạn bè. Bà mẹ, ai đời đi dợt le với con gái mà khoe bộ dạng chẳng ra gì...

    Sau đó không lâu, Hùng "gấu" xuất hiện với bộ đồ rằn ri "Thủy quân lục chiến", mũ bê-rê xanh lẫm liệt oai hùng. Hình như ai tên Hùng cũng có cái gì đó "khác người" thì phải?

    Biết bao trai tráng đã xông vào hòn tên mũi đạn bảo vệ non sông, không lên đường cũng bị bắt phải lên đường. Cái thời nó thế! Biết bao người...

    Vậy mà trong bộ chiến y oai hùng, nó cũng làm lính... cậu.

    Bạn bè cùng lứa rơi rớt dần, đến ngày thi đại học chỉ còn mười mấy mống. Tú tài toàn, Diễm đỗ hạng ưu, được đi du học ở Nhật.

.....

    Lịch sử sang trang, cha Hùng "gấu" chết trong tù, gia đình nó xuống dốc thê thảm hơn những người đồng cảnh ngộ. Nó đưa mẹ và hai em về quê nội miệt Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (nay Tiền Giang)

    Thời bỉ cực sau chiến tranh, sự đói nghèo khiến tướng võ biền cục mịch của Hùng thích nghi với ruộng vườn, cày sâu cuốc bẩm để tìm cái ăn.

   Tiếng lòng của Hùng không có nghệ thuật đãi bôi, nó bàng bạc mông lung chỉ gieo vào thinh không những nỗi buồn khắc khoải, khác xa con gà rừng khoe mẽ, con công đực rùng mình xòe lông đuôi rực rỡ. Tiếng lòng của Hùng tự ngân, thổn thức, có lúc con tim nó bị bóp nghẹn vài giây khi nó nghĩ, nhớ về mái tóc buông lơi, tà áo trắng thướt tha bay bay theo cơn gió vô tình lướt qua của Diễm.

    Cuộc sống đã đẩy đưa Hùng sang hoàn cảnh khác, chữ "gấu" đúng nghĩa đen trong xã hội mà từng cá nhân, gia đình bị phân biệt "chính, tà".

    Với sức vóc và dáng đi như đười ươi, đôi mắt trắng dã nhưng cách hành xử tử tế đã khiến anh em bốc vác ở bến xe Mỹ Tho ngưỡng mộ, đồng lòng tôn Hùng làm "xếp".

    Hùng "gấu" tìm về Saigon, căn nhà của gia đình Diễm đã sang tay người khác, khu vườn hoa xinh tươi ngày trước đã lụi tàn, thay vào đó những vồng khoai lang, rau dền, rau muống...

Giàn bông giấy trước cổng chỉ còn trơ gốc xù xì, lưa thưa vài ba đọt non vừa nhú, đang cố vươn mình.

    Hùng "gấu" quày quả ra bến xe Chợ Lớn, tình cờ gặp Lân - bạn cùng lớp, đi "cải tạo" mới về rao bán mũ, lại là mũ tai bèo. Lân ôm vai Hùng "gấu" hỏi đủ thứ chuyện, Hùng định hỏi thăm Diễm nhưng nghĩ sao lại thôi.

    Lân tặng Hùng chiếc mũ rộng vành may bằng vải dù, màu rằn ri khiến Hùng chợt nhớ cái thời làm lính... kiểng, dù cùng binh chủng nhưng Lân là lính tác chiến.

    Lân thở dài:

    - Dù kiểng hay thiệt, tao với mày cùng một lũ trời đày. Tao định tìm đường đi...

    - Đi đâu ?

    Câu hỏi ngô nghê của Hùng khiến Lân cụt hứng.

    Giã từ bạn ra về, Hùng miên man nghĩ đến những lời của Lân...

    Sau đó không lâu, Hùng vượt biên. Những ngày đầu được định cư ở Mỹ, người được nó nghĩ đến là Diễm...

.......

    Cuối năm 1974 Diễm tốt nghiệp, về làm việc tại nhà máy dệt Vinatexco, Diễm được "lưu dung". Sau cải tạo "công thương nghiệp" nhà máy dệt bị quốc hữu hóa thành nhà máy dệt Thắng Lợi, Diễm cùng gia đình đi kinh tế

mới...

    Dù nữ nhi nhưng tính tình Diễm ngang ngạnh, ngay thẳng. Nàng lao vào cánh rừng bạt ngàn, cùng những người đồng cảnh ngộ phát hoang làm rẫy, những thân gỗ xanh tươi chỉ còn trơ lại gốc đen sì, cháy nham nhở.

    Sau cơn mưa đầu mùa, cỏ cây vươn lên như tấm thảm xanh non trên nền đất đỏ, gieo vào lòng Diễm nghị lực sống mạnh mẽ. Nhưng gia đình nàng không thể thích nghi với môi trường sống mới, nàng tìm cách quay về thành phố.

……

    Tôi quen nàng trong một lần đi "công ích”. Chiếc cuốc của nàng vụng về băm vào bàn chân tôi tóe máu. Nhìn nàng trắng bệch lo sợ, quýnh quíu ôm mặt ngồi khóc. Tôi an ủi nàng rồi lấy thuốc rê đắp vết thương.

    Tôi nhìn nàng, mồ hôi thấm sau lưng áo như rễ cây ngoằn ngoèo. Tôi vấn điếu thuốc bằng giấy báo to đùng, bật lửa phả ra làn khói khét lẹt. Có lẽ thấy bộ dạng tôi kỳ quái, nàng nhe răng cười trong nước mắt.

    Tôi không biết nàng từ đâu đến, nàng "trang điểm' kiểu gì lạ quá, khuôn mặt của nàng loang lổ vết đen nám dưới chiếc mũ vải màu trắng đã cũ, tương phản kỳ cục.

    Nàng ngước mắt nhìn tôi. Ôi! đôi mắt đẹp, sâu thăm thẳm khiến tôi buông lời khi tâm hồn đang ngớ ngẩn:

    - Đi qua bên kia...

    Nàng lẳng lặng lui gót, tôi nhìn theo ái ngại. Thật ra, tôi vừa nhìn thấy thùng nước uống trên bờ đê và cũng sắp đến giờ nghỉ "giải lao". Tôi đã dùng ngôn ngữ vụng về khi lòng đang bối rối...

    Tôi định chạy theo, nhưng nhìn lại cách ăn mặc của mình, bê bối quá...

    Từ hôm đó, tôi dõi mắt tìm trong đám đông chiếc mũ trắng của nàng. Như mặc định, trước giờ lao động, sáng nào cũng nơi ấy, dưới gốc cây phượng già có nàng đứng đó.

    Dù chưa tỏ bày hay tâm sự điều gì, nhưng linh tính cho tôi hay: Nàng cũng đang dõi mắt tìm tôi.

    Mùi mồ hôi tôi chua lè nhưng mùi con gái từ nàng như hương hoa kỳ diệu. Lúc giao thời, cộng đồng không giai cấp, hòa điệu cùng khốn khó, lầm than.

Ngồi bên cầu nhìn dề lục bình trôi, không biết nước lớn hay ròng. Đừng quay lại, cố quên đi quá khứ. Tôi và nàng đang chờ vầng dương sẽ nhô dần lên chói lọi, ngóng chờ ánh bình minh rạng rỡ.

    Dành dụm được chút vốn liếng, tôi buôn thuốc tây ở chợ trời Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định. Những gói quà từ chân trời xa xôi gởi về cho người thân chủ yếu là thuốc tây.

    Ngày ấy, thuốc tây là xa xí phẩm, từng Viên Aspirin, lọ Penicillin, streptomycin… là thần dược, không có thuốc giả như bây giờ. Các loại thuốc đặc trị mắc hơn vàng.

    Đầu thập niên 80s, tôi đã tìm được chỗ làm "gia sư"(précepteur) nhưng vẫn mua đi bán lại thuốc tây. Tôi hy vọng khi gặp lại, sẽ hướng dẫn nàng theo nghề buôn lậu của tôi.

    Tôi thầm trách mình đã đánh mất cơ hội khi không hỏi rõ địa chỉ của nàng. Có lần loáng thoáng nghe nàng nói cư xá Đô Thành...

    Tôi hăm hở đạp xe đi tìm nàng, đến gốc cây phượng nàng thường ngồi nhưng không thấy chiếc mũ trắng và bóng dáng nàng đâu, tôi quay xe hướng về cư xá, nhưng bây giờ vật đổi sao dời, đa số cửa đóng then cài, tôi cũng không biết tên ba mẹ nàng là ai để hỏi.

    Đang chán nản, bỗng tôi nghe tiếng ai gọi:

    - Hiền... Hiền "sữa"!

    Chỉ có "thằng" nào cùng khóa ở quân trường NT. mới gọi tôi với biệt danh này vì tuổi tôi nhỏ nhất khóa, "trốn cha trốn mẹ" đi lính kia mà.

Đang ngơ ngác, Hảo "solo" chạy tới vỗ vai tôi đau điếng. Gọi Hảo "solo" vì nó chơi trong ban nhạc "Nam Dương" ở Nha Trang. Tôi quá mừng khi gặp lại cố nhân, biết đâu thông qua Hảo tôi biết tin tức của nàng.

    - Sao mầy vẫn còn "được" ở đây à?

    Hảo vén ống quần vỗ vỗ vào đùi chân phải:

    - Tao còn cây "bạch kim" (platin) trong này, đang tìm mối bán.

    Tôi chợt nhớ đến chuyện của B. Chuyến hành quân cuối cùng trước khi được nghỉ phép về cưới vợ, Hảo và B. gặp nhau trên sông Saigon, gần cầu Phú Cường, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Hai chiếc chiến đỉnh vừa cặp nhau bị vướng thủy lôi, B. tử thương chìm theo giang tốc đỉnh PBR (Patrol Boat River). Vậy là:"Đám cưới tang thương cử nhạc quân hành". Hảo bị gãy giò.

    Hảo "solo" tâm sự:

    - Tao có ông bác tập kết về làm to, gia đình tao đã có công "kinh tài cho cách mạng"... Bên ly cafe nghe điệu nhạc "hùng hồn" mà lòng tôi tê tái.

    - Mầy ở đây có biết nhà Diễm không?      

    Tao nghe nói Diễm học trường TB...

    - À, ông già nó làm ở Bộ TTM, Trung tá... tên gì tao không rõ.

    Tôi chồm lên, hỏi như điên:

    - Nhà nào? Số mấy? Khu nào...?

    Hảo chỉ tay vào căn nhà đối diện sơn màu xanh nhạt, có giàn hoa giấy trắng pha hồng...

    - Đi kinh tế mới rồi, Bù Đăng Bù Đốp...

    Hảo trả lời bằng giọng chừng như vô cảm, tôi chán nản nốc cạn ly cafe đen mà nghe mặn chát.

    Tà tà đạp xe dọc theo đường Nguyễn Đình Chiểu vắng ngắt, cổng chợ Bàn Cờ bày la liệt đủ loại hàng như chợ trời...

    Cơn gió chiều cuốn lá vàng bay dọc hè phố nghe xào xạc buồn hiu...

    Tôi vất tàn thuốc Vàm Cỏ qua song sắt bị dội ngược, dù khoảng không rộng hơn hàng song nhiều lần, tôi lượm lên nhắm mắt vất đi lại lọt ra đường. Vậy mà... khung trời ngoài kia, nơi nào yên bình dành cho gia đình nàng và các thân phận đồng cảnh ngộ?

    Chiếc cyclo ủi mạnh vào sau xe đạp, tôi bóp phanh cùng hai chân ghì trên mặt đường. Tên đạp xyclo đã không xin lỗi lại còn kèm theo tiếng cười ngạo nghễ:

    - Hiền "sữa", mầy nhớ tao không? Tao là... đao phủ thủ!

