Thứ Sáu, 17 tháng 9, 2021

THEO DẤU CHIM BAY - CHƯƠNG I: THỜI THƠ ẤU

 


THEO  DẤU CHIM BAY

Truyện ký


LƯU HÀNH NỘI BỘ

2021

 

CHƯƠNG I

THỜI THƠ ẤU

    Sự tuần hoàn của tạo hoá thật diệu kỳ, giọt nước từ mạch non cao theo sông ra biển khơi lại trở về nguồn, nhìn mây trôi cho ta hiểu lẽ đời “Sinh ký tử quy”.

    Tôi sinh ra ở nhà ông bà Ngoại tại làng Nại Hiên – Đà Nẵng, nay là kiệt I đường Phan Chu Trinh vào đêm 24 tháng Chạp, năm Canh Dần (31/01/1951) sau ngày ông Táo về trời. Có lẽ bếp núc quạnh hiu nên tôi phải “ tha phương cầu thực?

 

Đình làng Nại Hiên xưa

  “… So với các làng trong thành phố, làng Nại Hiên có số phận khác thường, Từ thuở xa xưa, một bộ phận tiền nhân Đà Nẵng đã dừng chân nơi đây, cả tả lẫn hữu ngạn song Hàn, khai canh khẩn đất lập nên làng Nại Hiên. Bên hữu ngạn gọi là làng Đông Giang, cư dân sống chủ yếu bằng nghề chai lưới, còn bên tả ngạn gọi là Tây Giang, phần lớn theo nghề làm muối. Chỗ khác thường là từ ngày mồng 3 tháng 10 năm 1888, khi vua Đồng Khánh ký dụ chính thức giao Đà Nẵng cho Pháp làm nhượng địa, làng Nại Hiên bị chia làm 3 làng nhỏ và trở thành địa phương duy nhất trong cả nước lúc bấy giờ chịu hai chế độ cai trị khác nhau: Bên Tây Giang tách đôi thành làng Nại Hiên Tây – cùng với làng Nại Hiên Đông bên Đông Giang thuộc quyền kiểm soát của Nam Triều.

Tới đây song nước lạ lung

Con chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kiêng

(Ca dao)

     Người Nại Hiên có thể thay mặt cả nước đánh Pháp trận đầu tiên trên quê hương. Đó là vào ngày mồng 1 tháng 9 năm 1858, lúc những tiếng đại bác của quân đội Tây phương nổ rền ở cửa biển Đà Nẵng, đến ngày 23 tháng 3 năm 1860, Kji Page – trên cương vị chỉ huy liên quân thay cho Rigault de Genouilly phải hạ lệnh rút toàn bộ quân viễn chinh ra khỏi Đà Nẵng”.

(Nguồn: Thạc sĩ Bùi Văn Tiểng)


    Ông ngoại có căn nhà cổ, mười mấy cây cột lim tròn được tán trên các phiến đá chạm trổ công phu, khoảng sân rộng phía trước có hàng chè tàu làm bức bình phong, bốn cây keo Tây trồng cách nhau đều đặn.

    Nhìn từ bên ngoài, nhà cha mẹ tôi bên trái, bên phải là nhà dì Năm (Nhơn) có Lực nhỏ hơn tôi một tuổi (đã mất 2011), ở giữa là nhà ông bà ngoại. Đối diện là ông bà Dũ – sau này là cha mẹ vợ tôi, Bà Hành ông Nhạc trước nhà ông Ngoại, kế đó là bà Thông làm bánh kẹo (sau này bán cho anh bốn Hí và anh mười Trác). Dì Thương có chồng là dượng Bường đi lính nhảy dù, nhà bà sáu Xảo có con hẻm nhỏ dẫn đến trường tiểu học Sào Nam, thông ra đường Hoàng Diệu.

    Những trưa hè theo anh Toan, con bà Thông đi bắn chim, tôi nhặt sạn, khi về nhổ lông nướng lên, anh cho tôi hai chân con chim sè sẻ. Mấy cây sầu đâu (đông) trụi lá  nằm trên ranh giới nhà dì Năm với nhà ông Diệu, có con là Quảng học cùng lớp.

    Mẹ theo cha ra Mỹ Chánh (Huế), bà ngoại có quán tạp hoá trước ngõ. Tôi nghe kể, mỗi lần khóc các dì lấy kẹo cho chó berger ăn để dỗ dành...

    Ông bà Ngoại có cậu mợ Bốn (Đa), cậu Bốn có em Lê Văn Vân kém tôi ba tuổi (đã mất 1972), em Mạnh (mất 1962), dì Chín (Thảo), cậu Ngãi (mất 2014) và cậu Nghĩa (mất tích 1972), các dì khác đã có gia đình riêng. Trưa nào dì Chín và cậu Nghĩa cũng bắt tôi và Vân ngủ trưa, đi học phải mang đôi guốc mộc. Căn nhà của cha cho gia đình ông Phúng thuê, nhà ông Phúng có Hoàng Đặng (hoạ sĩ Hoàng Đăng) cùng tuổi. Khi tôi lên ba, mẹ sinh em Ngọc (Xí – Quý Tỵ, 1953) rồi em Lũy (Ất Mùi – 1955)

   Sau hiệp định Genève 1954:

Cầu Hiền Lương

     Khi đến tuổi, cha đưa về quê Hạ Nông dưới, Kỳ Ngọc (Điện Phước), Điện Bàn đi học. Ngay đầu cầu Vĩnh Điện, rẽ phải lên Bình Long, Phong Thử, Đại Lộc… khoảng ba cây số, những căn nhà ngói ba gian đồ sộ là nhà Nghè Mai, Chánh Chước, lối vào chùa Hạ Nông. Xóm Hạ-Nông-Dưới nghèo nàn, những nếp nhà tranh nép mình bên những lũy tre dọc con đường đất nhỏ. Nhà ông Chanh có Lê Viết Nem (Hoàng), nhà bà ba Ra, vườn ông Cửu Tưởng, nhà bà Mày có Nguyên nghèo nhất xóm, nhà bà Tiếp có chị hai Tiếp, anh Xuyên, anh Đông, nhà bà Nhì có anh Tam, Cật, nhà bà Mua có anh Tám Dần cùng tuổi với chú Mười Thi, nhà chú Liếng có chị hai Liếng, chị Ba, Bảy, nhà chú ba Mậu… Bên kia, gần bờ đập, nhà ông Chánh Ba có chị Thông, anh Nga. Ba cây đa to gần trăm tuôi, chia ba góc ôm lấy nhà ông Nội và chùa Hạ Nông. Ông bà Nội mất, bác Xứng lo hương khói, kinh kệ. Nhà chú Dần có Nguyễn Văn Dần cùng tuổi với tôi, sau này chú Dần làm nhà gần ông ba Mậu. Xóm Hạ-Nông-Dưới khoảng mươi nóc nhà mà hết bốn bà góa, những người chồng đã hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Tây càn, ông Nhì ôm súng leo lên cây đa, ông ra đi khi bà Nhì chưa đến ba mươi. Rồi những năm sáu ba, sáu bốn thế hệ tiếp nối như anh Đông, Dần, Cật, Bảy lần lượt vào du kích và hy sinh…

     Học khai tâm “trường” thầy Tư Khải – Gọi là trường nhưng chỉ có hai dãy bàn bằng gỗ mít, học trò lèo tèo năm bảy đứa, cả gái lẫn trai…

    Mẹ mua mấy cuốn vở, bình mực, bút lá tre. Mua mực viên về hoà với nước, mực xanh, mực tím. Học vỡ lòng, thầy dạy Tam Tự kinh lẫn tiếng Pháp. Anh Tâm (Thuỳ) học lớp Nhì (lớp 4) trường xã, dạy thêm: “ Ma mère – Mẹ tôi, long – dài, mue – mềm”… Tôi xung phong đọc cho thầy nghe, thầy quất cho mấy roi quắn đít!

Nguyễn Văn Thùy (Tâm)

    Đường làng trơn, từ nhà đến trường ngang qua vườn bà Cửu Tưởng, không một bóng người. Mẹ dạy phải bấm ngón chân khỏi ngã, đến sân nhà thầy tôi nằm thẳng cẳng, con gái thầy bắt cởi truồng dội nước, ngồi học mà không mặc quần.

    Ở quê không xong, cha lại đưa ra Đà Nẵng ở với ông bà Ngoại.

Ông bà Ngoại đông con: 

                             

Ông Ngoại Lê Văn Hoặc và bà Trần Thị Quá

   Cậu Lê Văn Phú – thứ hai (cả - mất ngày 03/3 âm lịch 1949)

                                                          
                                 

     Kế đến mẹ thứ ba : Lê Thị Quý sinh năm 1925 - Ất Sửu (Mất 19/6/ Mậu Ngọ - 1978) - Ba là ông Nguyễn Văn Mai sinh năm 1918 – Mậu Ngọ - (Mất 15/4 Mậu Thìn - 1988)            

        Cậu Lê Văn Đa (Mất ) và mợ Khương Thị Ân 

                  

Dì Lê Thị Nhơn (Mất 17/9/Tân Tỵ -2001) và chồng Huỳnh Tấn Hiền (Mất 24/giêng/ Kỷ Tỵ - 1989)

Dì sáu Lê Thị Hội (chị - Mất 29/5/Đinh Hợi – 2007) và chồng Lê Hữu Hậu (Mất 09/6/Mậu Ngọ - 1978)  

             

Dì bảy Lê Thị Hội (em)  và chồng Nguyễn Văn Hưng (Mất ngày…)     

                

Dì tám Lê Thị Thuận và chồng Nguyễn Văn Lung

                       

Dì chín Lê Thị Thảo và chồng Nguyễn Hữu Kỉnh (Yến – Mất 23/02/Giáp Tý – 1984)

                   

Cậu Lê Văn Ngãi (Mất 2014) và mợ Nguyễn Thị Lệ Xuân    

Cậu Lê Văn Nghĩa mất năm 1972

    Cậu Nghĩa học trường Phan Chu Trinh, cậu chu đáo và thương yêu các cháu nhất nhà. Cuối tuần cậu chở tôi về quê Điện Bàn bằng xe đạp. Thỉnh thoảng bạn cậu đến chơi, tôi lon ton rót nước, nào là Thầy Phan Chánh Dinh (nhà thơ Phan Duy Nhân), cô Dương Thị Ngân Hà, các nhà thơ, hoạ sĩ Đinh Cường, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… 

       Năm 1952, cha làm nhà bên cạnh ông bà Ngoại, đến năm 1956 cha chuyển gia đình về quê ở Hạ Nông dưới, xã Kỳ Ngọc (Điện Phước, Điện Bàn)

Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng

Tương Cha nhớ Mẹ quá chừng bạn ơi !

      Căn nhà ở kiệt I – Phan Chu Trinh, Đà Nẵng cha mẹ cho thuê. Về quê, cha làm căn nhà ngói to nhất làng, thợ mộc của nhà ông Mại, toàn là danh mộc, căn nhà đúc bê-tông đầu tiên ở quê. Em Ngọc ở nhà gọi tên Xí, bốn tuổi, Luỹ (Lý) hai tuổi. Đúng là ông trời đặt tên! Khi làm khai sinh là tên Lý, thầy ký ở Hội An đánh máy lại thêm chữ U xen giữa, đành sửa dấu sắc thành dấu ngã - Lũy - Bà Ngoại đặt tên tôi là Lang lại trùng âm với tên cô Lan (Phụng), Cha đổi tên là Luân, nhưng khi làm khai sinh, cha lại đặt tên Cúc – lại trùng với cô Cúc (Trước)! Phải đến năm đệ tam (lớp 10) mới là tên Châu cho đến bây giờ. Bởi vậy, đối với thầy cô và bạn bè từ cấp hai trở về trước, tôi là Cúc B, gần năm mươi năm sau gặp lại, sao lại là Châu!

             Nguyễn Thị Ngọc và Vợ chồng Lũy 

    Có lẽ học ở quê không vừa lòng cha, cha lại đưa ra ở nhà ông bà Ngoại, học trường ông Thầy Già. Lũ học trò không thuộc bài bị quỳ xơ mít, đội tắp-lô, bị đánh bằng roi mây. Năm lớp tư (lớp 2) cậu Bốn xin qua học trường Sào Nam của ông Thị Tý, đi học về ngang qua trường ông Thầy Già, cả lũ reo hò: “ Ông Thầy Già ăn cứt gà đỏ đít “ bị cậu Bốn bắt gặp, tát cho mấy tai!

      Đêm nằm nhớ Mẹ khóc thút thít, học xong lớp ba, cha ra Đà Nẵng thấy thằng con đứng đưa nôi em Nga, em Nhàn (sinh đôi), cha tức tốc thu dọn sách vở, dắt ngay về quê.

