Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

HỔN MANG

     Người thanh niên đi sau vượt qua, hích cùi chỏ vào ông. Ông dừng lại nhìn theo, lẩm bẩm:“Thân hình thật đẹp! Tuyệt…”.

     Ông rảo bước nhanh chân, chạm tay vào bờ vai vững chãi. Người thanh niên quay lại, đưa hai bàn tay hộ pháp nắm cổ áo, ông Đề nhẹ nhàng xỉa hai ngón tay vào cổ, hắn buông. Đôi mắt ốc lồi hằn lên tia đỏ.

     Ông nhìn thẳng vào mặt hắn, nhỏ nhẹ:

-         Anh có thân hình tuyệt mỹ, nhưng…

-         Nhưng sao?

-         Nhưng… phá tướng!

-         Phá cái gì?

-         Anh đi hai tay vung vẩy rất hiên ngang, nhưng cái

đầu cúi xuống!

     Hắn nhổ nước bọt, quay ngoắt.

…………

     Tự nhiên ông nhớ người bạn cũ, làm quan to, to lắm. Cũng dáng điệu như thế này. Ngày xưa, ông không biết gì về nhân tướng học, nhưng từ khi về vườn ông thèm đọc sách. Ôi! Cám ơn những tác giả đã cho ra đời những tác phẩm làm thăng hoa cuộc sống.

     Mà lạ thiệt! Trên đường phố hoa lệ hay thôn dã ai cũng cúi đầu. Tại sao vậy hè? Thậm chí có khi ông cũng cúi đầu, mà không hay! Ngoại trừ loại dốt nát “thời lai đồ điếu thành công dị…” như bạn của ông. Mặt hắn nghếch lên, nên luôn nhìn thấy các ô cửa sổ sáng trưng của những tòa nhà cao tầng nghênh ngang giữa phố hoặc cao hơn nữa như những áng mây bay lang thang trên bầu trời, muôn hình vạn trạng có khi mang theo hiễm họa bão tố sấm sét khôn lường nhưng hắn nào hay! Hắn… mù giữa đời thường!

     Ông Đề thật khó tính hay ông được giáo dục trên nền tảng văn hóa “cổ lổ sỉ” nhìn đâu cũng thấy chướng tai gai mắt?

     Phải “ôn cố tri tân” nhưng văn minh kỹ thuật mình phải học hỏi người ta mới theo kịp thời đại, cái gì hay phải học! Nhưng bản sắc văn hóa dân tộc không thể lai căng.

     Bà cằn nhằn ông đủ điều:“Hơi đâu ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng?” Ông tự ái, nhưng nhịn. Mấy đứa con ông đều ngoan hiền và học giỏi. Lễ phép, biết kính trên nhường dưới, ông thầm khen và tự hào khi có người vợ đảm đương như bà trong việc tề gia nội trợ. Còn ông mải mê và cần mẫn đưa bao thế hệ học trò sang sông, đôi khi ông quên hẳn việc sinh kế trong nhà, chỉ mình bà tần tảo sớm hôm.

………

     Ông Đề lơ ngơ như mộng du, xớn xác thế nào lại va vào bà đi xe đạp bán đậu hủ. Ông chưa kịp xin lỗi, người đàn bà có vẻ luống tuổi, dáng kham khổ đã vội vàng tụt khỏi yên xe, hỏi nhỏ:

-         Ông có sao không?

     Ông lúng túng, cảm thấy thương hại, tò mò:

-         Chị được nhiêu tuổi rồi?

     Bà nhìn ông, không trả lời.

     Hỏi vậy chớ đoán già đoán non, bà cũng tròm trèm tuổi ông.

-         Có con cái chi không, mà chị vất vả thế này?

     Bà quay sang hướng khác, đôi mắt đỏ hoe, nhưng không vằn tia máu như anh chàng thanh niên lúc sáng. Ông tìm trong túi, không thấy tiền. Ông đứng nhìn theo, thở dài.

     Không biết vì ông đa cảm thường hay chạnh lòng với những người khốn khổ hay ông sắp xa lìa cõi tạm nên lòng vương vấn đa đoan.