    Quay nhìn khuôn mặt, tôi lật đật đưa tay theo phản xạ chào "niên trưởng". Hưng khóa "đệ nhị Nhân Mã", đàn anh tôi. Trong quân trường Hưng "quay" đàn em bá thở, nghe danh Hưng "đao phủ thủ" là đàn em chết rét.

    Hưng kéo tôi ngồi lên cyclo, ôm chiếc xe đạp vào lòng. Tôi ngồi lắng nghe Hưng nhắc chuyện ngày xưa kèm tiếng thở phì phò khi lên dốc cầu chữ Y.

    - Nhà tao ở Hưng Phú, gần lò heo Chánh Hưng...

    Sau ngày cải tạo về, Hưng sống với mẹ. Mẹ Hưng vồn vã:

    - Bạn Hưng hả, ngồi đây con...

    Tôi kể Hưng nghe cuộc sống của mình, không quên nhắc đến Diễm...

    Bỗng Hưng chồm lên:

    - Diễm nào? Diễm cư xá Đô Thành à? Sao mầy biết?

    - Gặp nhau tình cờ thôi, bây giờ không biết ở đâu!

    Hưng nhìn mẹ, tôi ngạc nhiên thấy bà lấy ống tay áo chặm nước mắt...

    Hưng cũng ngậm ngùi nói nhỏ:

    - Nó là em họ tao! Ba nó, em ruột mẹ tao. Tao kêu bằng cậu... Cha nó bị cải tạo, đưa ra ngoài Bắc không biết sống chết ra sao. Từ kinh tế mới, mẹ con Diễm dắt díu nhau về thành phố. Nhà đã bị niêm phong…

    Hèn chi khi gặp tôi, nàng đã cố tình để khuôn mặt lọ lem, che đi dung nhan của cô tiểu thư khuê các ngày nào.

    Hưng kể:

    - Trước đây mẹ con Diễm dọn về ở chung với gia đình tao gần một năm, sau đó thuê nhà gần chợ Hòa Hưng. Mẹ Diễm bán thuốc lá lẽ, Diễm chạy chợ trời mua đi bán lại đủ thứ "hầm bà lằng"...

    Tôi mừng thầm tình cờ đã tìm ra manh mối.

    Hưng tế nhị:

    - Ngon, mầy chở tao qua bển, tao chỉ cho!

    Tôi đèo Hưng sau xe đạp, ì ạch thồ tướng tá to con béo ị của Hưng nhưng không cảm thấy nặng nhọc chút nào.

Qua bùng binh rẽ vào đường Lê Văn Duyệt (CMT8), Hưng rà chân mắt nhìn dáo dác hai bên đường, có lẽ tìm tủ thuốc lá của mẹ Diễm.

    Hưng hướng dẫn tôi quẹo vào cống Bà Xếp, nơi ngày xưa tôi từ miền Trung vào ở trọ đi học. Vùng đất vang danh một thời với nhiều huyền thoại anh hùng hảo hớn không thua gì Khánh Hội, Q.4

    Căn nhà trong hẻm Nguyễn Thông nối dài của mẹ con Diễm khóa cửa. Bao nhiêu háo hức trong tôi xì hơi như bong bóng, bây giờ mới cảm thấy mồ hôi ướt đẫm chiếc áo tôi đang mặc.

    Hưng châm điếu thuốc Dalat, ngửa cổ hít hơi dài, phả khói mù mịt, kéo tôi ngồi dựa vào gốc cây trứng cá trước cổng.

    Ánh nắng gay gắt sau trưa, cây im hơi lặng ngắt, không gió.

    Tôi thở dài, tự an ủi mình dù sao cũng đã biết nơi mẹ con nàng ở.

    Tôi kéo Hưng vào quán cháo lòng đầu hẻm, cố ý ngồi chờ bóng dáng Diễm. Đĩa lòng non kèm bia Chương Dương khiến gợi mở bao nhiêu kỷ niệm xa xưa...

    Hưng gật gù:

    - Tao còn mẹ già, mấy lần người ta nhờ làm tài công nhưng đành chối từ. Tao khuyên con Diễm ghép vào thằng ngoại quốc nào bất kể trắng, đen, Phi, Mẽo, Chà Và... để ra đi. Học hành giỏi như nó ở nước ngoài có đất dụng võ nhưng còn hai đứa em nhỏ xíu, mợ tao không quen tảo tần...

    Tôi ngậm ngùi nhìn lại thân phận mình đang ở nhờ nhà bà con, nhưng dù sao tôi cũng là đàn ông.

    Tiếng xe đạp rít phanh quẹo vào đầu hẻm, Diễm hiện ra trong chiếc áo treilli dài tay, mồ hôi ướt đẫm lưng nàng. Tôi đứng bật dậy gọi ơi ới chạy theo nàng quên cả tính tiền chầu nhậu.

    Nhìn căn nhà thuê tuềnh toàng, mái tole hắt hơi nóng ngột ngạt của mẹ con Diễm lòng tôi dâng lên niềm thương cảm.

    Từ ngày ấy, Diễm theo tôi học nghề buôn... lậu.

    Hưng cùng chiếc xích lô hợp tác hành nghề. Một lần tìm được mối thuốc tây ngon, chúng tôi hùn hết vốn, quyết chơi canh bạc lớn. Dưới đáy chỗ ngồi của xe xích lô, Hưng đã "cải tiến" thêm chỗ chứa hàng. Những loại thuốc trị tim mạch, lao phổi, sốt rét, viêm gan của nước ngoài thời đó rất hiếm và đắt.

    Hưng khòm lưng đạp xe cyclo chở "hàng" và Diễm, tôi đi sau đẩy phụ qua dốc cầu Kiệu, mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Bỗng tiếng tu huýt của quản lý thị trường đầu chợ Phú Nhuận vang lên như tiếng sét, Diễm ôm bụng kêu la, nàng hóa trang thành người đàn bà chuyển bụng sắp sinh thần kỳ lúc nào không rõ, đã cứu chúng tôi thoát khỏi sạt nghiệp.

    Hưng chịu trách nhiệm về cuộc sống của mẹ con Diễm, đưa gia đình nàng về sống chung với mẹ mình. Lâu nay giành dụm được hơn hai cây vàng, tôi và Diễm quyết định để lại cho mẹ nàng. Chúng tôi ra đi khi tôi được mời làm tài công.

    Trưa Noel năm ấy lại có mưa, có lẽ cơn mưa cuối mùa. Diễm co ro nép mình dưới chân cầu Hiệp Ân, quận 8 chờ lên "taxi", chiếc ghe nhỏ có mái cót uốn cong cùng tay chèo là người đàn ông trung niên đen đúa. Tôi đưa tay sờ vào giỏ lát có chiếc hải bàn PCF, kính nhô tròn như quả trứng đại bàng rồi giao cho Diễm ôm vào lòng. Khởi hành từ lúc sau trưa, đến Rừng Sác trời đã vào đêm, ánh trăng non phản chiếu loang loáng ánh bạc theo chiếc dầm khua trên mặt nước sông Saigon. Anh chèo ghe đưa chúng tôi ẩn vào con rạch nhỏ, chờ tín hiệu đèn từ con cá lớn. Tiếng côn trùng nỉ non trong khu rừng ngập mặn mênh mông gieo vào lòng tôi nỗi buồn khó tả. Từ xa vẳng lại tiếng súng nổ giòn, đã quá giờ G. Tàu phải ra khỏi cửa Cần Giờ trước khi thủy triều lên, nhưng không gian im lìm vắng ngắt. Tôi biết ra đi không thành nên năn nỉ anh chủ ghe chèo ngược lại đưa chúng tôi về, hứa tặng anh chỉ vàng đang đeo trên tay. Đến bến phà Bình Khánh, trời đã sáng tỏ, tìm đường ra bến xe lam, tôi dắt tay Diễm ôm giỏ lát như đôi vợ chồng đi chợ sớm.

    Cả nhà Hưng ngỡ ngàng khi nhìn thấy chúng tôi, mẹ và hai em ôm Diễm khóc òa.

    Khoảng giữa thập niên 80s, tôi và Diễm đã quá ba mươi, "tam thập nhi lập" nhưng hai đứa vẫn trắng tay.

    Những lần bên nhau, Diễm hồn nhiên kể về những kỷ niệm thân thương thời đi học, những Hùng "gấu", Thiên Hương, thầy cô dưới mái trường yêu dấu... nhưng chúng tôi chưa hề bàn đến chuyện lứa đôi.

    Tôi mua lại xe máy cũ Suzuki chạy xe ôm, chiếc mũ rộng vành che mặt, tôi hé nhìn khung trời bao la chờ khách.

    Chuyến đi Lái Thiêu tôi bị tai nạn giao thông gãy chân và tổn thương hạ bộ. Hơn hai tháng trong bệnh viện, Diễm chăm sóc tôi ân cần, chu đáo như người vợ hiền. Ngày ra viện Hưng chở tôi về nhà anh an dưỡng, khi tôi đã đi đứng lại bình thường, mọi người trong nhà vui mừng chúc tôi tai qua nạn khỏi nhưng chỉ riêng tôi gặm nhấm nỗi u uất đời mình, tai nạn khiến tôi mất khả năng làm đàn ông.

    Tôi để lại cho mẹ con Diễm phân nửa số tiền được chủ xe tải đền bù, tôi âm thầm giã từ, không báo cho ai biết tôi đi đâu, kể cả Diễm.

    Tên chuyến xe khách về quê sau bao năm xa cách nhưng không còn ai thân thích, lòng tôi bồi hồi ngần ngại. Anh Ngân, người đồng hành lân la trò chuyện, gợi ý cùng theo anh lên khai thác gỗ rừng Daklak.

    Rừng Tây Nguyên bạt ngàn, những cây gỗ dầu thẳng tắp ứa nhựa hăng hắc, gỏ đỏ, dỗi, pơ mu… ở vùng sâu Cư San, huyện M’Đrắk đã lôi cuốn, hấp dẫn tính lang bạt kỳ hồ và tôi cũng muốn tìm quên nỗi bất hạnh đời mình.

    Trong chuyến áp tải gỗ về giao cho khách hàng tại Tiền Giang, ông chủ vựa gỗ SL. dáng người cục mịch nhưng tử tế ân cần đãi khách.

    Nghe nói ông từ nước ngoài về, đang đầu tư nhà máy làm hàng gỗ xuất khẩu. Gọi ông Hùng nhưng chỉ trạc tuổi tôi. Trực giác khiến tôi nhớ lại nhiều lần Diễm kể chuyện Hùng "gấu" khi còn đi học. Trước khi về lại Đaklak, Hùng mời tôi nhậu, trong lúc trò chuyện tôi cố ý dẫn dắt đến những kỷ niệm thời còn đi học...

    Đôi mắt Hùng mơ màng nhìn ra khu vườn sầu riêng đang mùa ra bông thơm ngát.

    Giọng anh trầm xuống, như nói với chính mình:

    - Tôi say mê cô bạn gái cùng lớp đến nỗi chểnh mảng học hành, thi rớt lên rớt xuống. Ngày ấy mình khờ khạo nhút nhát... nên đã mất nàng.

    Như phản xạ, tôi bật lên tên: “Diễm...”.

    Hùng trố mắt ngạc nhiên nhìn tôi, rồi chồm lên:

    - Sao anh biết?

    Tôi kể cho Hùng nghe về hoàn cảnh, cuộc sống của gia đình Diễm khi tôi còn ở Saigon.

    Tôi thật lòng và cũng đầy mâu thuẩn khi muốn Hùng được gặp lại người xưa, một thời khiến anh điêu đứng trong tình yêu đơn phương nhưng đồng thời mong cho Diễm có cuộc sống tốt đẹp hơn những ngày tôi còn ở bên nàng.