    Những anh chị em ruột của cha tôi:

                           

Ông Nguyễn Văn Đảnh (Xứng)1915(Ất Mẹo) – 29.Tháng Chạp Ất Mẹo (1976)

và bà Nguyễn Thị Khá

 

Cha tôi: Nguyễn Văn Mai 1918(Mậu Ngọ) - 15.4.Mậu Thìn (1988)

Mẹ Lê Thị Quý 1925 (Ất Sửu) - 19.6. Mậu Ngọ (1978)



Bà Nguyễn Thị Cúc(Trước)

1921 (Tân Dậu) - 20.9.Mậu Tuất (2018)


Ông Nguyễn Văn Huệ

(Mất từ nhỏ)

                  

Ông Nguyễn Văn Em (Dần) 1926(Bính Dần) – 30.11.Kỷ Hợi (2019)

và thím Võ Thị Lộc

                 
                                 Ông Thân Biên và Bà Nguyễn Thị Lan (Phụng)

1929(Kỷ Tỵ) - 22.7.Kỷ Hợi (2019)

 

                     

      Ông Đinh Văn Lung và  Bà Nguyễn Thị Giáp (Ngũ)

1932(Nhâm Thân)-01.3.Kỷ Hợi (2019)

 

  

Ông Nguyễn Văn Thi 01.4.1937(Đinh Sửu)-22.7.Mậu Thìn (1988)

cùng bà Nguyễn Thị Thôi và bà Trang Thị Hồng Mai


Nguyễn Văn Thùy

Nguyễn Văn Giai

    Niên khoá 1960 – 1961, cha xin tôi vào lớp Nhì trường Kỳ Ngọc (Điện Phước), mới học được mấy hôm, nghe lời mấy bạn trèo  lên cửa sổ ê a: “Em yêu cô giáo lớp ba, hàm răng trắng nõn nước da đen sì…sì“. Thầy Trợ Lập – Hiệu trưởng bắt quỳ, chuyện đến tai cha!

     Cùng lớp ở trường tiểu học Kỳ Ngọc (Điện Phước) đến nay tôi còn gặp lại những bạn: Trân Hoài Thanh (Lương y nổi tiếng), Đinh Văn Mười (Nguyên PTGĐ Vietcombank), Đỗ Cả, Nguyễn Thị Tân (Giáo viên)...

           
                     Trần Hoài Thanh                   Đinh Văn Mười

Đỗ Cả

    Anh Ngộ, Bảy “cao giò” học cùng lớp, Dần học ở trường thôn gọi là trường học Mới cùng với em Ngọc. Bảy – con chú Liếng – lấy trộm truyện thơ “Phạm Công Cúc Hoa, Trần Minh khố chuối…” cho tôi mượn, tối về đọc cho mẹ nghe, có chỗ mẹ khóc tôi cũng khóc… Bảy (Sau đi du kích với Dần, hy sinh 1972) đòi sách, Dần bảo mét mẹ nó, nó sợ không dám đòi.

Nguyễn Văn Đạt (Ngộ)

    Những buổi chiều theo chú Mười (Thi) đi câu cá thát lát ở “giếng” Thủ Bộ, gọi là “giếng” nhưng vốn là hố bom, sâu khoảng vài mét, đường kính hơn năm sáu sải tay. Tôi lội dọc theo triền nước, dùng rổ xúc những con “mày mày” (ấu trùng chuồn chuồn) cho chú câu… 

     Có những hôm chú Mười câu được mười mấy con cá thát lát to, óng ánh như dát bạc. Mẹ làm chả cá tuyệt cú mèo hoặc viên lại nấu canh với rau tần ô ngọt lịm.

                                                    

    Mỗi sáng sớm, nhất là mùa đông lạnh buốt, Cha vẫn dậy sớm, tất tả ra bàu Súng - gọi là bàu Súng vì bàu mọc nhiều cây bông súng nở hoa tím ngát – Cha chèo chiếc xuồng con đi giở lờ, những con cá diếc, cá tràu, cá rô, cá trê béo ngậy về nướng trên lò than, chấm nước mắm gừng hết chỗ chê!

     Quê hương tôi yên ả thanh bình nhất, có lẽ sau hiệp định Genève 1954 đến cuối năm 1960! Đúng là thái bình thật, không trộm cắp, cửa thường bỏ ngỏ trong những đêm hè. Tiếng hò khoan trong mùa cấy tháng tám, tháng ba thoang thoảng theo làn gió bay xa. Ngày xưa, mỗi năm chỉ có hai mùa, cái thiếu đói thời kỳ giáp hạt là nỗi ám ảnh trong lòng người dân quê tôi.

    Rồi một ngày những người không phải lính nhưng mặc đồ màu đen mang súng vào ở chung với dân làng…

     “…Mùa xuân năm 1962, chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành Quốc Sách Ấp Chiến Lược mục tiêu căn bản là tách rời du kích, quân sự của Cộng Sản còn cài cắm ra khỏi nhân dân nông thôn, không cho dựa vào nhân dân để xây dựng cơ sở hoạt động phá hoại, cuối cùng là cô lập hoàn toàn phải ra hồi chánh hoặc bị tiêu dịêt…”

    Mùa hè lại về, cái nắng như thiêu như đốt kèm theo gió hạ Lào khô khốc thịt da. Mùa đông lụt lội, mưa phùn gió bấc, nhưng lụt mang phù sa cho ruộng đồng phì nhiêu, những gánh phân chuồng, phân xanh đã làm đượm tình quê, qua hương thơm ngạt ngào của hạt cơm lúa mới. Nồi cơm đất nung thơm lừng với chén mắm cá nục, cá cơm dằm thêm ớt tỏi, ăn quên thôi, quên mất phần người lớn!  

      Lụt lớn, lụt nhỏ nước chảy tràn đồng là những ngày hội hè của đám trẻ con, tất bật chạy đi đơm cá. Những bát cá mại, cá cấn, đủ loại kho với lá gừng, lá nghệ vàng ươm ngon hết biết mà cơm không đủ ăn! Kể cũng lạ, đất khô nứt nẻ nhưng khi mưa xuống lại có cá, không biết từ đâu?

      Tết đến, từ đầu tháng Chạp bác Xứng đã cuốc sân, lên luống gieo cải, nhà nhà lo Tết. Mẹ chuẩn bị không thiếu thứ gì. mẹ nhờ chú ba Diện quảy gánh nếp đi bung, nấu nước đường làm bánh hộc, bánh khô, bánh in, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí đao… Chiều ba mươi quanh bếp lửa hồng, nồi bánh tét sôi sùng sục, tiếng heo kêu eng éc khắp làng…

      Đêm giao thừa, tiếng pháo nổ vang khắp làng trên xóm dưới rồi chìm vào hư không, tiếng chuông chùa ngân vang… Sự thiêng liêng ngự trị trong lòng mỗi con người, cầu mong mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.

     Sáng mùng một khoanh tay chúc mừng cha mẹ, những đồng tiền mới bay theo con bầu, con cua ở chợ Bình Long, tiếng trống giục giã của hội Bài chòi:

“rủ nhau đi hội bài chòi – Để con nó khóc cho lòi rún ra…”

    Bộ bài Chòi gồm 3 pho :

-          Pho Văn : Ông ầm, tráng hai, ba bụng, tứ tượng, ngũ ruột, sáu miếng, lá liễu, tám miếng, chín cu, chín gối.

-          Pho Vạn : Bạch huê, nhứt trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, bgũ trợt, lục chạng, thất vung, bát bồng, cửu điều.

-          Pha Sách : Ông tử, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ sách, ngũ dụm, sáu bường, bảy thưa, tám dây, cửu điều.

          Mỗi pho có 10 lá, vì phải có 33 lá nên thêm vào 3 lá nữa là : Ông ấm đen, tứ cẳng đen và cửu điều đen (để phân biệt với 3 lá này nhưng màu đỏ) cho đủ bài chơi.

          Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xốc ống bài, rút ra một con và xướng tên von bài lên. Để gây thêm hồi hộp và bắt người chơi suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc câu ca dao có tên con bài. Chòi nào có tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng 3 con bài là chòi đó “tới”, xổ một hồi mõ dài. Khi đó anh hiệu cầm lá cờ nhỏ, bưng khay rượu tới trao phần thưởng cho người trúng. Lá cờ đuôi nheo bằng giấy cũng được cắm lên chòi, để đánh dấu một lần thắng.

        Các câu thai :

Đi đâu cọ xiểng đi hài

Cử nhơn không đậu, tú tài cũng không (Thằng trò)

Ai làm thượng hạ bất thông

Bàng quang bể thúng sớm trông tối ngày (Thằng bí)

                          Nửa đem gà gáy le te

                          Muốn đi rón rén đụng nghe cái ầm (Ông ầm)

                          Lưng choàng áo đỏ

                          Đầu đội khăn đen

                          Chân đi lèng quèng

                          Là ông chân gãy (Tứ cẳng)

                          Lội suối trèo non

                          Tìm con chim nhỏ

                          Về treo trước ngõ

                          Nó gáy cúc cu (Chín cu)

                          Chầu rày đã có trăng non

                          Để anh lên xuống có con em bồng (Bát bồng)

                          Đi đàng phải bịt khăn đen

                          Ở nhà vợ sẳn vóc sen nhuộm điều (Cửu điều)

      Năm lớp Nhất, tôi học thầy Phấn (Cha của Trần Kỳ Cung – HQ.Trung uý ở HĐ2ZP – Qui Nhơn 1972) Nhà Thầy ở ngay ngã ba Vĩnh Điện, đường xuống Hội An, thầy cận thị nặng, mấy đứa rủ nhau ngồi cuối lớp, thầy không thấy ít dò bài, vậy mà thầy cứ gọi tên tôi với Bảy cao giò! Ngày đó, thi tiểu học ngoài thi viết còn phải thi vấn đáp, nhưng không đứa nào hỏng cả. Từ đây, như đàn chim xa bầy, một số không đi học nữa như anh Ngộ, Bảy ở nhà chăn trâu, số khác như Trần Văn Giám về Sai-gòn, hơn một nửa sau này đi du kích, như Diên, Dần, Bảy…

    Cuối năm lớp Nhất mẹ cho tiền, tôi đi mua sách và cặp về khoe với cha là phần thưởng, chẳng may thầy Trợ Lập đến nhà chơi lại bảo tôi học chẳng ra gì!

    Hết năm Đệ Thất trường bán công Nguyễn Duy Hiệu, thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, cậu Lê Văn Đa làm giám thị. 

Trường Trung học Nguyễn Duy Hiệu – Điện Bàn thành lập từ năm 1958

     Tôi chăm học nhưng mất căn bản từ tiểu học, toán số học và đo lường trả lại cho thầy Phấn. Gần cuối năm, trường Công lập Điện Bàn thành lập (1962) do thầy Dung làm hiệu trưởng, cha muốn tôi thi vào trường công, kết quả không thấy tên!

    Năm Đệ Thất (1962 – 1963) thật nhiều kỷ niệm, lớp Anh văn khoảng hơn bốn mươi, cả gái lẫn trai. Số bạn tôi còn nhớ như Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện, Phạm Văn Đức, Lê vĩnh Hoè, Phạm Phú Cừ, Khúc Thừa Thế, Nguyễn Văn Diên, Lê Viết Nem, Hồ Nên, Lê Tự Mộng, Lê Tự Trập, Nguyễn Văn Rô (mất 2013), Lê Tự Thắng, Lê Tự Mầu, Nguyễn Trần Thị Xuân Bạch Tuyết, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Trương Văn Chức, Lê Thị Phước, Nguyễn Thị Diêu, Trần Thị Cương, Nguyễn Thị Mười (Dung), Lê Bá Đại, Trần Lý, Nguyễn Thị Dơi, Phan Tấn Ngọc (Phan Thanh Dũng), Phan Xuân Dũng, Dương Dèo (Dương Thanh Thu), Nguyễn Văn Tục, Trần Thị Thôi, Phan Đức Liên, Nguyến Tám (Hội), Thân Tám, Cù Tân, Thân An, Lê Minh Tá… Năm Đệ Lục có Phan Thị Tuyết Hoa, cô bé xinh xinh, con gái làng Bảo An, có lẽ con cháu Phan Khôi?

Phải qua: Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện và Nguyễn Văn Châu (1963) 

    Từ trái: Châu – Đức – Diện – Ký  (2011)

   Sau 50 năm gặp lại nhớ nhau từng chi tíêt thời thơ ấu! Cuối năm làm bích báo, Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), tôi và Nguyễn Văn Diên gom bài của các bạn, lựa chọn, trang trí. Có mấy bạn chép thơ của ai tôi không biết, nhưng rõ ràng không phải bạn ấy là tác giả!

Cô Hoàng Ngân Hà 

  Cô Ngân Hà đọc bài thơ của tôi ghép tên các bạn: “An Ký Chung Mầu Tá Dục Sinh – Châu Diên Diêu Tưởng Tuyết, Hoa, Anh …” Cô khen hay! Tôi còn định cóp cả thơ Hàn Mặc Tử, nhưng sợ cô biết nên thôi. Tôi thích thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương… Trong thời gian này, thầy cô khuyến khích đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Diên cho mượn cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà, tôi bê nguyên cả đoạn kết vào bài văn khi thầy Phan Chánh Dinh ra đề: “Anh chị hãy viết tiếp truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng”. Tôi cho Cái nhớn đi theo dòng nước lũ Sông Hồng: “…Mưa vẫn to, gió vẫn lớn, mọi người âm thầm rảo bước để tiễn đưa Cái nhớn về nơi an nghỉ… nghìn đời“ Thầy Dinh lấy bút đỏ… khoanh tròn!

Châu - 1965

     Trưa học về, đạp xe qua tiệm sách bên kia cầu Vĩnh Điện mua giấy pơ-luya viết lưu bút cho các bạn.              

