Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

NHỚ VỀ NHÀ THƠ KHẮC MINH VÀ NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG

Hè 1968 tôi vào Quảng Ngãi thăm cậu út tôi là Lê Văn Nghĩa tức nhà thơ Tô Yên/ Lê Việt Nguyên. Ngày ấy Quảng Ngãi chỉ là một thị xã nhỏ của miền Trung Trung bộ, phố xá nằm dọc hai bên đường Quang Trung (cũng là QL1), nhưng lại là nơi hội tụ của giới văn nghệ sĩ miền Trung. Café Diễm Xưa âm vang giai điệu buồn tênh của Trịnh Công Sơn. Tôi ngỡ ngàng và ngưỡng mộ những nhà thơ Phan Nhự Thức, Chu Trầm Nguyên Minh. Luân Hoán, Khắc Minh, Hà Nguyên Thạch, Vương Thanh, họa sĩ Nghiêu Đề… Tôi xin lược trích bài viết của nhà thơ Luân Hoán về sinh hoạt văn nghệ tại Quảng Ngãi cuối thập niên 60s và anh Khắc Minh về Phan Nhự Thức và Tạp chí Trước Mặt.

“Khoảng năm 1958, Phan Nhự Thức từ Đà Nẵng theo gia đình vào Quảng Ngãi. Anh chuyển trường và học tại Trường Trung học Trần Quốc Tuấn. Anh chủ động đến thăm tôi, từ đó chúng tôi trở thành bạn bè văn nghệ của nhau. Phan Nhự Thức ấp ủ nhiều mơ ước, tính tình cởi mở, hết mình vì bạn bè, thông minh và đa tài: viết vẽ đẹp, làm thơ hay. Hồi đó, tôi có chiếc xe gắn máy cũ của Pháp thường đưa anh đi chơi, giới thiệu một số thắng cảnh như Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn… Tôi đưa anh đến giới thiệu với tác giả Non nước xứ Quảng – Phạm Trung Việt, nhà thơ Trào Phúng ở Cửa Đông.
Tôi hơn Phan Nhự Thức khoảng 3 tuổi song anh em chơi rất thân như anh em ruột. Khu vườn nhà tôi nằm ven thị xã, rộng có nhiều cây lâu niên, vừa đẹp vừa thoáng mát nên anh em thường tổ chức họp mặt đọc thơ, tán gẫu. Có lần Phan Nhự Thức ngẫu hứng đọc hai câu thơ trong bài Tình buồn:
Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận
Nón nghiêng che nên chẳng thấy tôi buồn
Cả bọn đều cười ồ lên. Từ đó, anh mới chịu khai cuộc tình đơn phương của mình. Nhà anh nằm bên Quốc lộ 1 phía trong cầu Trà Khúc. Người đẹp nữ sinh ngày bốn bận đi qua nhà anh nhưng rất nghiêm (hay cố ý làm nghiêm?) anh rất thích làm quen nhưng e ngại không dám. Người đẹp nữ sinh của anh nghe nói sau nầy cũng làm phát thanh viên cho Đài Phát thanh Quảng Ngãi và đi lấy chồng. Phan Nhự Thức tiếp tục học ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, đậu tú tài và tốt nghiệp sĩ quan khóa 23 Trường Sĩ quan Thủ Đức.
Năm 1968, anh về phục vụ tại Tiểu khu Quảng Ngãi rồi ra ứng cử Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi. Hồi này, tôi đang công tác tại khối Chiến tranh Chính trị Tiểu khu Quảng Ngãi (Nhà thơ Nam Lai (1) làm Trưởng khối). Tôi được phân công dạy một số giờ văn tại Trường Lê Trung Đình trên núi Long đầu hý thủy. Trường nầy thuộc Tiểu khu do anh Nguyễn Sang làm hiệu trưởng, tôi còn nhớ có nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích được mời dạy.
Bản chất rất đam mê văn nghệ, thích sinh hoạt ngành báo chí, Phan Nhự Thức đứng ra mời một số nhà thơ, nhà văn là quân nhân, giáo chức có mặt tại Quảng Ngãi chung tay góp sức hình thành tạp chí Trước Mặt. Tôi được nhà thơ Nam Lai đồng ý vừa dạy học vừa tham gia làm báo. Bản thân ông cũng giữ mục bình thơ Đường trên tạp chí. Sau một cuộc họp, cái tên “Trước Mặt” ra đời từ đó.