    Không lâu sau ngày Hùng gặp lại Diễm, nàng lặn lội lên Daklak, vào tận lâm trường tìm tôi. Nhưng tôi lánh mặt.

Ngồi nhìn giòng nước róc rách len theo khe đá nhỏ sau cơn mưa, lòng tôi cuộn lên đau đớn. Nàng có hiểu được lòng tôi?

    Khi viết những dòng chữ này, gia đình Hùng – Diễm đã định cư ở Hoa Kỳ, nàng cố gắng học thêm và rất thành đạt nơi chân trời mới.

 

THẰNG CU LỚN

    Bà nội ngóng chờ ngày nó ra đời. Ngày thôi nôi, cả nhà lom lom nhìn nó thích gì trên mâm đủ thứ đồ lỉnh kỉnh, cha nó vội rút cây viết trên túi áo dứ dứ rồi đặt trước mặt nó, nó chồm lên chộp vào bình vôi ăn trầu của bà nội. Cha nó lắc đầu:

    - Cái thằng...

    Bà nội lấy tay quệt vết trầu ứa trên khóe miệng, cười hỉ hả nâng nhẹ bìu dái nó, rồi phán một câu xanh rờn:

    - Đặt tên hắn là Cu Lớn!

    Cả nhà cười vang, ông nội chép miệng:

    - Thằng ni sau này làm quan to. Đâu có đứa nào dám "chụp" ông bình vôi. Đích tôn của ông có khác… !

    Mẹ nó hích cùi chỏ vào hông cha nó thì thầm:

    - Sao là Cu… lớn ?

    Bà nội thính tai nghe được, liếc xéo con dâu:

    - Mi chỉ đẻ có một thằng thôi à? Nhà tao ba đời "nam đa nữ thiểu", còn thằng Cu em, Cu tam, Cu tứ… mi hiểu không hả?

    Ông nội nhìn xa xôi ra ngoài đồng, tay vấn điếu thuốc lá miệng buông từng lời rành rọt:

- Tam nam bất phú, bốn thằng là tứ quý. Lão Chánh Môn có bốn thằng con đều đỗ đại khoa.

    Nhưng cha mẹ nó học xong tiểu học thì nghỉ, nó lớn như thổi, được cái ít nói nhưng lì số một. Bà nội cưng như cưng trứng, bất kể ai nói đụng đến nó là bà chửi tắt bếp, riết rồi nó muốn gì được nấy. Đến tuổi đi học, cha nó lật tung tủ thờ tìm giấy khai sinh, không thấy, chỉ mẹ nó nhớ tên: Nguyễn Văn Đại. Tên này do ông nội tra trong phổ hệ, không sợ kỵ húy mới đặt cho. Bà nội nhổ bã trầu, nói lớn:

    - Khai sinh dưới đáy lư hương. Tao cất ở đó để ông bà phù hộ cho nó!

    Nghe được đi học nó mừng rơn, lon ton theo cha lên trường. Cha nó về, ngồi chưa nóng đít đã thấy nó, quần áo lấm lem, nước mắt nước mũi tèm lem. Nó gào lên:

    - Đ. má nhớ bà nội quá!

    Khỏi phải nói, bà nội xúc động cũng khóc, ôm nó vào lòng vỗ về an ủi:

    - Thôi ! Ở nhà với nội. Tổ tiên sư cha hắn chớ học với hành!

    Lớn hơn chút nữa, đích thân bà nội đưa đón. Cô giáo nói nó chểnh mảng, không chăm chỉ học hành, cứ dòm ra ngoài bụi tre, nơi có bà nội ngồi thong thả nhai trầu chờ nó.

    Nó có biệt tài bẫy chim, đặc biệt thích chào mào. Miệng nó ngậm chiếc lá tre buông ra tiếng hót véo von như chim gọi bạn tình, những cánh chim chào mào chao liệng đáp xuống cây khế trước nhà, nghiêng đầu hòa điệu. Mỗi lần cha nó phùng mang trợn mắt quát tháo những trò nghịch ngợm, nó ngước nhìn rồi thản nhiên như không. Chắc nó nhập tâm lời bà nội:

    - Không được la rầy con trẻ ! Nó biết cứt gì.

    Trong nhà, nó không tin ai ngoài bà nội. Thậm chí cha nó hứa mua áo quần cho năm học mới, lớp năm rồi. Nó quay sang hỏi bà nội, nói trổng:

    - Ổng nói mà có hay không?

    Nó không chấp nhận những cái gì khác với tầm nhìn và hiểu biết của nó. Không có ai tốt trên đời này kể cả cha mẹ nó, ngoại trừ bà nội.

    Đôi mắt rậm mi và hàng lông mày như sâu róm của nó nhìn ai cứ như kẻ thù. Trong dòng họ, ít ai có thiện cảm với thằng cháu đích tôn của ông bà Sửu.

    Đặc biệt nó thương con trâu vì bà nội nó tuổi trâu, từ ngày nó có chút hiểu biết thấy ai trong nhà cũng sung sướng, chỉ có bà nội cực thân vì nó.

    Ráng bò lên lớp tám nó bỏ học, xin tiền bà nội mua trăm vịt con về nuôi. Đàn vịt lông tơ vàng như bông cải, tung tăng tíu tít con nào cũng giống con nào, nhưng nó cưng nhất là con vịt què nhảy từng bước xiêu vẹo ngộ nghĩnh. Nó ôm vịt con vào lòng đặt vào chiếc thau nhôm méo mó rồi đổ nước vào cho vịt bơi, vì nó nghĩ vịt con sẽ không còn đau đớn.

    Nhưng vịt con mắc dịch cứ muốn nhảy ra theo bầy đàn, bắt vào rồi lại nhảy ra. Nó điên lên chửi vịt què ỏm tỏi:

    - Đồ ngu, tụi nó giành ăn hết phần mày, có đứa nào quan tâm đến mầy mà mày theo...

.......

 

    Cũng năm con trâu, bà nội nó quy tiên, tròn trịa một "lục thập hoa giáp". Cha nó định giết heo làm đám, nó vác heo thả lại vào chuồng. Hỏi, nó lầm lì không nói. Mẹ nó khóc than:

    - Nghĩa tử là nghĩa tận con ơi! Phải cho tròn đạo hiếu! Chớ để hàng xóm chê cười.

    Nó lẳng lặng xuống bếp nấu nồi cháo lươn, lươn đồng bắt được do nó đặt ống trúm ở tận cánh đồng ven sông Cổ Cò. Nó lầm bầm:

    - Sống không có ăn, chết làm đám rình rang đãi ruồi!

    Ông nội nó đã già lụ khụ, ngồi nhìn đám con cháu lăn xăn, khăn tang quấn khéo quanh đầu nhưng mắt ráo hoảnh, riêng chỉ mình nó ra sau nhà ngồi khóc thút thít.

Trước khi mấy ông thầy tu tụng kinh gõ mõ cúng cầu siêu cho bà nó, nó bưng tô cháo lươn nóng hổi thổi phù phù đút từng muỗng cho ông nội ăn. Miệng ông móm mém, mắt nhìn vô hồn vào đám đông bà con đến phúng điếu.

    Bất cứ già trẻ lớn nhỏ, nó thấy có điều gì sai theo quan niệm "đạo đức" của nó, nó không kiêng dè, nói thẳng thừng, lý luận như ông cụ non:

    - Đừng có nói "xã hội nó rứa" (vậy) mà làm càn. A dua theo đám đông tầm bậy. Mình phải là mình chớ! Những hủ tục lạc hậu phải bỏ, già đầu sao chưa đủ lớn?

    Ai nghe qua cũng tức cành hông nhưng không nói gì được.

    Sau ngày ông nội mất, nó bỏ vào Nam. Nơi đô hội phồn hoa khiến nó lóa mắt, nhưng tình người thờ ơ không vồn vã thân thiện như làng quê nghèo của nó. Những đôi mắt nhìn nó cảnh giác, người giàu sang thì "phong thái đỉnh đạt' ai nhìn cũng e dè kiêng nể, lại coi thường cái 'cốt cách hai lúa" chân chất, thật thà của nó! Người thành phố đi như chạy, hối hả giành giật nhau từng miếng cơm, manh áo khác xa tình làng nghĩa xóm quê nhà.

    Với nó, không có gì đáng để học ở nơi này, ra đường gặp nhiều cảnh bặm trợn, đầu trâu mặt ngựa không biết nhường nhịn, lừa đảo gian manh.

    Hắn bỏ về. Lão Khang 'giang hồ" nói nó đến không đúng chỗ. Giới thượng lưu người ta hào sảng sẳn sàng ra tay tế độ bố thí khắp nơi, hay như giới "trí thức" họ ăn nói hòa nhã, lịch sư...

    Nó trừng mắt đốp chát:

    - Thiếu gì '"thằng" giàu nghìn tỷ đi tù, thiếu gì "thằng" giáo sư tiến sĩ mua bằng, nhân cách chẳng ra chi...

    Đối với nó, những loại đó là "thằng" tuốt!

.......

    Cha nó sính thơ, khách đến thăm nhà, trà dư tửu hậu. Có mấy lão say ngất ngưởng mặt đỏ như Quan Công tự ngâm thơ mình sang sảng. Nó buông cái mo-lết, lau tay dầu nhớt. Nói trổng:

    - Thơ gì rứa (vậy) mà thơ! Thơ phải đi vào lòng người, nghe chán thấy mẹ!

    Lão nhà thơ cụt hứng, quắt mắt nhìn thằng thanh niên đang đà trổ mã mặt đầy mụn, buông lời khinh khỉnh:

    - Ếch ngồi đáy giếng thấy bao lăm trời...

    Nó sực nhớ thơ Lục Vân Tiên bà nội hay ngâm nga khi dỗ nó ngủ, ngày còn thơ ấu, nó đọc liền một hơi:

 

"Quán rằng: Ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tới tâm

Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm

Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang.

Ghét đời U, Lệ đa đoan

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần

Ghét đời Ngũ bá phân vân

Chuộng bể dối trá làm dân nhọc nhằn.

Ghét đời thúc quí phân băng,

Sớm đầu tối đánh lằng nhằng rối dân".

 

    Cả bàn nhậu trố mắt ra nhìn. Nó lửng thửng bỏ ra sau hè ngắm bầy chim thiên di đang bay về cõi xa mờ...

    Nắng trải ánh vàng trên nền xanh thẳm màu lúa. Đàn vịt kêu vang ùa về phía nó, đôi cánh đã trổ lông cán bút.     

    Tháng ba lúa trỉu bông nặng hạt cúi đầu, vịt sắp được thả đồng. Nó đắm say nhìn về bên kia sông, nơi có bóng dáng diễm kiều nó hằng mong nhớ, mẹ nó không nghe lời bà nội lại đẻ em Thúy, con bé dễ thương hết sức. Với em, nó dịu dàng chăm sóc từng li từng tí nghiêm nghị ít lời, nhưng ru em ngủ bằng những lời ca dao thắm đậm tình quê.

    Sau mùa gặt tới, cha nó định làm đám cưới cho nó, mẹ nó đang đăm chiêu tư lự dự tính cho ngày trọng đại của một đời người...

    Nó chở ở đâu về ổ gà cả mẹ lẫn bầy con ríu ra ríu rít. Thoáng nhìn, nó buông lời chắc nịch:

    - Tui lo hết trơn rồi! Bà đừng suy nghĩ đau đầu.

    Nó không nghĩ gì đến ơn cha nghĩa mẹ. Nó chỉ biết ông bà nội nuôi nó bằng đồng tiền trợ cấp gia đình liệt sĩ. Nó dư được đồng tiền nào lại chạy đi mua gạo giúp cho bà tám Thơm, già bằng bà nội nó, bà cũng là cô nhi quả phụ của của chế độ cũ, nay nghèo khó rớt mùng tơi!