                               

             Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân)   Thầy Nguyễn Phú Long

                                                  (Hoàng Thị Bích Ni)

Thầy Phan Chánh Dinh và học trò (2011) 

Thầy Trần Văn Tường và học trò tháng 8/2011           

Thầy Phan Chánh Dinh và học trò tháng 10/2011 

TRIẾT LÝ GIAO DỤC VNCH

Năm 1958, dưới thời Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Trần Hữu Thế, Việt Nam Cộng hòa nhóm họp Đại hội Giáo dục Quốc gia (lần I) tại Sài Gòn. Đại hội này quy tụ nhiều phụ huynh học sinh, thân hào nhân sĩ, học giả, đại diện của quân đội, chính quyền và các tổ chức quần chúng, đại diện ngành văn hóa và giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học, từ phổ thông đến kỹ thuật... Ba nguyên tắc "nhân bản" (humanistic), "dân tộc" (nationalistic), và "khai phóng" được chính thức hóa ở hội nghị này.[6][7] Đây là những nguyên tắc làm nền tảng cho triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa, được ghi cụ thể trong tài liệu Những nguyên tắc căn bản do Bộ Quốc gia Giáo dục ấn hành năm 1959 và sau đó trong Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa (1967).

1.Giáo dục Việt Nam là giáo dục nhân bản. Triết lý nhân bản chủ trương con người có địa vị quan trọng trong thế gian này; lấy con người làm gốc, lấy cuộc sống của con người trong cuộc đời này làm căn bản; xem con người như một cứu cánh chứ không phải như một phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu của bất cứ cá nhân, đảng phái, hay tổ chức nào khác. Triết lý nhân bản chấp nhận có sự khác biệt giữa các cá nhân, nhưng không chấp nhận việc sử dụng sự khác biệt đó để đánh giá con người, và không chấp nhận sự kỳ thị hay phân biệt giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, chủng tộc... Với triết lý nhân bản, mọi người có giá trị như nhau và đều có quyền được hưởng những cơ hội đồng đều về giáo dục.

2.Giáo dục Việt Nam là giáo dục dân tộc. Giáo dục tôn trọng giá trị truyền thống của dân tộc trong mọi sinh hoạt liên hệ tới gia đình, nghề nghiệp, và quốc gia. Giáo dục phải bảo tồn và phát huy được những tinh hoa hay những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Dân tộc tính trong văn hóa cần phải được các thế hệ biết đến, bảo tồn và phát huy, để không bị mất đi hay tan biến trong những nền văn hóa khác.

3.Giáo dục Việt Nam là giáo dục khai phóng. Tinh thần dân tộc không nhất thiết phải bảo thủ, không nhất thiết phải đóng cửa. Ngược lại, giáo dục phải mở rộng, tiếp nhận những kiến thức khoa học kỹ thuật tân tiến trên thế giới, tiếp nhận tinh thần dân chủ, phát triển xã hội, giá trị văn hóa nhân loại để góp phần vào việc hiện đại hóa quốc gia và xã hội, làm cho xã hội tiến bộ tiếp cận với văn minh thế giới.

Mục tiêu giáo dục

Từ những nguyên tắc căn bản ở trên, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đề ra những mục tiêu chính sau đây cho nền giáo dục của mình. Những mục tiêu này được đề ra là để nhằm trả lời cho câu hỏi: Sau khi nhận được sự giáo dục, những người đi học sẽ trở nên người như thế nào đối với cá nhân mình, đối với gia đình, quốc gia, xã hội, và nhân loại?

1.Phát triển toàn diện mỗi cá nhân. Trong tinh thần tôn trọng nhân cách và giá trị của cá nhân học sinh, giáo dục hướng vào việc phát triển toàn diện mỗi cá nhân theo bản tính tự nhiên của mỗi người và theo những quy luật phát triển tự nhiên cả về thể chất lẫn tâm lý. Nhân cách và khả năng riêng của học sinh được lưu ý đúng mức. Cung cấp cho học sinh đầy đủ thông tin và dữ kiện để học sinh phán đoán, lựa chọn; không che giấu thông tin hay chỉ cung cấp những thông tin chọn lọc thiếu trung thực theo một chủ trương, hướng đi định sẵn nào.

2.Phát triển tinh thần quốc gia ở mỗi học sinh. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh hiểu biết hoàn cảnh xã hội, môi trường sống, và lối sống của người dân; giúp học sinh hiểu biết lịch sử nước nhà, yêu thương xứ sở mình, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tranh đấu của người dân trong việc chống ngoại xâm bảo vệ tổ quốc; giúp học sinh học tiếng Việt và sử dụng tiếng Việt một cách có hiệu quả; giúp học sinh nhận biết nét đẹp của quê hương xứ sở, những tài nguyên phong phú của quốc gia, những phẩm hạnh truyền thống của dân tộc; giúp học sinh bảo tồn những truyền thống tốt đẹp, những phong tục giá trị của quốc gia; giúp học sinh có tinh thần tự tin, tự lực, và tự lập.

3.Phát triển tinh thần dân chủ và tinh thần khoa học. Điều này thực hiện bằng cách: giúp học sinh tổ chức những nhóm làm việc độc lập qua đó phát triển tinh thần cộng đồng và ý thức tập thể; giúp học sinh phát triển óc phán đoán với tinh thần trách nhiệm và kỷ luật; giúp phát triển tính tò mò và tinh thần khoa học; giúp học sinh có khả năng tiếp nhận những giá trị văn hóa của nhân loại.

      Lễ Phật đản 1963, chùa Hạ Nông không một bóng cờ, Bác Xứng tụng kinh cầu an, cầu siêu – Ngôi chùa đã được trùng tu do cha tôi cúng dường tam bảo – Ngày khánh thành (1962), tôi cùng anh Ngộ, Dần theo đoàn Phật tử chạy tung tăng. Mẹ nấu cơm chay (kiểm), thiện nam tín nữ thọ trai ai cũng khen, nồi chay có khoai lang, mít chín cả xơ lẫn múi, đậu xanh, đậu phụng tươi giả nát, rau sống thơm nồng…

    Anh Tâm (Thuỳ) mặc áo quần phật tử, tôi xin mẹ may áo lam, quần cộc xanh nhưng cha không cho, cha nói:

     “ Dù xây chín bậc phù đồ, sao bằng làm phúc cứu cho một người “ – “ Phật tức tâm, tâm tức Phật”

    Tôi theo Bác Xứng lên chùa tụng kinh Vu Lan báo hiếu, cha bảo: “ Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là đi tu“

    Ngày 11.6.1963 Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt (CMT8) 

     Ngày 20.8.1963 Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật gíáo, các thầy ở chùa Tỉnh hội Hội An bị bắt…học sinh nghĩ học, thị trấn Vĩnh Điện đìu hiu! Bác Xứng nói ai theo Phật giáo là bị bắt bỏ bao bố thả trôi sông, cầu Kỳ Lam biết bao nhiêu người chết còn hơn ở đập Vĩnh Trinh…

     “…Nhiều vụ giết người tập thể trên sông Vu Gia, sông Thu Bồn, ở đập Vĩnh Trinh, đập Thạch Bàn (Duy Xuyên), động Hà Sông (Đại Lộc). Hàng trăm người bị chôn sống trong những hố đào ở trường học Phước Đức (Quế Sơn), 21 người bị chôn sống ở Phước Viên (Thăng Bình), 31 người bị chôn sống ở bến Lò Vôi, Xuyên Trà (Duy Xuyên), hàng chục người bị chôn sống tại Cồn Ba Cây (Điện Nam), bãi sông Tư Phú (Điện Hồng), hơn 150 người bị chôn sống ở Giếng Lạng (Tam Kỳ)…” (Nguồn : Lịch sữ Đảng bộ Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975)

Thượng tọa Thích Quảng Đức tự thiêu

     Cha nghe radio la lên: “Đảo chính rồi! anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết – Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn… đảo chính thành công rồi!”

     Đồng bào Phật giáo hò reo, thị trấn Vĩnh Điện tưng bừng như mở hội, ai cũng hân hoan như mình vừa thoát chết – Đó là ngày 01.11.1963.

ĐẢO CHÁNH 1963

    Cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền của Tổng Thống Ngô Đình Diệm do các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thực hiện dưới sự ủng hộ của Hoa Kỳ vào ngày 1 tháng 11 năm 1963. Lý do chính quyền của tổng thống Ngô Đình Diệm tham nhũng, độc tài, gia đình trị và thực hiện chính sách đàn áp Phật giáo. Một lý do khác vì chính phủ của ông chủ trương độc lập với người Mỹ, trong khi người Mỹ muốn kiểm soát chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

    Trong giai đoạn 1956-1959, khi những người Cộng sản còn hy vọng vào giải pháp Tổng tuyển cử, chính phủ Ngô Đình Diệm đã lợi dụng tình hình để đàn áp họ. Tuy nhiên, để chống Cộng có hiệu quả, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã tập trung quyền lực vào bản thân và các người em của mình đồng thời hạn chế các quyền tự do - dân chủ. Mặt khác, sự lộng quyền của một số đảng viên Cần lao và chính sách đàn áp của Chính phủ bắt đầu gây bất mãn trong quần chúng.

    Từ cuối năm 1959, khi những người Cộng sản miền Nam, với sự cho phép của Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, dần xây dựng cơ sở và chuyển hướng từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang. Sự ổn định của chính phủ Ngô Đình Diệm bị thách thức nghiêm trọng, nhất là khi nổ ra Phong trào Đồng khởi tại Bến Tre và Trận tập kích Tua Hai tại Tây Ninh cuối tháng 1 năm 1960, đều được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ.

Biến cố Phật giáo năm 1963 là nguyên nhân

trực tiếp dẫn đến cuộc đảo chính.

    Ngày 6 tháng 5 năm 1963, đổng lý văn phòng Phủ tổng thống Quách Tòng Đức đã gởi công điện yêu cầu các địa phương siết chặc quy định không được treo cờ tôn giáo ngoài khuôn viên cơ sở tôn giáo.

    Ngày 7 tháng 5, cảnh sát đến tận nhà buộc dân chúng phải hạ cờ Phật giáo, nhưng sau đó cho phép treo cờ Phật giáo trong ngày Phật đản.

    Ngày 8 tháng 5, tại lễ Phật đản ở chùa Từ Đàm, Thượng tọa Trí Quang chỉ trích chủ trương kỳ thị Phật giáo của chính quyền, yêu cầu chính quyền cho phát thanh lại bài thuyết pháp của Thượng tọa Trí Quang, nhưng Giám đốc Đài phát thanh Huế là ông Ngô Ganh không đồng ý. Khoảng 22h, ai đó đã quăng chất nổ, làm thiệt mạng 8 người và bị thương 15 người. Chính quyền quy kết cho những người Cộng sản trà trộn quăng chất nổ giết người để gây xáo trộn, còn phía biểu tình thì kết án Thiếu tá Đặng Sỹ chính là người cho ném chất nổ và ra lệnh nổ súng để giải tán biểu tình.

    Hôm sau, vào ngày 9 tháng 5 năm 1963, hơn 10 ngàn người kéo đến tư gia Tỉnh trưởng Huế biểu tình.

    Ngày 15 tháng 5 năm 1963, một phái đoàn Phật giáo từ thành phố Huế vào Sài Gòn trình kiến nghị cho Tổng thống Ngô Dình Diệm. Ngô Đình Diệm đồng ý hầu hết các yêu sách và hứa sẽ điều tra.

    Ngày 2 tháng 6 năm 1963, tại Huế, 500 sinh viên biểu tình chống chính quyền kỳ thị Phật giáo. Chính quyền ra lệnh giới nghiêm thành phố Huế.

    Ngày 4 tháng 6 năm 1963, Ngô Đình Diệm thành lập Ủy ban Liên bộ của chính phủ để nghiên cứu những yêu cầu của Phật giáo, do phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đứng đầu.

    Ngày 7 tháng 6 năm 1963, Trần Lệ Xuân - vợ của Cố vấn Ngô Đình Nhu - lên án là những vị lãnh tụ Phật giáo bị phe Cộng sản giật dây.

    Sáng ngày 11 tháng 6 năm 1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt (nay là Cách mạng Tháng Tám) và Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) ở thành phố Sài Gòn.

    Ngày 1 tháng 8 năm 1963, trả lời phỏng vấn của đài CBS (Columbia Broadcasting System, Hoa Kỳ), Trần Lệ Xuân tố cáo các lãnh tụ Phật giáo đang mưu toan lật đổ chính phủ và tự thiêu chỉ là việc “nướng thịt sư” (barbecue a bonze).

    Ngày 25 tháng 8 năm 1963, sinh viên học sinh tổ chức biểu tình tại Công trường Diên Hồng phía trước chợ Bến Thành. Cảnh sát bắn cả vào đám biểu tình. Nữ sinh Quách Thị Trang trúng đạn tử thương.

     Trong một cuộc tiếp kiến đại sứ Frederick Nolting, khi Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về chính trị, quân sự và kinh tế, Tổng Thống Diệm trả lời: “chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ”.

    Tháng 2 năm 1963, Ngô Đình Nhu mượn cớ đi săn, đã bí mật gặp tại Bình Tuy một cán bộ cộng sản cao cấp là Phạm Hùng và có thể cả tướng Trần Độ.

