Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

SỐNG CÁI NHÀ, GIÀ CÁI MỒ

      Dù sau ngày quê hương thôi đạn nổ bom rơi, nhưng ông bà cùng đàn con lít nhít đành tìm nơi khác ngụ cư. Chiều nay ông Lân lên xe đò về nơi mấy mươi năm trước: Miền Đông Nam bộ - miền “đất dung nạp”, ông chìu theo ý của bà:“Sống cái nhà, già cái mồ”.

            Rừng cao su ngủ yên dưới làn mưa bụi, bùn đất đỏ bazan như níu chân người. Ngôi trường xưa, nay đã đổi khác và người cũng lạ lẫm nhau hơn. Những khuôn mặt non tơ, hồn nhiên nô đùa dưới hàng phượng xanh um màu lá khiến lòng ông Lân nhớ về những ngày xưa cũ…

     Đầu những năm 80s. Người tứ xứ tụ về từ miền Trung xa xôi: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Bình Định… Họ đã rời xa làng quê yêu dấu. Dù nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng không thể dung thân, tha phương cầu thực rồi gặp nhau  nơi vùng đất hứa: Ngã ba Dầu Giây (Xã Bàu Hàm 2, Thống Nhất, Đồng Nai)

     Mùa mưa miền Đông Nam bộ, chỉ thấy đất ba-zan nâu đỏ nhão nhoẹt, vườn chôm chôm, sầu riêng xơ xác.

     Bên bìa rừng cao su, thấp thoáng những mái nhà tre, lá. Ngã ba Dầu Giây – Giao lộ QL1A-QL20, từ đây ngược hướng bắc về miền Trung, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình… Hà Nội. Ngược lại, Hưng Lộc, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà, Saigon, Bình Dương, miền Tây Nam Bộ... Ai về Đà Lạt, Lâm Đồng, Tây nguyên theo QL.20.

     Rừng cao su trơ cành, xếp hàng thẳng tắp, mùa cao su lá rụng là mùa cảm sốt. Chưa hết mùa mưa nhưng cũng là mùa tựu trường, học trò ông từ ấp Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Ngô Quyền, 97, Gia Nhan... Những đứa trẻ ngơ ngác, chân không dép, theo đường mòn băng ngang rừng cao su. Những chiếc xe đạp trơ khung, bùn đất đỏ bám đầy hai bánh xe lăn trượt. Các em nhịn ăn sáng, buổi sáng chẳng có gì ăn. Cha mẹ đã ra lô cao su từ sớm.

     Tuổi mười hai, mười ba thay cha mẹ. Đi chợ, nấu ăn, ru em… đi học. Học trò ông không có khai sinh, không hộ khẩu. Gia tài cỏn con đã tôi tuột, từ ngày di tản.

      Tiếng còi lê thê của nông trường cao su bật dậy những đôi vai còm cỏi. Mủ cao su theo vết cạo chầm chậm ứa, nhỏ từng giọt âm thầm như những giọt nước mắt thời bỉ cực.

     Những gia đình một thời đã sống nơi “Quê hương tôi nghèo lắm ai ơi, mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn”, nhưng an bình, thắm đượm tình người. Chiến tranh đã đi qua lại ngậm ngùi giã từ. Đến những nơi còn đầy bom mìn, lạ lẫm. Mưu sinh bằng nghề làm rẫy, phu cạo mủ cao su…

……….

   Cứ vào khoảng cuối thu, lá cao su chuyển từ  xanh sang vàng, rồi màu đỏ trước khi rụng. Đẹp và thơ mộng hơn rừng phong Bắc Âu.

“Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

                                (Kiều-Nguyễn Du).

          Dọc hai bên đường, hoa đào hoang tím nhạt, lung linh trong gió.

   Ông Khang dừng xe đạp:

-         Ông Lân hử! Chớ về hồi nào?

   Nghe tiếng “về” lòng ông ấm áp lạ thường, ông mỉm cười:

-         “Sinh ký tử quy” mà! Dù sống hay chết, biết nơi mình

sẽ về là ổn rồi. Vào đây đã…

      Ông Khang ngớ người không hiểu ông Lân nói gì, theo chân ông Lân vào quán bà Năm:

-         Lâu dữ nghen thầy! Có “cô” về không?

      Làm nghề giáo cũng vui, già khú đế vẫn còn được gọi “cô”. Ông Lân quay sang ông Khang:

-         Làm mấy “ve” hỉ?

-         Tui bỏ rượu bia rồi, lên “tăng-xông” suýt chết!

    Không chờ ông Lân có ý kiến, ông quay sang bà Năm:

-         Một ly bạc xỉu, một ly café đen nóng! Tui vẫn nhớ cái

“gu” của ông mà.

