Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

THEO DẤU CHIM BAY - CHƯƠNG IV: ĐỊNH MỆNH

                                                               CHƯƠNG V

ĐỊNH MỆNH

    Giữa năm 2002, chú Thân Hoàng gọi ra Quảng Ninh, tôi mừng hết chỗ nói, bán sợi dây chuyền đã sắm cho Thái, mua vé tàu lên đường. Đến Hà Nội gần 5 giờ sáng, hỏi đường xuống Hạ Long, Quảng Ninh…

    Từ Hà Nội đi Hạ Long khoảng hơn 3 tiếng đồng hồ, theo QL 5 qua thị trấn Sao Đỏ, những địa danh đã đi vào lịch sử cứ tiếp nối theo vòng quay bánh xe. Qua Côn Sơn nhớ Nguyễn Trãi với vụ án kinh người “Lệ Chi Viên” cùng người đẹp tài hoa Thị Lộ. Vải thiều đầu mùa ngon ngọt, ngày xưa chỉ để “tiến vua” được bày bán tràn lan dọc theo trục lộ ngang qua địa phận Hải Dương.

     Đến ngã ba Sao Đỏ rẽ phải theo hướng Đông Bắc về Hạ Long – Quảng Ninh, rẽ trái đi Bắc Ninh – quê hương quan họ ngọt ngào… Vòng cung Đông Triều.

“Theo sử sách, năm 1299 Thượng hoàng Trần Nhân Tông chính thức xuất gia về Yên Tử tu hành, trở thành vị Tổ thứ sáu của dòng Thiền Yên Tử và là Tổ thứ nhất của Thiền Phái Trúc Lâm. Ngài cho mở rộng quy mô Quỳnh Lâm viện ở Đông Triều để đào tạo tăng tài, lập am Ngự dược trên sườn núi Yên Tử, dựng thảo am để làm nơi an trú, viết sách soạn kinh, truyền giảng kinh pháp cho các đệ tử… Hành trình tu luyện, nhập diệt của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch của Đức Phật Thích Ca mâu ni ở Ấn Độ. Trong chuỗi sự kiện đó thì núi Yên Tử là nơi Phật hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và am Ngoạ Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện, hoá Phật của Ngài. Sử sách ghi chép những sự kiện phân phát xá lỵ của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đi các nơi trong nước Đại Việt đều tương tự như hành trình phân phát xá lỵ của Đức Phật Thích Ca mâu ni; chỉ khác là khi hoá Phật, Đức Phật Thích Ca mâu ni chỉ là Thái tử. Còn Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã là vua của đất nước Đại Việt, với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm…

     Sau khi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn đêm 1-11-1308 tại am Ngoạ Vân trên núi Bảo Đài, sang thời Pháp Loa, vị Tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, thì hệ thống chùa chiền, am tháp ở khu vực Yên Tử (TP Uông Bí), Ngoạ Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm (Đông Triều)… được xây dựng lớn hơn. Điều đó cho thấy, từ xa xưa, từ khu vực Yên Tử về đến Đông Triều và kéo sang cả vùng Chí Linh (Hải Dương) đã tạo ra vùng thánh địa linh thiêng mang đậm yếu tố lịch sử, văn hoá. Sự kiện các vị Tổ của Thiền phái Trúc Lâm chọn những địa điểm nhập niết bàn, theo thạc sĩ Nguyễn Văn Anh (cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Có lẽ Thượng hoàng Trần Nhân Tông biết Yên Tử không phải nơi của mình nên khi sắp mất thì Ngài về Đông Triều. Bởi Yên Tử là nơi trước khi Ngài về trụ trì thì ngọn núi này đã có những người khác tu tiên đắc đạo rồi, như đạo sĩ An Kỳ Sinh chẳng hạn. Ngoài ra, ở đời nhà Lý, khi Phật giáo là quốc đạo thì nhiều người cũng đã đến đây tu hành. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã khai sinh ra Thiền phái Trúc Lâm nhưng vẫn là người đi sau, vì vậy Ngài đã chọn Ngoạ Vân, nơi có độ cao thấp hơn so với đỉnh chùa Đồng Yên Tử để làm nơi viên tịch. Và đến Tổ thứ hai là Pháp Loa thì viên tịch tại chùa Quỳnh Lâm nhưng để di chúc chọn chùa Thanh Mai ở TX Chí Linh (Hải Dương) làm nơi an táng, cũng thấp hơn so với Ngoạ Vân. Đến Tổ thứ ba là Huyền Quang thì lại chọn một nơi thấp hẳn xuống là Côn Sơn cùng ở TX Chí Linh (Hải Dương) để trụ trì rồi viên tịch.

Nếu coi dải núi Yên Tử thuộc vòng cung Đông Triều là một con Rồng lớn vươn mình ra hướng biển, đầu Rồng là núi Yên Tử, đuôi Rồng là nhánh núi thấp nơi chùa Côn Sơn toạ lạc thì phần tháp mộ đặt xá lỵ của Tam Tổ Trúc Lâm (Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang) cũng theo một quy thức khá đặc biệt: Phần xá lỵ của Điều ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất Tổ đặt ở vị trí Hàm Rồng (tại tháp Huệ Quang, còn gọi là tháp Tổ), đệ nhị Tổ Pháp Loa ngự thân Rồng (chùa Thanh Mai) và đệ tam Tổ Huyền Quang ngự đuôi Rồng (chùa Côn Sơn).

     Đồng thời, Đông Triều còn là nơi đặt đền thờ và khu lăng mộ 8 vua nhà Trần. Các nhà sử học khẳng định: Đây là trung tâm có tính chất văn hoá tiêu biểu của nước Đại Việt thời Trần. Nơi đây đã có sự kết hợp hài hoà giữa quy hoạch tự nhiên với kiến trúc theo hướng mang tính tâm linh rất rõ nét. Toạ lạc trên núi Bảo Đài (núi Vây Rồng) quanh năm mây mù bao phủ, am Ngoạ Vân trở thành nơi linh thiêng nhất trong hành trình tu hành và hoá Phật của Đức vua Trần Nhân Tông; trong am có tượng thờ Phật Hoàng, một nhánh trúc xuyên qua đùi, phía dưới chân có Bảo Sái quỳ chắp tay hầu. Còn ở dưới sân chùa là Tháp Phật tổ cổ kính uy nghiêm. Trong Tháp có bài vị bằng đá, ghi “Nam mô đệ nhất Tổ Trúc Lâm đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng Trần triều đệ tam Nhân Tông Hoàng đế Điều ngự vương phật - Nam mô a di đà Phật, bài vị thờ Điều Ngự vương phật Đầu đà Tĩnh tuệ giác hoàng, Tổ thứ nhất phái Trúc Lâm, vua thứ 3 triều Trần Hoàng đế Nhân Tông”.
     Các nhà nghiên cứu cho rằng vị trí chùa Ngoạ Vân là một địa thế đẹp trên cả phương diện cảnh quan và phương diện phong thuỷ, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thuỷ, vị trí chùa Ngoạ Vân phải gọi là đắc địa. Từ chùa Ngoạ Vân rẽ phải, “hạ sơn” theo con đường hành hương cổ xưa, xuống đến hồ Trại Lốc là gặp Thái Lăng, lăng vua đầu tiên xây năm 1320 trên quê gốc Đông Triều an táng Trần Anh Tông, vị vua thứ 4 nhà Trần và cũng là nơi phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái Hậu được xây dựng trên đỉnh một quả đồi thấp nằm giữa một thung lũng. Ba mặt Đông, Tây và Bắc được bao bọc bởi các dãy núi cao, suối phủ Am Trà chảy ngang từ phía Đông qua phía Tây hội nước ở trước mặt tạo thế minh đường tụ thuỷ, phía xa có núi thấp làm bình phong. Theo các nhà nghiên cứu phong thuỷ thì lăng được xây dựng trên một vị trí đắc địa về phong thuỷ...

     Phía trước Thái Lăng, bên trái là Mục Lăng (hay còn gọi là lăng Đồng Mục) toạ lạc tại chân đồi Khe Gạch (gần đền Thái), được xây dựng năm 1357, là nơi an táng của vua Trần Minh Tông, vị vua thứ 5 nhà Trần. Còn phía bên phải có Ngải Sơn Lăng (hay còn gọi là lăng Ngải Sơn) toạ lạc tại thôn Trại Lốc 2, xây dựng năm 1381, nơi an táng vua Trần Hiến Tông, vị vua thứ 6. Tiếp theo xuống phía dưới là Phụ Sơn Lăng (hay còn gọi là lăng Phụ Sơn) ở thôn Bãi Dài, xây dựng năm 1369, nơi an táng của Trần Dụ Tông, vị vua thứ 7. Nguyên Lăng toạ lạc trên một gò đất cao nằm ở thung lũng Khe Nghệ (núi Đốc Trại), xây dựng năm 1364, là nơi án táng Trần Nghệ Tông, vị vua thứ 8.