…………

     Chỉ khi ông nhìn ra vườn cây kiểng đối diện, cành lá xanh mơn mởn dịu mắt, tâm hồn ông an nhiên phơi phới. Những bụi cây dại dưới chân hàng rào kẽm gai đầy hoa ngũ sắc li ti, rung rinh trong gió. Ông lắng tai nghe bên vườn cây nhà Ngộ:

-         Đ. Mẹ! Chúng nó là ma, tao canh mấy đêm đéo bắt

được. Lúc thì con chó, lúc “móc” rách toạc bụng con mèo. Ông tóm được, chết mẹ chúng mầy!

-         Ma cỏ gì, một lũ lưu manh, đầu trộm đuôi cướp. Tối

hôm qua tao thấy bọn nó đánh chén tưng bừng ngoài chòi canh.

      Giọng anh Ngộ trầm hẳn xuống:

-         Đôi khi tao phải bịt mũi qua sông, giả lơ giả điếc. Hội

hè đình đám, chúng nó đem xe vô chở mấy chậu kiểng đang kỳ khoe sắc. Xong việc vất chỏng chơ, tao phải lai về. Chúng nó đích thị ma trơi. Thấy chớp, vụt biến mất. Hỏi thằng này đổ thừa cho thằng kia, không thằng nào chịu.

-         Đâu phải của tiên sư cha nhà chúng nó. Lần sau đừng

mơ nhé!

     Ngộ nhỏ nhẹ:

-         Đất có Thổ công, sông có Hà Bá, vì miếng cơm manh

áo, đành nhịn thôi mấy chú!

-         Nhịn là nhịn thế nào? Sao mầy hèn thế! Lần sau cứ

để đấy cho ông!

-         Thôi ông “kễnh” ạ! Một thân một mình làm gì chả

được, tao dân tha phương cầu thực, đang lo kiếm gạo nuôi con...

     Ông Đề chán ngấy mớ “cải cách” trong giáo dục. Phụ huynh không thể theo kịp để cùng nhà trường dạy con, xã hội không đồng bộ để dạy trẻ chữ nghĩa và học làm người. Cả một lũ sâu bọ gặm nhấm và phá tan hoang khu rừng đang xanh tươi của nền văn hóa dân tộc. Chúng không đủ kiến thức, tâm lý sư phạm để điều hành và không hiểu tầm quan trọng của “trăm năm trồng người”.

     Đám cháu nhà ông, thế hệ sau tệ hơn thế hệ trước, ông cũng tự hào vì chúng rành rẽ về “công nghệ”, nhưng từ thằng cu Tủn lên năm đến con Ngà sắp thi tốt nghiệp, ngày nghỉ mỗi đứa như một ốc đảo. Chưa bao giờ những người già như ông lại cảm thấy cô đơn như bây giờ, dù gia đình ông “tam đại đồng đường”

     Nhưng chính ông, ông cũng tự lui vào ốc đảo của mình, những lời răn dạy của ông với con cháu, chúng vâng vâng dạ dạ rồi bỏ ngoài tai, riết rồi ông im lặng. Sự im lặng của ông mới nặng nề làm sao! Con cháu ngại ngùng khi muốn tỏ bày, không còn thân thiện vui đùa cùng ông như khi chúng lên năm lên ba. Bà thì thầm an ủi ông: 

-         Thôi ông ạ, mình chỉ dạy con, con mình dạy cháu.

Quan niệm sống mỗi thế hệ mỗi khác.

-         Nhưng khác thì phải tốt hơn lên chứ! Ai đời…

     Ông bỏ lửng.

     Đêm gần sáng, tỉnh lặng. Tiếng động cơ ầm ì của chuyến xe sớm vọng đến tai ông. Những đôi vai kẻo kịt với gánh hàng rong nặng trĩu, thầm lặng chiếc bóng trải dài dưới ánh đèn đường vàng vọt trên đường phố ngang qua nhà, lòng ông dâng lên niềm xúc cảm lạ lùng. Người phụ nữ tảo tần sớm hôm ấy là hình ảnh của mẹ ông ngày nào, nhưng ngày ấy ông vô tư lự như lũ cháu nhà ông bây giờ. Ông chưa kịp làm gì để mẹ ông vui, bà đã mất.