    Ngày 24 tháng 8 năm 1963, Henry Cabot Lodge, sang Sài Gòn nhận được chỉ thị từ Washington yêu cầu cách chức Nhu và cảnh báo Diệm. Nếu ông ta từ chối, Hoa Kỳ sẽ phải “đối diện với khả năng chính bản thân ông Diệm không thể được bảo toàn” 

    Trong cuộc họp báo ngày 22 tháng 5 về Việt Nam, tổng thống Kennedy tuyên bố: Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam.

     Ngày 29 tháng 9 năm 1963, bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara cùng tướng Maxwell Taylor qua Sài Gòn gặp tổng thống Diệm. McNamara nói với tổng thống Diệm rằng việc đàn áp Phật giáo gây trở ngại cho nỗ lực chống cộng và phàn nàn về những tuyên bố của bà Ngô Đình Nhu nhưng Tổng thống Diệm né tránh các vấn đề do McNamara đưa ra.

    Ngày 11 tháng 6 năm 1963, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ thị cho Tòa đại sứ Sài Gòn xúc tiến kế hoạch thay tổng thống Diệm.

    Ngày 27 tháng 6 năm 1963, tổng thống Kennedy công bố quyết định thay đổi đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam.

    Ngày 22 tháng 8 năm 1963, tân đại sứ Henry Cabot Lodge đến Sài Gòn.

    Ngày 24 tháng 8 năm 1963, Lodge gởi về Washington DC một điện văn báo cáo rằng ông Nhu là người ra lệnh tấn công chùa và nói về dự tính đảo chánh của một số tướng lãnh. Cũng trong ngày 24 tháng 8 năm 1963, thứ trưởng Ngoại giao George Ball, xử lý thường vụ ngoại trưởng, cùng Harriman (thứ trưởng Ngoại giao), Hilsman (phụ tá ngoại trưởng), Forrestal (phụ tá tổng thống) đồng soạn và ký tên mật điện 243 gởi cho Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn như sau:

Chính phủ Hoa kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng quân đội tinh nhuệ và các chính trị gia có tư cách.

Nếu ông (tức đại sứ Lodge) cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối đầu với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể tồn tại được”.

    Từ tháng 7 năm 1963 đã có những tin đồn về việc sắp xảy ra đảo chính. Các tướng Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim và Dương Văn Minh có ý định đảo chính để chấm dứt khủng hoảng.

    Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, được lệnh của các tướng lĩnh chỉ huy đảo chính loại bỏ Hồ Tấn Quyền khỏi vai trò chỉ huy binh chủng hải quân, Thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng Vùng III Sông Ngòi  và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ huy trưởng Giang đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang Vận đã lừa Hồ Tấn Quyền ra Thủ Đức và hạ sát ông tại rừng cao su. Cũng trong sáng ngày 1 tháng 11 trung tướng Trần Văn Đôn triệu tập các cấp chỉ huy các đơn vị quân đội đồn trú tại Sài Gòn và các vùng phụ cận mà ông nghi ngờ trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm về cầm chân ở Bộ Tổng tham mưu. Khi trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống đến họp ở Bộ Tổng tham mưu thì bị còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp khác như trung tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Binh chủng Thiết giáp và Đại Tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự ở Pháp mới về nuớc...

    11h30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Emile Conein vào bộ Tổng Tham mưu, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Toà Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu đồng Việt Nam (Theo Việt Nam nhân chứng của Trần Văn Đôn thì số tiền này được chia cho Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Đổ Cao Trí, Nguyễn Khánh, Trần Ngọc Tám và Lê Nguyên Khang) Cũng tại đây, vào thời điểm này tướng Dương Văn Minh đề nghi tất cả tướng lãnh tham dự vào cuộc đảo chính. Hầu hết các tướng lĩnh đều hưởng ứng trừ đại tá Cao Văn Viên, chỉ huy trưởng Lữ đoàn dù, Đại tá Lê Quang Tung, tư lệnh Lực Lượng Đặc Biệt và đại tá Huỳnh Hữu Hiền, Tư lệnh Không quân là phản đối. Các ông bị bắt ngay sau đó và bị đại úy Nguyễn Văn Nhung sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh đưa sang tạm giam trong phòng “cô lập các sĩ quan chống đối“. (Đêm đó, Nguyễn Văn Nhung đem đại tá Tung và em trai là thiếu tá Lê Quang Triệu, tham mưu trưởng Lực lượng Đặc biệt ra nghĩa trang Bắc Việt Tương tế ở sau Bộ Tổng tham mưu giết chết cả hai anh em)

Lúc 12giờ10', tại dinh Gia Long, khi Tổng thống Ngô Đình Diệm được tin báo về cuộc đảo chính, ông và cố vấn Ngô Đình Nhu di chuyển xuống hầm bí mật đào dưới dinh Gia Long. Hầm này có phòng ngủ, phòng tắm và phòng khách cho tổng thống và cố vấn, và có địa đạo dẫn ra ngoài dinh. Tại đây ông ra lệnh cho các sĩ quan cận vệ liên lạc với các tướng Trần Thiện Khiêm, Tôn Thất Đính yêu cầu đến cứu ứng.

    Vào lúc 16 giờ 30 chiều 1 tháng 11 năm 1963 ông Diệm gọi điện thoại cho đại sứ Mỹ Cabot Lodge để thăm dò thái độ của người Mỹ về việc các tướng lĩnh dưới quyền tổ chức đảo chính. Ông đề nghị sẽ thực hiện các yêu cầu của người Mỹ. Cabot Lodge khuyên Ngô Đình Diệm từ chức và lưu vong như mong muốn của phe đảo chính để bảo toàn tính mạng. Tổng thống Ngô Đình Diệm nhận thức rằng người Mỹ đã bật đèn xanh với âm mưu đảo chính của các tướng lĩnh.

Đến 18 giờ 30 cùng ngày, ông Diệm gọi lại tướng Đôn, nhưng được tướng Đôn thông báo sự khước từ của phe đảo chánh. Họ đòi hỏi hai anh em ông Diệm phải rời khỏi nước. Ông Diệm đồng ý nhưng đặt một điều kiện: phe đảo chính phải chấp nhận cho ông các nghi thức danh dự ra đi của một tổng thống nhưng bị từ chối.

20h tối ngày 01 tháng 11 tổng thống Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu cùng 2 sỹ quan tùy viên (đại úy Đỗ Thọ và đại úy Bằng) trốn về nhà Mã Tuyên, Tổng bang trưởng của người Hoa và cũng là thủ lĩnh là Thanh niên Cộng hòa ở Chợ Lớn. Sáng sớm ngày 02 tháng 11, từ nhà Mã Tuyên hai ông sang dự lễ và cầu nguyện tại nhà thờ Cha Tam. Tại đây tổng thống Diệm ra lệnh đại úy tùy viên Đỗ Thọ lấy điện thoại nhà xứ gọi về Tổng tham mưu thông báo là hiện Tổng thống đang ở nhà thờ Cha Tam Chợ Lớn.

 

Nhà thờ Cha Tam, nơi hai anh em Ngô Đình Diệm - Ngô Đình Nhu trú ẩn trước khi bị hạ sát.

    Vào khoảng 7h sáng ngày 2 tháng 11, một phái đoàn gồm có 3 chiếc xe Jeep, hai chiếc thiết giáp M113, 2 chiếc GMC chở đầy lính vũ trang và các tướng tá Mai Hữu Xuân, đại tá Dương Ngọc Lắm, đại tá Nguyễn Văn Quan, đại úy Nguyễn Văn Nhung và đại úy Dương Hiếu Nghĩa, đại úy Phan Hòa Hiệp  được đưa tới nhà thờ cha Tam để đón hai ông. Đại tá Lắm tuyên bố thừa lệnh Trung Tướng Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng ép hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu lên xe thiết giáp M113.

    Ngay lập tức, viên Đại uý này bảo hai quân nhân chạy đến đẩy hai ông lên xe và kéo cửa lên...

    Trên đường về bộ Tổng tham mưu, tổng thống Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu bị hạ sát. Xác tổng thống Ngô Đình Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bắn, xác Ngô Đình Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu.

    Thi hài anh em tổng thống Diệm được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ Tổng Tham Mưu (về sau thì di dời ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi) với sự hiện diện của người cháu gái và làm thủ tục khai tử tại quận Tân Bình. Về nghề nghiệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được ghi là Tuần Vũ và ông Nhu là quản thủ thư viện.

    16 giờ chiều ngày 2 tháng 11 năm 1963,khi được thông báo anh em Tổng Thống Diệm đã bị giết, đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp:”C’est formidable! C’est formidable!” (Thật là tuyệt diệu. Tuyệt diệu).

(Nguồn: Wikipedia)

Tổng Thống Ngô Đình Diệm

    Năm 1963 – 1965, cái mốc lịch sử khó quên ở thế hệ tôi, chế độ Ngô Đình Diệm đã cáo chung. Phong trào “Ba sẳn sàng” như vết dầu loang khắp làng quê, huyện lỵ Điện Bàn, từ Vĩnh Điện về Bình Long, Phong Thử. Đường Quốc lộ đã bị đào nham nhở, một số không đi học nữa, xung phong vào du kích làm cảnh giới cho Giải Phóng quân. Anh Đông con bà Tiếp còn khoe với tôi quả lựu đạn, Cật con bà Nhì, Diên con ông Hương Hoá, cái xóm Nga Tiền chỉ gần mười nóc nhà, mà mấy bạn lứa tôi đã ra đi. Diên đeo lựu đạn bằng nịt dây chuối ở lưng quần cảnh giới cầu Bình Long, mấy ngày sau nghe tin Diên bị banh ruột vì chơi với quả M.79 vàng choé quay chưa đủ vòng.

PHONG TRÀO BA SẲN SÀNG

    “3 Sẵn sàng là tên gọi của phong trào thi đua do ban chấp hành thành đoàn Hà Nội phát động trong những năm 60 của thế kỉ 20 nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước của học sinh sinh viên Hà Nội.

    Sau liên tiếp các thất bại của các chiến lược quân sự Chiến Tranh Một Phía  Chiến Tranh Đặc Biệt chuyển sang chiến lược Chiến Tranh Cục Bộ đồng thời sử dụng không quân và hải quân tấn công Miền Bắc Việt Nam.

    Trước tình hình đó Thành Đoàn Hà Nội đã phát động phong trào 3 Bất Kỳ nhằm khơi dậy và phát triển tinh thần yêu nước bảo vệ tổ quốc của thanh niên Hà Nội.

    5/1954: Diễn ra cuộc họp ban chấp hành đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cuộc họp đi đến thống nhất đổi tên phong trào 3 Bất Kỳ thành 3 sẵn sàng và được Thành Đoàn thông qua nhằm nhân rộng trong toàn thành phố Hà Nội.

    Đầu tháng 5/1964 tại nghĩa trang Mai Dịch, Từ Liêm, Hà Nội ban chấp hành đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chính thức phát động phong trào 3 sẵn sàng trong tập thể nhà trường.

    Tối 9/8/1964, tại hội trường Bộ công nghiệp nặng, Ban chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã chính thức phát động phong trào thanh niên "3 sẵn sàng" chống Mỹ cứu nước trong toàn thành phố.

    Năm 1965, Hoa Kì tăng cường tấn công miền Bắc Việt Nam bằng không quân với suy nghĩ sẽ đưa miền bắc Việt Nam quay về "thời kì đồ đá". Trước tình hình mới Thành đoàn Hà Nội đã xác định nhiệm vụ của thanh niên là: sản xuất và bảo vệ sản xuất, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, học tập và rèn luyện đồng thời thay đổi nội dung phong trào 3 sẵn sàng.

Nội dung phong trào:

-Sẵn sàng nhập ngũ.

-Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh.

-Sẵn sàng đi đến bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà tổ quốc cần đến.

Sau năm 1965 nội dung thay đổi là:

- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang

- Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào

- Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ Quốc cần

   

    Phong trào 3 sẵn sàng được ví như "mồi lửa" đã thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn đã như "củi khô" chờ được đốt cháy.

    Sau khi phong trào được phát động, ngay trong tuần đầu tiên đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng kí nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang nhân dân, và trong thời gian ngắn con số này lên đến hơn 200.000

    Từ 1 phong trào phát động trong thanh niên Hà Nội, phong trào 3 sẵn sàng đã lan rộng ra toàn miền Bắc Việt Nam trở thành phong trào thi đua yêu nước của thế hệ trẻ Việt Nam thời bấy giờ”. (Nguồn: Wikipedia) 

     Dần rủ tôi về quê ăn khoai lang nướng mẹ nó mới đào, vừa  đạp xe qua khỏi tháp Bằng An, gần đến ngõ Nghè Mai, Chánh Chước đã nghe rộ tiếng súng, mấy người gánh lá dâu băng qua đường chạy về hướng thôn Nông Sơn… Dần nói đó là quân Giải Phóng.

Liệt sĩ Nguyễn Văn Dần

     Những ngày mùa đông buồn da diết, Thân Tám (Thân Hùng – đã mất 2009) rủ tôi qua bến xe Vĩnh Điện coi xác Việt Cộng mới bị bắn chết, bỗng nó khóc oà nói là chú nó! Không khí chiến tranh tràn vào lớp học, Dần theo anh Đông đi du kích, lớp học thưa dần…

     Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân) dạy bài cuối cùng, bài thơ: “Nhà tôi” của Yên Thao:

NHÀ TÔI

 

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng giặc đóng

Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng

Tre, cau buồn rũ ướt muă sương

Màu tráng vôi lôm lốp mấy khung tường

Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không ?