     Ra đến gần khu vực đền Sinh, ở phía Tây Bắc của Đền hiện tại còn Lăng Tư Phúc, là nơi đặt lăng tẩm và miếu thờ của ba vị vua: Trần Thái Tông, vua thứ nhất (1218-1277), Trần Thánh Tông, vua thứ 2 (1240-1290) và Giản Định Đế (Trần Ngỗi), vua Hậu Trần trong lịch sử (1361-1388). Theo tài liệu “Trần triều thánh tổ các xứ đại đồ” thì lăng Tư Phúc có tường bao ngoài phía Tây Bắc dài 59,4m, nằm liền kề với tường bao ngoài dài 105,6m của điện An Sinh. Lăng Tư Phúc gồm có ba lăng, một lăng phía trong dài 19,8m, rộng 9,9m, nền cao 1,3m. Một lăng ở giữa dài 7,6m, rộng 3,3m, nền cao 0,4m. Một lăng phía ngoài dài 19,8m, rộng 6,6m, nền cao 0,7m.

     Ở xa hơn về phía tây - nam huyện Đông Triều, trên địa bàn xã Thuỷ An, có chùa Thanh Mai trên núi Ngọc Thanh. Nơi đây còn có Đồng Hỷ Lăng (hay còn gọi là lăng Đồng Hỷ) được xây dựng năm 1377 thờ vua Trần Duệ Tông, vua thứ 9 và lăng mộ của vua Trần Thuận Tông, vị vua thứ 11 của nhà Trần, sau này cũng xuất gia tu hành theo Phật giáo tại đây…(Theo baoquangninh.com.vn)

    Qua khỏi Uông Bí, tầm nhìn được trải rộng, phong cảnh đẹp như tranh thuỷ mặc, đồi núi trập trùng, những nhọn núi đá vôi 

hiện trên mặt nước êm đềm của Vịnh Hạ Long. Đến phà Bãi Cháy trời đã về chiều, bên kia là Hòn Gai nhạt nhoà trong sương, tôi đón xe ôm về nơi đồn trú của Cienco 5, nóng lòng gặp chú Hoàng. Đến khi gặp nhau chú chỉ nói đúng một câu:“- Anh tìm chỗ nghỉ ngơi rồi mai tính!”. Nói xong chú đi mất.    

     Đêm đầu tiên Sơn chỉ cho tôi cái giường không màn không chiếu. Khu đô thị mới Vựng Đâng đang thi công hạ tang, lán trại tạm thời dưới mái tole phê-rô xi-măng…

     Những ngày sắp Tết 2003 (Quý Mùi) tất bật sắp xếp kho bãi, chú Hoàng cho 15 triệu, về Saigon trả nợ mua nhà 10 triệu, còn lại dành cho cái Tết đầy đủ nhất so với mấy năm qua. 

Ra Tết, mồng 8 tôi lên đường ra Hạ Long, trời rét đậm. Tôi và chú Hoàng ở chung phòng, ban ngày dùng làm việc. Gần cuối năm tôi bị ho, uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi, đi khám tại bệnh viện đa khoa Quảng Ninh, chụp X quang bác sĩ chuyển qua bệnh viện K67 (lao). Tôi thật sự hoang mang, lo lắng, Nếu tái lao thì đời mình vắn số quá.

     Bác sĩ K67 xem xong X quang chỉ định tôi nhập viện. Đơn thân độc mã tha phương cầu thực thế này mà nhập viện thì làm sao! Tôi xin ngoại trú, thuốc lao không phải mất tiền nhưng chữa ngoài phải mua, mỗi tháng 500.000 đ (gần ½ tháng lương), uống trong 9 tháng.

     Xong tháng đầu tiên nhưng ho không giảm, sức khỏe yếu dần. Tôi xin về Saigon vào khám lại ở bệnh viện lao Phạm Ngọc Thạch, tôi khai rõ đã uống xong một tháng thuốc lao, xét nghiệm không thấy gì, bác sĩ cho là vi trùng tiềm ẩn nên cho chích và uống thuốc thêm tháng nữa … Tôi bị rối loạn tiền đình, tôi quyết định ngưng uống thuốc. Ngày 25 tháng Chạp đi khám lại tại bệnh viện Đại học Y Dược, mem gan gấp 20 lần bình thường, bác sĩ ngạc nhiên:”Sao ông không chết? Phải nhập viện ngay!” . Tôi xin sau ba ngày Tết sẽ nhập viện.

     Khi nghe tôi bệnh nặng, anh em K22/HQ ở hải ngoại vận động cứu trợ, tôi không bao giờ quên ân nghĩa này. Bởi vậy, sau này khi làm có tiền, tôi đã trả nợ ân tình cho nhiều anh em khác.

     Nghe nói tôi nằm bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, từ bên Mỹ Đỗ Kim Tính cùng khóa HQ nhờ bác sĩ Hoa thân quen chăm sóc cho tôi. Bác sĩ khám và chỉ trị bệnh gan cho tôi, khi gan đã ổn định, tôi không còn ho nữa nhưng vẫn còn đi lại lơ mơ. Đến khi sức khỏe phục hồi, xét nghiệm không thấy con vi trùng lao nào! Khi nghe tái lao, tôi không còn bình tỉnh để suy xét, đúng ra phải làm xét nghiệm máu, nước tiểu, đàm… đầy đủ để có cơ sở cho bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh. Thôi cũng là số trời, chưa chết cũng còn may!

     Ra viện buổi sáng, buổi chiều tôi lang thang ở chợ Tân Định phát tờ rơi tìm chỗ dạy kèm (gia sư)…

     Tôi lo lắng mình sẽ sống bằng gì, tôi nhờ chú Hoàng xin cho Khánh Vỹ đi làm ở Cần Thơ – Công ty 586. Đôi lúc nhà thiếu tiền, Khánh Vỹ gởi về bằng những đồng tiền lương đầu tiên của con.

     Đến tháng 8/2004, tôi lại lên đường ra Quảng Ninh. Thục Nghi nói ba lớn tuổi rồi, thôi ở nhà…

     Suốt cuộc đời, tôi đã nổ lực hết mình, dù ở nơi đau cũng tìm kế sinh nhai, mong một ngày gia đình sẽ khá hơn lên. Tuổi già sắp đến, con cái trưởng thành cũng phải lo cho gia đình nhỏ của chúng, làm cha mẹ mà cứ mong chờ ở sự nhờ vả con cái là điều khổ tâm. Năm mươi sáu tuổi chưa phải là già, nếu còn sức khỏe phải lên đường, cầu mong một cơ hội cuối cùng…

     Công việc bắt đầu thuận lợi, mùa đông Hạ Long rét run người, những đoàn tàu phun cát đủ miền: Nam Định, Bắc Giang, Hải Phòng… chờ thủy triều lên. Đêm đầu 1 giờ, đêm sau 2 giờ sáng… Kiểm tra từng con tàu đến khi phun xong gần 7g sáng. Có khi cả tuần không ngủ ngon giấc. Về khuya đói bụng, nhìn quanh bãi cát mênh mông phản chiếu lấp lánh sao trời, them gói mì tôm nhưng tìm đau ra? Từ chỗ bãi phun cát đi bộ ra đường Lê Lợi gần cây số. Những đêm sau, trước khi đi phải thủ gói mì. Gió bấc mùa đông rét ghê hồn, bẻ từng miếng mì nhai thật là ngon.

     Theo thời gian, khu dân cư Vựng Đâng đần hình thành, những khuôn đường thảm nhựa thẳng tắp, từng lô nhà liền kề, biệt thự đang mọc lên. Không khí thi công khẩn trương, hồ sơ nghiệm thu làm suốt ngày đêm, chính nhờ thời gian này tôi thành thạo sử dụng vi tính.

     Đón Tết 2005, tôi đã trả xong nợ mua nhà. Nhẹ cả đầu óc.                                                          

Khu đô thị mới Vựng Đâng – Hạ Long, Quảng Ninh

ANd9GcR-1VfJ5FNg9TjnBtxH8Ee964P8nPVFl05txQzg39-WK-wyZqFW

    Những dãy nhà liền kề lẫn biệt thự mọc lên trên vùng đất mới, nhìn ra Vịnh Hạ Long thơ mộng…

     Văn phòng làm việc nằm trên khu quy hoạch: Nhà Mẫu giáo Yết Kiêu  nhìn ra hướng biển. Nhiều người đến nhờ mua đất, tôi hướng dẫn tận tình , đôi lúc được việc họ mời uống cà phê… thế thôi! An hem ai cũng có tâm trạng giống tôi:

Chúng tôi xây những công trình

Nhà cao cửa rộng là mình ra… đi!

