Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

HAI TUNG – TƯ TUNG

     Hai Tung có ba anh em, hai trai một gái. Nhà nội gọi thằng Hai, nhà ngoại gọi thằng Tư, không biết đâu mà lần. Gần nửa đời người, hắn mới biết nỗi buồn thời son trẻ của mẹ. Nhà ngoại giàu, đông con. Từ đường Núi Thành, trước tượng đài 2-9 trải rộng đến sông Hàn là quê ngoại của tư Tung. Những nhánh rể đước cắm sâu vào bờ sông là những chiếc cầu kỳ diệu của thời ấu thơ, lật đá bắt cua, sóng gợn lăn tăn vỗ vào mạn thuyền lan vào bờ ì ọp. Hàng dừa xanh tỏa bóng mát nghiêng mình bên dòng nước trong veo thơm lừng mùi rong rêu đồng nội. Hắn đã từng bơi men theo đảo Xanh đến tận cầu De Lattre de Tasssigny (Trịnh Minh Thế - Nay là Nguyễn Thị Lý)…

     Mẹ thứ ba, cậu Nghĩa (Nhà thơ Tô Yên – Lê Việt Nguyên) thứ mười hai. Cậu Bốn kể: Mẹ có một đời chồng, sinh được hai chị nhưng đã mất từ ngày còn bé. Chồng mẹ đi kháng chiến bị Tây bắn chết, mẹ để tang chồng ba năm, trở thành gái góa không con, khi mới hai mươi.

     Ông ngoại thương con, gởi mẹ theo ghe bầu đi buôn. Đường, quế, dầu phụng, mật ong, tơ lụa, cau khô, trầm hương…  vào tận Nha Trang, Phan Thiết cả ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Khi về cá mòi thính, muối Cà Ná, vải vóc, gạo, ngô, khoai…

     Cuối những năm 40s, giao thương cách trở, ông ngoại bán hết ghe bầu. Đưa gia đình về định cư ở làng Nại Hiên (nay phường Bình Thuận, Đà Nẵng). Ông ngoại có căn nhà cổ ba gian, lợp ngói âm dương, những cây cột gỗ lim to cỡ vòng ôm của tư Tung, chân đế trụ bằng đá Cẩm Thạch Ngũ Hành Sơn bề thế.

     Ngày ấy, từ Cổ viện Chàm qua giếng Bộng đến ngã ba Trưng Nữ Vương – Phan Chu Trinh (ngả ba thịt chó) dọc lên chợ Mới rẽ phải đường Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm ngang qua chợ Cồn, chạy dài đến biển Thanh Bình nhà cửa lưa thưa, những cây kiền kiền tỏa bóng mát dọc hai bên lề đường, trên nền cát vàng hoe.

     Khi Pháp tuyên chiến với phát-xít Đức, cha hai Tung  cùng hai vạn thanh niên nông dân nghèo bị trưng tập, cưỡng bức rời quê hương sang chính quốc làm lính thợ . (Những người lao động này được gọi là lính thợ Đông Dương hay ONS (ouvrier non specialize 1939-1952).

     Sau khi Đức quốc xã bị thảm bại, cha hai Tung được trở về quê hương, duyên nợ thế nào lại ở gần kề nhà ông ngoại. Lễ cưới của ba mẹ đơn sơ, hai Tung không biết ba mẹ có yêu nhau hay không, nhưng hai Tung cảm nhận ba thương yêu mẹ hết mực và tư Tung là đứa cháu đầu tiên ra đời trong tình yêu thương của cả nhà ngoại.

(Như đã trình bày ở nhà ngoại là tư, nhà nội là… hai Tung)

     Điều khác biệt, hai Tung không giống đứa cháu nào của ông thầy Kiều – ông nội hai Tung. Đến bây giờ hai Tung tự hỏi: “Hay mình có dấu ấn thị thành nhà ngoại?”. Hôm về quê viếng lễ tang cô P., tình cờ gặp ông N. học trò của nội. Ông sống đã gần thế kỷ, nhưng minh mẫn lạ thường, ông trầm trồ:

-         Nhìn tướng mạo và vóc dáng của cậu, giống thầy

Kiều hết sức, tôi nhớ ngày ấy “cắp tráp” theo thầy học lễ học nghĩa. Đồng môn cùng tôi chết hết cả rồi, chỉ còn mình tôi sống dai…

     Nói xong, ông cười khà khà…

     Lời ông N. khiến hai Tung tự hào hết sức, kể đi kể lại với anh chị em trong giòng họ, chỉ có cô P. mới “thẩm định” được, nhưng giờ cô đã về với ông bà.