    Cha nó nói nó làm chuyện trời ơi. Mong ước của ông bà nội có con đàn cháu đống nhưng cha mẹ nó chỉ sinh được hai mống. Thời buổi lạ kỳ, đất nước giàu lên thênh thang cao tốc, phố xá phồn vinh, xe hơi nhà lầu nhưng cha mẹ nó chỉ lo làm nuôi em Thúy đã bở hơi tai, học phí học thêm, đồng phục, bỏ ống heo ăn, kế hoạch lớn nhỏ, đủ thứ tiền tiền...

    May nó mới bán bầy vịt định mua hai con bê, ông nội nhập viện không tiền đóng "thế chân" dù có bảo hiểm y tế, không thì cha nó cỏng ông nội về rồi. Nó không hiểu vì sao cái gì cũng tiền đi trước mới được việc, nó phản đối lời cha nó:"Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn". Khôn con mẹ gì cái kiểu mua chuộc lòng người bằng tiền? Cứu người hơn cứu hỏa, xe cứu thương hú còi inh ỏi ưu tiên nhưng đến phòng "cấp cứu" đành khựng lại vì không có tiền. Nó ra ngoài hành lang bệnh viện chửi đổng: "Tổ cha mẹ thằng bệnh viện!".

    Ông già cụt một chân chống tó nhìn nó nói to:

    - Cậu đừng có chửi chung chung như Chí phèo chẳng ăn thua, phải chửi đích danh tụi hắn mới ngán!

    Nó có biết tên "thằng" nào mà chửi!

......

    Con bé bên kia sông tên Thụy hỏi nó:

    - Anh có nhớ tui không?

    Nó quay mặt, hình như "mắc tịt" (mắc cở) nói:

     - Làm thấy mụ nội có rảnh đâu mà nhớ! Nhưng tui...

    Thụy hiểu lòng nó, nên không giận hờn chi mà còn toét miệng cười, rụt rè cầm tay nó:

    - Tui nói chi mô (đâu)! Tui biết mà...

    Nó nghe mà thương quá chừng chừng!

    Thụy e dè:

    - Bữa mô (nào) anh dắt tui về thăm cha mẹ.

    - Chưa cưới hỏi mà dắt đi mô?

    Nhìn con bé mặt đỏ tẻn tò mà thương quá!

    Khi cha nó nhờ lão Khang "giang hồ" làm ông mai, đưa cha con nó qua nhà Thụy, hẹn ngày hỏi cưới chung một lần cho đở tốn kém. Nó liếc nhìn con nhỏ hình như bốn con mắt có đuôi.

    Cưới xong vợ nó có mang liền, cha mẹ nó hoan hỉ báo bà con làng xóm:

    - Thằng Cu lớn sắp có con, không phụ lòng tui với ông bà nội nó.

    Mẹ nó lặp lại y chang lời bà nội với con dâu mới:

    - Nhà tao ba đời "nam đa nữ thiểu" nhớ đó nghe mi!

    Thụy "nhéo" hông cu lớn, nói nhỏ:

    - Ông bà chờ đó, tui đẻ cả chục...

    Nó lùa bầy vịt về gần đến nhà, nó thấy vợ lom khom cấy ngoài ruộng, không nói không rằng bồng vợ về nhà, Thụy la ơi ới nhưng kệ mẹ. Thụy xấu hổ chữa thẹn:

    - Anh làm cái gì chướng rứa anh?

    Nó lấy gáo dừa múc nước trong lu dội vào đôi chân vợ, nói tỉnh bơ:

    - Tui bồng thằng cu trong bụng...

    - Cu lớn hay Cu nhỏ?

........

    Nó lý sự:

    - Ai nói tình yêu khó hiểu. Dễ ợt! Ngó thấy liền. "Bả" (mẹ nó) càng già càng mong những lời dịu ngọt, gừng càng già càng cay, khó tính trăm bề. Khi xưa đã một thời yêu nhau đắm đuối, có thể chết vì nhau mà nay như vỏ dừa với nước cốt?

    Cha nó nghe góp lời:

    - Đêm qua tao tính sang phòng "bả" hỏi đôi lời, cửa đóng then cài gõ hoài không mở. Tao nghĩ chắc bả đã ngủ say! Nhưng sao nghe tiếng nhạc âm vang lời người "viễn xứ" cứ như tiếng nấc nghẹn, thổn thức một dư âm? Đời người khổ tâm vì so đo. Nhàm phải chán thôi, khó có ai quen mãi một lối về! "Bả" hiện hữu nhưng hình như "bả"đã chết! Như tao đã "chết" trong lòng mẹ mi!

    - "Ông" trôi ngược về chốn hồng hoang... Ông cứ thơ với thẩn, bả làm không hở tay còn "ông" cứ như người cõi trên...

    Nó nói với cha nó như nói với ông hàng xóm, cha nó bực mình gắt:

    - Cái thằng...

    Càng lớn nó càng đẹp người, dáng phong trần như tay anh chị. Con nít nhìn thấy nó dù đang khóc cũng nín khe, đám thanh niên cùng lứa tỏ ra kính nễ vì cách chơi anh hùng mã thượng của nó. Nó bán cặp bò tơ lấy tiền giúp thằng bạn có vốn đi buôn trầm, một vốn bốn lời.

    Lời đâu không thấy lại bị sốt rét ác tính suýt đi đong, may nhờ cùng loại máu O tiếp sức lọc máu. Từ bệnh viện nó liêu xiêu về nhà, vợ nó cười toe dìu nó vào nhà:

    - Cu lớn hết máu!

    Nói xong, ra vườn dụ con gà mái tơ hầm cháo đậu xanh cho nó bồi dưỡng lại sức.

    Nó sờ bụng vợ lum lúp, nói bâng quơ:

    - Siêu âm cũng con trai hả?

    Nó chỉ con gà trong nồi cháo:

    - Ăn đi!

    Thời đại 4.0 người ta ăn nói anh anh em em ngọt xớt, nó nói không có chủ ngữ, cộc lốc, nhưng vợ nó hiểu. Yêu thương đâu chỉ bằng lời, trái tim không biết nói nhưng biết rung động, thổn thức, nhớ nhung...

    Gần tết, cải ra hoa vàng rực, sáng cả khu vườn. Vợ nó đem nong củ kiệu ra phơi, nghe tiếng lạch bạch của chiếc honda cà tàng mẹ chồng đi máy gạo mới về, liền lăn xăn chạy ra đầu ngõ đẩy phụ vào sân. Mồ hôi chảy dài thấm ướt chiếc khăn màu cháo lòng của mẹ. Thằng Cu lớn đứng nhìn bằng ánh mắt chứa chan niềm thương cảm, nhưng nó vội quay đi, không muốn ai biết nó bi lụy như mấy mụ đàn bà...

    Nó bắt con vit xiêm đực đi Tết thầy H. ngày xưa là thầy chủ nhiệm năm lớp 8, cũng là năm nó chán ngấy học vì những chuyện ở trường. Cô thầy nào cũng bắt học thêm, dù các môn đó nó không thích, chỉ riêng thầy H. nói trong buổi sinh hoạt:

    - Bộ môn của thầy các em học trên lớp là đủ nếu chịu khó nghe lời thầy giảng và làm bài tập ở nhà. Thì giờ còn lại cứ vui chơi hay giúp ba mẹ. Đó là học sinh ngoan và người con hiếu thảo.

    Chỉ bấy nhiêu mà nó nhớ mãi đến bây giờ. Sau khi nó nghỉ học thầy H. cũng nghỉ dạy. Nghe nói bây giờ cuộc sống của thầy cũng khó khăn...

    Nhìn con vịt xiêm có mồng đỏ chói, thầy H. hỏi nó:

    - Em nuôi mấy tháng mới lớn như vầy ? Mỗi ký giá bao nhiêu?

    Nó không hiểu ý thầy muốn nói gì. Lần đầu tiên sau ngày biết ý thức làm người, mặt nó đỏ lên, ấp úng như ngày xưa nó không thuộc bài.

    Nó ra sau nhà thầy cột con vịt vào gốc cây mít rồi trèo qua hàng rào dâm bụt về nhà.

    Thầy H. thở dài, cũng nhủ thầm lời như cha nó:

    - Cái thằng...

    Sau Noel không khí lạnh tràn về. It khi trời rét dưới 20 độ, nhưng năm nay hơi bất thường, đàn vịt co ro nằm cạnh nhau tìm hơi ấm,. Nó mở cửa vào nhà cha mẹ, cha nó độc ẩm với chai rượu gần cạn, nó không ngờ cha nó già nhanh quá. Đôi mắt ông nhìn về cõi xa xăm, mơ hồ nào đó, nó ngồi xuống đối diện, nhìn vào khuôn mặt ông như lâu lắm rồi cha con không gặp. Nó nghe tựa như trong sâu thẳm lòng mình dâng lên một niềm yêu thương vô hạn. Nó chồm lên:

    - Cha!

    Đôi mắt cha nó như vô hồn, dại đi rồi gục xuống bàn. Cha nó đã đi rồi...

    Nó ngậm ngùi nghĩ về những người thân, ông bà cha mẹ mới ngày nào, nay ba người đã không còn nữa. Nó sực tỉnh bừng vui trong niềm đau xót: Mình vẫn còn mẹ. Nó chạy ào vào nhà tìm mẹ, mẹ nó ngồi ủ rủ bên bàn thờ cha nó nghi ngút khói hương. Mẹ gầy sộp đi sau ngày ra đi đột ngột của chồng, hình như bà đang nhớ về những ngày xưa cũ...

    Nó lặng lẽ đứng nhìn mẹ, nó thầm nhủ lòng mình hãy biết nói lời an ủi và chăm sóc cẩn thận mẹ hơn trong những ngày còn lại, nước mắt tự dưng ứa ra trên đôi má phong trần bụi bặm của nó. Thằng Cu lớn cũng biết khóc hở trời?

 

 MONG  MANH

 

     Thà đừng hẹn. Một lần lỡ, trái tim khô dần máu. Chiều nay anh không về. Chiến dịch bất ngờ.

     Em sẽ đến đó, bên gốc cây sần sùi, nơi anh đã từng tựa lưng mơ màng, điếu thuốc lóe đỏ liên tục, cũng không đánh lừa thời gian của sự mong chờ.

      Em, cô bé nữ sinh Trưng Vương. Hàng me rợp bóng mát trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm bừng sáng. Tiếng guốc khua vang rộn rã. Em vẫn nổi bật qua đôi mắt anh dõi tìm, không lẫn vào đâu được. Nụ cười e thẹn, em nép mình vào ngực anh tin cậy. 

    Kho đạn Thành Tuy Hạ nổ liên hồi. Không khí chiến tranh đã tràn vào thành phố. Cổng trường đã khép. Vậy là không còn những lần hò hẹn, không còn rong chơi. Con gái mười bảy thơ ngây, lơ ngơ giữa cuộc đời giông bão.

    Anh lê lết với một chân bị gãy ngang đùi. Cầu Saigon bỗng rộng thênh thang, nhưng đông nghẹt người hối hả. Không ai quay lại nhìn anh. Vết thương băng bó tạm thời, rỉ máu. 

     Ngôi nhà ven đường cửa mở toang, con chó ghẻ nhìn anh gầm gừ. Con chó lùi dần, quay đầu chạy ra cửa sau, khi anh lết vào.

     Ổ bánh mì trong túi nylon, treo trên cao. Cái đói cồn cào trỗi dậy. Anh gượng, quá tầm tay với. Miếng ăn như thách đố. Cơn khát làm mồm anh khô khốc. Anh nhìn quanh, chiếc hũ sành sau nhà thôi miên anh. Anh chống hai tay, cùng một chân lành, tiến dần về nơi sẽ cho anh những giọt nước cam lồ. Anh ghì miệng hũ về phía mình, đáy hũ khô queo. Anh tức giận đẩy chiếc hũ lăn lông lốc, chạm vào gốc cây phượng vỡ tan tành. Những hoa phượng đỏ thắm, rụng rơi tan tác.