Để Trước Mặt sớm trình làng, những cuộc họp được liên tục tổ chức tại khu nhà trọ Trùng Khánh tại 43 Phan Bội Châu cũ, nay là Đại lộ Hùng Vương để phân công việc. Thực sự phân công chỉ là cái hướng chung, tất cả anh em vì tờ báo đều chung tay góp sức để tạp chí sớm hình thành.
Sau gần nửa thế kỷ, bằng ký ức, tôi ghi lại những người góp một chút gì cho 17 số Trước Mặt trong một thời gian ngắn ngủi từ năm 1968 đến 1969:
Phan Nhự Thức chủ biên chịu trách nhiệm tổng quát kể cả phép tắc và tài chính
Dịch: Nam Lai, Nguyễn Nguyên Phương.
Văn: Vương Thanh, Lê Văn Nghĩa, Trần Cao Bằng.
Biên khảo: Phạm Trung Việt, Đào Đức Nhuận.
Thơ: Minh Đường, Vũ Hồ, Trần Thuật Ngữ, Lê Vinh Ninh, Trần Anh Lan, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Xuân Thao, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Đynh Hoàng Sa, Triệu Duy Gia.
Họa: Nghiêu Đề, Phạm Cung, Hoàng Trọng Bân.
Tạp chí Trước Mặt ra mắt bạn đọc tháng 5 năm 1968, khổ lớn như tờ Khởi hành trước 1975, sau đó đổi thành khổ nhỏ như Văn học của nhà văn Phan Kim Thịnh làm chủ bút tại Sài Gòn. Sau ngày phát hành, một số bạn bè quen thân đã gửi thư về động viên, góp ý hoặc trực tiếp ủng hộ bằng cách gửi bài về cộng tác như nhà văn Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt…, nhà thơ Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Lê Vĩnh Thọ…
Tôi và Nghiêu Đề cùng đảm trách công việc từ in ấn, phát hành đến chuẩn bị cho các số kế tiếp. Mỗi số phát hành khoảng 500 bản. Chúng tôi tự gửi đến một số bạn bè ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn nhờ phân phối cho các đại lý.
Tháng 12 năm 1969, Trước Mặt dừng bước vì thiếu nguồn tài trợ.
Sau đó, Phan Nhự Thức vận động ra được tạp chí Tập Họp nhưng chỉ được một số cũng đành phải đóng cửa vì không đủ tài chính.
Năm 1969, anh em văn nghệ, bạn bè khuyến khích ủng hộ, Phan Nhự Thức in tập thơ Đốt Tuổi – tập thơ đầu tay của anh do Nhà xuất bản Ngưỡng Cửa, Đà Nẵng ấn hành.
Trên Trước Mặt số 16, tháng 10 năm 1969, tác giả Nguyễn Thanh Đông đã giới thiệu tập thơ Đốt Tuổi của Phan Nhự Thức:
“Hầu hết 36 bài thơ in trong Đốt tuổi đều mang hình ảnh, tiếng động và màu sắc của một cuộc vây quanh đang chuyển biến đến đau thương tàn nhẫn. Phan Nhự Thức đã không ngừng mô tả thực trạng của mình đang dấn thân. Nếu xem một trong những khả năng thi ca là trao gởi thì Phan Nhự Thức đã khéo léo hoàn thành khả năng đó cho ngôn ngữ mình sử dụng…”
Để khép lại trang viết nhớ gì viết nấy này, cho phép tôi được thắp lại một nén hương để tưởng nhớ người bạn thân đáng quí trọng và xin cùng nhớ đến điếu văn tang lễ Phan Nhự Thức của nhà văn Cung Tích Biền do nhà thơ Hà Nguyên Thạch đọc cách đây hơn 13 năm (ngày 23 tháng 01 năm 1996) tại Bình Chánh, Sài Gòn:
Sống tuy quẩn mà lòng thanh sạch, nơi lao lung vẫn giữ gìn chữ sĩ. Chúng ta nào có nhục?
Vui với thơ anh nghèo hơn bần cố, rách tận cùng mà trọn vẹn thủy chung. Kẻ giàu mấy khi vinh?
Khắc Minh
.........