     Quê tôi chìm trong khói lửa, máy bay ném bom tan tành ba cây đa cổ thụ, cô dượng Ngũ ra đồng, cà nông rơi trúng hầm, xác năm đứa con không đứa nào còn nguyên vẹn.

    Sáng sớm, quân Giải phóng về tử hình thôn trưởng Nông Sơn, lại bắn thêm người em từ ngoài đồng chạy về vì nghe tiếng súng…  Chùa Hạ Nông vắng dần thiện mam tín nữ, Bác Xứng vẫn chiều chiều dông chuông thinh không vang vọng cõi trần ai, nhà ông Đốc Thiên – cháu cụ Trần Quý Cáp – cũng quạnh quẽ vắng ngắt.

   Gia đình tôi tản cư ra Đà Nẵng, Cha lấy lại căn nhà cho thuê ở đường Phan Châu Trinh, gần nhà ông bà Ngoại. Tôi được gửi trọ nhà ông Nữa - bảo vệ trường Nguyễn Duy Hiệu – Cuối tuần mới về nhà. Thầy Phan Chánh Dinh, cô Dương Thị Ngân Hà, thầy Trần Văn Tường, cậu Lê Văn Đa cũng ăn cơm trưa ở nhà ông Nữa.

     Những buổi chiều tan học, sân trường vắng hoe, thỉnh thoảng cô bạn học Phan Thị Tuyết Hoa xinh xinh trọ bên kia đường, mang áo quần xuống giặt ở bến sông trước nhà tôi trọ, lòng tôi buâng khuâng không nói nên lời…

    Một lần trong giờ toán của thầy Tường, không biết bạn nào viết lên bảng:”Bạch Tuyết + Cúc B kết hợp” Thầy Tường gọi tôi lên, tát cho một tai tá hoả tam tinh! Mãi gần 50 năm sau, Phạm Văn Đức mới nhận là thủ phạm trong lần hội ngộ, trước mặt thầy Tường!

 

Thầy Trần Văn Tường

    Năm đệ lục (1963-1964) tôi cùng Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Chung, Nguyễn Đình Ký thức trắng đêm làm bích báo. Lớp do thầy Võ Toàn Trung làm giáo sư cố vấn.

     Từ thị trấn Vĩnh Điện về quê hơn ba cây số, nhưng xa xăm vời vợi, dòng sông Vĩnh Điện thỉnh thoảng mang những xác người bị trói ké sau lưng trôi xuôi theo dòng nước đục ngầu.

LỤT NĂM GIÁP THÌN 1964 (*)

    Hằng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng 10 âm lịch, nhiều gia đình ở vùng tây Quế Sơn, nay là huyện Nông Sơn có lễ giỗ những thân nhân tử nạn vì “trận lụt Giáp Thìn”. Trong trận lụt lịch sử này, ông nội tôi lúc đó đang ở Cà Tang cùng gia đình cô tôi, trên chiếc mấy chiếc ghe chở đồ đạc, bị cuốn vào dòng nước khi đã cây neo ghe đổ nhào. Cô tôi nhờ nổi bình bồng trong cái áo mưa may mắn được ông chèo ghe vớt lên. Còn vợ ông chèo ghe thì chìm trôi theo nước. Ông nội tôi mất tích trong dòng nước dữ ngày mùng 7 tháng 10 âm lịch, hôm nay là ngày giỗ.

    Cậu tôi, nhà thơ Tường Linh có bài thơ được ghi ông là kể theo lời anh Cả Ngoạn, một người cậu khác của tôi

    Dưới đây là bài thơ “Thảm nạn quê hương” của ông

Không còn gì nữa cả
Không còn gì nữa cả em ơi!
Một tháng quê hương không bóng mặt trời
Một tháng quê hương mưa gào gió thét
Đất Quảng thân yêu người người rên siết
Sáu mươi năm lại đến “họa năm Thìn”
Thảm nạn này biết thuở nào quên!

Biết thuở nào quên!
Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp
Cả ngàn người, cả vạn người không chạy kịp
Nước réo ầm ầm át tiếng kêu la
Chới với. Ngửa nghiêng. Người cuốn theo nhà
Nhà theo sóng. Người không thấy nữa
Nhìn con trôi, mắt cha máu ứa
Ngoi lên, tay vợ níu lưng chồng
Rồi hai người thành hai xác giữa mênh mông
Tấp vào bờ thây của người ông
Giữ xác cháu, hàm răng ghim áo cháu
Nhà có mười người, hết đường phấn đấu
Sợi dây dài vội vã thắt tay nhau
Cây nước tràn lên, cây nước phủ đầu
Một “dây xác” trôi về đâu, ai biết…

Còn bao cảnh não nùng, bi thiết
Nói không cùng, ghi chẳng hết em ơi!
Đất Quảng quê ta chết bốn ngàn người
Kể chung miền Trung còn hơn thế nữa!
Người sống sót không còn nhà cửa
Không áo cơm, khô cả lệ thông thường
Cắn vành môi nhìn lại một quê hương
Bỗng run sợ tưởng đây miền địa ngục
Quê hương ta: một hình hài ngã gục
Cà Tang ơi, Trung Phước, Đại Bình ơi!
Đông An, Bình Yên… nước xóa cả rồi
Đá núi lấp đồng, bùn sông lấp xóm
Mưa vẫn còn rây trên quê hương ảm đạm
Đồng hoang vu còn giữ những thây người
Những thây người! Không đếm hết, em ơi!

Em hãy ghi: Ngày mùng 6 tháng 10
Năm âm lịch Giáp Thìn, em nhé!
Ngày giỗ quê hương, dù bao thế hệ
Thảm nạn này biết thuở nào quên
Xót thương về, em hãy đốt hương lên.

(Ghi theo lời anh Cả Ngoạn kể) 

    Quê tôi là nơi hợp lưu của 3 dòng sông lớn: Thu Bồn, Ly Ly và Trường Giang. Mỗi năm mùa lũ tới, đặc biệt là từ tháng 10 dương lịch trở lên, quê tôi trở thành vùng rốn lũ. Nước từ thượng nguồn theo 3 dòng sông lớn về đây ào ạt tuôn ra cửa biển nhưng chảy không kịp, nước lên bốn bề, gây lũ.

    Một chiều tháng 12.1964 (năm Giáp Thìn), trời mưa lớn và mưa liên tục. Hôm ấy, anh Tám tôi còn đi học xa chưa về. Theo kinh nghiệm những năm trước, tôi nghĩ nước lũ sẽ vào nhà. Nhà tôi có nền cao, nước mấy năm vào nhà thông thường chỉ ngang tới rốn. Trước đó, cha mẹ tôi mua về mấy chục bao xi măng, tôi vác tất cả đưa lên cao và an tâm chờ lũ.

    Thế nhưng, 5 giờ chiều, nước bỗng tràn về như thiên binh vạn mã. Xa nghe trong những thôn xóm yên bình ngày nào có tiếng kêu cầu cứu thất thanh. Nước lũ như bầy ngựa bất kham chảy với tốc độ kinh hoàng cuốn theo nhà cửa, tủ giường, heo bò… Tôi bất lực nhìn nước lên nhanh, thấm ướt cả cái kệ cao để mấy chục bao xi măng, chụp lên cả cái vựa muối. Thanh niên trong xóm giăng dây thừng qua chợ, cột vào những cây sầu đông. Họ bám theo đó, chống xuồng vào từng nhà cứu người già, em bé.

    Cha mẹ tôi được xuồng chở ra khỏi nhà lúc 7 giờ tối. Tôi và đứa em út mới mười hai tuổi đưa con chó lên gác. Gác gồm bốn tấm ván, bắc sơ qua hai cây trính. Chúng tôi không quên cầm theo một cây rựa, sẵn sàng trổ mái nhà thoát thân nếu nước ngập gác. Đêm tối mịt mùng. Nước lên đã ngập hết cửa lớn. Ngồi trong nhà, tôi lắng tai nghe trong mưa gió mùa đông tiếng nước lũ ầm ầm chảy, tiếng những người bị nạn kêu cứu. Và tôi thấy hết cái bĩ cực của đời người. Trước thiên nhiên hung bạo và vô tri, số phần con người mỏng như sợi tơ, có thể đứt bất cứ lúc nào không biết.

    Tôi thắp cây đèn dầu, thức nguyên đêm ấy. Đứa em trai và con chó ngoan ngoãn nằm ngủ. Nước dâng chỉ còn cách mặt ván khoảng một tấc tây. Tôi dự định nếu nước dâng lên tới mặt ván sẽ dùng rựa phá mái nhà. Hai anh em và con chó sẽ lên nóc nhà kêu cứu. May mắn, khoảng 1 giờ sáng mưa tạnh, nước không lên nữa.

    Bình minh lên. Một bình minh ảm đạm, nặng như chì. Mưa đã ngừng nhưng trời tháng 12 lạnh như cắt da cắt thịt. Nước đã nhấn chìm mọi thứ tài sản của cha mẹ tôi. Tôi thức em dậy, bảo trông con chó và quyết định phá nóc nhà. Trời ơi, làng tôi và những làng lân cận chỉ còn là một biển nước vàng mênh mông. Nước đã nhấn chìm tất cả mọi thứ. Những ngọn tre trong biển nước ấy phơ phất như cọng rau muống trong ao. Nước trôi băng băng. Chúng tôi như đang lạc giữa đại dương bao la, không còn nhận ra đâu là làng xóm, đâu là nhà cửa. Mái nhà tôi chỉ cao trên mặt nước khoảng một mét rưỡi.

    Anh Hai tôi cùng bốn thanh niên bám theo những sợi dây thừng đến đón tôi, thằng em út và con chó ngoan đi tỵ nạn. Nơi chúng tôi đến là ngôi nhà lầu cao nhất trong làng. Ở đó đã có hàng trăm bà con khác. Gạo được góp chung để nấu cơm. Thức ăn thì quá đỗi ngon lành. Những con bò, con heo trôi ngang qua bị bắt lại và “tự nhiên” làm thịt. Bởi điều đơn giản là người ta không biết chủ nó ở đâu mà trả, còn để chúng trôi thì chúng cũng chết trong dòng nước hung bạo. Người ta “sang” đến nỗi không thèm bắt gà vịt làm thịt bởi chẳng ai có thì giờ mà nhổ lông, cắt tiết.

    Nghe radio nói mới biết ở đâu đó trên Trung Phước - một làng miền núi có một thung lũng bị vỡ. Nước từ thung lũng tuôn ra, xóa sổ hẳn một làng, làm nhiều bà con tử nạn. Cơn lũ Giáp Thìn 1964 ngâm 3 ngày, phá nát toàn bộ hoa màu, giết gần như toàn bộ gia súc gia cầm của tỉnh, làm kinh tế Quảng Nam kiệt quệ. Khi nước rút đi, có nơi độ lắng của bùn non lên đến ba tấc, dẻo quẹo như mạch nha.

    Lũ ra, tôi tham gia cùng các anh thanh niên chôn cất những người không may tử nạn. Có thi thể nằm vắt trên bụi tre, phải khó khăn lắm mới đưa xuống được. Người còn căn cước thì có thể báo lại cho thân nhân, cũng có người trong lưng không mảnh giấy lộn. Thương nhất là những gia đình biết mình không thoát khỏi đã lấy dây cột chung để được chết bên nhau. Chúng tôi chôn cất những người xa lạ mà không cầm được nước mắt.

    Rồi điều đáng sợ không ai ngờ tới đã xảy ra. Xác trâu bò chết không ra tới biển, gặp lúc triều lên lại trôi ngược dòng. Vài ba ngày sau, xác chúng bắt đầu phân hủy, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Thật khó khăn khi phải vớt những con trâu nặng cả tấn lên bờ và thiêu hủy chúng đi. Bởi sau lụt, cái thiếu nhất vẫn là củi đốt.

    Tôi ở làng mấy ngày, đợi cho nước xuống hẳn mới qua lại Hội An nhập trường. Năm ấy, tôi đang học đệ nhị, đợi đến tháng 6.1965 thì thi tú tài 1. May mắn, những bạn bè trong lớp vẫn còn đầy đủ. Thế nhưng, ai cũng trở thành con nhà nghèo. Bạn tôi - NTH mất người cha thân yêu.

(*) VŨ ĐỨC SAO BIỂN

    Cuối năm dệ ngũ (Lớp 8, 1964-1965) đang hăng say học tập vì lần đầu tiên tôi được xếp hạng cao trong lớp, nhưng lớp chỉ còn hai mấy bạn, phải nhập chung hai lớp Pháp và Anh văn. Cha lại chuyển trường ra học ở Đà Nẵng, hụt hẫng với môi trường mới, bạn bè mới: Trường Sao Mai.