     Nhờ cơn khát, máu không còn ứa. Máu đã khô cứng. Anh ngáp dài và thiếp đi không mộng mị.

     Saigon đã bắt đầu mùa mưa. Cơn mưa đầu mùa kèm theo giông, sét ì ùng hay tiếng bom, đại bác, anh không rõ, đã làm dịu lòng anh, qua cơn khát đắng lòng. Nhưng cái đói vẫn cồn cào trong anh.

      Em giật mình, mồ hôi ướt đẫm chiếc gối thêu hoa và đôi bồ câu trắng. Em mơ thấy người anh đầy máu. Chỗ em hay tựa đầu trên ngục anh lạnh ngắt. Anh ở nơi nào, không ai biết người thân mình ở nơi nào. Như chảo dầu đang sôi, chỗ nào cũng có thể chết. 

     Em ngồi bó gối, đường phố chộn rộn. Dưới bến phà, vọng về tiếng súng liên thanh. Khu vực nhà em điện đường tắt ngấm. Buổi giao thời trắng đen chập choạng. Anh nơi đâu trong cảnh hổn độn này.

     Anh ngước nhìn, khu chung cư tối om. Nhà em ở đó. Chỉ cần vài bước nhảy thôi, anh sẽ đứng trước cửa nhà em. Mắt em hân hoan, môi em hé nụ, anh ôm em vào lòng, hạnh phúc sẽ tràn dâng.

    Nhưng bây giờ….

     Ánh trăng lấp ló sau vòm lá. Chung cư thường ngày vốn náo nhiệt, nay vắng lặng rợn người. Khung cảnh đìu hiu, vắng cả tiếng gà, tiếng chó. Có lẽ em đã đi rồi.

     Anh tựa lưng vào bức tường, cạnh chân cầu thang. Vết thương đã sưng tấy, nhức nhối. Anh mơ hồ nghe có tiếng khóc rấm rứt và bước chân vội vã. Anh ngước nhìn, chờ đợi. Em như thiên thần tung đôi cánh, hiển hiện như thần linh. Linh cảm nào dẫn dắt em đến cùng anh? Đôi môi trắng bệch, gượng nở nụ cười trong vòng tay ôm, nhạt nhoà nước mắt.

     Đêm về sáng. Một góc thành phố sáng rực, vọng về tiếng đì đùng. Máy bay ném bom rít lên hung hãn, xé ngang bầu trời, rồi lảo đảo chúi dần về bên kia sông. Không một bóng dù.

     Em vẫn tựa đầu vào ngực anh. Tiếng đập rộn ràng của con tim nồng cháy yêu đương, đã không còn thổn thức. Vòng tay anh buông lơi, đôi mắt thiết tha, đắm đuối mờ dần. Em như lung linh hư ảo. Anh đã đi rồi.

     Em buông anh ra. Người bảo vệ già đứng lặng im nhìn, như tượng, làm dấu thánh giá. Em ngơ ngác, em không khóc, em nhìn anh bằng đôi mắt vô hồn. Gia đình em đã xuôi về miền tây. Riêng em ở lại chờ anh.

     Dòng sông vòng cung, uốn mình quanh bán đảo Thanh Đa. Những bụi dừa nước xanh đen mờ, chập choạng trong nửa đêm về sáng. Như những bàn tay đưa lên trời.

     Em bọc chiếc chăn dù cho anh. Người bảo vệ vác  lên vai, an táng anh dưới gốc si già. Chiếc thẻ bài ánh lên màu bạc, đầu óc em trống rỗng. Em nhìn quanh, con nước vỗ bờ hoà điệu với nỗi lòng em tan nát. Em khóc như mưa, khi còn lại một mình.

     Trời sáng dần. Em đứng nhìn về bên kia sông, làng Thảo Điền mờ mịt trong sương mai. Em tìm hướng để định vị nơi anh nằm. Ngày không xa, đất trời bình yên. Em sẽ trở lại, cải táng cho anh.

     Em nằm lọt thỏm trong lòng ghe thương hồ, xuôi về Cần Thơ. Tiếng vỗ nhẹ của sóng nước vào mạn thuyền, như ru em vào mộng mị.

     Anh đã xa em vào giờ phút cuối cùng, của cuộc chiến hơn hai mươi năm, tương tàn cốt nhục. Em chưa vu quy, nhưng đã thành goá phụ. Em chưa tròn mười tám.

     Em không biết gốc tích của anh. Em không biết quê hương, cha mẹ anh ở nơi nào. Giọng miền Trung của anh đã phai dần theo tháng ngày lang bạt phương Nam. Những lần hò hẹn, chỉ đủ thời gian cho vòng tay quấn quýt, lời thỏ thẻ yêu đương.

     Em mang theo hình bóng anh, về miền sông nước miền tây. Lòng bàn tay thơ dại, đã chai sần theo nhịp chèo tất tả mưu sinh. Em nhập đoàn về chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ. Trên ghe chất đầy những loại trái cây nổi tiếng của vùng đất phương nam. Những trái sầu riêng Cái Mơn cào xước tay, khi em vô ý vụng về. 

     Khi hoàng hôn tím dần, cũng là lúc chợ nổi lên đèn. Những ánh đèn soi bóng lung linh, đủ sắc màu trên sông như hoa đăng ngày hội. Ánh bình minh vừa ửng hồng phương đông, cũng là lúc chợ nổi nhộn nhịp. Những chiếc xuồng bán hàng rong luồn lách theo các mạn ghe. Hương phù sa ngan ngát, dìu dịu trong không gian lẫn vào nét chân chất thật thà của người dân nam bộ.   

     Gia đình em về định cư vùng Thốt Nốt, Cần Thơ. Những cánh cò theo ánh chiều tà, bay về làm ngả nghiêng những cành bằng lăng hoa tím ngát. Vườn cò Bằng Lăng mang lại khung cảnh bình yên, thơ mộng của miền quê sông nước. Nơi đây, vương quốc của cò, gồm nhiều loài khác nhau: cò cá, cò ruồi, cò sen, cò quắm, cò rằn, cò rán, cò ma, cò bông, cò xanh cùng bạn cò như cồng cộc, bạc má, diệc, vạc, bồ nông, điên điển, bìm bịp, cuốc…

     Những dải sương mờ còn lẩn khuất đợi bình minh, cũng là lúc đàn cò chao lượn trên bầu trời, vang động cả không gian…

     Trong lòng em vẫn đau đáu một nỗi niềm.

     Thời gian lặng lẽ trôi. Em cùng gia đình định cư ở nước ngoài. Em nhớ ngày này, năm này. Ngày anh rời xa em. Ngày này, cũng ngày này của nhiều năm sau nữa. Em chưa thể tìm về thăm lại chỗ anh nằm. 

     Dòng sông Saigon ôm ấp trìu mến, chở che linh hồn anh hiu hắt đợi chờ. Thân xác anh đã rã tan và lênh đênh theo ngọn sóng dập dềnh của dòng triều cường cùng gốc si già.

     Một ngày, người ta ngạc nhiên thấy người nữ tu đứng lặng im, nhìn về bên kia sông. Những tòa nhà sang trọng, cao ngất đã xóa sạch, không còn dấu vết những rặng dừa nước xanh ngút ngàn của làng An Phú ngày nào.

      Bờ kè bên này bán đảo Thanh Đa, hình thành khu vui chơi, công viên rợp bóng mát, nhạc nước tưng bừng.

     Không ai biết nơi người nữ tu đứng lặng yên, tay lần chuỗi hạt mân côi. Đã từng có một linh hồn ngậm ngùi vĩnh biệt. Khi vừa tàn cuộc chiến.

 

 NƠI NÀO LÀ QUÊ HƯƠNG


     Chú An ngồi thẫn thờ trước mộ ba. Tuần trước chú cùng ba đối ẩm, ba trách chú hoang đàng chi địa, gần năm mươi chưa vợ con gì. Chú An im lặng, chỉ cười.

     Nội tôi có ba tôi và chú. 

     Ngày ba tôi tha phương cầu thực, cưới mẹ tôi, rồi theo quê vợ. Tôi sinh ra ở Nha Mân (nay thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp)

" Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh,

Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân"

     Nghe nói khi xưa, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy dài, bỏ lại cung tần, mỹ nữ tại Nha Mân. Biết đâu mẹ tôi là hậu duệ của một trong các bà. Mẹ tôi đẹp nhất đời. Ít ra, trong mắt cha con tôi.

     Năm lên mười, tôi chưa biết mặt ông bà, họ hàng bên nội. Chú An ở với ông bà. Ngày ông nội mất. Ba mẹ đưa tôi về, chú An đã hơn hai mươi. Tôi gặp chú lần đầu, chú đẹp trai hơn ba tôi. Mắt bà nội đã mù, bà ôm tôi vào lòng, sờ tai sờ mũi tôi. Bà khen tôi đẹp hơn chú An. 

     Quê nội tôi bên bờ nam, hạ lưu sông Thu Bồn. Vùng đất bồi, màu mỡ phù sa, cây trái quanh năm.

     Tuổi ấu thơ tôi, sông nước quê ngoại, cá tôm, hoa súng, tát đìa, mắm ba khía thấm đẩm vào chân tơ kẻ tóc. Nếu ông chưa mất, có khi tôi không biết quê nội tôi ở nơi nào.

     Ba tôi giục chú An lấy vợ. Chú nhìn mẹ tôi không nói gì. Chú chỉ cười cười: “Bỏ mẹ cho ai?”

    Chú An cõng tôi chạy ra bờ sông. Hai chú cháu nhảy ùm. Dòng nước sông Thu Bồn trong xanh, phẳng lì, không gợn sóng. Chú không ngờ, tôi bơi như con rái cá. Bên kia sông, những biền dâu xanh ngát bạt ngàn. Quê nội tôi nổi tiếng làng tơ lụa một thời.

     Chú An kể chuyện tình ly kỳ, diễm tuyệt giữa cô gái hái dâu bên bãi sông với một vị công tử:

     ”Cách đây hơn 400 năm, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên tuần du Quảng Nam, Công tử Nguyễn Phúc Lan đi theo hộ giá. Thuyền neo ở gành Điện Châu. Nghe tiếng hát đẩy đưa theo làn gió, dưới ánh trăng vằng vặc, lung linh trên sóng nước. Lấy làm lạ, Công tử Nguyễn Phúc Lan sai người đến hỏi, biết là con gái họ Đoàn. Công tử cho vào hầu. Bà sinh một trai là Chúa Nguyễn Phúc Tần sau này.

     Cái lạ, cái khác thường chính là cô thôn nữ đã dám... tỏ tình với chúa từ thân phận của mình qua câu hát: “Tai nghe chúa ngự thuyền rồng/ Cảm thương phận thiếp má hồng nắng mưa... Thuyền rồng chúa ngự nơi đâu/ Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình…”

     Các đời vua nhà Nguyễn sau này, truy tôn bà là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu, nhưng dân làng yêu kính bà, vẫn gọi bà là Đoàn quý phi. Dinh trấn Thanh Chiêm, còn lưu giữ được đền thờ của Hiếu Chiêu hoàng hậu. 

     Tôi nghe say mê. Trời vào đêm, ánh trăng đã trải thảm vàng dìu dịu trên ngàn cây, ngọn cỏ. Con đường tơ lụa trên sông ngày nào, còn văng vẳng giọng hò của cô gái họ Đoàn, mơ hồ vang vọng mãi trong tôi.

