Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

CÁI BỚT MÀU CHU SA

     Mắt người đàn ông trắng đục trợn ngược, hai hàng lông mày xếch lên như lưỡi mác, tánh tình lại ngang ngược. Ông Tám “cụt” nói mắt hắn có thần.

     Cô hai Bi nhớ đâu nói đó, rằng đêm xưa có thằng cha mặt mày bặm trợn nửa đêm gõ cửa xin trọ, cô bê cái nồi đồng có hai quai, đáy mo tròn cạo sạch cơm lẫn cháy cùng chén mắm cái thơm nồng mùi ớt xanh, mời khách. 
     Nhìn cái nồi đồng, khách hất hàm:

- Có mấy cái?

- Cái chi?

- Cái nồi…

     Hắn đưa mắt nhìn quanh rồi gật gù:

- Hoàn cảnh em cũng như “qua”, một thân một mình…

     Hắn bỏ lửng, nhìn lom lom vào cổ áo vải tám bạc màu lộ khuôn ngực săn chắc của cô gái dậy thì con nhà nông lam lũ, má hai Bi đỏ lựng dưới ánh sáng hắt hiu của ngọn đèn dầu. Hôm đó không hiểu sao cô đâm ra mụ mị, hắn sai biểu gì cô cũng nghe lời.

     Giữa ngực hai Bi có cái bớt màu chu sa bằng bàn tay làm nổi bật làn da trắng mịn, chiếc quần đen phai củn cởn túm thắt lưng bằng dây chuối khô bật tung, cô e thẹn nhắm mắt buông xuôi. Người đàn ông bặm trợn thở dài, ánh trăng mười sáu chênh chếch trên đầu ngọn tre lung linh nhuộm vàng cây cỏ, tiếng dế nỉ non mơ hồ, hương bồ kết thoang thoảng, mái tóc cô chảy dài thành dòng suối đen tuyền ôm lấy núi đồi trên khuôn ngực.

     Tự dưng đôi mắt người đàn ông buồn hiu, hắn quơ vội chiếc nồi đồng, nhổ luôn bụi sả vừa đi vừa quất vào bắp chân nghe bép bép. Cơn gió nồm mang hương sen ngan ngát từ ao làng mơn man mái tóc dài lãng tử, hắn rửa sạch chiếc nồi, khoanh tròn bó sả và ngắt hai bông sen vừa chớm nở đi lửng thửng về nhà hai Bi. Trong khi chờ nồi nước được đun sôi, hắn ôm cô vào lòng nhưng không hề nói một lời. Hắn bế cô ra bờ ao, hai Bi rùng mình khi thân thể trần truồng chạm phải làn nước mát trong veo. Đôi bàn tay hắn dịu dàng kỳ cọ khắp người, cô chưa hề có cảm giác lạ lùng như vậy bao giờ, phản xạ tự nhiên khiến cô co rúm rồi ngây người nhìn gã đàn ông. Hắn vào nhà bê ra nồi nước sả phảng phất hương sen, thêm nước hồ vào vừa đủ ấm, hắn nâng chiếc gáo dừa rót dòng nước thơm lừng lên mái tóc cô, thấm đẫm những giọt nước long lánh như pha lê rơi rụng dưới ánh trăng khuya.

     Hắn đặt cô xuống đệm rơm, những cộng rơm vàng rực dưới thân thể ngọc ngà của hai Bi. Lấy từ chiếc túi phong trần xấp lụa màu mỡ gà, loại tơ lụa Duy Xuyên, Quảng Nam mượt mà đắp lên người cô. Hắn kể cho cô nghe:

-         Cô gái họ Đoàn của làng Đông Yên, đất bãi bồi màu

mỡ chuyên trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa. Cô hái dâu bên bờ sông chợ Củi. Trăng tròn vành vạnh, dát bạc những con sóng gợn lăn tăn của dòng sông Thu Bồn lững lờ trôi, màu xanh của biền dâu đã được thay màu áo lụa vàng ươm. Một hôm chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (Huy Tông Hoàng Đế) tuần du, đưa thế tử Nguyễn Phúc Lan theo hộ giá. Thuyền rồng đỗ bến Điện Châu (An Phú Tây), Chúa nghe văng vẳng tiếng hát trong veo của người con gái họ Đoàn giữa ngàn

dâu xanh ngát, cô được vời về cung và đã trở thành Đoàn quý phi…

     Chiến tranh loạn lạc đã xóa nhòa di tích người xưa, nhưng cộng đồng Chăm vẫn giữ lại trên mảnh đất này những di sản quý báu còn tồn tại đến ngày nay, cây dâu tằm từ thượng nguồn đưa về trồng trên bãi bồi ven sông Thu Bồn đã mang lại cho làng tơ lụa Duy Xuyên những sản phẩm không nơi nào sánh được, dãi lụa mềm mại óng ả ươm vàng, đông ấm hè mát của một thời hoàng kim xa lắc.