     Cơn mưa kéo về từ bên kia, không phải là cơn mưa của những ngày xưa cũ, nhưng đã thấm ướt đôi vai và những giọt nước li ti, đã tô điểm mái tóc bạc của ông óng ánh dưới ánh đèn.

………..

     Năm mươi năm, thời gian không hề phai nhòa hình bóng cũ, ông Đề nhìn ra khoảng không gian bao la bừng lên dưới ánh nắng chói chan của ngày hè, đời ông sẽ vô nghĩa nếu xa rời nghiệp dĩ văn chương, nhưng những áng mây đen như tà áo của mụ phù thủy với chiếc mũi nhọn hoắt cùng lưỡi hái cứ ám ảnh ông trong những đêm mất ngủ, nguồn cảm hứng một thời bị dìm chết thô bạo trong niềm thất vọng và chán chường.    

     Cái đói khát cứ thường trực như tia nắng mặt trời và bóng đêm. Đôi khi ông cố nhắm mắt, đưa tâm hồn phiêu du về những ngày xưa cũ, cái thời nắn nót viết tựa đề, vẽ những nụ hoa trên giấy stencil với cây bút sắt hay gõ lộc cộc bằng chiếc máy chữ Remington cũ kỹ. Mùi mực in thơm nồng trên từng trang giấy đã quay roneo, khiến ông hít hà trong niềm sảng khoái của đam mê, để quên đi cái đói cồn cào đang co bóp dạ dày khốn khổ.

     Và ông không thể an nhiên nhìn lũ trẻ gầy còm, đưa đôi mắt dại khờ, háo hức chờ nghe âm thanh sùng sục của nồi bắp luộc. Ông không thể ngờ có ngày gia đình ông lại thích nghi với rừng rú và khốn cùng đến như vậy. Bản năng sinh tồn đã loại trừ những gì phù phiếm không thực tế ra khỏi đầu óc vốn được ông trời ban cho ông, chỉ để làm văn nghệ.

     Ngày ấy, bà yêu ông nồng nàn, bà cảm phục niềm đam mê văn chương và sự tinh tế, thông tuệ của ông. Một lần ông mời và hẹn bà đi xem phim “Love Story” do Ryan O’Neal và Ali MacGraw thể hiện mối tình say đắm nhưng đẫm nước mắt của Oliver Barrett IV và Jennifer Cavilleri do Arthur Hiller đạo diễn.

     Bà chờ ông và chờ mãi. Trời đã hừng đông, ông vẫn miệt mài nối đuôi từng con chữ. Ánh nắng tươi vui của ngày mới lọt vào khung cửa sổ, ông giật mình nhớ lại giờ hẹn đón bà đêm qua, nhưng bà không hề giận. Rồi những lần hẹn sau, sau nữa… bà vẫn chờ. Chỉ những cơn mưa bất chợt, tiếng mưa dội vào lòng, làm rung động tâm hồn, khiến ông chợt nhớ và bà vẫn đứng trong mưa…

     Ông bà ước mơ cùng tạo dựng một mái ấm đơn sơ. Tâm hồn đa cảm của ông như màu nước biển xanh trong, mộc mạc như  cánh đồng muối trắng và màu trời xanh ngắt của vùng biển quê nhà.

     Bà như chiếc bóng bên ông, khuyến khích và nâng đở để ông được vẫy vùng, bay lượn thỏa thích trong không gian huyền ảo của văn chương, vì văn chương được tạo nên từ tâm hồn và cảm nhận của những người yêu nó.

……….

     Những cơn mưa cuối mùa trời se se lạnh lại là mùa biển  êm gió lặng của vùng đất phương Nam, đôi lần ông hối hận định tìm đường ra đi, ông như chiếc lá tre khô lênh đênh theo dòng nước đục ngầu, nhiểu nhương thế sự và vô định.

