Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2021

MÊ ĐẮM

 Tôi nhớ thời thơ dại, mỗi đêm khi xong việc nhà, bà ngoại dắt tôi đi xem tuồng ở rạp Hòa Bình (Bây giờ nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh) trên đường Phan Chu Trinh - gần ngã năm, Đà Nẵng.

Tôi ôm theo giỏ trầu của bà, từ nhà đi bộ dọc theo đường Phan Chu Trinh ngang qua nhà thương phao-lô,  trường Thọ Nhơn của người Hoa. Nhìn các anh lớp lớn đang chơi bóng rổ, khi trái bóng được nâng cao từ đôi bàn tay điệu nghệ lọt vào, tôi phấn khích đưa hai tay lên trời làm trầu cau trong giỏ của bà rơi tung tóe, mặc dù chiếc giỏ mây nhỏ hai quai có nắp. Bà ngoại cốc lên đầu tôi đau điếng rồi dắt tay tôi đi nhanh sợ trễ giờ.

Nhìn từ xa đã thấy ánh đèn neon sáng rực, những tấm pano vẽ khuôn mặt Lữ Bố cầm "Phương Thiên Họa Kích" oai phong trên lưng con Xích thố. 

Đêm nay diễn tuồng:"Lữ Bố hí Điêu Thuyền".

Bà ngoại mua vé, con nít được miễn. Kim tuyến lấp lánh trên bộ nhung phục của Lữ Bố, hai đuôi chim trĩ trên mão lượn lờ theo điệu múa, mỗi lần Lữ Bố  mắt quắc lên xỉa hai ngón tay lên trời, giậm chân ra điệu bộ, kèm theo tiếng trống phụ họa, khán giả vỗ tay thiếu điều muốn bể rạp. Tôi nhìn quanh, rồi đứng lên ghế cũng vỗ tay theo, tôi cụt hứng khi quay nhìn ngoại, bà ngồi lặng thinh.

Bà ngoại nổi tiếng khó tính trần đời, dù mẹ tôi là con thứ hai trong chín anh chị em, có mấy dì đã lập gia đình nhưng sợ ngoại tôi một phép.

Tôi bắt đầu ngủ gà ngủ gật, bỗng sân khấu hiện ra cảnh Điêu Thuyền e ấp lượn quanh, xiêm y rực sáng, khuôn mặt mỹ miều tựa tiên nga.Tôi chưa bao giờ thấy dung nhan của ai đẹp như Điêu Thuyền, má phấn môi son, thướt tha yểu điệu, tôi ngẩn ngơ như mất... hồn. Bà ngoại lại cốc đầu, tôi giật mình tỉnh cơn mộng mị.

Cảnh Lữ Bố bắt gặp Điêu Thuyền mặt ủ mày chau đứng hầu quạt bên Đổng Trác, khiến Lữ Bố giận dữ cả người rung lên bần bật, ánh kim quang phản chiếu lan tỏa làn sóng long lanh đến tận khán phòng khiến tôi thích thú lẫn sợ hãi nép vào cánh tay ngoại.

Đêm về bóng dáng cô Điêu Thuyền theo tôi vào giấc ngủ. 

Tôi là đứa cháu đầu tiên nên được ngoại cưng chìu. Bánh kẹo trong tiệm tạp hóa nho nhỏ của ngoại, tôi thích gì được đó. Những ai cùng thế hệ tôi còn nhớ bánh biscuit có viền răng cưa, kẹo ú, rượu mùi quinquina xanh, đỏ ngọt ngào...

Khi chú hề xuất hiện, nói lối có phần dung tục, mọi người cười, tôi cười, ngoại không cười.

Hát bội là loại nhạc kịch thịnh hành ngày trước khác với chèo, cải lương. Âm hưởng của tuồng hát bội hùng tráng, xả thân vì đại nghĩa, thể hiện ứng xử của con người giữa xã hội, gia đình và tổ quốc, nghệ thuật tuồng là sân khấu của những người tận trung báo quốc, hiếu trung, phê phán thói đời phi nhân phi nghĩa. Lối ra bộ của hát bội khác với cải lương xã hội, cải lương Hồ Quảng (cải lương tuồng cổ)

Sân khấu ngày xưa biểu lộ thái độ trung nịnh, dè bỉu, tôn kính rõ ràng, nói "cương" thiếu văn hóa hay phạm thuần phong mỹ tục, vô duyên bị la ó tức thì chứ không như bây giờ cái gì cũng cười ồ, dễ dãi cho lấy có. Những người làm nghệ thuật là tấm gương sáng của khán thính giả. Mỗi người có riêng thần tượng của mình tùy theo độ cảm thấu âm ba đi vào lòng người.

Dù người nghệ sĩ đã giải nghệ hoặc quá vãng từ lâu nhưng vẫn còn lưu giữ mãi vóc dáng, giọng ca, điệu bộ trong lòng người hâm mộ.

Thời gian là quy luật đào thải trong nghệ thuật sân khấu nghiệt ngã vô cùng, sự chuyên cần luyện tập, ham học hỏi, trình độ chuyên môn và giữ mình của người nghệ sĩ rất gian nan. 

Tuổi đã hoa râm, cuộc đời tôi thăng trầm theo giòng đời, bôn ba vì vinh hoa phù phiếm nhưng hình ảnh đẹp đẽ trên sân khấu của cô... Điêu Thuyền ngày xưa vẫn lung linh trong tôi, mãi đến tận bây giờ. 


Nguyễn Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...