Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

     Hồi đó tôi mới vào trung học, lớp tôi có những người bạn thuộc dòng tôn thất: Tôn Thất Hoàng T., Công Tằng Tôn Nữ Trà M.

     Tôi ước ao và thầm trách tổ tiên mình sao không thuộc dòng họ ấy, dòng dõi quyền quý, trâm anh so với họ Nguyễn nhà tôi.

     Đến thời ông Ngô Đình Diệm làm tổng thống, tôi lại mơ mình là họ Ngô Đình. Làng tôi có ông Ngô Đình Ph. làm nghề quét rác ở chợ, làng xã bắt ông đổi sang họ Nguyễn. Vậy là họ Nguyễn của tôi thuộc hạng cùng đinh.

     Ông Nam Cao viết truyện: “Cái lò gạch cũ”, nhưng không cho biết Chí Phèo làng Vũ Đại, họ gì.

     Tác giả Nguyễn Khang viết: “Đi tìm nguyên mẫu nhân vật Chí Phèo ở làng Vũ Đại”:

     “Người thứ nhất là anh Chí, quê gốc ở làng Đại Hoàng. Cha mẹ mất sớm, anh Chí vì nhà quá nghèo không có ruộng vườn nên phải đi làm thuê cho nhà Trương Pháo. Chí làm công việc mổ lợn thuê, có tài làm món phèo rất ngon. Mỗi khi làm thịt lợn xong, Chí chỉ xin chai rượu và một đoạn phèo. Sau khi ăn uống no say, anh Chí lại về cái điếm ở chợ để ngủ. Anh Chí rất hiền lành không rạch mặt, ăn vạ hay chửi trời chửi đất như Nam Cao miêu tả.
Người thứ hai tên là Đào, chính là em họ bà nội của nhà văn Nam Cao. Ông Đào cũng không có gì đặc biệt, bản thân ông cũng chỉ là một phần rất nhỏ hình mẫu của Chí Phèo. Ông Đào có người vợ tên là Nở, ông cũng chính là anh lực điền làm thuê cho Chánh Bính - nhân vật Bá Kiến trong truyện.
Người thứ ba tên là Trinh, vốn là dân ngụ cư từ nơi khác đến, không cha, không mẹ, lại có thêm cái bệnh nghiện rượu. Mỗi khi uống rượu là ông này uống đến say khướt, say hơn cả Chí Phèo. Mỗi lần say, ông lại chửi bới những người dân trong làng và đặc biệt ông có cái tật ăn vạ mỗi khi ai đó làm gì đến mình”

     Tôi đồ rằng một trong ba ông: Chí, Đào, Trinh làm gì cũng có ông họ… Nguyễn.

     Tự nhiên tôi cũng muốn ăn vạ như Chí Phèo. Nhưng nghĩ tình thị Nở, tôi không đành.

     Rồi đến cái thời bần cố nông lên ngôi, tôi ước ao được như Chí Phèo. Ông Cồ Cối làng tôi làm nghề cối xay, ngày trước chưa có máy chà lúa, cối xay là một công trình vĩ đại ở quê tôi.

     Cối xay lúa gồm một thớt trên và một thớt dưới. Thớt dưới cố định, thớt trên bên trong trát đất, khoét hình chảo lõm, có thể quay tròn theo một trụ, gọi là ngõng cối, nằm cố định ở giữa thớt dưới, ngõng cối có thể được làm bằng gỗ hoặc sắt. Phần thớt trên có một tràng xay, còn gọi là tay quay, được lắp vào một bên tai cối. Cối được đặt trên một chiếc giá tre có bốn chân.

     Ông Cồ Cối vốn là “thằng mõ”. Hỏi họ tộc nhà ông, ông mù tịt. Tiết Thanh Minh, khi thì ông đến nhà thờ tộc Trần, lúc sang họ Võ, họ Lê. Họ nào danh giá nhất làng, có ông. 
Giang sơn thay ngôi đổi chủ, ông Cồ Cối được liệt vào hạng công dân ưu tú và chính quyền mới trao cho chức trưởng ấp. 
     Trưởng ấp phải có họ, ông chọn họ Trần: Trần Cồ.

     Vậy là tôi lại mơ được giống ông Cồ.

     Nhưng lý lịch tôi đen thui. Ba đời nhà tôi, chẳng có ai là bần cố nông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...