     Bà nội bịn rịn không muốn xa tôi. Từ khóe mắt trắng đục, hai dòng lệ lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Tôi ước gì, ba mẹ tôi đưa bà và chú An theo về.

     Hè năm ấy, sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi về thăm nội. Chú An đón tôi từ thị trấn Vĩnh Điện, bằng chiếc xe máy cà tàng. Sau tám năm, tôi đã cao hơn chú. Chú siết tôi vào lòng:“- Mi ra thanh niên rồi!”.

     Bà nội ngồi trên giường, bên cạnh cơi đựng trầu. Bà đưa hai tay huơ huơ. Tôi ôm bà chưa trọn vòng tay, bà tôi nhẹ tênh, chỉ có hai đầu gối nhô lên ngang đầu. Nhưng bà cười rạng rỡ. Tôi đi bà khóc, tôi về bà cũng khóc. Nước mắt tôi cũng ứa theo bà.

-        Hai bà cháu như con nít!

     Chú An nói mà mặt ngó lơ.

     Bà tôi kể:

-        Ba mi xung khắc với ông nội. Một đêm trời tối đen như mực,

mưa phùn gió bấc. Chưa thấy ông về, ba mi băng đồng, chạy xuống bến đò đón ông. Đò sang chuyến chót, chỉ còn vài người lạ. Nhưng ông mi đã về nhà. Không thấy ba mi, ông chống gậy đi tìm, hai cha con gặp nhau giữa đường. Chưa hỏi han, ông đã quở mắng. Rứa mà, ba mi cứng đầu, im lặng, rồi sau đó bỏ đi biền biệt. Tau khóc hết nước mắt. 

     Bà tôi tuy lớn tuổi, nhưng còn minh mẫn. Con cháu họ Hoàng. Sau ngày cụ Hoàng Diệu tuần tiết theo thành Hà Nội. Đông đảo sĩ phu Bắc Hà khâm phục và thương tiếc. Ông được thờ trong đền Trung Liệt, cùng với Nguyễn Tri Phương trên gò Đống Đa với câu đối:

“Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa

Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự vọng thanh thiên”

Dịch:
Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất

Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh

     Tôn Thất Thuyết theo phái chủ chiến trong phong trào Cần Vương, kiên quyết chống Pháp đã ca ngợi ông trong hai câu đối:

“Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm”

Dịch:
Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trướcBình sanh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm.     

     Bà tôi đã từng theo Tây học.

     Ông tôi theo Nghĩa hội của Nguyễn Duy Hiệu. Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua, Nguyễn Duy Hiệu cùng Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến (Phan Thanh Phiến), Nguyễn Tiểu La (Nguyễn Hàm), thành lập Nghĩa hội Quảng Nam. Ra bản cáo thị kêu gọi toàn dân trong tỉnh cùng đứng lên đáp nghĩa.

     Gặp phải Nguyễn Thân, người Quảng Ngãi, trước cũng theo Nghĩa hội, sau làm phản theo Pháp. Ông Hường Diệu chịu một mình. Ông tôi mới thoát tù tội, về quê dạy học, bốc thuốc. Rồi nên duyên giai ngẫu cùng bà.

     Khi tôi đã ra trường đi dạy. Bà tôi mất đúng ngày ông tôi tạ thế. Mẹ tôi bệnh, tôi đưa ba về chịu tang bà. Bà tôi được an táng tại cánh đồng Xuân Đài, nghĩa trang gia tộc họ Hoàng.   

     Mộ ông Hoàng Diệu chỉ là nấm mả vôi đơn sơ, cỏ mọc hoang vu, che khuất phần bia. Mộ phần vị tổng đốc đã tuẩn tiết vì không giữ được thành Hà Nội, sao quá ảm đạm. Lòng tôi đau xót, bùi ngùi.

 

Chẳng còn gì nữa đâu
Lối cũ làng xưa
Với  Xuân  Đài đồng nội
Mộ Hoàng Diệu với từng cơn bão nổi
Sinh ở đất Gò địa táng cũng ngàn năm

Gò Nổi ta ơi lòng Mẹ thăng trầm
Đất "
Ngũ Phụng Tề Phi" rạng ngời gương chính  khí

Hôm tôi về thăm quê hương
Đò xuôi sóng vỗ

Bãi dâu xanh tơ vàng ánh nước

Lối cũ đến trường nhớ chuyện ngày xưa
Lối cũ đến trường hai buổi sớm trưa
Chiều Bảo An nghe miên man dòng nhớ
Trần Cao Vân âm vang muôn thuở
Đất phù sa Tư Phú rạng danh Người
 

(Thăm quê – PNCU)

     Chú An vẫn một mình. Quê nội tôi không còn bình yên. Đêm đêm, tiếng đại bác depart từ chi khu Điện Bàn rót vào đâu đó. Dòng sông Thu Bồn không còn trong xanh như ngày xưa. Những xác người, tay buộc chặt sau lưng, úp mặt trôi về cửa Đại hay sông Hàn ra biển.

     Chú An không về với gia đình tôi.

     Mười mấy năm sau. Không biết từ đâu, chú An lại về. Chú tìm đến nhà tôi vào buổi chiều muộn. Từ xa, tôi đã linh cảm người đàn ông, dáng vẻ phong trần là chú. Chú An cười, nhưng không vồ vập ôm tôi như ngày còn thơ dại:

-        Mi đàn ông thứ thiệt rồi!

     Ba người đàn ông thứ thiệt, lại không nói gì về chuyện riêng của mình. Nhìn tóc tai bụi bặm, ba tôi cũng đoán được phần nào cuộc đời bôn ba, thăng trầm của chú.

-        Gia tộc đã có người nối dõi tông đường, “bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”. Nhà ta đã có cháu rồi. Anh còn mong gì nữa?

Chú An cười sảng khoái, vỗ vỗ vào vai tôi.

     Vậy mà, hai hôm sau ba tôi mất vì tai nạn. Chú và ba không còn cơ hội nào trên đời để gặp nhau, hàn huyên tâm sự. Tuần trước, chú cùng ba đối ẩm, ba trách chú hoang đàng chi địa, gần năm mươi chưa vợ con gì.

     Đã từ lâu, chú An rời xa quê nội tôi, lang bạt kỳ hồ. Cuộc đời đẩy đưa chú ngược miền tây bắc. Mai Châu đẹp mộc mạc như cô thiếu nữ vùng sơn cước, thung lũng xanh ngát, óng ánh tơ trời từ những bộ trang phục thổ cẩm của các cô gái Thái, Dao hay H’mông, trong nắng chiều. Mái nhà sàn đơn sơ, toả những sợi khói bay lơ lững, đẹp như tranh thuỷ mạc. Đôi chân phong trần của chú, bị níu lại nơi này.

     Đời chú như áng mây bay, chú theo đàn chim thiên di về phương nam. Chú An vẫn bùi ngùi nhớ về một mảnh trăng non chênh chếch sườn đồi, một dòng suối mát róc rách mãi khôn nguôi trong lòng chú.

……

Chiều nay... thương nhớ nhất chiều nay 
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy 
Tôi uống cả em và uống cả 
Một trời quan tái, mấy cho say!

(Một trời quan tái – Nguyễn Bính) 

     Trời phương nam trong xanh. Dòng Cửu Long cuồn cuộn phù sa, con nước mang theo lục bình trôi xuôi về chín nẻo.

     Chú An vẫn một mình. Có ai thương, ai mong, ai nhớ để chú chọn nơi ấy làm quê hương?

 

 KHẮC  KHOẢI

     Sự đồng cảm không cần lời. Cái siết tay chặt chẽ như trao niềm tin yêu. Ánh mắt, nụ cười ấm áp, lời ăn tiếng nói tế nhị, kèm theo chút phong cách lịch lãm. Chỉ thế thôi, tôi đã thuộc về anh.

     Anh - con người từng trải. Sự nhìn nhận về cuộc sống chảy ngược vào nội tâm, nằm im. Nếu khơi mạch nguồn, dòng nước hiếm hoi len lỏi theo que vạch ngoằn ngoèo, rồi tuôn trào trong thổn thức.

     Anh kể:Anh sinh ra đời trong nhung gấm, với người mẹ đơn thân. Người ta không biết cha anh là ai, ngoại trừ mẹ. Nhưng mẹ im lặng.

     Ba tuổi, anh được đi lưu diễn cùng mẹ. Ngủ nghỉ trên máy bay, khách sạn “deluxe” chiếm hơn hai phần ba thời gian thường ngày, cùng chị vú nuôi.

     Năm tuổi anh vào nội trú. Anh cũng từng khốn khổ vì các soeur ở trường nội trú. Anh tính tình ương bướng, nghịch ngợm. Mẹ nói để các soeur dạy dỗ cho thuần tính lại. Có khi nửa năm, anh không gặp mẹ. Các nữ tu thường khô cứng và nghiêm khắc, ấn tượng về các Soeur là như vậy, cho đến năm mười hai tuổi, anh gặp Dì Catherine.

   Anh thực sự bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp hiền dịu, trầm tĩnh của Dì Catherine, rất tương phản với những gì thuở nhỏ anh nghĩ về các soeur. Thuở ấy, anh cho rẳng các soeur không biết yêu, hay ít nhất cũng là không được phép nghĩ đến tình yêu nam nữ bình thường, mà chỉ… yêu kính Chúa!

     Anh ngưỡng mộ và yêu tha thiết Dì Catherine. Đáp lại, đôi mắt Dì nhìn anh đắm đuối, nồng nàn thăm thẳm. Mười lăm tuổi, Mẹ đưa anh ra khỏi trường các Soeur. Một thời gian dài, anh như chết điếng, hụt hẫng khi không còn Dì Catherine bên cạnh. Nhưng sự sinh hoạt ồn ào của thành phố, đẩy anh đi rồi quen dần với nhịp sống vội vã. Mãi sau này lớn lên, anh mới nhận và hiểu ra, câu nói của Dì Catherine: “Tôi cũng là một con người”.

     Anh tốt nghiệp khoa luật đại học Sorbonne, Paris.

     Tên "Sorbonne" còn gắn liền với phân khoa thần học, tuy đây chỉ là một trong nhiều phân khoa của trường. Vì là trung tâm nghiên cứu thần học quan trọng, "Sorbonne" đã trở thành gần như đồng nghĩa với Khoa thần học của Đại học Paris.

     Anh ra trường không lâu, mẹ anh bị tai nạn máy bay qua đời, trong lần dự định ra mắt liveshow quan trọng của bà.

     Sự thăng tiến của anh trong nghề nghiệp, đem lại vinh hoa và nổi tiếng hơn mẹ anh, lúc sinh thời. Có lẽ ánh hào quang lấp lánh của mẹ, đã độ trì cho anh.

     Anh dò tìm nguồn gốc của mình, qua những người quen biết cũ của mẹ. Ai cũng nhìn anh với cặp mắt háo hức, tò mò. Mong tìm nơi anh nét thân thuộc di truyền. Sự ân cần thái quá làm anh ngại ngùng.

     Người đàn ông tóc hoa râm, đội mũ bê-rê, trông phong trần rất lạ. Hằng ngày vẫn đạp xe qua đây với cặp mắt không buồn, không vui. Đôi khi ánh lên nét ngây thơ ngồ ngộ. Dường như mọi vật dưới mắt ông đều không thật. Đôi lúc ông dừng xe, ngắt chiếc lá bên đường đưa lên mũi ngửi hay nhìn chăm chăm vào ngọn đèn vàng ệch ven đường, rồi quày quả đạp xe đi như chạy trốn một cái gì.

    Ý nghĩ thoáng qua hay linh cảm? Nhiều buổi chiều muộn, anh chờ người đàn ông tóc hoa râm đạp xe ngang qua. Suốt những ngày sau đó, anh chờ đợi trong mỏi mòn, vô vọng. Có khi suốt phần đời còn lại, không còn gặp nữa. Ông ta là ai? Sự tò mò, khiến anh càng háo hức mong tìm.