     Sau khi hoàn tất công trình, mình lại trở về nhà, đâu có luyến lưu gì ở đây.

Tôi nhờ chú Hoàng xin cho Khánh Vỹ vào công ty 586 ở Cần Thơ.

     Nhưng rồi tiếp nối khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh A. Mọi người vui mừng vì có thêm công việc mới. Tháng 5/2005 tôi về Saigon chuẩn bị đám cưới Khánh Vỹ với Sa Như Bích tại Cần Thơ.


Nguyễn Ngô Khánh Vỹ - Sa Như Bích      

     Ra lại Hạ Long, chú Hoàng mua cho chiếc xe Wave Alpha để đi làm. Những an hem bên công ty 507 như Lân, Ngọc có thêm thu nhập từ những lần môi giới đất đai, tôi lần hồi tìm hiểu. Tôi nói chú Hoàng chỉ cho vài lô đất chưa có khách mua, lần môi giới đầu tiên tôi không nhận được đồng hoa hồng nào, chỉ được nói lời cám ơn.

Toàn bộ dự án Vựng Đâng - Cao Xanh

     Khi có được đồng tiền “cò” đất đầu tiên, tôi mua chiếc xe tay ga đời mói hiệu Honda giá 35 triệu đồng có gắn thùng phía sau để hồ sơ, bản đồ.

     Những đêm nằm thao thức xem phim chờ giấc ngủ, câu nói của Yan:”Yan can cook, every body can cook!” làm tôi suy nghĩ, tại sao không? Why not?

     Tôi ngộ ra, muốn làm môi giới phải có “độc quyền” thông tin và phải biết giữ bí mật là vô cùng quan trọng.

Tôi “điếu đóm” phòng kinh doanh nhờ photo danh sách khách hàng đã mua kèm theo điện thoại tại khu dân cư Vựng Đâng và khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh A.

    Có được “bảo bối” trong tay nhưng phải có “bột mới khuấy nên hồ”, khi cần vốn tôi nhờ mấy chị em quen biết vay giúp với mức lãi 3%/tháng. Khách hàng đầu tiên là một chị ở Cẩm Phả tìm mua lô góc hướng Đông, tôi dò tìm và liên hệ được chủ cũng đang muốn bán, giá chênh lệch khá lớn, nhưng bị rò rỉ thông tin kẻ khác mua mất. Sợ mất uy tín, tôi liên hệ mối khác giá rẽ hơn để mua cho chị, kết quả không lãi mà lỗ 30 triệu đồng.

     Tôi đưa ra phương châm: “Thực hiện đúng lời hứa, phí môi giới 1% (Thị trường 2%) – Minh bạch trong giao dịch”.

     Tôi nhớ mãi lời bác L.: “Khi nào cần tiền, anh cứ bảo tôi!”. Trong một lần có khách cần mua hai lô liền kề, tôi liên hệ được với người bán, nếu thành công lãi sẽ rất lớn, tôi gợi ý bác chung tiền để mua. Sau khi giao dịch thành công tôi chia cho bác phần hơn và tặng thêm cho bác 300 USD.

     Thấy tôi làm ăn được, chú Hoàng giao thêm cho tôi những lô đất khác giá nhẹ hơn thị trường. Tôi kêu gọi cổ đông, hoàn tất “phi vụ” tôi hoàn trả vốn, phần lãi tính theo giá trị vốn góp. Tôi mua được chiếc xe hơi đầu tiên: TOYOTA PICKUP 3.0 cũ, giá 65 triệu đồng ở tiệm cầm đồ. Hơn tháng sau, người ta xin chuộc lại, tôi lấy lại tiền mặc dù đã sửa máy điều hòa mất mấy triệu.

     Ngày 27.11.2005 (Ất Dậu) Nguyễn Ngô Khánh Nguyên (Alo) ra đời tại Cần Thơ.       

 

     Công việc làm ăn thuận buồm xuôi gió, tôi thành lập công ty TNHH Phi Sơn, tôi không làm cho chú Hoàng nữa.

Trong lúc này chú Hoàng đang phân vân không biết có nên nhận chức giám đốc Chi nhánh Công ty 507 tại Quảng Ninh hay không? Tôi bàn với chú: “Dự án đã đi vào hoàn thiện, bây giờ chỉ còn sự vụ và giải quyết hậu quả… Cách tốt nhất là đề nghị thành lập chi nhánh của Tổng Công ty Cienco 5 tại Quảng Ninh, nhìn phía sau không vướng víu, nhìn phía trước chân trời rộng mở bao la…” Kết quả đúng như vậy, chú xin được các dự án mới: Mê Linh, Cao Xanh – Hà Khánh mở rộng…

     Chi nhánh Tổng Công ty Cienco 5 – Tại Quảng Ninh những ngày đầu mới thành lập vô cùng khó khan, các dự án đang xin chưa được phê duyệt, những ngày cuối năm 2006 không có tiền trả lương cho CB/CNV, tôi đã huy động cổ đông đầu tư để chú Hoàng có kinh phí hoạt động. Số tiền nộp vào Chi nhánh gần 2 tỷ đồng để chú trả lương và thưởng tết cho anh chị em.

     Tôi yên chí về Saigon với tâm hồn phơi phới. Nhưng sau tết, dù dự án đã được phê duyệt nhưng chú Hoàng không phân phối đất cho tôi! Tôi cùng các cổ đông phản ứng, sau đó cũng được thu xếp ổn thỏa.

      Tôi mua giúp cho chị B. lô đất hai mặt tiền bên Cao Xanh rồi thuê lại mở văn phòng công ty, đây là căn nhà đầu tiên trên khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh A.

     Tôi đã nhận định đúng khi đặt văn phòng và trung tâm môi giới ở đây. Tôi treo bản đồ và bảng hiệu: “ TRUNG TÂM DỊCH VỤ CÁC KHU ĐÔ THỊ MỚI HẠ LONG”. Chọn tên Trung Tâm như thế này có nhiều ý nghĩa:

     Tôn chỉ:

-        Tận tình hướng dẫn cho khách hang biết vị trí đất và hướng dẫn các thủ tục liên quan.

-        Phí môi giới và dịch vụ 1%

-        Công khai – Minh bạch – Trách nhiệm. 

       Khách hàng từ Hà Nội và các tỉnh đã đầu tư lớn ở khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh A,B,C nên khách mua “hàng” gì, hướng gì cũng có.

     Công trình đầu tiên của công ty Phi Sơn là xây dựng văn phòng cho Chi nhánh Cienco 5 – Quảng Ninh tại khu nhà trẻ Vựng Đâng. Tôi đưa Tân, Khánh Phi, Linh (học trò cũ) ra làm việc. Lợi nhuận chỉ đủ để nuôi quân.

     Khi để dành được gần hai trăm triệu, tôi mua xe hơi cũ Honda Acord giá 180 triệu. Từ khi có xe, công việc làm ăn thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi gởi tiền về mua thêm căn nhà kế bên của chú Cường và cho sửa sang lại cho gia đình ở thoải mái hơn.

     Khánh Phi chở tôi đi mua chiếc xe Attila màu đen mới toanh cho Thái, giá 35 triệu đồng, sắm đầy đủ tiện nghi ở nhà.

     Gần tết 2007 (Đinh Hợi) tôi nhờ người lái xe về, đến Tp.Vinh trời gần tôi rẽ phải lên đường Trường Sơn (Đ.Hồ Chí Minh) hơn 200km, cữ ngỡ bảng chỉ hướng về Saigon. Xe gần hết xăng, may quá đến ngã ba Đồng Lộc có cây xăng. Hỏi đường xuống QL1 ngang Hà Tỉnh.

     Có xe, tôi đưa cả nhà đi chơi, khám bệnh cho Thái, chữa mắt cho cháu Khánh Toàn (Bill). Dù chỉ chiếc xe hơi cũ nhưng là niềm mơ ước từ xưa…

     Nhớ ngày chú Hoàng vào Saigon nhăn tin tôi lên khách sạn Hoa Sen – Q.1, tôi chở chú bằng xe máy cánh én, bị xẹp lốp phải dắt bộ.

Xe Honda Accord 29L 0746 với cháu nội Khánh Toàn

     Năm 2007 là dấu ấn thành công vượt bậc, nằm mơ cũng không thấy.

     Tôi mua đất và xây nhà làm văn phòng công ty, mỗi chuyến đi về Hà Nội – Hạ Long là xây được thêm một tầng.