    Ngày hòa bình cha mẹ sửa sang lại ngôi nhà ngói đổ nát thành cái chòi không giống ai, ruộng nương bị thu tóm vô hợp tác xã, cả nhà hai Tung đi làm lãnh công diểm, cuối mùa quy thành thóc lúa, độn thêm sắn lát, ngô, khoai ăn không thấy no. Nhìn quanh, nhà nào cũng giống như mình, thôi đành an ủi sống qua ngày.   

     Hai Tung  đăm đăm nhìn ra đầu ngõ, hai con trâu báng nhau, gài sừng, bốn mắt trợn trắng, gằm xuống đất, thở hồng hộc. Hai Tung túm bó rạ, xoắn như đan tóc. Rạ còn tươi chỉ có khói, không thấy lửa. Miệng hét, tay quơ quơ. 

     Con trâu kia coi bộ yếu thế, lùi dần. Bỗng nghe tiếng  “rắc”, trâu hai Ngạn gãy sừng. Trâu gãy sừng dị hợm, không ai để cho sống. Khác với ý nghĩa lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, ngoài Bắc.

      Lễ hội chọi trâu là lễ hội truyền thống của người dân vạn chài tại vùng biển Đồ Sơn, diễn ra vào ngày 9 tháng 8 Âm lịch hàng năm.

“Dù ai buôn đâu bán đâu / Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về / Dù ai buôn bán trăm nghề / Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”

     Lịch sử lễ hội chọi trâu gắn với huyền thoại về một cô thôn nữ xinh đẹp tên là Đế. Do có thai với vua Thủy Tề, bị dân làng phạt vạ, quan lại địa phương mang cô ra  ngoài khơi Hòn Độc dìm chết. Cô gái oan ức, hiển linh, người dân lập đền thờ, gọi tên đền Bà Đế, linh thiêng. Nơi bà chết, tôm cá kéo đến tập trung, năm này qua năm khác, các vạn chài kéo đến đánh cá. Về sau, nhớ công ơn bà nên tổ chức Lễ hội chọi Trâu. Những con trâu thắng, mang ra biển cúng tế Bà Chúa. 

     Nhiều địa phương khác hay lưu truyền câu “Trống làng nào làng ấy đánh, Thánh làng nào làng ấy thờ", thì lễ hội chọi trâu Đồ Sơn gắn với truyền thống "trống mọi làng cùng đánh, thánh mọi làng cùng thờ" 

      Mặt trăng có liên hệ mật thiết với thủy triều. Hình ảnh đôi trâu chọi nhau dưới ánh trăng bạc trong truyền thuyết về hội chọi trâu ở Đồ Sơn, đã phản ánh mối liên hệ giữa mặt trăng và biển cả. Đôi sừng trâu cũng chính là hình tượng của mặt trăng khuyết, gắn với thần Độc Cước mà dân miền biển vẫn tôn thờ. 

     Vì lẽ đó, trâu chiến thắng trong lễ hội được đưa lên thuyền, mang ra khơi xa, hắt xuống biển để tế thần. Về sau, những trâu giải nhất hàng tổng, được rước bát hương  đền Nghè và rước cờ đại "Thượng đẳng thần" về làng. Sau đó được dân làng giết thịt làm lễ hiến sinh, tế lễ dâng Thành hoàng. Xin Thành hoàng cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cho mùa đánh cá sau được may mắn, thuận lợi.

     Sau lễ hội, trâu thắng trâu thua đều bị giết thịt. Ngoài ý nghĩa tâm linh, lời nhắn nhủ của tiền nhân: Sự tranh giành hơn thua với đồng loại, cuối cùng số phận cũng giống nhau. Hãy đồng lòng, cùng nhìn về một hướng.

     Nhưng khó khăn quá, bà con cật ruột cũng đâm ra đố kỵ, tranh hơn tranh thua. Nhân tâm ly tán có phải vì nghèo? Không đâu, nhà ông đồ Kiều có khá hơn ai, dù không thân thích nhưng bà con trong làng đùm bọc, tương trợ sớm hôm. Người mẹ thành thị của hai Tung tâm hồn phóng khoáng, tận tình giúp đở những hoàn cảnh nghèo khó hơn mình. Vậy mà có người trở mặt vong ơn, làm sao họ có thể dạy con dạy cháu nhân nghĩa làm người?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...