Châu 1965

    Trường Sao Mai đã cho tôi biết bao kỷ niệm êm đềm. Một anh học trò nhà quê ra phố ngớ ngẩn, tự ti mặc dù là ngôi sao tỉnh lẽ! Sự hoà nhập thật khốn khổ, cuối năm cấp hai chẳng để lại ấn tượng gì ngoại trừ những lần ê mặt vì không cân bằng được phản ứng hoá học, không giải được phương trình bậc 2! Chỉ còn nhớ: “Tình Delta âm vô nghiệm muôn đời…”

     Đêm Noel cùng bạn bè mới tung tăng, nhẩm tụng kinh Phật thay vì kinh Thánh, Sao Mai là trường Công giáo, bạn nào cũng có tên Thánh, các bạn đặt tên thánh cho tôi là:”Luxiphe”, tôi hãnh diện với tên Thánh ấy, mặc dù không biết ông Thánh ấy là ai!

 

Thầy Nguyễn Đắc Lợi và học trò sau 50 năm

 

Thầy Ngô Khôn Liêu và Thầy Nguyễn Văn Pháp


Cùng các Thầy tại Đà Nẵng 2011

 

     Cha gầy dựng sự nghiệp, mở xưởng mộc quy tụ con cháu chạy loạn từ quê ra… Anh Bồng, anh Ghè, anh Ngộ sốt rét vàng da, bủng beo, học bào học cưa. Cha mẹ bao bọc cả nhà chú Dần, cô Ngũ…  thuê nhà cho gia đình bác Xứng. Anh Hiệp học may, em Bình đi ở đợ nhà dì Chín.

     Một lần đi học về gặp lại cô bé ngày xưa Phan Thị Tuyết Hoa, Hoa học trường Bồ Đề đưa nhau về ngang nhà tôi rồi thôi, còn Hoa về khu định cư An Hải bên kia sông Hàn, qua cầu Trịnh Minh Thế (cầu Trần Thị Lý)

     Những ngày nghỉ học lang thang, đạp xe qua nhà Tuyết Hoa, đi trên đường cát hun hút với tiếng vi vu của phi lao đến tận bãi tắm Mỹ Khê. Ngồi bên nhau im lặng, rồi về!

     Anh Bồng, anh Ghè bị bắt lính, cha bó tay vì không có thợ, lại cùng bác Hương Ngân làm hương (nhang), cha đi bộ xuống chợ Hàn mua hương liệu, tăm nhang, bảo tôi chở về… Mẹ đi làm sở Mỹ, chiều nào cũng có quà, hôm thì socolate, kẹo, đồ hộp. Em Ngọc đi học nửa chừng, chưa hết Đệ lục (lớp 7) thì nghỉ, cha cho đi học may, em Lũy vào lớp 2… Cậu Bốn (Đa) và chú Thành đi thầu giặt đồ Mỹ, tối về lục túi quần, túi áo có khi được tiền đô, đồng hồ, bút máy. Cả nhà thi nhau se nhang, dán bao, vào bao đi bỏ mối, hàng xóm cũng làm gia công…

   Niên khóa 1965 – 1966 tôi học đệ Tứ, nhờ cô Bạch - thu ngân ở trường Sao Mai giới thiệu, tôi đi dạy kèm, bây giờ gọi là gia sư. Tôi đã bắt đầu có bạn đến nhà chơi, Vĩ Văn Thông, Tôn Thất Hoàng Tú, Trần Đình Định, Lê Quang Chính con thầy Lê Cần. Sau này Thông thi hỏng tú tài 2 vào không quân làm pilot trực thắng, Tú học y khoa Huế, Định luật sư ở Mỹ, Chính là giáo sư dạy ở Singapore.

    Năm 1966 – Phật Giáo đem bàn thờ xuống đường…

    Tất cả các trường ở Đà Nẵng bãi khóa, các Thầy ở chùa cùng bàn thờ Phật Tổ tràn ngập các con đường Ông Ích Khiêm, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu… Lực lượng TQLC từ Saigon bay ra trấn áp, thành phố Đà Nẵng như chiến trường.

    Một tuần mấy lần, Trần Đình Định lên rủ tôi đi tắm biển Mỹ Khê, Cha Định là ông Trần Quốc Thái, con nuôi Ngô Đình Cẩn làm quận trưởng Điện Bàn. Sau ngày lật đổ Ngô Đình Diệm 01.01.1963 ông Thái ở tù, nhà cửa bị tịch thu, Định là bạn thân. Thầy Vĩnh Linh, Thầy Thanh dạy toán, Thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh) dạy đại số, Thầy Hương dạy lý hóa, Thầy Lê dạy sử địa, Thầy Đoàn Đức Triệu dạy văn, Cô Điểu dạy vạn vật, Thầy Hoàng Ngân Hà dạy anh văn, Cha LM Vũ như Huỳnh dạy pháp văn… Thầy Vĩnh Linh sau năm 1975 làm đại biểu Quốc hội.

     Ngày giổ ông Ngoại, tôi lén lấy xe mobilette của chồng dì ba Cẩm, dắt ra đường leo lên đạp nổ máy, chạy một mạch đến ngã tư Phan Chu Trinh – Lê Đình Dương, chạy quá nhanh, nên khi rẽ sang đường bị ngã chổng vó lên trời, trầy xướt chân tay, xe bị quẹo cổ, tôi cố dắt về nhà, may mà các cụ đang nhậu chẳng ai hay!

      Anh em trong nhà hơn kém nhau vài tuổi như Lực (con dì Năm – mất năm 2011), Thạnh (con dì Bảy), Vân (con cậu Bốn Đa – mất năm 1972) Ai cũng thương Vân vì nó là cháu nội, tôi ra đời sớm nhất trong các cháu nên được ưu ái của các dì, các cậu chưa vợ chưa chồng. Đi học về không ngủ trưa, chân không mang guốc là chết với dì Chín, cậu Nghĩa! Cậu Nghĩa mua sách về bắt đọc rồi kể lại cho cậu nghe. Ngày dì Chín về nhà chồng, dì dắt theo tôi với Vân, bắt ngủ bên dì trong đêm tân hôn, hai thằng ngủ say như chết, sáng ra dì dắt hai đứa về sớm, không biết chuyện gì đã xãy ra! Cậu Ngãi có bồ, đi dạy về tập trung bạn bè đánh bài cả ngày chủ nhật, tôi và Lực ra đường canh gác, nếu thấy bạn gái cậu lên là chạy vào báo động, hai đứa ham bắn chim quên mất phận sự, bồ cậu vào nhà thấy bốn thầy say mê với mấy con bài, bỏ ra về, thế là hai thằng vô tích sự bị trận đòn tơi tả! 

Lê Văn Vân và Hùynh Tấn Lực

    Khoảng năm 1966 – Cậu Ngãi cưới vợ - Mợ Xuân, con nhà danh giá nhất Đà Nẵng, học trường Tây, cậu làm Précepteur (gia sư) rồi “cua” được mợ.

Tôi bưng mâm trầu cau rượu - Đám cưới Cậu Ngãi 

    Thời cuộc đảo điên, nghề làm hương, không phải là nghề của cha. Con cái vô tư, chỉ biết ăn và học, mẹ sớm đi tối về… Anh Tâm được cha mẹ nuôi ăn học từ lớp Đệ Thất, chú Mười Thi lang bạt kỳ hồ, ông bà Nội mất khi chú còn bé, cha mẹ nuôi khôn lớn, cho đi học may, rồi cưới vợ. Có lẽ chú không yêu, sau ngày thành hôn chú bỏ nhà lên Đà Lạt, thím Mười Thôi cũng vào Saigon đi làm thuê, chỉ có mẹ gánh hậu quả, không sinh mà có dưỡng, nuôi em Thu từ ngày đỏ hỏn đến năm, sáu tuổi, thím về xin dẫn đi…

Nguyễn Thị Xuân Thu (2018)

     Niên khóa 1966 – 1967, vào Đệ Tam, thêm nhiều bạn bè mới, lớp đã phân ban, một số học sinh giỏi được chuyển vào trường công lập Phan Chu Trinh. Thêm môn tiếng Pháp, do Cha Vũ Như Huỳnh phụ trách. Cha là Hiệu trưởng nên đứa nào cũng kính sợ. Tôi là học sinh chăm chỉ có hạng của lớp, Cha Huỳnh cầm cây bút chì hỏi:“ – Qu’est ce que c’est ?” Tôi lúng túng, nghe văng vẵng… xích lô, vội trả lời:”- C’est…tông xích lô (un stylo)! Cha nghĩ tôi nghịch ngợm, thật ra tôi chẳng biết gì!

    Cha cho đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ, học thêm toán thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh). Lê Quang Chính (con Thầy Cần – dạy Anh văn) cùng lớp, nó bảo giọng tôi đọc tiếng Anh như tiếng… Pháp. Cha mua cho chiếc xe đạp mới, bị xe jeep của thầy giáo Mỹ cán quẹo cả vành, tôi bắt  đền, đem hết khả năng tiếng Anh sẳn có, kèm theo tay chân, vậy mà tôi nhận được câu:” I don’t understand! 

     Vào đầu năm học đệ tam (1966-1967), Đà Nẵng rúng động vì chuyện thầy Vinh Anh – Hiệu trưởng trường Phan chu Trinh, đi coi thi bị thí sinh đâm chết ở Nha Trang. Hầu hết học sinh các trường đi đưa tang thầy.

    Năm Đệ Nhị (1967 – 1968) là năm ghi sâu đậm nhất thời trung học, nhóm bạn thân cùng tranh đua học tập và họat động báo chí. Chị Hồ Thị Ngọc Chánh luôn nhất lớp, Tôn Thất Hòang Tú, Vĩ Văn Thông, Phan Thị Thu Thanh, Nguyễn Thị Hồng – em vợ Đại Tá Lê Cảnh Di, Không quân – đi học bằng xe jeep, Hồng thường mang thức ăn đến lớp, thân thiện trên mức bình thường, bạn bè trêu chọc:”L.19 chơi với B.52” vì Hồng cao lớn hơn tôi.

                  Những ngày ôn thi Tú Tài 1, Hồng đến nhà học chung, Hồng dạn dĩ thích chơi trò yêu đương hơn học, có những lúc gần vượt quá giới hạn, nhưng tôi nhút nhát không dám dấn thân, nhưng rồi Hồng bỏ thi về Nha Trang, sau đó tôi được biết Hồng sinh con! Nếu…

                 Thi đậu Tú Tài 1, cha rất vui. Hai cha con đi bộ xuống ngã năm, qua đường Hoàng Diệu, cha mua ngay chiếc xe Vélo - Solex mới toanh! Tôi mừng hết biết, đổ xăng chở cha về nhà…

                 Tôi thầm cám ơn cha, bây giờ nghĩ lại mình là đứa con bất hiếu. Một lần cha bảo chở đi tìm mối bán hương ở chợ Hàn, trời mùa đông rét mướt, gió sông Hàn thổi lên lạnh buốt, cha khoát áo măng-tô cũ vừa đi vừa ho, tìm không được mối nào… Tuổi mười lăm, mười bảy chỉ nghĩ về mình, cơm áo gạo tiền ỷ lại cha mẹ, đôi lúc xin tiền rong chơi, cha mẹ không cho mặt còn phụng phịu. “Đến khi có gia đình, có con và con đã trưởng thành, mới hiểu hết lòng cha mẹ!”

                  Ôi! công ơn cha mẹ cũng thấm dần và thấu hiểu theo thời gian, mỗi ngày mỗi khác, sâu đậm ân tình, nặng trĩu lòng, theo suốt đời bôn ba danh lợi, mưu sinh.

                 Cha mẹ ơi! đến khi con hiểu, cha mẹ không còn nữa, dưới tuổi ba mươi quanh quẩn bên mẹ, nặng tình với mẹ hơn cha. Tuổi năm sáu mươi nặng tình cha hơn mẹ, sự nghiệp một đời theo gương bương chải của cha. “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gian khó cuộc đời không ai khổ bằng cha! “ Ngẫm nghĩ sao mà đúng quá.

                 “ Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, chỉ có sức khỏe là của mình.

                 Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ là có hạn.

                 Con ốm đau cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm đau con nhòm một chút, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.

                 Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái, cha mẹ tiêu tiền con không dễ.

                Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải là nhà cha mẹ…”

           Khi hiểu đời, ta coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp, chờ báo đáp!

                  Năm 1968 - Tết Mậu Thân, súng nổ khắp thành phố. Nhà tôi trên đường Phan Châu Trinh gần Quân đòan I (Quân Khu 5), Việt Cộng không tôn trọng đình chiến, tấn công khắp các đô thị miền Nam… quanh doanh trại thây người chết cong queo.

SỰ KIỆN TẾT MẬU THÂN

    Sự kiện Tết Mậu Thân là cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của Quân Giải phóng miền Nam trên hầu hết lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa. Quân Giải phóng hoạch định một trận đánh gây tiếng vang lớn "Một cú đập lớn để tung toé ra các khả năng chính trị" (Lê Duẩn) để tạo đột phá cho chiến tranh, nhằm buộc Hoa Kỳ xuống thang chiến tranh đi vào đàm phán.

Năm 1965, với việc đưa quân chiến đấu Mỹ và quân các nước phụ thuộc vào trực tiếp tham chiến ở chiến trường Việt Nam và tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ác liệt bằng không quân và hải quân chống Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ đã đẩy cuộc chiến tranh Việt Nam lên quy mô và cường độ chưa từng có.