         Tôi đưa vợ con Khánh Phi ra Hạ Long, thuê mặt bằng rồi trang bị cho Phi cửa hàng điện thoại di động để kinh doanh, được mấy tháng hết vốn. Phi cùng vợ con về Saigon.

     Tôi bán chiếc xe hơi Honda Accord  mua lại xe mới đời 2007, đăng ký số xe 14M 9797 – vì không hộ khẩu nên lấy danh nghĩa công ty Phi Sơn.

 


     Tết này buồn ghê gớm, Thái ghen tuông bóng gió xa xôi, không cho tôi ngơi nghỉ, khổ tâm ghê gớm. Trưa mồng 2 tôi “trốn” đi, cả nhà không ai hay, thuê khách sạn nằm một mình cô đơn như kẻ không nhà.

    Sáng mồng 3 tôi lấy vé máy bay ra Hà Nội, trên đường về Hạ Long trời lạnh thấu xương, tôi chưa biết không khí tến miền Bắc như thế nào.

     Tối mồng 3 nhận được điện thoại: “Mẹ nằm bệnh viện vì cao huyết áp!”, tôi vội vã quay về Saigon. Khi Thái đã khỏe, tôi quay lại Quảng Ninh. Càng về cuối năm 2007 đất cát hạ sốt, mua bán khó khan hơn, đôi lúc thiếu vốn tôi thế chấp nhà cho ngân hàng. Tôi giải thể công ty Phi Sơn, chỉ giữ lại “Trung Tâm Dịch Vụ Các Khu Đô Thị Mới Hạ Long”.

     Năm 2008 tôi thành lập công ty CP Đầu Tư – Kinh Doanh Bất Động Sản và Xây Dựng 518, trên danh nghĩa cổ phần nhưng vốn tôi chiếm 98% để có chức năng thầu các khu đô thị mới tại Hạ Long.

 

     Chú Hoàng đề nghị tôi thành lập xưởng gạch Terrazo, tôi đã đầu tư vào đây gần 3 tỷ đồng để xây dựng xưởng. Về Saigon đặt mua máy ép gạch. Chợt nghĩ bà con mình ở quê không có việc làm, tôi điện thoại cho chú Giai tuyển người, thuê xe dưa ra Hạ Long. Cho Tân (con anh Ngộ) và Sang (con chú Giai) vào học kỹ thuật tại BIên Hòa (Công ty gạch Terrazo của anh Thanh)

                                           

     Công trình đầu tiên là nhận lát gạch vĩa hè khu đô thị mới Cao xanh – Hà Khánh A. Tôi về Saigon mua 4 máy ép gạch ở Dĩ An, Bình Dương hơn 1 tỷ, luôn tiện nhở Tường, Lũy tìm mua cho Khánh Phương miếng đất khoảng 250 triệu để sau này vợ chồng Phương làm nhà. Tôi chuyển tiền về cho con nhưng cuối cùng không thấy đất mà tiền cũng bay đi.

     Tôi đưa vợ chồng Khánh Vỹ và cháu nội Nguyễn Ngô Khánh Nguyên ra Hạ Long giúp tôi quản lý xưởng gạch và xin cho cháu vào trường mẫu giáo.

     Tôi về Đà Nẵng thăm mộ ông bà, cha mẹ. Bàn với chú Dần  và các anh trùng tu mộ ông bà và xây lại mộ cha mẹ và chị Ái bằng đá khang trang.

     Mấy tháng sau về thăm nhà thấy vợ chồng Tường Ngọc và hai các cháu vẫn còn đang ở nhà thuê bên Q.8, tôi cho 150 triệu Tường tìm được căn nhà nhỏ ở Vĩnh Lộc A để mua, cho Lũy 30 triệu sửa nhà.

     Tôi về Dầu Giây thăm bà con và anh em, tôi xây lại mộ má Cấp, người đã cho gia đình tôi ở nhờ trong những ngày khốn khổ và đề ơn đáp nghĩa ngày xưa…

     Tết Kỷ Sửu (2009) về Saigon được mấy hôm, sáng mồng 1 nhận được điện thoại của Dũng báo tin dượng Phụng (ba chú Hoàng) mất, tôi cùng Khánh Phi về quê. An táng dượng xong tôi ra lại Hạ Long.

    Những tháng đầu năm tình hình bất động sản không sôi động như năm 2007, nhưng tôi cùng một số cổ đông đầu tư tiếp vào dự án Cienco5 -  Mê Linh, Vĩnh Phúc. Chú Hoàng cho phép tôi xây văn phòng “Môi Giới và Dịch Vụ” bên cạnh Ban Điều Hành Dự Án để hoạt động kinh doanh bất động sản.

     Khoảng tháng 9/2009 về quê, tôi hỏi ý kiến chú Dần và anh em trùng tu Từ Đường (vốn là nền nhà cũ và vườn của cha mẹ tôi)  nâng lên thành nhà thờ Tộc Nguyễn Văn – Đệ Tứ Phái, kinh phí hoàn toàn do tôi cúng dường, giao cho cháu Tân – con anh Ngộ xem ngày khởi công, dự trù ngày Chạp Mả (Thanh Minh) mồng 5 tháng 3 AL Canh Dần (2010) sẽ khánh thành. Năm này tôi vừa tròn “lục thập hoa giáp” 61 tuổi.

Nhà Thờ Tộc Nguyễn Văn – Đệ Tứ Phái

     Trước Tết Canh Dần tôi tôi lái xe về quê. Sau 40 năm tôi mới trở lại ăn Tết quê nhà. Đêm giao thừa tôi cùng anh Ngộ trải chiếu nằm ngủ trên nền nhà thờ. Nhìn lên bàn thờ trang trọng khói hương, những hình ảnh xa xưa lại hiện về, tôi hình dung chỗ ngồi học bên kia, giường của cha tôi chỗ này, gian nhà ngang mẹ nằm ngủ cùng em Ngọc, Lũy, bên cạnh sân lát gạch tàu là giàn trầu cha trồng cho mẹ, ngoài cổng hàng cau cao vút, tiếng chim se sẻ chim chip đầu hồi… gợi nhớ trong tôi cảnh bể dâu tan tác. Chiến tranh và thời gian đã mang đi mất những gì quý báu nhất của cuộc đời tôi.

     Đúng như dự kiến, Thanh Minh mồng 5 tháng 3 AL Canh Dần (2010) khánh thành nhà thờ, tôi cho các con về dự lễ. Thắp nén nhang lần đầu trong đời kể từ ngày cha mẹ chúng bồng bế nhau đi tha phương cầu thực. Con cháu về rất đông, nhìn lại các khuôn mặt bà con thân thương đã một thời xa vắng.

     Khoảng tháng 3/2010, cô Hương (Trường) cùng tôi lập sàn giao dịch bất động dản An Bình. Cùng nhau đầu tư tiếp vào dự án “Tuyến kè Cao Xanh – Hà Khánh ABCD” mỗi bên 50%, thiếu vốn tôi phải vay cô Hương với lãi suất 3% để đủ 6 tỷ góp vốn. Kể từ ngày đầu tư tôi ngủ không yên giấc mỗi khi nghĩ đến, nếu vì lý do gì đó dự án không khả thi hoặc khách quan bất trắc hoặc khi có đất không bán được thì sao? Tất cả tiền 12 tỷ giao hết cho chú Hoàng, không có mảnh giấy lận lung. Cô Hương chỉ biết giao tiền cho tôi chứ có biết ai đâu? Nếu không thành công tôi sẽ là người bất hạnh nhất trên trái đất này, không có chỗ để dung thân.

     Gần cả năm nay tình hình im ắng, chôn vốn ở dự án Mê Linh, đột nhiên có người gọi điện hỏi mua, đang lúc cần tiền tôi đồng ý bán vì cũng có lời, không ngờ chỉ tháng sau giá đất lên vùn vụt, tôi mất hơn 1 tỷ. Tôi đã ghi nhớ trong lòng: “Thành công hay thất bại trong kinh doanh nói chung và bất động sản nói riêng, thông tin, tìm hiểu thị trường để nhận định nhu cầu của khách hàng là vô cùng quan trọng. Không nên vội vã khi chưa tìm hiểu kỷ thị trường” là bài học đắt giá cho tôi.

     Sàn giao dịch bất động sản an bình hoạt động hiệu quả phần lớn nhờ năng lực tài chính của cô Hương, trách nhiệm của tôi là khai thác thị trường và tiêu thụ. Trên cơ sở cổ phần các cổ đông góp vốn tùy theo khả năng tài chính. Sauk hi trừ chi phí, lãi được chia theo tỷ lệ % vốn góp và hoàn vốn ngay sau mỗi giao dịch. Thu nhập được bao nhiêu tôi trả tiền đã vay cho cô Hương, nhờ vậy tiền nợ giảm dần.