-         Nhớ cái hồi kèm theo điếu Samit, mới đó mà nghe

chừng xa lắc. Bà Năm góp lời.

    Ông Khang khoe:

-         Tui cũng được địa phương phân cho hai cái đã xây

kim tĩnh đàng hoàng. Sống đồng sàn, chết không đồng quan cũng đồng nghĩa địa. Tui nói với mấy đứa nhỏ đừng ma chay rình rang tốn kém, thiêu xong bỏ chút tro cốt vô hủ gởi chùa hay rắc hết xuống sông, nhưng con tui hổng chịu.

-         Nằm xuống rồi, mọi sự theo ý của người sống. Bà tui

nghĩ cũng phải, thời bây giờ kiếm được chỗ “nằm” tốn kém lắm, con cái đứa nào cũng còn chật vật, thôi mình lo trước phần mình. Đôi khi tôi nghĩ, sống hay chết gì con cháu có chỗ để về nghe cũng ấm áp ông ạ! Mình dân tha hương, con cháu trưởng thành nơi đất khách quê người, đây là quê hương chớ ở đâu ông? Tui nhớ hình như lời Lão Tử:       

“Con người sinh ra trên đời theo lẽ tự nhiên, chết cũng tự nhiên, sống trên đời thuận theo lẽ tự nhiên, có như vậy bản tính mới không loạn, không thuận theo tự nhiên, bận bịu chìm đắm trong nhân và nghĩa, bản tính lúc nào cũng bị gó bó, trói buộc, khó có thể thảnh thơi.

Trong đầu lúc nào cũng cánh cánh suy nghĩ về công danh, tâm vì thế mà bất an, mưu lợi trong tâm, chỉ rước thêm phiền não”.

-         Nghĩa trang xã mới quy hoạch giống như hoa viên,

chia từng khu vuông vức, đường sá rộng rãi đẹp thiệt ông à. Nghe nói địa phương cũng chiếu cố đến những thầy cô giáo cũ, một thời…

-         Vì vậy mà tui về đây! Tụi tui thích “nằm” bên ông,

không biết còn chỗ trống không?

-         Để rồi xong giờ dạy rủ nhau nhậu hử? Tui nhớ chiều

nào trước sân nhà ông dưới tán bạch đàn, tụi mình chỉ cần mấy xị rượu với cốc, ổi mà nói chuyện văn chương, thơ phú  tràn cung mây, nhưng thi tứ chưa thoát khỏi chữ ngậm ngùi…

-         Tui nghĩ cũng lạ! Khi nhậu ông như thầy giáo, đứng

trên bục giảng ông lại say. Tinh hoa của ông phát tiết cực độ và bi phẫn lẫn cuồng nộ theo những thân phận bất hạnh, bần cùng. Cũng có đôi lần ông trích giảng không có trong sách giáo khoa… Nhưng tui ủng hộ!

-         Chính điều đó tui quý trọng ông. Có lần tui hỏi

ông:“Dạy học trò cái gì?” – Ông trả lời: “Tình thương!”. Chỉ có vậy thôi mà sau bao nhiêu năm, nhiều thế hệ học sinh của ông vẫn nhớ đến thầy…

     Ông Lân nhìn ông Khang, rồi nhìn lại mình. Dù đồng niên nhưng tóc ông đã bạc phơ, ông đã rời xa bục giảng trước ông Khang khá lâu, chuyển sang nghề khác cũng vì sinh kế để các con ông có điều kiện học hành…  Cuộc đời ông thăng trầm như nốt nhạc, nhưng những nốt nhạc buồn thánh thót như hạt mưa rơi của chiều đông lạnh lẽo tha phương…

     Chiếc xe hơi đen bóng loáng dừng trước quán bà Năm, bốn khuôn mặt trung niên rạng rỡ chạy ùa vào như lũ trẻ, tay mắt mặt mừng chào thầy rối rít, miệng hỏi liên hồi. Hai ông không biết trả lời câu nào trước câu nào sau…

-         Nghe nói thầy về tụi em đi tìm, may quá!

-         Bắt cóc hử? Thầy vừa xuống xe đò, gặp thầy Khang...

-         Trưa nay nhà Bảo giổ thầy Hân - ba bạn ấy, tụi em

kính mời hai thầy lên xe.