Nước Mỹ ngày càng sa lầy vào cuộc chiến tranh Chính phủ Mỹ không con cách nào ngoài việc tiếp tục tăng quân, tăng chi phí quân sự. Đến cuối 1967, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 quân và 68.800 quân của các nước phụ thuộc Mỹ. Nếu kể cả khoảng hơn 20 vạn quân đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan,Nhật Bản, Philíppin, Hạm đội 7, một bộ phận Hạm đội 6, đã có tới 80 vạn quân Mỹ trực tiếp tham chiến. Số quân Mỹ huy động lúc cao nhất bằng tổng số lục quân của 5 nước: AnhÚcCanada và Tây Ban Nha cộng lại. Năm 1967, quân đội Việt Nam Cộng hòa có 552.000 quân, đến cuối năm 1968 cũng đã tăng lên 555.000 quân.

Ngày 15-4-1967, tại Washington, khoảng 40.000 người, có cả những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam, tham gia biểu tình phản đối cuộc chiến tranh của Chính phủ Mỹ. Tuy vậy, do tương quan lực lượng quá chênh lệch (quân Giải phóng chỉ có hơn 280.000 quân và vẫn chưa có xe tăngđại bác). Thương vong trong 2 năm 1966-67 tăng cao, khả năng tiếp tế đạn dược cũng dần hạn chế. Bộ chính trị Đảng Lao động Việt Nam cuối năm 1967 cũng ra thông báo: "Cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc ta sẽ còn phải diễn ra rất lâu dài và gian khổ."

Tháng 6-1967, Bộ Chính trị chủ trương: "Nhân lúc đế quốc Mỹ đang đứng trước thế tiến lui đều khó, lại phải tập trung vào cuộc vận động bầu cử Tổng thống Mỹ, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam, buộc Mỹ phải thua."

Tháng 7 và tháng 8-1967, Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu bắt tay xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược cho năm 1968 theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 6 và chỉ thị của Quân ủy Trung ương.

Tháng 10-1967, trong các ngày từ 20 đến 24, Bộ Chính trị họp Bàn về kế hoạch chiến lược Đông - Xuân - Hè 1967 – 1968. Tham gia hội nghị này có Uỷ viên Bộ Chính trị Trường ChinhPhạm Văn ĐồngNguyễn Duy TrinhLê Thanh NghịVăn Tiến DũngTrần Quốc HoànLê Đức Thọ. Tuy nhiên cả 3 nhân vật quan trọng nhất là Hồ Chí MinhLê Duẩn và Võ Nguyên Giáp đều vắng mặt do phải đi chữa bệnh ở nước ngoài.

(…) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam làm nòng cốt.

 (…) Hai cuộc họp Bộ Chính trị tháng 10 và tháng 12-1967 đã ra nghị quyết và trở thành Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III), quyết định chuyển cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định.

(…) Trong hai năm 1967, 1968 chi viện cho chiến trường miền Nam 118.923 tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh và 42.619.081 đôla, cộng với 122.885 tấn vật chất do Trung Quốc chi viện quá cảnh qua cảng Xihanúcvin (trong ba năm 1966, 1967, 1968).

Năm 1967, hơn 94.000 cán bộ, chiến sĩ ở miền Bắc biên chế thành từng trung đoàn, sư đoàn bộ binh và binh chủng kỹ thuật bổ sung cho Trị - Thiên, Khu V, Tây NguyênNam Bộ, nâng tổng số Quân giải phóng miền Nam lên 220.000 quân chủ lực và 57.000 quân địa phương (không kể dân quân, du kích, tự vệ)

(…) Đến đầu 1968, trước khi cuộc tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, quân Giải phóng đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần các mục tiêu sẽ đánh chiếm. Mỗi lõm có nhiều cơ sở để cất giấu vũ khí, ém quân. Lực lượng Biệt động Sài Gòn do Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu) chỉ huy, có khoảng 300 người, trong đó có hơn 100 tay súng tinh nhuệ, đã lên kế hoạch đánh 7 cơ quan đầu não chính trị trọng yếu của Mỹ giữa lòng Sài Gòn như Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh hải quân, Bộ Tổng tham mưu...

Do trong tháng 1 năm 1968 ngày dương lịch sát ngày âm lịch: ngày 29 (tháng 1) dương lịch là ngày 30 (tháng chạp) âm lịch và có sự lệch nhau một ngày của Tết hai miền nên có sự hiểu không nhất quán trong các cấp chỉ huy chiến trường của quân Giải phóng về thời điểm tiến công (ngày N): là ngày theo âm lịch hay theo dương lịch, là theo lịch miền Bắc hay lịch miền Nam. Sự thiếu nhất quán này đã làm cuộc tiến công ở các địa bàn Quân khu 5 Quân Giải phóng đã nổ ra sớm hơn một ngày so với các địa phương khác trên toàn miền Nam. Tuy vậy tính bất ngờ của Mậu Thân vẫn được bảo đảm.

(…) Phía Mỹ lẫn Việt Nam Cộng hòa đều bị bất ngờ cả về thời gian lẫn quy mô của cuộc tiến công này. Đây là một thất bại lớn về mặt tình báo mà sẽ khiến chính phủ Mỹ nếm trái đắng trước dư luận trong trận đánh được coi là "bước ngoặt của cuộc chiến".

ĐỢT 1:

Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền (B2) đã quyết định thành lập 2 Bộ Tư lệnh tiền phương:

·         Bộ Tư lệnh tiền phương cánh Bắc do Trần Văn TràMai Chí ThọLê Đức Anh phụ trách các hướng Bắc, Tây Bắc và Đông thành phố Sài Gòn.

·         Bộ Tư lệnh tiền phương cánh Nam do Võ Văn KiệtTrần Bạch ĐằngTrần Hải Phụng phụ trách các hướng phía Nam, Tây Nam, các lực lượng biệt động và chỉ đạo quần chúng nổi dậy ở nội thành Sài Gòn.

Ở Quân khu 5, Trung ương cử Võ Chí Công làm Bí thư Quân khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu, Chu Huy Mân làm Tư lệnh. Ở mặt trận Huế, Trung ương chỉ định Lê Minh làm Chỉ huy trưởng, Lê Chưởng làm Chính ủy (lúc này Phó Tổng tham mưu trưởng Trần Văn Quang là Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên).

Ở mặt trận Đường 9 – Bắc Quảng Trị do Trần Quý Hai, Phó Tổng tham mưu trưởng làm Tư lệnh, Lê Quang Đạo – Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Chính ủy.

Cuộc tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra vào đêm 30 rạng 31 tháng 1 năm 1968 (Ngày mồng một Tết Mậu Thân). Suốt từ vĩ tuyến 17 đến Cà Mau, các lực lượng vũ trang quân Giải phóng bất ngờ tiến công rộng khắp vào 6 thành phố lớn, 44 thị xã, hàng trăm quân lỵ, chiếm một số nơi, phát động quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy cơ sở của chế độ Sài Gòn ở nhiều vùng nông thôn. Hiệu lệnh mở màn là bài thơ chúc Tết của chủ tịch Hồ Chí Minh:

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ,

Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

    Đêm 30-1-1968 (đêm 29 rạng ngày 30 tết): Các lực lượng vũ trang ở khu 5 và Tây Nguyên tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào căn cứ Mỹ - Việt Nam Cộng hòa ở các tỉnh lỵ, thị trấn: Bộ tư lệnh Quân đoàn 1 Việt Nam Cộng hòa ở Đà NẵngHội Ansân bay đà Nẵngsân bay Non Nước,Nha TrangĐắc LắcPlây CuQuy Nhơn (Bình Định)... Riêng trận pháo kích sân bay Đà Nẵng đã phá hủy 5 máy bay và làm hư hại nặng 25 chiếc khác.

31-1-1968 (Đêm 30 rạng mồng 1 Tết): Tiến công bằng bộ binh, đặc công, pháo kích vào căn cứ Mỹ ở các tỉnh, thành phố Quảng TrịHuếQuảng Tín,Quảng NgãiBình ThuậnSài GònChợ LớnGia ĐịnhPhong ĐịnhVĩnh LongCần Thơ...

1-2-1968 (Đêm 1 rạng ngày 2 Tết): Các lực lượng vũ trang tiếp tục đánh vào các tỉnh lỵ khác: Kiến HoàĐịnh TườngGò CôngKiên GiangVĩnh Bình,Bình DươngTuy HoàBiên HoàTuyên ĐứcChâu ĐốcAn Xuyên.

Huế là một trong ba chiến trường chính và là một trong ba trọng điểm của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Lực lượng Mỹ và Việt Nam Cộng hòa ở đây khá mạnh, toàn mặt trận Huế có khoảng 25.000 đến 30.000 quân (nòng cốt là Sư đoàn 1 bộ binh).

2 giờ 33 phút ngày 30-1-1968, pháo binh Quân giải phóng đồng loạt bắn phá các mục tiêu địch ở khu Tam giác, khu Phan Sào NamPhú BàiĐộng ToànĐông Ba, mở đầu cho tổng tiến công vào Nội đô Huế. Sau loạt pháo mở màn, lực lượng quân Giải phóng trên hai hướng cùng lúc đánh vào 40 mục tiêu trong và ngoại thành Huế.

Hãng tin Pháp AFP ngày 7-2-1968 đã bình luận: “Sau một đêm đánh nhau, Việt cộng đã kiểm soát 90% dân chúng thành phố Huế. Ngay sáng hôm sau, bộ máy hoạt động và cổ động chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã bắt tay vào làm việc. Rõ ràng họ có một tổ chức mạnh mẽ trong thành phố này vì họ có thể huy động rất nhiều người ra làm việc cho họ”. Còn Hãng tin Anh Reute (cũng ngày 7-2-l968) thì viết: “Sau 5 ngày đánh nhau ác liệt giành giật từng ngôi nhà, quân Việt cộng vẫn chiếm hơn một nửa thành phố Huế và quân đồng minh tiến dần từng bước một cách vất vả. Các nhà quân sự ở đây cảm thấy rằng quân Việt cộng chứng tỏ là họ có thể vào và ra Huế bất cứ khi nào họ muốn. Cho đến nay không có dấu hiệu nào tỏ ra là họ có ý định rút lui”.

Sau 25 ngày chiến đấu, quân Mỹ và Đồng minh có hơn 4.400 thương vong, quân Giải phóng cũng có hơn 4.000 thương vong.

 Theo ông Mark Woodruff, một báo cáo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng bắt được ngày 25 tháng 4 năm 1968 ghi rằng họ đã "diệt 1.892 nhân viên hành chánh, 38 cảnh sát, 790 tên ác ôn, sáu đại úy, 1 trung úy, 20 thiếu úy và nhiều sĩ quan trừ bị…" tại Huế. Ngược lại, phía quân Giải phóng và một số tài liệu Mỹ và phương Tây cho biết: Cái gọi là "cuộc thảm sát” chỉ là đòn tâm lý chiến mà Mỹ dựng lên, thực tế bom Mỹ đã làm nhiều thường dân chết lẫn lộn cùng binh lính hai bên. Quân Giải phóng đã tự chôn cất thường dân chết do hỏa lực của Mỹ, do vậy Hoa Kỳ mới phát hiện xác thường dân trong các ngôi mộ tập thể.

Trước tình hình trên, ngày 24-4-1968, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp phân tích, đánh giá tình hình và kết quả cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, quyết định tổng tiến công và nổi dậy đợt 2.

Ngày 20 và 21-4-1968, Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra đời từ trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, tổ chức Đại hội bầu ra Uỷ ban Trung ương Liên minh do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch.

Đúng 0 giờ 30 phút ngày 5-5-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy đợt 2 trên toàn Miền đã nổ ra.



Chiến sự Đợt 3

Khi TT Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh tổng động viên đến cuối năm 1968, nâng tổng quân số từ 552.000 (11sư đoàn, 11 trung đoàn) trong năm 1967 lên 555.000 (12 sư đoàn, 9 trung đoàn) vào cuối tháng 12-1968.

Về phía quân Giải phóng miền Nam, qua hai đợt tổng tiến công liên tục Tết và tháng 5 lực lượng và vũ khí, đạn dược đã bị tổn thất lớn, chưa kịp bổ sung. Bên cạnh đó, lực lượng bí mật ém trong nội thành và phần lớn cơ sở - nơi cất giấu vũ khí, trang bị, chỗ đứng chân, nơi xuất phát tiến công cho các đợt tiến công tiếp sau đã bị lộ, bị đánh phá mất gần hết.

Nhằm thống nhất chủ trương hoạt động trên chiến trường, ngày 24 và 25-7-1968, Thường trực Quân uỷ Trung ương, gồm: Lê DuẩnVõ Nguyên GiápVăn Tiến DũngSong HàoTrần Quý Hai họp bàn kế hoạch hoạt động trong Đông - Xuân (1968 - 1969). Ngoài ra, Thường trực Quân uỷ Trung ương còn mời thêm Hoàng AnhLê Trọng TấnTrần SâmĐinh Đức ThiệnNguyễn Đôn... cùng tham dự cuộc họp.

Bộ Chính trị xác định: "Để tạo ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam trong năm 1968, cần phải cố gắng diệt cho được 70 - 80% lực lượng dự bị chiến lược của Mỹ - ngụy".  Giờ nổ súng được ấn định vào ngày 17-8, kết thúc vào ngày 28-9-1968.

Cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã dẫn đến các kết quả chính trị và quân sự cho cả thời kỳ 1969-1971.