     Tháng 7/2010 tôi bán lại xe Ford Focus 14M 9797 thêm tiền mua xe mới Ford Mondeo đời 2010 (14P 3984) 

Xe MONDEO 14P 3984 và nhà 42/32 Nguyễn Thành Hãn – Đà Nẵng

      Tôi đã miệt mài say mê đêm ngày với xưởng gạch, nghiên cứu qui trình, cấp phối, mẫu mã… Xây dựng thêm phòng ăn ở cho công nhân. Trước đó, khoảng đầu tháng 10/2010 tôi đã xin chú Hoàng cho Khánh Phương ra Hà Nội làm việc tại văn phòng công ty 507 – Tôi giao văn phòng ở Mê Linh cho Phương. Khi có xưởng gạch tôi lại xin cho Phương chuyển về chi nhánh Cienco 5 tại Quảng Ninh, phụ trách phòng kinh doanh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các con, tôi đã chuyền Hiền và Khánh Toàn (Bill) ra Hạ Long, xin Khánh Toàn vào học trường điểm Trần Hưng Đạo, ông nội phải xây 3 nhà vệ sinh cho trường.

     Công việc sản xuất khẩn trương đêm ngày cho kịp tiến độ công trình, chỉ gần một năm đã phủ kín vĩa hè của dự án. Xưởng gạch vẫn hoạt động nhưng hàng ứ đọng vì phần thi công hạ tầng không đáp ứng kịp, thêm các đội thi công của chi nhánh 507 nợ tiền tôi quá nhiều chưa thu hồi được, tôi quyết định tạm ngưng sản xuất nhưng chưa biết đến bao giờ Chi nhánh Cienco 5 – Quảng Ninh thi công tiếp để có vĩa hè cho mình lát gạch? 

     Đến tháng 10/2010, tôi nhận định tình hình cuối năm sẽ khó khăn hơn, tôi chuyển hầu hết các lô đất chung với cô Hương với giá thấp hơn thị trường từ 15 đến 20% và không phụ trách sàn giao dịch bất động sản An Bình nữa. Phần tôi nợ cô Hương đã giảm đến 80%.

     Qua Tết 2011 (Tân Mão) dự án “Tuyến kè Cao Xanh ABCD được phê duyệt. Tôi và cô Hương được phân phối 2 lốc LK22 và 23 nhưng vẫn chưa hết tiền đầu tư, chú Hoàng còn nợ lại 1,5 tỷ. May mắn thay, giá đất lên từng ngày, những âu lo trước đây tan biến… Tôi chỉ giữ lại những ô đẹp nhất, số còn lại bán thu hồi vốn.

     Đây là cơ may lớn nhât của cuộc đời tôi. Từ ngày đầu tư vào dự án này đêm ngày mất ăn mất ngủ. Đến bây giờ nghĩ lại tôi chợt rùng mình!

     Ngày 16.3.2011 (Tân Mão). Nguyễn Trần Khánh Hưng ra đời.


 

     Hiền sắp đến ngày sinh Khánh Thịnh (Bee), Khánh Phương chuyển vợ con về Saigon, vợ chồng Khánh Vỹ cũng về Cần Thơ, xưởng gạch đóng cửa.

   Ngày 21.10.2011 (Tân Mão) Nguyễn Võ Khánh Thịnh được sinh ra ở Saigon.

 

                 Nguyễn Võ Khánh Thịnh

     Khi chưa có tiền, tôi mơ ước sẽ mua lại căn nhà của ba mẹ ở đường Phan Chu Trinh – Đà Nẵng nhưng bây giờ suy đi nghĩ lại cũng chẳng để làm gì. Tôi đi khắp Đà Nẵng tìm mua căn nhà vừa ý ở 42/32 Nguyễn Thành Hãn rộng 240m2 thuê xe chở cây cảnh từ Quảng Ninh về, giao cho cháu Quốc (con anh Hiệp) trông nom sửa chữa.

    Tôi nhờ hai vợ chồng Tường – Ngọc ra Đà Nẵng trông coi các căn nhà mới mua. (Tường đã mất tại Saigon ngày 18.8 Mậu Tuất – 27.9.2018)

Trần Tường và cháu nội

Tôi bán hết các lô đất ở dự án Tuyên Sơn chuyễn qua kinh doanh nhà. Mua nhà có giá trung bình, tu bổ lại rồi bán nhưng tôi đã sai lầm. Lại một lần nữa chưa nghiên cứu kỹ thị trường. Nếu so với Hạ Long hay Hà Nội giá nhà cùng cấp ở Đàn Nẵng rẽ hơn nhiều. Tôi mua hai căn nhà 3 tầng ở Liên Chiểu giá chỉ hơn 3 tỷ. nếu với số tiền này tôi sẽ mua 5 căn nhà cấp 4. Thật là “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên” hay tôi quá chủ quan? Đã để lại hậu quả vô cùng tai hại.

     Tôi về Saigon thasy vợ chồng Khánh Phi thuê nhà bán cà phê, thu nhập không đủ sống nên tìm mua căn nhà để con vừa kinh doanh vừa có chỗ ở, không đủ phải vay thêm tiền. Giao cho vợ chồng Khánh Phi đứng tên.

    Từ quý II/2012 thị trường nhà đất đi xuống tồi tệ kéo dài đến cuối năm, giá nhà đất giảm xuống 20, 30% nhất kaf các dự án khu đô thị mới khắp cả nước, tôi lâm vào cảnh khó khan khi hằng tháng phải trả lãi tiền vay, lãi mỗi ngày mỗi tăng. Tôi thế chấp nhà để trả bớt nợ vay ngoài, nhưng lãi ngân hang trong giai đoạn này 18-20%/năm.

     Phương án cuối cùng phải đành bán lỗ, thà trở về số không để nhẹ đầu óc. Tôi quyết định bán lần lượt hai căn nhà 0wr Hòa Mỹ và 48 Ngô Sĩ Liên, Hòa Khánh, mỗi căn lỗ gần 500 triệu. Dù biết rằng “Khi cha mẹ sinh ra hai bàn tay trắng, khi về với đất cũng chỉ hai bàn tay”. Dù biết vậy nhưng cũng xót xa khi cả cuộc đời bôn ba mong được thành quả để hưởng tuổi già và cho con cháu nhưng nước chảy mây trôi!

    Còn 5 lô đất ở Hạ Long tôi quyết giữ lại hai lô góc đẹp nhất dự án nhưng sau đó phải mang đi thế chấp.

     Tháng 8/2013 tôi về Saigon bán căn nhà ở Thống Nhất, Gò Vấp đã mua cho gia đình Phi ở, tôi tá hỏa và vô cùng thất vọng khi Phi đã tự ý vay thêm ngân hang hơn 700 triệu chưa kể lãi ngân hang gần 6 tháng chưa trả! Tôi tìm người bán gấp, mua 3 tỷ, bán trả ngân hàng chỉ còn thu về hơn 1 tỷ!

     Năm 2013 càng tệ hơn hai năm trước, lãi mẹ đẻ lãi con. Những đêm dài không ngủ, vốn liếng tôi còn lại căn biệt thự, xưởng gạch, chưa thu hồi nợ của Chi nhánh - công ty 507, của chú Hoàng, 5 lô đất ở Hạ Long và chiếc xe hơi. Thời buổi này “có gạo mà không có cơm ăn”!

    Tình trạng Công ty 507 của chú Hoàng lúc này cũng dầu sôi lửa bỏng, không có tiền để trả lương công nhân làm sao tôi đòi được nợ? Trước đó chú đã đồng ý tôi chuyển giao xưởng gạch Terrazo cho công ty, nhưng tiền đâu?

    Hai năm nay xưởng gạch không hoạt động, máy móc xuống cấp nhưng phải chi phí.

     Tôi ra Hà Nội ở nhà chú tại chung cư Mỹ Đình, yêu cầu chú xác nhận công nợ.

     Ngày 11.8.2012 (Nhâm Thìn) Cháu ngoại trai Nguyễn Duy Nam được sinh ra.

     Về Đà Nẵng tôi quyết định bán căn biệt thự ở Nguyễn Thành Hãn. Chiếc xe hơi Mondeo 14P 3984 làm phương tiện đi lại cuối cùng cũng nán nốt để trả hết nợ.

     Đôi lúc chán đời nhìn đâu cũng u ám nhưng đầu óc nhẹ hơn trước.

     Ngày 28.11.2013 (Quý Tỵ) Nguyễn Ngô Như Quỳnh ra đời tại Cần Thơ. Cháu nội gái đầu tiên.