     Long - người đàn ông, búng nhẹ lá thuốc đã ngã sang màu nâu đen, đôi mắt nhìn mông lung ra dòng sông đang chảy xiết với con nước đục ngầu, những ký ức thời thơ ấu cuộn về như dòng thác lũ…

     Hồn thiêng sông núi Chăm Pa với thành phố cổ Sinhapura (Trà Kiệu) – Thánh địa Mỹ Sơn, những bức phù điêu vũ nữ Apsara rêu phong cùng tuế nguyệt. Anh bâng khuâng nhớ về làng Đồng Dương, xã Bình Định, Thăng Bình quê hương yêu dấu của mình… 

     Nhìn bóng dáng hai Bi khiến anh nhớ về mẹ - người đàn bà Chăm hiền lành suốt đời cần mẫn bên khung dệt lụa để nuôi Long nên người. Dù tục mẫu hệ của người Chăm-Pa như thác nước hùng vĩ cao vời vợi cản ngăn nhưng anh sẽ vượt qua, sẽ giữ cho thân thể hai Bi trong ngọc trắng ngà, sẽ đưa cô lên Thánh địa Mỹ Sơn khấn nguyền cùng tiên tổ, rồi về Đồng Dương ra mắt mẹ và cô sẽ sống cùng cộng đồng Chăm hiền hòa của anh.

     Gia đình Long bao đời nay vẫn cố giữ khung cửi đã thẫm màu nâu đen của số kiếp vong quốc, nhưng anh tự hào với

bộ trang phục, tập tục lâu đời và văn hóa truyền thống của Chăm-pa.

     “Thời xa xưa, chiến tranh Chiêm-Việt. Trong đám hàng binh, có nàng công chúa xinh đẹp, vua Việt bèn bắt về để làm vợ cho một vị hoàng tử, nhưng ngài hoàn toàn không biết nàng công chúa đã có thai. Khi trưởng thành, chàng trai mang dòng máu Chiêm Thành trở về làng La Huân (Điện Thọ) rồi về Đồng Dương lấy vợ sinh con đặt tên là Trà Huyền An và Trà Huyền Chơn, vì thế mới có dòng họ Trà nối nghiệp đến bây giờ”.

    Truyền thuyết xưa mãi ám ảnh, gieo vào lòng anh nỗi ray rức khôn nguôi. Dòng máu đã pha trộn chảy trong huyết quản bao đời, tạo nên hình vóc cho Long. Tiếng gà gáy trưa từ đâu đó vọng lại, bùi ngùi. Miền quê yên bình, rợp bóng tre xanh. Lời ru thiết tha, thuỷ chung theo cơn gió nồm mát rượi.

     Sự hoài niệm quá khứ bi thương và nhìn về tương lai mờ mịt, khi đã cam chịu thân phận ngụ cư trên chính đất nước mình, dù trăm năm sau nữa vẫn làm kiếp lưu đày đang đẩy dần Long đến cảnh chán chường, đôi lúc anh muốn buông xuôi theo dòng đời trôi nổi.

     Cái bớt màu chu sa của hai Bi ám ảnh Long, anh cho rằng cô là hiện thân của đức Mẫu huyền bí trong tâm linh của dân tộc anh. Một đêm kia, trăng rằm tỏa ánh sáng vàng dìu dịu trên cánh đồng lúa xanh non, anh dõi mắt nương theo bóng dáng người con gái đang bay lên, phất phơ xiêm y lụa trắng chói lòa trên nền trời. Ngọn núi Gole-Lang – Phước Sơn, mờ mờ nhô lên trên dãy Trường Sơn dưới ánh trăng đã ngả về Tây. Tiếng vó ngựa dập dồn nghe rõ dần, người tráng sĩ dừng cương đột ngột dưới chân đồi khiến con chiến mã ngẫng cao đầu hí vang trong đêm khuya thanh vắng.

-         Trời đất mang mang, hồn thiêng sông núi hãy lắng

nghe nỗi niềm bao oan hồn vất vưởng đang chìm đắm trong tang thương, trong lòng dạ bất nghĩa của con người…

     Long giật mình, khoanh tay cúi đầu chào:

-         Nhân bất đồng tâm, an phận thủ thường, mê muội.

Người từ đâu trong cõ ta bà…?

-         Vương thổ ngàn năm còn lưu dấu rêu phong, hồn tử sĩ

căm hờn nhìn lũ vong nô hèn hạ dâng dần giang sơn gấm vóc cho lũ giặc ngoại bang tàn ác…

     Tráng sĩ vung gươm, hét vang bi phẫn trong màn đêm âm u. Sương núi lan tỏa, tràn xuống chân sườn đồi như bóng dáng đoàn chiến binh kiêu hùng trong lặng lẽ, tiếng vượn hú từ rừng sâu đại ngàn mang điệu buồn vong quốc xa xôi…

     Rừng đầu nguồn chỉ còn trơ khấc những gốc cây già nua rệu rã, cơn lũ hung bạo tràn về cuốn phăng tất cả, căn nhà có bóng dáng người mẹ già nua bên khung dệt lụa của Long đã trôi theo dòng nước.

     Một đêm tối trời, Long đưa hai Bi lên ngọn đồi trọc. Những thân cây khô được chất lên thành giàn hình tháp như ngôi cửu trùng cao vòi vọi, lần đầu tiên Bi được mặc bộ đồ lụa màu mỡ gà óng ả, tóc xỏa tung bay. Cô ngồi yên, mắt nhìn lên những vì sao lấp lánh trên cao. Long kính cẩn nâng hai tay cô Bi đưa lên như cố với tới trời xanh, dâng lên nỗi niềm khắc khoải. Ngọn lửa bùng lên, những đốm sáng li ti bật ra từ cành cây khô như hoa đăng ngày hội…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...