     Sự nghiệp văn chương của ông như khói như mây. Thanh âm cung, thương ngưng ngân, khi dây đàn đột ngột đứt lìa. Ông ngóng về quê cũ, nơi còn lưu dấu những kỷ niệm một thời văn chương chữ nghĩa. Sự thô bạo và đê tiện đã giết chết tâm hổn mẫn cảm của ông, lòng ông khô khốc như đồi cát, dòng sông Hàn vẫn vô tình mang theo hoài bão của ông xuôi về biển cả. Ông chôn chặt nỗi khổ đau và thất vọng vào tận đáy lòng nhưng những giọt lệ nhân ái, xót xa lại  dâng tràn khóe mắt khi nhớ về những hoài niệm xa xưa.

     Anh Ngộ hớt hơ hớt hải dắt thằng con mặt mày lem luốc sang nhà ông Đề:

-         Thầy chỉ dạy giúp con, hôm  nay đi học về cháu nói

bị nhà trường cho nghỉ hai ngày vì chưa nộp tiền mua đồng phục và sách giáo khoa. Thầy nghĩ xem, bộ đồng phục của cháu và sách giáo khoa chị nó vừa học năm ngoái còn mới cứng, thế mà phải mua mới. Sao lãng phí thế hở thầy? Con cũng đã từng đi học…

      Tự nhiên ông nghe nhói lòng, ông liên tưởng đến các thầy cô giáo đồng nghiệp tại xã nghèo miền Đông Nam Bộ ngày nào. Ngôi trường trên đồi heo hút, không bóng mát cây xanh. Học trò đủ loại trang phục, chân không giày dép, thầy cô giáo cũng chẳng  gì hơn. Đôi khi thầy muốn góp ý với các thầy, cô giáo về trang phục, nhưng nhìn lại mình: chiếc áo trắng đã sờn vai, ố vàng cùng chiếc quần vải sơ-vi-ốt xếp li như lò xo, phô bày hai cổ chân tong teo bám đầy bùn đất đỏ ba-zan, lòng thầy dâng tràn niềm thương cảm và không thể sẻ chia…   

     Nhưng tất cả đều bỏ lại nhọc nhằn, khó khăn cơm áo ngoài cổng trường, chỉ còn lại nhiệt huyết của trái tim nồng nàn yêu thương và hăng say làm tròn phận sự của người thầy.

     Chưa bao giờ sự “phối hợp” trong giáo dục chặt chẽ  và đồng bộ như thế này. Từ ban giám hiệu, hội phụ huynh học sinh đến các nhà thầu, ông bảo hiểm lẫn nhà xuất bản giáo dục chia nhau “bòn rút” những giọt máu hồng ngây thơ của  mầm non xanh tươi, thế hệ anh tài tương lai đất nước, được nuôi dưỡng bằng mồ hôi và nước mắt của cha của mẹ.

     Hãy nhìn đi hay có mắt không tròng?

…………

     Bà xót xa khi nhìn thân hình ông ngày càng còm cỏi, nhưng nỗi lòng khắc khoải cứ như tiếng cuốc kêu trong sương chiều hiu quạnh.

     Con vẹt mỏ đỏ đang bị nhốt trong lồng quen nhái tiếng người, lâu dần quên mất tiếng kêu than của đồng loại, nghểnh cổ tự đắc hát vang bài ca chiến thắng. Nó đã trở thành cò mồi trong bẫy rập, chiêu dụ và khoe khoang những điều vô tưởng bằng ngôn ngữ không phải của chính mình.

     Ông nhìn thằng cháu thực nghiệm ươm mầm hạt giống  trong lon sữa bò và nóng lòng chờ đợi. Hắn reo vui khi những chiếc lá xanh non run rẩy cùng thân cây trắng muốt bật lên, rung rinh trong ánh nắng ban mai.

     Nhúm đất khô tận hưởng những giọt nước tinh khôi, cây  lớn lên từng ngày, nhưng đã vội èo uột và chết rũ vì úng thủy, đáy lon sữa bò đã không được hướng dẫn cặn kẽ đục lổ thoát nước dư thừa.