Nguyễn Ngô Như Quỳnh

    Tôi ra lại Hà Nội, bám theo chú Hoàng mong thu hồi nợ, hy vọng chuyển giao xưởng gạch Terrazo và bán 5 lô đất công ty 507 đã phân phối. Nhưng sau đó không lâu, Khánh Phương gọi về thông báo: “Chú Hoàng đã lấy các lô đất của ba đi… ngoại giao rồi!”. Tôi điện thoại cho Hoàng, chú nói: “Không nộp tiền làm hợp đồng nên công ty đã thu hôi!”. Vậy là mất trắng hơn 3 tỷ!

    Về lại Saigon, tôi thật sự đã trắng tay.

 


PHỤ LỤC

ĐIỆN BÀN

     Vùng đất Điện Bàn xưa thuộc đất Việt Thường Thị của vua Hùng. Từ năm 214 đến năm 205 TCN, thời nhà Tần, thuộc Tượng Quận. Từ năm 206 TCN đến năm 192 SCN, thời nhà Hán, thuộc quận Tượng Lâm và từ năm 192 đến năm 1306 thuộc vương quốc Chăm Pa.

    Sau cuộc hôn nhân huyền thoại của công chúa Trần Huyền Trân vào năm 1306, vua Chăm là Chế Mân đã dâng hai châu Ô cho nhà Trần để làm sính lễ. Năm 1307, hai châu Ô và Lý được đổi thành Thuận Châu, Hóa Châu. Vùng đất Điện Bàn thuộc phần đất phía Nam của Hóa Châu.

    Năm 1435, địa danh Điện Bàn được Nguyễn Trãi ghi vào “Dư địa chí” gồm 95 xã thuộc phủ Triệu Phong của lộ Thuận Hóa.

    Năm 1471, vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa tuyên Quảng Nam. Năm 1520, vua Lê Chiêu Tông đổi thành trấn Quảng Nam. Điện Bàn bấy giờ là một huyện thuộc phủ Triệu Phong của trấn Thuận Hóa.

    Năm 1602, Nguyễn Hoàng đổi thành dinh Quảng Nam và năm 1604 tách huyện Điện Bàn ra khỏi trấn Thuận Hóa, thăng lên thành phủ và nhập về Quảng Nam. Dinh trấn Quảng Nam đóng tại xã Thanh Chiêm, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, do các công tử của Chúa Nguyễn lần lượt đến trấn thủ.

    Năm 1803, vua Gia Long lập dinh Quảng Nam gồm 2 phủ: Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn gồm 2 huyện: Diên Phước và Hòa Vang. Năm 1806, dinh Quảng Nam đổi thành trực lệ Quảng Nam dinh thuộc Kinh Sư. Năm 1827, vua Minh Mạng cho đổi thành trấn Quảng Nam. Năm 1832, đổi trấn Quảng Nam thành tỉnh Quảng Nam. Năm 1833, tỉnh đường Quảng Nam được xây dựng tại làng La Qua. Năm 1899, Điện Bàn có thêm huyện Đại Lộc. Sang đầu thế kỷ XX, khi huyện, phủ thành những đơn vị hành chính riêng thì huyện Điện Bàn hôm nay chính là phần đất của huyện Diên Phước trước đây.

    Huyện Điện Bàn còn có tháp Bằng An, một di tích văn hóa Chăm là tháp chăm duy nhất còn lại của Việt Nam có thân hình bát giác, được xem như là một Linga khổng lồ. Bãi biển Hà My xã Điện Dương, đã được xây dựng và phát triển nhanh chóng. Đây được xem là khu du lịch phát triển nhất của huyện Điện Bàn hiện nay. Điện Phương nỗi tiếng các làng nghề truyền thống như đúc đồng, gốm, gỗ mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp, dệt chiếu, mỳ Quảng Phú Triêm, bê thui Cầu Mống, khu du lịch Bồ Bồ....

 

 

DANH NHÂN GÒ NỔI ĐIỆN BÀN

     Bãi đất nhỏ nằm giữa sông Thu Bồn ở đoạn hạ lưu chính là Gò Nổi gồm ba xã Điện Quang, Điện Trung và Điện Phong thuộc huyện Điện Bàn. Từ trên cầu Câu Lâu của quốc lộ 1 bắc qua sông Thu, phóng tầm mắt xa xa một chút chỉ thấy bãi bờ xanh ngắt bắp, dâu ngoài rìa những rặng tre thanh bình.

     Nhà thờ núi và ngọc đồi Bửu Châu nơi sau biến cố 1885, cha sở Jean Baptiste Bruyere Nhơn và giáo dân xây dựng nhà nguyện Đức Bà Phù Hộ Các Giáo hữu ( Auxilium christianorum). Đây là nhà nguyện xây kiên cố bằng vôi, gạch , lợp ngói. Vào thập niên 1970, linh mục Phêrô Lê Như Hảo đã phá bỏ để xây dựng theo đồ án mới. Rất tiếc là không chụp hình lưu giữ di tích cũ nên khó hình dung những gì đã có trước kia. Rất may Viện Viễn đông bác cổ Pháp (Efeo) còn lưu giữ những tài liệu lịch sử quý hiếm nầy.

    Không biết bãi đất này được hình thành tự thuở nào qua quá trình bồi lắng của sông Thu Bồn để trở thành một vùng địa linh nhân kiệt của xứ Quảng. Các nhà phong thuỷ khẳng định, thế đất Gò Nổi hội đủ những yếu tố tốt nhất của địa lý. Phía đông, trước mặt Gò Nổi có cù lao Chàm làm tiền án, phía tây núi Chúa làm hậu chẩm, tả thanh long sông Vĩnh Điện, hữu bạch hổ dãy núi Hòn Bằng…

http://antontruongthang.com/tra-kieu-mot-thoi-de-nho/

 

NGŨ PHỤNG TỀ PHI (*)


     Núi sông do tú khí tạo nên đã sinh ra những anh hùng hiệt kiệt. Nhắc tới vùng đất Quảng Nam ngày xưa người ta hay nhắc tới “Ngũ phụng tề phi” với truyền thống hiếu học và học giỏi. Chắc hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên khi biết trong “Ngũ phụng” (ba tiến sĩ, hai phó bảng của khoa thi Mậu Tuất 1898) có đến bốn vị của đất học Gò Nổi. Thời Hán học triều Nguyễn, chỉ riêng vùng Điện Quang có tới 33 vị đỗ tiến sĩ, cử nhân. Thống kê từ đời Gia Long đến Bảo Đại có 93 người quê Diên Phước đỗ đạt cao. Trong đó có nhiều người đỗ thủ khoa như Phạm Liệu (đứng đầu Ngũ phụng) hay Phạm Phú Thứ (thủ khoa Nhâm Dần 1842)… Đặc biệt Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân đã có nhiều đóng góp cho lịch sử dân tộc. Tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ là canh tân thực hành: canh tân giáo dục, học tập khoa học kỹ thuật phương Tây, tự do tín ngưỡng, mở cửa phát triển kinh tế thị trường, trang bị quân sự quốc phòng và đối ngoại… Ông làm quan dưới triều Tự Đức, nắm giữ bộ Hộ, mở cảng Hải Phòng, đi sứ Tây phương… Có lần vì dâng sớ can gián vua, ông bị đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông… Các nhà sử học đánh giá cao tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ bởi từ vùng đất Gò Nổi con người này đã có cái nhìn xuyên qua đại dương từ thời kinh tế còn lạc hậu. Tư tưởng canh tân của Phạm Phú Thứ có trước khi Nhật Bản mở màn Duy Tân (1868) và trước cả tư trào cải cách của sĩ phu Trung Quốc (1890).

 Danh nhân:

Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Phan Thành Tài, Phan Thanh, Phan Bôi, Phan Khôi, Lê Đình Thám, Phạm Liệu, Dương Hiển Tiến, Phạm Hầu, Phạm Phú Tiết, Hoàng Tuỵ, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Bình… Chỉ riêng dòng họ Phan ở làng Bảo An cũng đủ viết một cuốn sách vài trăm trang. Thật kỳ lạ, ở vùng đất này thời kỳ nào, trên nhiều lĩnh vực khác nhau đều có những con người mang tư tưởng Duy Tân. Ít ai biết rằng, từ năm 1927, ở Gò Nổi đã có một công ty cổ phần của những người nông dân. Nhận thấy việc tát nước bằng gàu sòng hay xe trâu của cụ Phạm Phú Thứ đưa về từ sông Nil không hiệu quả, một số hộ nông dân hùn tiền, cử người sang Áo mua máy bơm nước! Hàng năm, nông dân sử dụng nước của “công ty” này trả phí bằng lương thực hoặc bằng tiền mặt… Lịch sử văn học Việt Nam từ cụ Phan Khôi đánh dấu sự mở màn một giai đoạn mới. Bài thơ Tình già của Phan Khôi khởi đầu cho phong trào thơ mới của Việt Nam. Cụ Phan Khôi sinh ra ở làng Bảo An, xuất thân từ Nho học nhưng có tư tưởng tiến bộ bởi cụ đã tiếp xúc với Tây học, nhận thấy xu hướng lịch sử sẽ phát triển theo đúng quy luật, con người không thể kìm hãm tư duy trong hoàn cảnh xã hội như vậy. Tính cách Phan Khôi là tính cách đặc trưng của người Quảng.