“… Nhớ lại với những ngày đầu tôi biết danh Đinh Cường, vào những năm đầu của thập niên 60. Thời ấy Huế có nhiều người sinh hoạt văn học nghệ thuật, đang trên đường lập danh. Tên tuổi những người đã vượt đèo Hải Vân vào đến Đà Nẵng của chúng tôi có Ngô Kha, Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Lữ Quỳnh, Trần Quang Long... nhiều nữa. Riêng Đinh Cường, anh đã tham dự một cuộc triển lãm chung, trong đó có Hoàng Trọng Bân, Nguyên Hạo của Đà Nẵng. Phòng tranh này tôi được hai bạn Lam Hồ và Tô Yên Lê Văn Nghĩa cho biết. Lúc đầu tôi dự trù sẽ đi xem nhưng không hiểu sao, giờ chót tôi cùng Châu Văn Tùng vào Hội An”.(*)
“… Cũng trong thập niên 60, khởi từ lực lượng học sinh, đã đẻ ra nhiếu bút nhóm, sinh hoạt văn học khá khởi sắc . Ðáng kể nhất là nhóm "Cùng Ði Một Ðường" của trường trung học Phan Chu Trinh. Nhóm này qui tụ :
· Nguyễn Hữu Nuối, bút hiệu Lam Hồ. tác phẩm: Tiếng Ðộng Trong Khu Phố Nhỏ (truyện)
· Phan Chánh Dinh bút hiệu Phan Duy Nhân, Dương Phù Sao
· Nguyễn Ðăng Trừng, bút hiệu Huy Giang,
· Lê Văn Nghĩa, bút hiệu Tô Yên
· Hồ Cư không dùng bút hiệu.
· Tôn Thất Chân Tu, bút hiệu Chu Tân
· Vương Thanh: Khu Rừng Mùa Xuân, truyện Văn Học 1964” (**)
“… Căn phòng thứ 2 của khu Trùng Khánh như vậy vẫn có đến 3 nhân khẩu. Thật ra tôi và Vương Thanh đi đi về về không nhất định giờ giấc. Dẫu vậy, tôi cũng không quên một thói quen dễ thương được lặp lại mỗi ngày. Vào khoảng 4 giờ chiều hoặc sâu hơn chút đỉnh, không có tiếng còi, nhưng đội ngũ của những người mê văn thơ, trình diện gần đầy đủ trong một phòng nào đó, hoặc ngay trên hành lang hẹp của chung cư. Ngoài những khách trọ của Trùng Khánh, nếu quan sát từ cửa sổ khách sạn Việt Nam, gần như chiều nào cũng gặp được những nhân dạng: Lê Văn Nghĩa, đại úy Thiết giáp, bạn học từ thời đệ ngũ với tôi ở Phan Châu Trinh Đà Nẵng, anh làm thơ dưới bút hiệu Tô Yên. Khắc Minh, anh chàng binh nhì địa phương quân, con của một đại phú gia của thị xã Quảng Ngãi, làm thơ khi đứng cai quản quán sách Quang Trung trước trường Trần Quốc Tuấn. Phan Nhự Thức, thiếu úy Địa phương quân, luôn luôn mang bên mình một cái cặp da nhẹ hều. Trần Thuật Ngữ, thư sinh nhưng không đến trường vì ngại bị bắt quân dịch, làm thơ vững vàng. Anh nhút nhát như con gái. Trần Anh Lan, trung úy Pháo binh, cười và uống nhiều hơn nói. Phạm Cung, lầm lì, lừng khừng như những mẩu vẽ lập thể của anh. Logo “con nai” tôi dùng cho nhà xuất bản Thơ, từ tay anh mà ra. Đynh Hoàng Sa, viết truyện, dịch truyện, làm thơ, dạy học đề huề chừng mực. Những buổi tụ họp đông vui như thế, thường thường để tường trình, thông tin đủ thứ chuyện trên đời. Dĩ nhiên không thiếu rượu, bia. Chúng tôi học đòi cách uống rượu đổ ra thau, mạnh ai nấy múc. Rượu tương đối xịn, thường do quan ba Nghĩa mang tới. Chuyện say sưa cũng có nhưng rất hạn chế và đằm thắm. Duy có một lần tưởng đã nổ súng. Lần đó một anh chàng ở khách sạn Việt Nam cao hứng thế nào, góp chuyện với chúng tôi bằng một tàn thuốc từ trên lầu ném xuống. Cuộc vui bị xúc phạm, dù có thể vô ý, tình cờ. Chúng tôi không bỏ qua. Đồng loạt ùa qua khách sạn Việt Nam, lên lầu. Oái ăm thay, người