Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

LAN MAN

     Cảm giác không dễ chịu từ dư âm những lời chì chiết của bà khiến ông buồn bực. Ông nhắm mắt tỉnh tâm và hít thở theo phương pháp của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, một phần ba lá phổi của ông bị chai cứng sau trận tràn dịch sáu năm về trước, sau lưng ông còn vết kim đâm đã thành sẹo. Hình ảnh bà dìu ông leo lên xe buýt tìm đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch lướt qua đầu ông, đôi kính cận thị trễ xuống sống mũi bởi những giọt mồ hôi lăn dài, làn tóc mai bám ướt đẫm bên má bà.

     Dòng suy tưởng kéo ông về thời xa lắc: Chiếc xe tải dừng lại ở cây xăng, ông xuống xe rảo bước nhìn quanh, khung cảnh buồn thảm của rừng cao su trụi lá sau cơn mưa. Hành trang theo ông thật thảm hại: Một vợ bốn con, đứa lớn đã vào lớp một, đứa nhỏ nhất vừa tròn sáu tháng tuổi. Áo

quần và các vật dụng trong hai bao nylon, bên ngoài còn chữ u-rê đậm nét cùng ba giỏ heo con.

     Rời xa làng quê yêu dấu để lại cha già đơn chiếc như hoàng hôn chỉ còn le lói chút tia nắng cuối ngày trong căn nhà ngói rách nát sau chiến tranh, những mẫu ruộng thượng đẳng điền rộc ngang rộc dọc, gia tài dành dụm một đời của cha mẹ ông đã được khuyến khích “hiến điền” hay bị sung công vào hợp tác xã. Mẹ ông bị thổ huyết ngoài đồng, đưa về đến nhà đã mất khi chưa được hưởng chữ thọ.

………….

     Mùa xuân nữa sắp về, bà lại tíu tít chuẩn bị cho chuyến về quê như tết mấy năm trước. Riêng tết này có nhiều ý nghĩa với bà: Sum họp, khánh thành nhà từ đường trên mảnh đất quê hương yêu dấu của bà.

    Ông đã tròm trèm bảy mươi, cái tuổi đã qua lâu rồi thời tri thiên mệnh. Kỷ niệm cứ tràn về, những ngày cuối năm lẽ ra bận rộn như những năm trước nhưng năm nay ông thấy dững dưng. Trong nhà ai làm gì mặc kệ.

     Bà đã dặn dò con cái sắp xếp chu đáo ở nhà. Vợ chồng anh con lớn lo lễ vật cúng bái tiễn ông Công ông Táo, đưa rước ông bà, tất niên. Cô con gái lo hũ dưa món, thịt nguội, nồi thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét, anh Tư quét dọn bàn thờ tổ tiên chùi rửa bộ lư đồng, bàn ghế, sơn lại cánh cửa, hàng rào. Anh Năm ở xa tận miền Tây, không biết tết này có đưa hai đứa cháu về với ông không?

     Ông chưa hề sống một mình trong căn nhà vắng vẻ bao giờ, ông cảm thấy xót xa, nhớ về cha mẹ ông. Thời trai trẻ vì mưu sinh ông dắt vợ với mấy đứa con vào miền Nam lập nghiệp, đôi khi ông chỉ thoáng nghĩ về cha già quạnh quẽ ở quê nhà, ông không thể hình dung đến cảnh sống của cha ông ngày ấy ra sao trong tuổi già bóng xế.

     Thỉnh thoảng vài ba năm dành dụm được chút đỉnh tiền, ông dắt đứa con lớn về thăm ông nội. Ở với cha được năm ba ngày, rồi đi. Những đứa sau không hề nhớ mặt ông bà nội và ngược lại cha ông cũng không biết mấy đứa cháu mình mặt mũi ra sao. Kể từ ngày ra đi, ông chưa bao giờ đưa vợ con về ăn tết với cha ông.