     Đến Gò Nổi, có một địa chỉ không thể bỏ qua, lăng mộ cụ Hoàng Diệu, tổng đốc Hà thành. Xã Điện Quang có tới hai người làm tổng đốc Hà thành là cụ Hoàng Diệu và cụ Lê Đình Đĩnh. Lăng mộ đơn sơ của cụ Hoàng Diệu nằm ở giữa cánh đồng bắp làng Xuân Đài. Đôi câu đối của Tôn Thất Thuyết được khắc trên hai trụ biểu trước mộ: “Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyên. Bình sinh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khả vô tâm” (Một cái chết nên danh không phải chí anh hùng từ trước. Trọn đời trung nghĩa không thẹn lòng với đại cuộc ngày nay). Sử ghi lại, ngày 25.4.1882, trong tình thế tuyệt vọng khi quân Pháp tràn vào Hà thành, Hoàng Diệu đã đến trước Võ miếu dùng khăn bịt đầu thắt cổ tự vẫn. Khi ông qua đời, lúc đó bà vợ đầu của ông đang làm cỏ lúa ở cánh đồng Xuân Đài. Cái chết của Hoàng Diệu là “sát thân thành nhân” được người đời sau ghi nhắc. Không thể kể hết những danh nhân, anh hùng hào kiệt của đất Gò Nổi trong một khuôn khổ có hạn. Chỉ biết vùng đất Gò Nổi – đứa con phù sa của sông mẹ Thu Bồn đã hun đúc cho con người xứ này những tư tưởng lớn lao, những ý chí quyết liệt. Gò Nổi cống hiến cho dân tộc qua các thời kỳ lịch sử không chỉ những phát kiến quan trọng mà bằng cả máu xuơng…


(*) Bài và ảnh Nguyễn Yên Thy

 

TRẦN CAO VÂN

(1866 - 1916)

     Trần Cao Vân còn có tên là Trần Công Thọ, sinh năm 1866, khi đi học lấy tên là Trần Cao Đệ, khi tham gia hoạt động cứu nước lấy tên là Trần Cao Vân, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng thông minh từ nhỏ.

     Năm 1887, sau thất bại của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam với kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, Trần Cao Vân tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (huyện Đại Lộc).

     Năm 1892, ông vào Bình Định, mở trường dạy học, làm thầy địa lý và bói quẻ. Chỉ trong vài năm, ông đã nổi tiếng, được nhiều thân chủ tín phục. Năm 1896, Trần Cao Vân làm cố vấn cho cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ (Phú Yên). Nhờ sự khẳng khái nhận hết trách nhiệm về mình của Võ Trứ, nên Trần Cao Vân sau 11 tháng bị giam ở nhà ngục Phú Yên được trả tự do.

     Ông còn là tác giả công trình nghiên cứu, dịch thuật về Kinh dịch (của Trung Hoa) mà ông lấy tên là Trung thiên dịch. Công trình này bị thất lạc, đến nay không tìm thấy.

     Trần Cao Vân sáng tác một số thơ chữ Hán và chữ Nôm nói lên chí hướng và hoài bão của ông cùng những quan niệm về nhân sinh, về vũ trụ.

    Năm 1900, trở về Bình Định, tiếp tục dạy học trò và bắt đầu phổ biến thuyết “Trung thiên dịch”. Ông bị bắt và bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án tử hình, tư về triều, sau hạ xuống còn 3 năm khổ sai.

    Năm 1908, khi phong trào Kháng thuế, cự sưu nổ ra ở Quảng Nam, ông bị bắt và bị kết án khổ sai chung thân, đày ra Côn Đảo, đến năm 1914 được ân xá. Năm 1915, ông tham gia Việt Nam Quang phục hội và cùng với Thái Phiên trở thành 2 nhân vật chủ chốt trong cuộc khởi nghĩa năm 1916. Kế hoạch mưu khởi bị bại lộ, Trần Cao Vân, Thái Phiên cùng vua Duy Tân bị Pháp bắt trên đường đào thoát ở ngoại ô Huế. Vua Duy Tân bị Pháp đày sang đảo Réunion thuộc châu Phi, còn Trần Cao Vân và Thái Phiên bị chém tại pháp trường An Hòa. Thi hài của hai ông được chôn chung một huyệt tại một ngọn đồi ở ngoại ô Cố đô Huế.

     Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Trần Cao Vân dài 3.970m, rộng 10,5m, nối đường Quang Trung với đường Điện Biên Phủ.

Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

HOÀNG DIỆU

(1828 - 1882)

     Hoàng Diệu là một vị quan nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, người đã quyết tử bảo vệ thành Hà Nội khi Pháp tấn công năm 1882. Hoàng Diệu còn có tên là Hoàng Kim Tích, tự là Quang Viễn, hiệu Tĩnh Trai, sinh ngày 10-2-1828, trong gia đình nho học ở làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nổi tiếng thơ văn từ năm 16 tuổi. Năm 20 tuổi đỗ cử nhân (1848), 26 tuổi đỗ phó bảng (1853); được bổ Tri huyện Tuy Phước, thăng Tri phủ Tuy Viễn (cùng trong tỉnh Bình Định).

     Do lầm lẫn án tù nên bị giáng chức, đổi về Tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), sau phục chức Tri huyện Đa Phước, rồi thăng Án sát Nam Định, Bố chánh Bắc Ninh. Năm 1877, làm Tham tri bộ Hình, rồi Tham tri bộ Lại, sung Cơ mật viện đại thần.

    Năm 1878, làm Tuần vũ Quảng Nam, thăng Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh). Năm 1879 được triệu về kinh, lãnh chức Toàn quyền đại diện triều đình đàm phán với sứ bộ Tây Ban Nha. Năm 1880, được bổ Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Bắc Ninh) làm Thượng thư bộ Binh, trông coi cả việc thương chánh. Thuộc phái chủ chiến trong triều đình Tự Đức lúc bấy giờ, ông là người tích cực bảo vệ chủ quyền độc lập của đất nước. Khi nhậm chức Tổng đốc Hà Nội, ông ra lệnh quân sĩ tích cực lo việc bố phòng, đề cao cảnh giác địch. Hoàng Diệu đã mấy lần báo lên triều đình xin cho thêm quân nhằm đối phó lại âm mưu địch và ra lệnh giới nghiêm thông báo đi các tỉnh để kịp đề phòng. Vua Tự Đức lúc này lại hạ chiếu quở trách là “đem binh dọa giặc và xử lý không thích hợp”!

    Ngày 25-4-1882, sau 3 giờ đưa tối hậu thư buộc phải đầu hàng, H. Rivière ra lệnh nổ súng tấn công thành Hà Nội. Hoàng Diệu chỉ huy quân sĩ chống trả quyết liệt. Bản thân ông lên mặt thành đốc suất cuộc chiến đấu. Trước sức uy hiếp của giặc, một số quan văn, quan võ bỏ trốn. Có người chạy theo giặc như Án sát Tôn Thất Bá.

    Thấy quân Pháp nã pháo vào thành, Tôn Thức Bá hoảng sợ trốn chạy. Sau đó, người này thân tìm đến nơi quân Pháp đồn trú xin thông báo tình hình trong thành hòng mong được người Pháp đoái công. Không những thế, y một mặt dâng sớ lên Vua Tự Đức đổ tội cho Hoàng Diệu, một mặt xin với giặc cho y làm Tổng Đốc Hà Ninh.

    Một trận kịch chiến xảy ra từ sáng đến trưa. Quân ta, dưới quyền chỉ huy của Hoàng Diệu đã anh dũng chiến đấu, giết chết hàng trăm tên giặc.

    Cuộc chiến đang ác liệt thì bất ngờ kho thuốc súng nổ, lửa bốc cháy ngùn ngụt. Đám cháy càng lan rộng, tinh thần quân Việt càng hoang mang, hàng ngũ càng rối loạn. Quân giặc thừa cơ bắc thang trèo vào, phá cổng thành phía tây rồi ồ ạt kéo vào như nước chảy. 