hung hăng nhất là tôi. Với khẩu colt 45 có đạn sẵn trong nòng, tôi lầm lì tiến như đang thanh toán mục tiêu. Rất may, hai anh bạn có mặt trong phòng khách sạn hôm ấy kịp thời khôn khéo vờ ngủ say, nằm im. Cơn giận của tôi như một quả bong bóng gặp gai đâm, xì xuống mau lẹ. Sự nhũn nhặn biết người biết ta đúng lúc, nhiều khi là một vũ khí hữu hiệu để chế ngự đối phương. Nếu chạm phải một đối thủ sừng sỏ, chắc ngón tay trên cò súng của tôi khó giữ được bình tĩnh, hú hồn. Lê Văn Nghĩa đá một cái vào đít anh chàng nằm trên sàn nhà và chúng tôi...rút quân. Về đến phòng tôi bắt gặp Nghiêu Đề mặt xanh như tàu lá, anh ngồi sát vách phòng. Ú ớ một hồi anh mới khuyên tôi đừng nên quá võ biền. Triết lý sống của anh rất đơn giản: chén kiểu đừng nên chọi với chén đất, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Ai là chén kiểu, ai là chén đất ? Anh bạn họa sĩ của tôi đúng là một người lành. Ngoài tài hoa về hội họa và văn thơ, anh còn là tay bông đùa duyên dáng vào bậc nhất trong hàng ngũ văn nghệ sĩ miền Nam. Chuyện đùa chuyện thật với Nghiêu Đề luôn luôn lẫn lộn. Anh dí dỏm lạc quan ngay cả khi tôi ngã ngựa sau này:
“Mày giỏi lắm, mày chỉ dùng có bàn chân trái mà đá nát được kỷ luật giấy phép, để muôn năm về với vợ con, võ công đó tao muốn học vô cùng...”
(trong 1 lá thư của Nghiêu Đề) (***)
"..... Hà Nguyên Thạch là cựu học sinh trường trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cũng như Trương Duy Hy, Đynh Hoàng Sa, Phan Nhật Nam, Vũ Ngự Chiêu, Lệ Hằng, Nguyễn Hưng Quốc, Trần Gia Phụng, Huy Giang, Phan Duy Nhân, Lê Hân, Phạm Vũ Thịnh, Vương Ngọc Long, Võ Ý, Vô Tình, Tôn Thất Phú Sĩ, Nguyễn Hữu Viện, Trương Đức Thủy, Nguyễn Nam An, Thành Tôn, Nguyễn Nho Sa Mạc, Trần Vinh Anh, Nguyễn Đức Cung, Thùy An, Lam Hồ, Hoàng Trọng Bân, Châu Văn Tùng, Lê Mạnh Trùy, Tô Yên, Luân Hoán...và còn nhiều nữa, những người vui chơi trong thế giới văn học nghệ thuật, mà tôi chưa biết hết, chưa kịp nhớ ra. (****)
“… Khởi từ đầu thập niên sáu mươi, tại thành phố Đà Nẵng, lớp sinh hoạt thơ văn trung niên và sắp về già như: Thái Can, Vũ Hân, Quốc Dân,Việt Trữ, Hồ Mộng Thiệp, Trần Gia Thoại, Tô Như, Thanh Phương, Anh Đô, Hoàng Trọng Thược... hình như chỉ thu hẹp sinh hoạt trong địa bàn thành phố. Cùng lúc đó, trong đám học sinh, nở rộ việc thành lập thi đàn, bút nhóm. Có vóc dáng và nghiêm chỉnh nhất trong những tập họp này là nhóm Cùng Đi Một Đường. Tôi không rõ ai khởi xướng, ai giữ chân nhóm trưởng. Nhưng thành viên của nhóm, hết thảy, với tôi, đều bạn thân tình : Phan Duy Nhân, Huy Giang, Lam Hồ, Tô Yên, Hồ Cư. Trong năm tay viết, có đến ba nhân vật tập tành... khuynh tả. Và cả năm đều có bài đăng khá đều đặn trên các tuần báo, nguyệt san, tạp chí tại Sài Gòn.
Huy Giang tên thật Nguyễn Đăng Trừng, hiện hành nghề luật tại Sài Gòn.
Lam Hồ tên thật Nguyễn Hữu Nuối, viết mạnh và đều nhất thời bấy giờ, nhưng đã sớm gác bút khi hành nghề dạy học, hiện vẫn ở Đà Nẵng.
Tô Yên tên thật Lê Văn Nghĩa, trở thành cố thiếu tá binh chủng Thiết giáp VNCH, đã hy sinh ở mặt trận Quế Sơn Quảng Nam năm 1972.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...