     Chim đã đủ lông đủ cánh rời xa tổ ấm, rồi biền biệt. Chỉ biết trên đời cha mẹ vẫn còn hiện hữu, rồi thôi. Dòng đời cứ cuốn trôi đi, trôi đi. Đến khi cảm thấy cuộc sống tạm ổn, con cái nên người hoặc thất bát sa cơ mới về nương nhờ  cha mẹ. Có khi cha mẹ đã quá vãng từ lâu.    

    Chính ông cũng đã không có cơ hội chăm sóc cha mẹ ông. Ông thường nói: Bà đừng trách, đừng buồn con cháu.

Ngày mình bằng tuổi chúng nó, mình có được như chúng nó bây giờ đâu?

   Bà hay lo nghĩ không đâu, đứa nào cũng trên dưới bốn mươi, ba đứa cháu nội ngoại cùng trang lứa sắp lên lớp mười, chúng nó có thế giới riêng không còn quanh quẩn nũng nịu bên ông bà như ngày chúng lên năm lên ba. Bà để ý mà xem, rồi tôi với bà…

     Ông chợt ngậm ngùi nhớ về những tháng ngày xưa cũ ở quê nhà, nơi cha mẹ ông chỉ còn nắm xương tàn, nằm chơ vơ trong nghĩa trang đìu hiu, chợt ông muốn bỏ mặc hết thảy, để về.

     Cha từng dạy: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng thời thế đảo điên, nghề ông “tinh” nhất lại bị cấm cản. Một trăm lẽ một nghề trong thiên hạ ông đã lăn quay, ngụp lặn đến chín mươi chín nghề để mưu sinh. Khi tuổi già bóng xế ông lại mặc cảm vì thấy mình vô dụng, những lời so đo tính toán của bà khiến ông đau lòng, nhưng những hình ảnh yêu thương trong ký ức đã xóa tan mọi buồn phiền, cậu em câm điếc đã thay bà chăm sóc cho ông. Phật sống là cha mẹ ông đã không còn nữa, cậu là Thánh sống bên ông.

     Cậu bị câm điếc do sốt bại liệt từ nhỏ. Nhân dịp tàu bệnh viện Helgoland của Đức, cập bến sông Hàn (1967), mọi người khuyên nên đưa cậu xuống tàu nhờ chữa trị. Nhưng vì quá yêu thương, mẹ vợ ông sợ nguời ta mang cậu đi mất. Năm ấy cậu được bốn tuổi, chỉ biết nhìn trời và cười ngô nghê…

     Vậy mà cậu sống đến bây giờ. Cậu ở với gia đình ông  hơn hai chục năm nay, từ ngày ông bà ngoại qua đời.

…..

Đời ông chỉ có vui
Với cà phê, thuốc lá
Ngày hai cử phiêu diêu
Quên cuộc đời chó má!


Ông thấu hiểu nhân tình
Kho tàng ông chỉ có:
Tốt - tốt và tốt thôi
Lòng bao dung quảng đại…

Ông điếc nhưng không mù
Mắt nhìn thay lời nói
Dấu chấm hỏi tròn vo
Bay lên trời thành gió

…….

 

     Bên cậu, ông quên hết khổ đau lẫn u uẩn của đời mình. Sự thánh thiện của cậu, dìu hồn ông qua khỏi bến mê điêu ngoa, gian trá. Ông đã biết vị tha và bao dung hơn trong cuộc sống.

     Tâm an lạc nơi cậu, đôi khi khiến lòng ông xấu hổ khi soi rọi lại chính mình. Mang tấm thân què quặt nhưng cậu không làm phiền đến ai. Ngược lại, cậu luôn quan tâm đến người khác. Một cái nhíu mày, tâm thần bất an… Cậu nhìn và nhận biết, chia sẻ bằng sự an ủi vô ngôn qua tia mắt đậm tình nơi cậu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...