Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

CỎ BÔNG LAU

      Chuẩn bị nghỉ hè, tôi đạp xe qua nhà sách Thời Nay, bên kia cầu V.Đ. mua giấy pơ-luya hồng, xanh, vàng… về đóng tập lưu bút. Sực nhớ thím Út thích thơ, tôi mua tặng thím tập “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính.

     Tôi hí hửng khoe với bà nội, bà phì cười:

-         Thím mi chữ nhứt một còn không biết, ở đó mà thơ

với thẩn!

-         Răng con nghe thím ru em có điệu có vần mà nội?

     Mỗi lần tôi nghe thím nói với chú cũng ra thơ, tỉ như: “Anh đi anh nhớ mau về, đừng để em ngóng mà tê tái buồn!”. Chú len lén nhìn nội, rồi đáp:“Nhớ rằng đi chớ chờ mong, bồn chồn nóng ruột đây lòng sao an?”.

     Không biết thím học ở đâu, nhưng những lời ca dao ru em như lời tâm tình của thím với chú,  đã ghi sâu vào tâm khảm non nớt của tôi:

”Muối ba năm muối đang còn mặn

Gừng chín tháng gừng hãy còn cay

Đôi ta nghĩa nặng tình dày

Còn xa nhau đi nữa, cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”

     Đi học về, tôi hay thủ thỉ cùng thím trong lúc lặt rau hay xắt chuối cho heo, không biết thím nói với tôi hay với chú:

-         “Ai ơi chớ lấy học trò, dài lưng tốn vải ăn no lại

 nằm!”

     Chú tôi thi tú tài ba năm đều hỏng nhưng thơ, phú của chú hay nhất làng. Ông nội vuốt râu rung đùi:

-         Học tài thi phận, như Cao Bá Quát “Tý, Ngọ, Mùi,

Thân thi hoài chẳng đổ” có sao!

Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường. Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành. Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương. Chỉ cúi đầu luồn xuống mái nhà thấp, nhục cả khí phách. Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết. Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai cụ (Chu Văn An và Nguyễn Trãi), thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi…

(Trích bản dịch nghĩa bài Tống Nguyễn Trúc Khê xuất lỵ Thường Tín kiêm trí Lê Huy vĩnh lão khê của Cao Bá Quát).

     Ông nội tôi lúc trà dư tửu hậu cũng ngâm thơ nhưng sâu sắc khó hiểu, chớ thím tôi “xuất khẩu” mộc mạc như cây ngô, cây lúa. Thím nói:

-         Nước xa không cứu được lửa gần, có chàng bên thiếp

cùng lo toan mọi bề, gia phong phải giữ lấy lề, hiều kính cha mẹ siêng nghề nông tang…

     Chỉ có bà nội tôi chê thím “dốt”, dù bà rất mực thương yêu thím. Tôi bênh thím, nũng nịu với bà:

-         Có học cũng dốt bà ơi, dốt như thím Út ông trời cũng

thương!

-         Cha chả thằng ni khá! Mi cũng làm được thơ hỉ?

     Bà tôi thuộc làu truyện thơ, điển tích. Bà mượn lời ông đồ Nguyễn Đình Chiểu:“Trai thời trung hiếu làm đầu, gái thời tiết hạnh là câu trau mình” hay “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”!

     Tôi lớn lên từ cái nôi cương cường, uyên bác của ông nội và thấm đẩm tình yêu thương mộc mạc như bụi tre già, như dòng sông hiền hòa lững lờ trôi của bà nội và thím.

     Chú tôi say mê nghiên cứu văn chương, những bài văn tế Thần hoàng, lễ Kỳ Yên hay Chiến Sĩ Trận Vong đều do chú chắp bút. Lễ tiết trong làng các vị thân hào nhân sĩ đều thỉnh thị ý kiến ông nội tôi hay chú, điều đó chứng tỏ nội và chú có uy tín với các cụ, mặc dù nội chỉ là nhà nho lỡ vận.

     Tình yêu thương của chú thím tôi đằm thắm, những buổi chiều tan học tôi chạy nhanh về để cùng chú đi câu, chú tâm tình:

-         Gái có công chồng không nỡ phụ, mi nhớ đó. Chú

thương thím như ông Trần Tế Xương thương vợ: “Thân cò lặn lội ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng…

-         Có phải yêu ai là yêu những gì mình không có, phải

không chú?

-         Ai quan niệm như vậy nghĩa là họ chỉ yêu bản thân họ

mà thôi, “La mour c’est pour rien!

     Thỉnh thoảng chú chêm vài câu tiếng Pháp như vậy, cho tôi thêm vốn từ.

     Lên năm tôi đã mồ côi mẹ, cha đi biền biệt ít về. Bà nội nói làm trai thời chiến như cha mi ở tiền đồn heo hút giống lính thú ngày xưa. Bà ngậm ngùi, ngân ngấn nước mắt:

“Ba năm trấn thủ lưu đồn

Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan

Chém tre đẵn gỗ trên ngàn

Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai”.

     Có lần sau buổi cơm trưa thím ngồi rửa chén sau hè, cơn gió nồm mát rượi mơn man những sợi tóc như tơ của thím, thím trầm ngâm nhìn về cõi xa xăm nào đó, có khi thím nhớ về vùng quê Cẩm Kim có làng mộc Kim Bồng, cát trắng bạt ngàn bên dòng sông Hoài của thím:

-         Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà

má đâu!

     Sao tôi nghe lòng rưng rưng. Thấy tôi lấp ló, thím xoay người ngồi bó gối, khuôn mặt đăm chiêu như nhà hiền triết, thím “triết lý”:

-         Ruộng đồng muôn đời vẫn là bầu sữa mẹ, đượm thấm

phù sa không biết giận biết hờn, quê hương bao dung như lòng của mẹ, nâng bước đời ta đến tuổi lớn khôn.

      Sau này lớn lên tôi nghiền ngẫm mãi câu nói của thím. Không hiểu sao, người mà bà nội hay chê là “dốt” lại có tấm lòng yêu quê hương đến vậy!

     Đến khi tôi thi đỗ đại học, nhưng không được tựu  trường vì cha tôi “cải tạo” chưa về, đình chùa miếu mạo quê tôi bị san bằng làm sân phơi cho hợp tác xã. Nội và chú tôi không còn được trọng vọng như xưa, tôi cũng xếp bút nghiên làm quen với tay cày tay cuốc. Ông nội thầm thì khuyến khích chú thím tìm đường vượt biên, mang cả tôi đi. Nhưng thím không đành lòng, vì gia cảnh nội tôi không còn sung túc, cùng với hai thân già trơ trọi.

     Cuối thu đầu đông, bãi cỏ lau ra hoa trắng xóa trên đồi, cỏ lau ra hoa là hết lụt hết bão, nhưng sao nước lũ dâng tràn ngập cả ruộng đồng lúa đang kỳ chín tới, tan nát đám đậu phụng đang chờ thu hoạch của thím tôi.

     Thím than:

-         Lũ chồng thêm lũ, cả lũ khốn nạn quá chừng!

     Thím tôi không thèm nói ra thơ nữa. Cỏ bông lau dù nở đầy trời, thời tiết đảo điên, thần tiên cũng hết linh thiêng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...