Trong 3 đợt của cuộc tấn công, quân Giải phóng đã gây cho Mỹ và đồng minh những thiệt hại lớn. Theo các thông cáo chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thì trong cả năm 1968 họ đã loại ra khỏi vòng chiến 630.000 quân đối phương cả Mỹ - Việt Nam Cộng hòa lẫn đồng minh, 13.000 xe cơ giới, 1.000 tàu chiến, 700 kho đạn, 15.000 đồn bót; trong đó riêng 2 tháng đợt 1 đã diệt được 147 ngàn quân đối phương. Tài liệu Hoa Kỳ xác nhận tổn thất trong đợt 1 là hơn 48.500 quân và 552 máy bay bị phá hủy, và năm 1968 trở thành năm đẫm máu nhất đối với quân viễn chinh Mỹ tại Việt Nam với 16.511 lính chết và 87.388 bị thương chưa kể mất tích. Đối với quân lực Việt Nam Cộng hòa thì đây là năm đẫm máu thứ 2 (chỉ sau năm 1972) với 28.800 thiệt mạng và 172.512 bị thương chưa kể mất tích.

Tuy nhiên, để đạt kết quả trên, quân Giải phóng cũng chịu thương vong hơn 11 vạn người.

Trong các năm sau Mậu Thân, từ 1969 đến đầu 1970, là thời gian Quân lực Việt Nam Cộng hòa chủ động tiến công tìm diệt quân Giải phóng, thực hiện chiến dịch Phượng Hoàng, nhằm bình định và triệt phá phong trào chính trị của Mặt trận Dân tộc (…) 40 năm sau sự kiện Tết Mậu Thân, tướng Lê Khả Phiêu lúc đó là chính uỷ kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9, đơn vị chủ lực đánh vào thành Huế và giữ Huế 25 ngày, hồi tưởng: Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, chúng tôi ở chiến trường lao đao mất 2 năm rưỡi, đến năm 1971 ta mới có được những chuyền biến tích cực. Vinh quang có thật, tinh thần chiến đấu thì anh dũng tuyệt vời, nhưng đúng là có khó khăn. Giữ được Huế 25 ngày như thế đã là "ghê" lắm rồi. Khi rút ra ngoài, cả trung đoàn chỉ còn đúng 5 cân gạo. 

Bài chi tiết: Hiệp định Paris 1973

Cuối cùng, 2 bên lấy Paris làm địa điểm họp chính thức. Phiên họp đầu tiên được hai bên ấn định vào ngày 10-5-1968, phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cử Bộ trưởng Xuân Thuỷ làm Trưởng đoàn, Hà Văn Lâu làm Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hoa Kỳ cử Hariman và C.Vasner làm Trưởng đoàn và Phó trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Mỹ. Hình thức họp là 4 bên tham gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam - Hoa Kỳ - Việt Nam Cộng hòa. Đây lại là bước nhượng bộ nữa của Mỹ bởi trước đó họ từ chối công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và coi Việt Nam Cộng hòa là "chính phủ duy nhất của miền Nam Việt Nam". Tuy vậy, dù có 4 bên nhưng thực tế các phiên họp kín chỉ có 2 đoàn vốn thực sự nắm quyền điều khiển cuộc chiến là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hoa Kỳ được tham dự.

Ngày 3-6-1968, Nguyễn Duy Trinh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, chỉ thị cho đoàn ở Paris: “Tiếp tục làm tốt việc đấu tranh công khai và chuẩn bị lúc nào thuận lợi thì vừa nói chuyện công khai vừa nói chuyện hậu trường”

Trải qua 28 phiên họp chính thức, 21 cuộc gặp riêng, bí mật, kiên quyết giữ đúng nguyên tắc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được hai yêu cầu cơ bản:

·         Buộc Mỹ phải chấp nhận chấm dứt ném bom hoàn toàn và không điều kiện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà;

·         Mỹ phải ngồi vào đàm phán với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong một hội nghị bốn bên (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn).

(Nguồn: Wikipedia)

MẬU THÂN 1968 – HUẾ

    Trong những tháng kế tiếp, lần lượt từng mồ chôn được khám phá thêm, gồm có 18 ngôi mộ tập thể, nơi chôn nhiều nhất là chùa Quảng Tự (67 nạn nhân), Bải Dâu (77), Chợ Thông (ước lượng khoảng 100), Thiên Hàm (khoảng 200), và Đông Gia (khoảng 100). Tổng cộng trên 1.200 xác được tìm thấy từ những ngôi mồ tập thể chôn gấp rút, đã không dấu kỹ.

Nhóm mộ thứ nhất: những nạn nhân được tìm thấy ở trong sân trường ở Gia Hội, ngày 26 tháng Hai. Tổng số xác chết của nạn nhân bị chôn ở trường học Gia Hội tìm thấy lên đến 170 người.

   Hơn một nữa trong số những nạn nhân vẫn còn để lai những dấu hiệu của cái chết thảm khốc: hai tay trói chặc sau lưng, khăn nhét đầy vào cuống họng, nằm cong queo với không thương tích trên người. Đó là dấu hiệu họ đã bị chôn sống. 600 nạn nhân còn lại có những vết thương, nhưng nhà giảo nghiệm không thể nói được là họ đã bị xữ bắn hay bị chết vì lạc đạn.

Những ngôi mộ tập thể thuộc nhóm thứ nhì được tìm thấy trong bảy tháng đầu tiên của năm 1969 ở quận Phú Thứ (Gò Cát – Sand Dune), Lệ Xá Tây, quận Hương Thủy – huyện Xuân Hòa, Vân Đường vào cuối tháng Ba và tháng Tư. Nhiều ngôi mộ khác cũng đã được tìm thấy tại làng Vĩnh Lộc trong tháng Năm và ở quận Nam Hòa trong tháng bảy. Những ngôi mộ lớn nhất tìm thấy trong đợt hai nằm ở Gò Cát tại ba địa điểm Vĩnh Lưu, Lê Xã Đông và Xuân Lộ, nằm giấu trong những gò cát nhấp nhô với cỏ mọc cao gần bãi biển. Ngăn chia bởi những cồn muối, xa với làng xóm, những gò cát này là địa điểm lý tưởng để chôn dấu. Trên 800 xác đã được tìm thấy ở đây. 

Nhóm mộ thứ ba tìm thấy ở suối Đá Mài (Da Mai Creek find), cũng được gọi là Phủ Cam tử lộ, tìm ra ngày 19 tháng 9, năm 1969. Ở suối Đá Mài, cách bờ khoảng một trăm thước, người ta tìm thấy hàng trăm chiếc sọ người, hàng trăm mẫu xương vụn nằm chung lại một chổ. Những xác này đã không được chôn, nằm lộ liễu (theo truyền thuyết VN, người chết nếu không được chôn, hồn họ phải lang thang mãi và sẽ không được đầu thai qua kiếp khác). Và sau hai mươi tháng, dòng suối đã rửa sạch trắng những bộ xương này.

    Nhóm mồ tập thể thứ tư – Phú Thứ gần biễn muối, tìm ra vào tháng mười một năm 1969, gần làng đánh cá Lương Viện, mười lăm cây số về phía Đông của thành phố Huế, một nơi cũng hoang dã như suối Đá Mài. Làng Lương Viện, dân số 700, đã nói lên sự thật mà họ đã giữ kín trước đó, rồi sau đó, đã dẫn đến những ngôi mộ chôn tập thể. Dựa trên những lơi tường thuật của dân làng Lương Viện, đã ước lượng số nạn nhân tại Phú Thứ từ 300 cho đến khoảng 1,000 người.

(Nguồn: Wikipedia) 

     Phạm Văn Đức, học lớp đệ nhị với tôi, có xe Honda 68, giống con ngưa trời thường đến nhà rủ đi học, nhưng rồi Đức thi hỏng Tú Tài 1, biệt tăm…

      Sau kỳ thi, một số lên đường nhập ngủ, “Rớt tú tài anh đi trung sĩ…”. Năm Đệ Nhất (1968 – 1969) tôi chăm học cha mẹ rất mừng. Những lần văn nghệ tại lớp có các em học sau nhiều lớp cũng tham gia. Tôi đã xin chuyển trường cho Ngô Thị Thái và Ngô Thị Bình từ trường Bồ Đề sang Sao Mai. Cuối năm, chuẩn bị thi Tú Tài 2, tôi thay mặt học sinh toàn trường đọc diễn văn cám ơn các Cha, các Thầy Cô đã dày công dạy dỗ…  Trước ngày rời xa mái trường yêu dấu tôi cùng Vĩ Văn Thông, Trương Quý Chương, Tôn Thất Hoàng Tú…  thực hiện Đặc san “Hành Trình” của trường Sao Mai dưới sự cố vấn của thầy Đoàn Đức Triệu. Đặc san đã quy tụ những cây bút học trò, những bài văn, thơ vụng về… của tuổi mới lớn.


GS Đoàn Đức Triệu

                         


     Tôi cũng cho ra đời tập thơ “Trên Miền Tóc Xanh” với bút hiệu Phan Nguyễn Châu Uyên…

Rời trường SAO MAI 1969

     Mối tình đầu đời chớm nở, tôi đã biết nhớ nhung. Những trang nhật ký đã gói ghém tình yêu thương cô bé hàng xóm tự lúc nào, đêm khuya nhìn sang bên Út (anh trai Thái) cũng đang ôn thi Tú Tài 1, em đã ngủ say. Một lần tìm cớ sang nhà, nhìn em và em đã hiểu khi em đọc trộm những trang nhật ký… lời tỏ tình ngây ngô.

    Tôi đã đậu Tú Tài 2 trong niềm tự hào và vui mừng của cha mẹ, người thân. Cả phường Bình Thuận, năm đứa thi chỉ mình tôi đỗ! 

                   

Ngô Thị Thái 

   Tháng 8/1969 Cha đưa tôi ra Huế, mang theo thư giới thiệu của Cha Vũ Như Huỳnh gửi Cha quản lý cư xá Xavier, nhưng đã hết chỗ, Cha gửi trọ nhà anh ba Hóa trên đường Chi Lăng, gần chùa Tàu, nhà anh ba Hóa có cô Thu, bên chùa có cô Cơ, hai cô đang học đệ tứ trường Chi Lăng, thỉnh thoảng nhờ tôi hướng dẫn làm bài tập… 

   Tôi ghi danh học chứng chỉ SPCN tại trường Đại học Khoa học. Từ năm này, trường Đại học y khoa Huế chỉ tuyển các sinh viên đã có SPCN. Tôi hy vọng năm tới sẽ bước chân vào trường Đại học Y khoa, thỏa niềm mong ước của cha mẹ. 

    Nhưng đến tháng 10, cha gọi về Đà Nẵng chuẩn bị đi Saigon. Cha gửi trọ nhà chú Thơm gần cầu Phan Thanh Giản (Cầu Điện Biên Phủ), ấp Nhất Trí 3, Gò Vấp, Gia Định. Mấy năm trước gia đình chú Thơm ở Đà Nẵng, cùng xóm – kiệt 1 Phan Chu Trinh – có em Nga, Mỹ. Nga đang học lớp đệ lục trường Văn Hiến, Đa Kao, Mỹ học lớp nhì, thím Thơm bán tạp hóa tại nhà, còn chú làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu. Cha gửi tiền mua xe Mobilette đời mới (Motobicane) để đi học. 

     Tôi nộp đơn thi Y khoa Saigon, thi hỏng! Ghi danh SPCN ở Đại học Khoa học, hy vọng năm tới sẽ thi lại vào y khoa.

Trường Đại Học Khoa Học Saigon

    Những ngày ở nhà chú Thơm, ngoài thời gian đi học, tôi phụ giúp thím mua hàng ở chợ Cầu Ông Lãnh, tối kèm em Nga, em Mỹ học hành. Nga rất dễ thương, hay nhỏng nhẻo nhưng không chăm học, đã biết làm dáng mặc dù mới học đệ lục (lớp 7) . Đôi khi chở em đi học, em lại đòi chở đi chơi, tôi cũng muốn mà không dám! Đêm ngồi học bài và kèm em học, nhưng chẳng học được gì, em cứ gối đầu lên sách mà nhìn …

Thời sinh viên

Huế

    Những ngày sắp Tết (Kỷ Dậu – 1969) Sau mấy tháng cách xa, những lần hẹn hò cùng em Thái trốn học, ghi đậm thêm tình yêu thơ dại trong em. Ra Tết vào lại Saigon, tâm hồn tôi trống rỗng.    

    Cảm thấy ở lại nhà chú Thơm sẽ không giữ được mình, tôi xin xuống nhà cô Phụng. Nhà cô dượng thuê chỉ có hai mấy mét vuông, cô dượng đi làm thợ hồ sáng đi tối mịt mới về, Em Phụng đã lập gia đình, có hai con nhỏ, cháu Tuấn hai tuổi, cháu Trinh mới sinh, chồng trốn quân dịch. Thân Hoàng học lớp ba. Tôi và Hoàng thay nhau giữ cháu…

    Sau này đi dạy kèm, có tiền ăn và mua sách vở đở cho cha mẹ phần nào.

    Những ngày đầu năm 1970, tình hình đấu tranh, xuống đường của sinh viên Saigon sôi động. Giảng đường trống vắng, bãi khóa liền miên. Chưa kịp thi, tôi chán nản bán xe cha mua cho để làm lộ phí về quê…                     


 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...