     Hòm thư ngoài cổng loé lên góc chiếc phong bì, không tên người gởi. Anh bóc vội, bên trong còn chiếc phong bì riềm thư xanh đỏ PAR AVION đã cũ, ố vàng… Anh hồi hộp, chữ viết trên lá thư, nét chữ của mẹ anh:“… Rồi từ ngày ấy sống trong nam nơi kim tiền/ Bụi trần giọng hát tấm thân xinh đôi mắt hiền / Đời nghèo không lối thoát em tôi đành thôi cúi đầu mà đi / Xuân năm nay, đường đêm Ca-ti-na/ hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa/ Dần trắng xóa mặt đường, một người con gái nhớ người thương…”(Gửi người em gái miền Nam – Đoàn Chuẩn & Từ Linh).

     Anh đọc đi đọc lại, không hiểu mẹ anh muốn nói gì. Người được nhận là cha anh? Ai gửi anh lá thư này?

     Mẹ anh, người con gái Hà Nội. Được sinh ra trong gia đình khuê các. Mẹ mất, nghĩa là con đường tìm về cội nguồn mờ mịt.

     Một ngày kia, tình cờ anh nhìn thấy người đàn ông tóc hoa râm bên bờ hồ, vẫn với điệu bộ ngớ ngẩn, ngắt lá ven đường, anh băng mình chạy đến hối hả. Người đàn ông giật mình, mặt tái mét, đôi mắt trợn trừng nhìn anh, rồi ngất lịm. Ông đã qua đời.

     Người đàn ông tóc hoa râm là nhạc sĩ B.S. tài hoa, ông là công tử Hà thành. Dãy nhà mái ngói rêu phong trên phố Hàng Bạc, trong khu phố cổ là gia sản mấy đời nhà ông.

     Ông để lại những tuyệt tác, đi vào lòng người, bao thế hệ. Mẹ anh là giai nhân, thiên kiều bá mị.  Cô tiểu thư duy nhất, con nhà quyền quý, nữ sinh trường Đồng Khánh - College de Jeunes Filles. (Trường nữ sinh Đồng Khánh được thành lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương – Hà Nội). Bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội ngày nay).

     Duyên tình không đến được cùng nhau. Cha mẹ bà không chấp nhận chàng nghệ sĩ tài hoa, đã làm ngây ngất bao trái tim thiếu nữ thiên kim, khuê các...

     Nhưng người nhạc sĩ vang bóng một thời ấy, không phải là cha anh.

     Nổi ê chề, đau buốt tiềm ẩn lạnh băng. Những góc khuất đẩy đưa anh chơi vơi giữa giòng đời nhiều biến động sau này.

     Mẹ được gởi vào Saigon hoa lệ – Hòn ngọc Viễn Đông. (Tiếng Pháp: la perle de l'Extrême-Orient - một mỹ danh được Pháp dùng để chỉ thành phố Sài Gòn, thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 20).  

     Các vũ trường Maxim’s, Kim Sơn, Đại Nam, Queen Bee, Tự Do… đã nâng bước chân cô ca sĩ, thăng hoa trong ánh sáng lung linh sắc màu, ngập tràn tinh hoa nghệ thuật.

     Nhưng mẹ là ai? Mẹ có phải là mẹ của anh?

     Mùa đông, những chiếc lá bàng chuyển từ vàng nâu sang đỏ tía. Cơn gió bấc lạnh run người, cuốn mép, kéo theo những chiếc lá rơi rụng. Lặng thinh, không còn nghe tiếng xào xạc trên mặt đường, nhếch nhác bởi mưa phùn. Chỉ còn trơ trụi những cành khẳng khiu, dang tay trông vời về đâu đó, trong niềm u uẩn xa xưa.

    Anh rời xa Hà Nội trong lòng nặng trĩu ưu tư. Trời đất không còn bình yên. Chiến tranh càng dữ dội, điêu tàn. Miền Tây bắc hoang sơ thành bãi chiến trường :

     Kể từ ngày đất nước chia đôi. Cuộc đời anh mất hẳn cội nguồn, mang thân phận lạc loài ngay chính trên quê hương mình.

     Khung trời nghệ thuật miền Nam trong hai thập niên năm, sáu mươi như trăm hoa khoe sắc. Anh thành lập thư viện cộng đồng và trung tâm bảo tồn & phát triển văn chương, nghệ thuật. Anh mời các nhà nghiên cứu, học giả tài danh về cộng tác.

     Saigon đang giữa mùa mưa. Mùa thu phương Nam không có gió heo may, khô và se lạnh như mùa thu Hà Nội. Cơ duyên đưa anh về trại tạm cư giáo xứ Hà Nội ở  Hố Nai, Biên Hoà. Anh gặp cụ Hàn. Cụ đã từng dìu dắt bao thế hệ tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia. Cụ biết gia thế mẹ anh và … cụ biết rõ: Anh không phải là con của mẹ. Anh là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng nhà mẹ, khi chưa tròn thôi nôi.

     Mẹ đã nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng anh thành tài cho đến ngày mẹ xa anh.  Anh hiến tặng viện mồ côi “AN NHIÊN” toàn bộ tài sản. Anh tìm về cõi an bần lạc đạo. Như ngày xưa, anh mới về với me.

 

 BA  MƯƠI  NĂM

     Đã sang giờ Dần, ánh trăng chênh chếch khuất sau mây xám lững lờ, chìm dần trong màn đêm âm u, của núi rừng Tây bắc.

     Em - cô gái H’Mông lầm lũi vượt qua những triền núi, len lỏi đường mòn, băng qua những cánh rừng. Em không đi chợ phiên. Em đến nơi hò hẹn cùng anh.

     Núi rừng sáng lên, hừng đông đã ló dạng dưới chân đồi, đàn chim hót vang, tung bay về cánh đồng xanh mướt, còn lóng lánh những giọt sương mai.

     Em đã đồng ý hẹn anh, bắt vợ. Theo tập tục của người H'Mông, sau ba ngày bắt được vợ, người con trai phải cùng bố mẹ đẻ đem lễ vật gồm thịt lợn, thịt gà, rượu sang nhà gái để tạ ơn và làm vía thành hôn, đồng ý cho hai người lấy nhau. Sau khi làm vía, người con trai phải cùng vợ ngủ lại nhà gái một đêm, rồi sáng mai mới được về sớm.

     Nhưng em chờ mãi.

     Bên kia thượng lưu sông Mã, bản làng anh nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, mịt mù. Dòng suối róc rách chảy về vùng đồi núi thấp sông Đà. Từ cao nguyên đá vôi Mộc ChâuNà Sản xuôi về Điện BiênNghĩa LộMường Thanh.

     Theo truyền thuyết và nghi thức an táng “chỉ đường”. Tổ tông của em: Người H’Mông đã đến từ những vùng đất cực kỳ lạnh lẽo, ở nơi đó bóng tối kéo dài nửa năm và thời gian còn lại là ánh sáng.

     Vầng trăng đã khuất bóng từ lâu. Lòng em chơi vơi, giá băng…

     Anh đã từng về Mộc Châu, quê em.

     Sông Mã vẫn gầm thét về xuôi.

     Ngày ấy, chiến tranh ác liệt. Những người đàn ông H’Mông cùng những con ngựa thồ gùi hàng, theo đoàn quân tiến dần về hướng Hạ Lào.

     Có khi nào anh đã…

     Ba mươi năm sau, không có ai bắt em làm vợ.

     Một ngày, hoa ban nở trắng rừng.

     Phong tục “vỗ mông chọn vợ” xa xưa của dân tộc H’Mông ở rẻo cao, thường diễn ra vào những ngày đầu  năm mới. Ngay từ sáng sớm, mọi ngả đường ngập tràn sắc màu váy áo, rực rỡ dưới ánh nắng xuân sang. Các chàng trai H’Mông mạnh mẽ trong trang phục truyền thống và những thiếu nữ miền sơn cước thướt tha với tà áo mới, e lệ trong những câu hát giao duyên, tình tứ...

     Bỗng từ xa, người đàn ông sang trọng trong trang phục Âu tây, tiến dần về phía em.

     Đôi mắt, chỉ cần đôi mắt. Anh cuống quýt ôm choàng em vào lòng. Anh đã về tìm em, chậm mất ba mươi năm.

    Ngày ấy, anh đã được trực thăng tải thương cứu sống, cùng bao thương binh khác, không cần biết bên nào. Hiện nay, anh đang định cư ở Minnesota, Hoa Kỳ. Nơi có nhiều người H’Mông.

     Em nhìn anh lạ lẫm. Chàng trai với trang phục truyền thống, mạnh mẽ của núi rừng Tây bắc ngày nào đã biến mất trong anh. Nền văn minh xứ người đã đánh đổ bản sắc dân tộc ngàn đời. Bộc lộ nơi anh là sự dạn dĩ, lai căng và hợm hĩnh.

     Người H’Mông vẫn là một trong số những dân tộc châu Á nghèo khổ nhất tại Mỹ và rất nhiều người trẻ tuổi đã đánh mất các bản sắc văn hóa truyền thống của mình.

     Khi những bông hoa đào, hoa mận đã tàn. Anh đưa em về bản làng anh.

     Con đường nhỏ gồ ghề quanh co, một bên sườn núi bên kia vực sâu thăm thẳm, băng qua suối và dốc đá, nằm dưới tán rừng âm u. Những ngôi nhà của người H’mông nằm rãi rác trên những vách núi cheo leo. 

     Chỉ ở nơi này, anh mới là anh. Chàng trai H’Mông một thời yêu đương, một thời hồn nhiên như cây cỏ, như rừng già mênh mông…

     Trẻ thơ vang tiếng khóc chào đời đâu đây. Những người phụ nữ H’mông đi nương, rồi tự sinh con trong rừng đem về. Đứa trẻ trong bản vẫn lớn lên như cây mọc hoang trong rừng, với bản năng sinh tồn mãnh liệt.

     Cơn mưa rừng xối xả, khiến cho mái nhà bằng gỗ dột tứ tung. Trong không gian tĩnh mịch giữa núi rừng, gió lạnh cùng với những hạt mưa bắn tung tóe khắp người, khiến em co ro trong vòng tay anh...

     Tiếng sáo tỏ tình của anh réo rắt như chim áo vàng, bay vút trời cao, như ngày nào:

“Xa vời rừng ban xinh tươi/ nở trắng ngàn đỉnh đồi.

Nắng chiều vàng non khơi, xa vời/ Bên lửa hồng ai ngóng chờ người năm xưa.

Nàng hẹn mong anh nói nên lời, nàng yêu/ Anh không rời

Bên lửa hồng ai đón chờ người năm xưa/ Nàng còn đây bao tháng năm chờ/ Nàng

 còn đây không mờ

Mưa chiều, dừng chân anh ơi…”

 (Dừng chân - Dân ca H’Mông)

 

     Anh bắt gà cắt tiết, em đã thuộc về anh. Ba mươi năm tìm nhau, anh phải chờ em ba ngày, theo tập tục. Đàn lợn thả rông quanh nhà, cạ mõm vào chân em trìu mến. 

     Mâm cổ cưới đơn sơ. Anh mời em rau rừng, cá suối phơi khô. Giàng chứng kiến cho lòng anh. Trên bàn thờ anh dán mảnh giấy bản, đính lên ba túm lông gà.

     Người H’Mông luôn quan niệm “vạn vật hữu linh” (có nghĩa là mọi vật đều có linh hồn).

     Tiếng chim rừng đại ngàn như giục giã. Niềm nhớ thương như vết lõm sườn đồi, qua bao mùa lũ quét. Lòng người chờ đợi nhau, hun hút như vực sâu. Nay đã được bồi đắp, tràn ngập phù sa…

………

     Em bị hiếp trong rừng. Không lâu, sau ngày anh lỡ hẹn.

