Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

CANH TÝ

     Cách đây gần một lục thập hoa giáp – Sau Tết Canh Tý 1960. Quê  tôi  có ông ba Dân làm nhiệm vụ gõ mõ thông tin đến từng gia đình khắp làng trên xóm dưới. Ngày xưa, gọi là “thằng mõ”. Mõ được làm bằng gốc tre già ở giữa có khoét rạch dọc thân ống. Cha tôi nói mỗi lần nghe tiếng cốc… cốc… liên hồi biết ngay có biến. Tiếng mõ không còn mang âm hưởng của an vui như những năm trước, trong dịp hội hè: các lễ Kỳ Yên, Nguyên Tiêu, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Thu…

     Khi tình hình an ninh thôn xóm không còn bình yên, gia đình nào cũng phải có mõ tre treo trước hiên nhà để báo động. Tất nhiên trong mỗi gia đình, ai cũng là “thằng” mõ. Đêm kia, trời âm u không trăng sao, từ hướng thôn Nông Sơn tiếng mõ xa vọng lại râm ran như cơm sôi rồi lan dần về hướng làng tôi. Minh nhảy tót ra đầu ngõ, hân hoan gõ mõ liên hồi. Tôi chưa có dịp gõ mõ lần nào, lòng rộn rã niềm vui định với tay lấy mõ, nhưng cha tôi ngăn lại: “Không nên ! Đi vào nhà…”. Ngày ấy, hai từ “không nên” nó thiêng liêng làm sao! Bất kỳ điều gì người lớn bảo: “không nên!” là hoàn toàn đúng đắn.

     Xóm Nga Tiền của nội tôi chỉ mười mấy ngôi nhà, Cu Lớn – bà Mân, trạc tuổi tôi với Minh có cha bị Tây bắn chết trên cây đa sau chùa Hạ Nông cũng cầm mõ ra gõ liên tu bất tận, tôi chạy ra xin Minh cho tôi gõ ké, tiếng mõ gốc tre già khác xa tiếng rè rè mẹ góa con côi của Cu Lớn, tôi hãnh diện ngước mắt nhìn về hướng Tourance (Đà Nẵng) ánh đèn hừng sáng một góc trời xa. Ông ba Dân đi đâu về ghé vô nhà thầm thì chuyện gì đó với cha tôi, điếu thuốc lá cuộn to đùng lóe lên chấm than hồng trong đêm đen tối mịt.

     Quê tôi thanh bình kể từ sau hiệp định Genève (1954), không còn trộm cướp, đêm đêm an giấc, cửa thường bỏ ngõ. Những đêm trăng lung linh tỏa ánh sáng vàng ươm trên cánh đồng lúa bàng bạc màu sương, bầu trời xanh trong ngát hương đồng cỏ nội. Nghe có đoàn hát từ miền Nam ra, dù bận bịu đến đâu cũng bỏ, ông bà già cùng lũ trẻ cầm đuốc dắt díu nhau đi coi hát bội, có khi xuống tận tháp Bằng An. Những vở tuồng:Ngũ Hổ Bình Tây,Tiết Cương tế Thiết Khưu Phần,Thuyết Đường,Tiết Nhơn Quí chinh Đông, Tiết Đinh San chinh Tây,Tam Quốc,Chung Vô Diệm… khiến tôi mê say.

     Nhưng kể từ năm Canh Tý (1960), làng quê tôi không còn yên ả. Sau bao nhiêu năm tang thương ngẫu lục, tưởng rằng  lòng dân hân hoan hết thời loạn lạc, nhưng đất nước phân ly kéo theo lòng người ly tán, nghi kỵ từ trong dòng họ lẫn ngoài đời. Mới trộng trộng chưa đầy mươi lăm, Dần cùng Cật theo du kích, hưởng ứng phong trào “ba sẳn sàng”. Ông nội tôi vỗ bàn giận dữ:

-         Tụi hắn như chim non chưa ra ràng, biết gì mà bỏ học

theo đám thằng Đinh!

     Chú lặng im không nói gì, thím tôi rưng rưng sụt sùi..

     Sáu Đinh lớn hơn tôi năm tuổi, cha anh theo kháng chiến chống Pháp hy sinh, còn mẹ già, anh trốn quân dịch, theo giải phóng quân.

     Ông nội tôi không giỏi như cụ Tả Ao nhưng có uy tín trong làng về địa lý phong thủy, bác tôi kể - không biết có nói quá đi không, chứ ông nội có thể “rấm đậu thành binh” như Cao Biền xưa kia. Ông nội trầm ngâm bấm đốt ngón tay, buông lời với cha tôi:

-         Hai thằng tuổi Dần (tôi và Minh) Cung Khôn, Trực

Nguy, Mạng Tòng Bá Mộc, dù con nhà Thanh Đế (trường mạng) nhưng tánh khí bộc trực, thẳng thắn sẽ không thành đạt về đường công danh. Rồi đây, can qua dữ dội e chừng hắn không thọ…

     Quả nhiên chỉ hai năm sau, trong một lần “cảnh giới”, Minh đã chết vì vấp phải quả lựu đạn do sáu Đinh gài. Chú tôi lẳng lặng nhặt xác con về, gom chưa đầy cái thúng hai ang lúa. Số phận của Cu Lớn cũng không khác gì Minh, đã bỏ xác khi tấn công vào phi trường Đà Nẵng trong tết Mậu Thân.

     Giữa thập niên 60s, hầu hết bà con các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc,Thượng Đức, Hòa Vang… đều là vùng xôi đậu, tản cư ra thành phố Đà Nẵng ở các trại An Cư dọc theo bờ biển nắng cát bạt ngàn từ Hòa Khánh đến Mỹ Khê…

     Ông nội mất, gia đình bác, chú cô và cha mẹ tôi cùng tản cư ra Đà Nẵng. Dù ở bên nào, thế hệ trước, sau tôi cứ rơi rụng dần… Chú tôi bán phở dạo, chiếc xe ba bánh do chú chế tác kèm theo thùng gỗ ốp tole, nồi nước lèo nghi ngút khói, cả nhà hưởng xái xíu quách sau khi chú đẩy xe về.

     Năm Nhâm Tý (1972) chiến sự leo thang ác liệt trên đất nước tôi, sự tàn phá và chết chóc ghê rợn nhất kể từ năm Canh Tý (1960). Chỉ riêng xóm tôi, tin báo tử dồn dập khiến bao gia đình hoang mang hoảng sợ, hơn mười thanh niên  son trẻ vừa giã từ học đường nhập ngũ không bao lâu đã bỏ xác ngoài trận địa. Sáu Đinh cùng anh Quang – chồng chị Năm - con bác tôi, theo quân giải phóng cũng hy sinh.

     Đến năm Giáp Tý (1984), “cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Vị Xuyên - Hà Giang tổn thất rất lớn. Hơn 4.000 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã anh dũng hy sinh mà phần lớn họ mới trên dưới 20 tuổi, cùng hàng ngàn người bị thương. Đến nay còn hơn 2.000 liệt sĩ nằm rải rác trên khắp chiến trường Vị Xuyên mà chúng ta chưa tìm được hài cốt; nhiều thương binh chưa được hưởng chính sách; nhiều mộ liệt sĩ chưa có tên trong nghĩa trang...”

     Năm Tý gieo vào lòng người dân cần cù nghèo đói quanh năm quê tôi, triền miên những nỗi ám ảnh hãi hùng.

     Nhưng Tết Canh Tý (2020) gần kề, tròn một lục thập hoa giáp (Canh Tý – 1960) hay chu kỳ tử sinh của một đời người? 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...