    Trong vòng khói lửa ngợp trời ấy, Hoàng Diệu, tay vẫn cầm thanh kiếm tuốt trần, hăng hái xông pha trong mưa đạn.

    Dù quyết tâm bảo vệ thành, nhưng trước thế tấn công như vũ bão của quân Pháp và lực lượng quân triều đình ngày càng mỏng hơn, cuối cùng, Hoàng Diệu đành hạ lệnh cho quân lính giải tán để tránh thương vong.

    Còn lại một mình, Hoàng Diệu quay vào hành cung cắn đầu ngón tay lấy máu thảo di biểu tạ tội với nhà vua. Trong bức di biểu, Hoàng Diệu viết:

“Thành mất không sao cứu được, thật hổ với nhân sĩ Bắc thành lúc sinh tiền. Thân chết có quản gì, nguyện theo Nguyễn Tri Phương xuống đất. Quân vương muôn dặm, huyết lệ đôi hàng...”

    Sau đó, Hoàng Diệu đi thẳng đến cửa Võ Miếu, cởi chiếc khăn đang bịt trên đầu, treo mình lên cành cây trước miếu mà tuẫn tiết đúng vào giờ Ngọ. Khi ấy, ông mới 54 tuổi .

    Khâm phục trước tấm gương quan Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Diệu thà chết chứ không chịu luồn mình dưới chân giặc, nhân dân và sĩ phu Hà thành lập bàn thờ ông bên cạnh vị quan Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Tri Phương tại đền Trung Liệt trên gò Đống Đa.

    Tôn Thất Thuyết – một đại thần nổi tiếng theo đường lối chống Pháp – thương tiếc Hoàng Diệu mà viết lên đôi câu đối:

“Nhất tử thành danh, tự cổ anh hùng phi sở nguyện
Bình sanh trung nghĩa, đương niên đại cuộc khởi vô tâm”

Nghĩa là:

“Một chết đã thành danh, đâu phải anh hùng từng nguyện trước
Bình sinh trung nghĩa, đương trường đại cuộc tất lưu tâm”.

    Ngày nay, tên của ông được chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đặt cho con đường rất đẹp chạy phía tây thành cổ, song song với phố Nguyễn Tri Phương. Bàn thờ ông cũng được lập bên cạnh bàn thờ quan Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn. Quanh người dân khắp nơi đều tới thắp nhang tri ân hai vị anh hùng quên mình vì thành Hà Nội.

    Thấy tình thế nguy ngập đến nơi, không thể giữ được thành, Hoàng Diệu vào Hành cung, thảo di biểu gởi vua Tự Đức, rồi sang Võ miếu, dùng khăn nhiễu bịt đầu, treo mình trên cành táo tự vẫn. Năm ấy ông vừa tròn 54 tuổi. Cái chết của Hoàng Diệu đã gây một sự xúc động lớn trong nhân dân, binh lính và tầng lớp sĩ phu cả nước lúc bấy giờ. Giới sĩ phu Hà thành đã họp nhau lại tại trường Hàng Bông, tổ chức lễ truy điệu người anh hùng rất trọng thể. Có rất nhiều thơ điếu và câu đối tiếp tục ngợi ca con người nghĩa khí. Linh vị ông được thờ tại miếu Trung Nghĩa (Huế) và đền Tam Trung (Hà Nội).

    Ngày nay, tên của ông được chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội đặt cho con đường rất đẹp chạy phía tây thành cổ, song song với phố Nguyễn Tri Phương. Bàn thờ ông cũng được lập bên cạnh bàn thờ quan Tổng đốc tiền nhiệm Nguyễn Tri Phương trên vọng lâu Bắc Môn. Quanh người dân khắp nơi đều tới thắp nhang tri ân hai vị anh hùng quên mình vì thành Hà Nội.

    Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Hoàng Diệu dài 1.980m, rộng 10,5m, nối đường Phan Châu Trinh với đường Duy Tân (qua khu vực chợ Mới) ở ngã năm.

Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng


PHẠM PHÚ THỨ

(1820 - 1882)


    Phạm Phú Thứ nguyên tên là Hào, hiệu là Trúc Đường, biệt hiệu là Giá Viên sinh năm Canh Thìn (1820) tại làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, dòng dõi nhà Nho, thông minh từ nhỏ. Năm 22 tuổi đỗ đầu thi Hương, năm 23 tuổi đỗ đầu thi Hội (Hội nguyên đồng tiến sĩ). Năm 1844, được bổ chức Hành tẩu ở Nội các, năm sau làm Tri phủ Lạng Giang (Bắc Ninh).

    Năm Tự Đức thứ hai (1849), ông được đề bạt về Viện Tập hiền làm chức Khởi cư chú (thư ký ghi những lời nói và hành động của vua), làm việc ở Tòa Kinh diên (phòng giảng sách của vua). Thấy vua thích đi săn, ham mê vui chơi, xa xỉ, lơ là việc triều chính, ông dâng sớ công khai chỉ trích nhà vua với lời lẽ thiết tha, thẳng thắn, và ông đã phải trả giá đắt là bị cách chức, đày khổ sai ở Trạm bưu chính Thừa Nông (phía Nam Huế) vì tội “phạm thượng”. Ông vẫn thản nhiên chấp hành lệnh nhà vua ra đi, lúc rỗi việc thì câu cá, làm thơ vịnh cảnh. Chuyện đến tai Thái hậu Từ Dũ và bà đã khuyên vua ân xá cho Phạm Phú Thứ, triệu ông về kinh, giao chức vụ mới. Năm sau, ông được phái đi công cán ở Quảng Đông để đới công chuộc tội.

    Năm 1852, ông được khôi phục hàm Biên tu, năm 1854 cử đi làm Tri phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); năm 1855 được đề bạt Viên ngoại bộ Lễ; năm 1856 thăng Án sát Thanh Hóa, rồi Án sát Hà Nội. Năm 1860, được thăng Thị lang bộ Lại, rồi sau đó là Thự tả Tham tri bộ này.

    Năm 1863, ông được cử làm Phó sứ cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản sang Pháp thương thuyết nhằm chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, nhưng không có kết quả.

    Về đến Huế, ông dâng lên Tự Đức bản tường trình cùng nhiều tài liệu ghi chép những điều đã quan sát được, đặc biệt những phát minh về khoa học kỹ thuật cùng những cảm nghĩ, nhận định về văn minh phương Tây và mạnh dạn đề xuất một phương án canh tân đất nước. Điều đáng tiếc là hầu hết những kiến nghị xác đáng, đầy tâm huyết của ông không được Tự Đức và cả triều đình chấp nhận.

    Năm 1865, ông được thăng Thự thượng thư bộ Hộ, sung chức Cơ mật viện đại thần. Năm 1874, được cử làm Thự tổng đốc Hải Yên (Hải Dương, Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần. Tại đây ông đã có nhiều biện pháp khắc phục nạn đói, nạn cướp bóc của bọn thổ phỉ Tàu Ô, tổ chức khai hoang ở hai huyện Đông Triều và Nam Sách, đặt nha Thương chánh ở Ninh Hải, mở cảng ngoại thương ở Hải Phòng, mở trường dạy tiếng Pháp (đây là trường ngoại ngữ đầu tiên ở phía Bắc và Trung Kỳ).

    Năm 1876, ông được thăng Tổng đốc và năm 1878 hàm Thự hiệp biện Đại học sĩ. Năm 1880, bị bệnh nặng ông được triều đình cho về Kinh điều trị. Ngày 5-2-1882, ông qua đời, hưởng thọ 61 tuổi.

    Phạm Phú Thứ là một đại thần, một quan cai trị giỏi, một nhà thương thuyết, một doanh điền sứ, một nhà hoạch định chính sách, một nhà khoa học… So với những người cùng thời, ông là người chính trực và có phần vượt trội ở tư tưởng canh tân đất nước với ước vọng đuổi kịp theo trào lưu bên ngoài.

    Ngoài bộ Giá Viên thi tập và Tây hành nhật ký, Bản triều liệt thánh sự lược toản yếu, Lịch triều thống hệ niên phả toản yếu, ông còn cho in và xuất bản một số sách chuyên môn, kỹ thuật như: Bác vật tân biên (Sách khảo về khoa học tự nhiên), Khai môi yếu pháp (Phương pháp khai mỏ), Hàng hải kim châm (Kỹ thuật đi biển), Vạn quốc công pháp (Công pháp các nước) v.v…

    Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Phạm Phú Thứ dài 120m, rộng 6m, nối đường Bạch Đằng đến đường Trần Phú, thuộc quận Hải Châu.

Cổng TTĐT thành phố Đà Nẵng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...