     Ông Lân thảng thốt, thầy Hân cũng là thầy dạy ở trường sư phạm, biết bao thế hệ giáo sinh mang theo tấm lòng và ảnh hưởng lớn từ tính mô phạm của thầy tỏa về muôn hướng. Sau ngày đất nước thống nhất có triệu triệu người đổi đời, thầy Hân lại ở trong triệu triệu người mất việc đi làm cu-li dắt díu nhau về miền đất ba-zan ngút ngàn cao su này làm rẫy, cạo mủ cao su…

     Ngày thầy mất ông Lân không hề hay biết, ông cảm thấy mình quá vô tình lại càng cảm thấy xấu hổ với mấy em học sinh của ông. Ông thừ người trầm ngâm tưởng nhớ về người thầy khả kính năm nào, ngay tại vùng đất này nhiều lần ông chạy ra đẩy chiếc xe thồ chất đầy lá chuối của thầy Hân lên con dốc ngoài kia…

     Cơn sóng dữ dội cuốn phăng nền văn hóa cũ vào dòng nước xoáy hung hãn rồi vất tung hê vào rừng sâu. Sự đố kỵ và ngộ nhận làm ngất ngư những tinh hoa dân tộc được đào tạo bài bản, đẩy thân phận họ lên bờ xuống ruộng, lãng phí chất xám một cách ngô nghê. Những thế hệ kế tiếp sống trong tự mãn và ảo mộng của thời bình, đua nhau hưởng thụ, vật chất hóa lý tưởng sống khiến nhân sinh quan méo mó và ngày càng hụt hẫng với những gì đã được nhồi nhét bằng mớ lý thuyết mơ hồ.

     Sự phồn hoa không từ căn cơ thu nhập quốc dân, họ đồng lòng gặm nhấm tài nguyên đất nước đến cạn kiệt để tô vẽ bộ mặt xã hội thêm hào nhoáng, lừa mị.

     Ông Lân giật mình như tỉnh cơn mơ, nhà thầy Hân vẫn như xưa. Đôi mắt thầy trong di ảnh hiền từ nhưng cương nghị, ông Lân cảm thấy hổ thẹn với lòng mình. Trong cuộc sống bôn ba mưu sinh, hình như ông đã nhiều lần e ngại và tránh né khi đối mặt với những bất công và đê tiện của lũ bợm người. Sự lừng khừng thủ thế là thỏa hiệp tồi tệ nhất, không xứng đáng với tinh thần “kiến ngãi bất vi vô dõng giả” của cụ Đồ Chiểu và một đời thanh lương, khẳng khái của thầy Hân.

………

     Ông Khang đi rồi, ông đi bất thình lình sau cơn đột quỵ. Ông Khang đã “về” trước ông…

     Những cơn mưa cuối mùa dữ dội, nước tràn vào huyệt mộ khoáy trộn màu đất nâu đỏ xen lẫn những chiếc lá cao su úa vàng xoay tròn như bàn tay đang vẫy tạ từ. Nước cũng rút đi thật nhanh, để lại lớp váng bùn lóng lánh như kim nhủ dưới ánh mặt trời. Ông Lân đứng trên tấm đan phần mộ của mình, ông sẽ “nằm” bên ông Khang, kế bên là của bà. Ông liếc nhìn vợ, khuôn mặt bà Lân không tỏ cảm xúc gì sau cặp kính đen, nhưng ông biết lòng bà đang rộn lên niềm u hoài khó tả. Đột nhiên ông muốn ôm bà vào lòng, vuốt mái tóc đã chớm bạc bay bay theo cơn gió hiếm hoi của buổi trưa nồng. Lòng ông chợt nghĩ:

Bóng ngả về chiều, trời sao mau tối

Ta bất an với đời ta nông nổi

Lá quen cành bối rối lúc lìa xa

Vắng con tàu ngơ ngác một sân ga

Mới chợt nghĩ mà thương em quá đỗi


Tóc ngả màu đông, da hằn vết rối
Nhưng trong ta em vẫn mãi ngu ngơ
Em vẫn là em của thuở ấy dại khờ
Nên nếu một mai...bỗng ta về với núi
Làm sao nâng niu khi ta là cát bụi!

Lá quen cành bối rối lúc lìa xa
Vắng con tàu ngơ ngác một sân ga...

(Bóng Ngả Về Chiều – PNCU)

 

     Lòng ông đầy mâu thuẩn, vừa muốn không thể mất bà lại vừa muốn bà đi trước để ông có thể thực hiện những sở thích của bà như những gì bà ao ước lúc sinh thời…

     Khi đang còn hiện hữu, ông đã làm gì để bà vui? Trong tình chồng vợ, ông đã bao lần đem lại muộn phiền, tủi thân trong tâm khảm của bà. Bà đã âm thầm chịu đựng tính trăng hoa bay bướm của ông, tính nghệ sĩ nửa mùa như hạt sạn trong chén cơm nồng hương lúa mới đã dìm chết một phần tình yêu thương bà vốn chỉ để dành cho ông ngay từ thời mới lớn.

     Ông Khang mất, ông như sực tỉnh cơn mê. Tuổi bảy mươi chỉ dành cho ông từng năm một, có khi từng tháng không chừng, có khi không có một sớm mai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...