     Cháu ông đã được dạy trồng cây hay đi tìm nguyên nhân cây chết? Mãi mê gây ra hậu quả tang thương để rồi ngồi gặm nhấm và rút kinh nghiệm cho những bài học suốt đời lầm lỗi.

     Tiếng đàn cò (đàn nhị) não nuột từ nhà ai khuất sau vườn nhà anh Ngộ, hình như có đám ma. Nhưng không, nghe xen thanh âm khác của đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn bầu, đàn tam, song loan… lẫn tiếng sáo vi vu.

     Ông Đề lần dò theo âm thanh quyến rũ. Mọi người ngưng bặt lễ phép chào, ông khẽ khàng ngồi bên mép chiếu và khoát tay ra dấu ban nhạc đừng bận tâm.

     Những người nghệ sĩ “đàn ca tài tử” thực sự chỉ dùng đàn hát để mua vui với tâm hồn chân chất thăng hoa ngẫu hứng, tạm quên đi sự lo toan và nhọc nhằn trong mưu sinh khốn khó.

     Lời ca mộc mạc gieo vào lòng ông cảm xúc khó tả, thấm đượm ân tình bởi giọng hát ngọt ngào của cô gái ông chưa hề gặp:

“Nhắn ai đi về miền đất phương Nam/ Trời xanh mây trắng soi dòng Cửu Long Giang/ Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh/ Tiếng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này/ Cho ta thêm yêu dấu chân ngàn năm đi mở đất/ Cho ta thêm yêu bầy chim sáo sổ lồng…/ Ơi ơi hò, ơi ơi ơi ơi…hò/ Còn đâu đây tiếng vó ngựa phi/ Mà ngỡ con tàu vỗ sóng bờ xa/ Nỉ non sao tiếng nhạn kêu chiều/ Buồm xuôi vô phương Nam phiêu bạt theo thủy triều/ Dẫu trải qua thăng trầm giông tố/ Qua bao cuộc bể dâu, mãi dâng cho đời/ Bài tình ca đất phương Nam….”

(Bài Ca Đất Phương Nam – Lư Nhất Vũ) 

     Cô hát nhưng đôi mắt đăm đăm nhìn ông, trái tim già nua  hình như ngưng đập, không gian lắng đọng, thời gian như ngừng trôi… Ông mơ hồ nghe tiếng hí vang của bầy chiến mã, tiếng dầm khua nước của đoàn thủy quân trên sóng nước bao la… Chỉ khi nghe tiếng song loan gõ nhịp bên tai, ông giật mình lúng túng.

     Ông hòa mình vào lời ca tiếng nhạc, có lúc tâm hồn ông chơi vơi giữa muôn trùng sóng vỗ, đôi khi như gió ngàn khơi phiêu du qua bao ghềnh thác, có lúc phảng phất bóng dáng người xưa kiêu hùng Nam tiến thuỡ nào…

     Nhưng đôi mắt ấy ám ảnh ông, người con gái miền sông nước mang tâm hồn của loài chim quốc khắc khoải năm canh, nhớ về phương trời xưa xa ngái.

     Nỗi u hoài tiếc nuối một thời đã lỡ, chim thiên di không còn rừng xây xanh làm tổ, người người cũng tha phương, lang bạt kỳ hồ…

     Không ai ngờ cô gái ấy là con cháu của danh gia thế phiệt, mượn lời ca tiếng hát để giải tỏa lòng mình, ông giật mình và cảm thấy lòng se thắt lẫn tự thẹn khi đọc những giòng chữ của nàng:“…Quang Trung ơi! vó ngựa Người ngang dọc, thất đởm kinh hồn quân xâm lược Càn Long, nhưng hậu duệ của Người là điêu tàn khốn khổ, áo vải và anh hùng sao bàn chuyện an dân…”.

     Đêm đã về khuya, tiếng đàn tiếng sáo im bặt, bao nỗi lòng như chìm đắm trong tịch liêu, sương khói mông lung. Loài chim ăn đêm cô đơn vừa gieo vào thinh không, tiếng kêu buồn rũ rượi… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...