     Em bị vật ngửa trên thảm cỏ. Đôi tay thô bạo của Giàng A Sáng xé nát chiếc áo thổ cẩm. Đôi ngực trần trinh nguyên cong vút, ngạo nghễ như kích thích cơn động dục trong hắn. Em chống cự trong vô vọng, chỉ còn tiếng gầm gừ. Những cái rướn người dồn dập, như đẩy em lặn ngụp trong cơn mê sảng. Em rên rỉ trong vô thức, rồi cuồng nhiệt ôm lưng Giàng A Sáng, lặn lộn trong cơn khoái cảm đầu đời.

    Những ngày quạnh hiu, em bứt rứt nhớ và mơ được một lần nữa cùng Giàng A Sáng. Nhưng hắn đã cướp được vợ.

     Bên anh thì khác. Bàn tay anh như lá ngô, mơn man trên làn da em căng lên vì cảm xúc. Thời gian đã bỏ quên em. Cô gái sơn cước, dẻo dai săn chắc. Chiếc gùi sau lưng, căng tròn bộ ngực. Đôi má phơn phớt hồng, dưới hàng mi rậm. Em hiện thân của thần Venus trong thần thoại La Mã, thần của tình yêu, sắc đẹp, sự sinh nở và dục vọng.

     Em háo hức đón nhận nụ hôn anh cuồng nhiệt. Em say mê ngắm nhìn thân hình anh, đôi vai trần vạm vỡ, nhưng dịu dàng. Nâng dần cảm xúc trong em ngọt lịm, chờ đợi hiến dâng.

     Suốt đêm ngày, em và anh sống như thời tiền sử. Ngâm mình trong dòng suối trong veo, lạnh mát. Bên bếp lửa hồng, bên vò rượu ngô men lá hạ thổ, bên món mèn mén, ngô dẻo thơm lừng cùng muối ớt nướng… truyền thống H’Mông.

     Đôi mắt em mơ màng nhìn dãy núi nhấp nhô, uốn lượn soi mình xuống dòng Nậm La.

     Em tưởng chừng như tan theo bọt nước, rạo rực khôn nguôi. Khoảng cách ba mươi năm, không hề có trong anh và em.

     Trời đổ cơn mưa giông trắng xóa, tiếng sấm chớp trên đỉnh Hoàng Liên Sơn dội về ầm ì. Dòng Nậm La nước dâng tràn, cuồn cuộn chảy về xuôi.

     Em ngước nhìn anh, áp đôi vú căng phồng vào ngực anh ấm áp. Vòng tay anh ôm trọn thân hình em, trong cơn hưng phấn tràn đầy. Em ngất ngây với nụ hôn nồng nàn và đắm chìm trong hoan lạc.

     Tiếng ầm ầm như thác đổ của cơn lũ quét, tàn bạo cuốn phăng. em trong vòng tay anh chao đảo. Anh ghì mạnh và ôm chặt em hơn, trong quay cuồng, lăn tròn theo dòng nước xoáy. 

     Rừng đầu nguồn đã trơ đá và cây khô. Dòng nước hung hãn, trải rộng trắng xóa. Chỉ còn tiếng chim xao xác, vừa qua cơn biến động. Rồi thôi.

 

 ÔNG NỘI “CÀ QUỶNH”

    Ông nội “Cà Quỷnh” không phải là tiếng gọi thân thương của đám con cháu ông, nhưng của đám hương chức hội tề. Ông sinh năm 1918 (Mậu Ngọ), tính đến năm nay hơn thế kỷ, ông còn gân guốc khỏe mạnh, minh mẫn lạ thường.

    Ông họ Trần, cái họ danh giá làng tôi. Tập tục thường hay gọi cha theo tên con: Ông Cả Ngượng, riết rồi ông quên hẳn tên thật của mình. Ông nhớ rõ ràng cha mẹ ông có đặt tên, nhưng qua bao mùa binh lửa, dâu bể thăng trầm ông không còn giấy tờ gì để chứng minh mình có tên riêng. Hồi mới “giải phóng”, làm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, thằng con le te khai đại: "Trần Ngượng sinh năm 1908", vậy là ông được thằng con cho thêm mười tuổi. Năm này làm gì có tên “Mậu Ngọ” của ông, nhưng kệ mẹ. Vậy là năm 2009, địa phương tổ chức lễ Thượng Thọ cho ông, tính đưa ông vào danh sách “gui-nét Thọ” của làng.

    Ông có tài làm thơ, quê tôi gọi là vè. Ông kể thế chiến thứ 2 (1939-1945) Tây gởi trát về làng “hốt” tráng đinh sung quân, hội tề lập công bắt ông trói gô giải lên huyện. ông tức mình nghêu ngao:

    Vườn nhà không giữ gà bươi, làm thân lính thú bên trời Tây u, có thân tứ đại mà ngu, má trên chó dưới con cu ở ngoài”.

    Ông nói:

    - Tức mình hay chửi chơi, nhưng oan cho con chó. Con chó với con má khác xa. Chó trung thành, có nghĩa nên sủa quang minh chính đại, má cũng giống con chó nhưng là đồ “cẩu trệ” vô ơn chỉ biết cắn trộm và tru!

    Thấy ông có chữ nghĩa, quan Tây sung ông vào ban “đạc điền” (cadastrer), dù ông mới có bằng Sơ học Yếu Lược (Primaire Élémentaire), trong làng chỉ có mình ông.

Ông nhớ chuyện xưa xa lắc:

    Một lần, Hương quản Thông cầm gậy đi tuần đêm, mắt dòm lom lom vào nhà, ông ngồi dậy thắp đèn rồi cởi quần ngồi dạng háng, bứt từng sợi lông hơ lửa cong queo, ngâm nga:

Đốt đèn cháy khét chòm lông, cha con thằng quản chạy rông kiếm… lờ, nạ dòng quen thói lẳng lơ, trộm quần mụ Võ về thờ quan Văn” (Văn là tên cha Hương quản Thông – mụ Võ góa chồng).

    Lý trưởng Kim nói với hương quản Thông:

    - Thằng Ngượng “cà quỷnh” nghêu ngao phá làng phá xóm, dù hắn chưa làm gì phạm pháp nhưng chú phải coi chừng. Thơ thẩn gì mà “phản động”, có ngày tao gông cổ!

    - Hắn mới làm bài vè, bác nghe chưa? Thằng cu Ri giữ trâu cho tui ca múa như hát bội, vầy nè: “Lý đâu có lý lạ đời, Kim không lỗ xỏ mà xơi cả nùi, đáy quần què cũng nuốt trôi, bóp hầu bóp họng cả người lẫn ma. Nghèo, sưu thuế cũng không tha, Cúc cung bái lũ Lang sa làm thầy…”.

    Bác thấy chưa, hắn chửi bác đích danh. Hổn, hổn quá!

Mặt Lý trưởng Kim tái ngắt, xanh lè như đít nhái. Lão giận quá, đập tay xuống bàn cái rầm, bình trà sứ đời Tống ngã lăn chiêng. Hương quản Thông hoảng hồn lắp bắp:

    - Mấy thằng có chút chữ nghĩa này thiệt là nguy hiểm, có cách gì trị nó không bác Lý?

    Ngẫm nghĩ một lúc, Lý trưởng Kim vuốt râu cười khà khà:

    - Tề Thiên còn trị được, hắn là cái thớ gì. Mi có biết vòng “Kim Cô” là gì không? Tao mời hắn làm Hương giáo. (Phụ trách công tác giáo dục, thư ký hội đồng hương chính).

   - Hắn đã rứa rồi, cho hắn làm Hương giáo mệt hung nghe bác Lý!

    - Chú dốt, dốt quá! Biết một mà không biết mười. Khi hắn nằm trong lòng bàn tay, muốn bóp chết lúc nào không được!

   Từ ngày ông làm Hương giáo, trẻ nào đến tuổi là phải đến trường, kể cả thằng cu Ri giữ trâu cho nhà Hương quản Thông. Thời buổi Nho học lụi tàn, ông mở lớp Đồng Ấu (Cours Enfantin), lũ con nít ê a khắp làng khắp xóm: “Un, Une Một/ Deux Hai/ Trois Ba/ Quatre Bốn…”. Đứa nào không có tập vở viết trên lá chuối bằng bút… tre (đủa tre vót nhọn).

    Có lớp Đồng Ấu, xóm làng loạn hung. Những bài học đánh vần của lũ trẻ như kim chích khiến các quan làng nhột nhạt nhưng không bắt bẻ được gì. Tỉ như: “Hát ư… hư ơ anh rê… ương (HƯƠNG)/ Cu… a qua anh nờ uan (QUAN)/ Quê hương chìm đắm xóm làng xác xơ/ Lờ… y ly sắc (LÝ) ỡm ờ/ Lột Dê… a (DA) róc thịt phỉnh phờ bà con”.

    Những buổi trưa hè văng vẳng tiếng ru hờ bay theo gió nồm mát rượi. Lời như ca dao, người ta đồn rằng thơ của ông Trần Ngượng: “Ầu ơ… Chiều chiều ra đứng sau hè/ Không phải thương cha hay nhớ mẹ nhưng lòng nghe bùi ngùi/ Trống làng giục giã liên hồi/ Có thóc nộp thóc không thời đi phu/ Thuế thân thuế ruộng lu bù/ Rình mò như cú, thằng ngu làm thầy…”

    Ông nội “cà quỷnh” vỗ đùi cái tróc, cười ha hả:

    - Làng ta toàn là những nhà thơ dân gian lỗi lạc, bí bức quá phải xì, xì ra có cánh bay lên thành thơ, rồi gắn tên cho lão. Ngẫm nghĩ đi, lão đã sống trọn gần thế kỷ, nhiễu nhương, bất công thời nào chẳng có. Thời trẻ, lão tốt phước được võ vẽ năm ba chữ của thánh hiền, nên đâm ra ngông. Sóng sau đè lên sóng trước nhưng mang theo toàn rong rêu, ngày càng thúi nực. Điểm lại đời mình lắt lay theo vận nước nổi trôi, chiến tranh liên miên như cơm sôi theo ngọn lửa tàn, lửa cháy. Trồng trộng vấp phải thế chiến thứ 2, rồi chín năm kháng chiến. Đình chiến được mấy năm lại bùng lên cảnh nồi da xáo thịt tang thương. Làng ta biết bao nhiêu thế hệ huynh đệ tương tàn, hai thằng con trai của lão, không biết thằng nào bắn trúng thằng nào mà cả hai đều bỏ mạng!

    Cánh đồng lúa chỉ còn trơ gốc rạ, trời cuối thu đầu đông mang theo những cơn mưa dầm dề. Thời tiết năm này trái nết, nhiều năm lũ lụt không về. Ngày xưa, “Ông tha mà bà không tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười” nên ruộng đồng phì nhiêu nhờ con nước mang nặng phù sa.

    Đôi mắt ông Trần Ngượng nhìn xa xăm về ngọn núi Ngọc Linh xám mờ trong mưa bụi, khe khẻ ngâm nga: “Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt/ Khói Cam Toàn mờ mịt thức mây/ Chín tầng gươm báu trao tay/ Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…”. Đã triền miên khói lửa, chinh phụ… chinh phụ… “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi/ Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn…” (Chinh Phụ ngâm).

    Tôi vọt miệng:

    - Ông không làm thơ nữa sao?

    - Cậu không thấy à? “Thơ đã chết và hồn thơ đã chết/ Chuyện môi sinh ta trả lại cho người/ Rêu không bám đá cuội buồn bên suối/ Ngẫn ngơ cười cùng lũ trẻ rong chơi…”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...