Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

TRUY SÁT


-    Hắn đó ! Bắt lấy nó…

     Đám đông như bầy sói khát máu, điên cuồng đuổi theo thằng bé gầy gò đen nhẻm, chiếc áo trắng ngả màu cháo lòng lộ ra hai cánh tay tươm máu bởi những nhát gậy không nương tay. Hình như cơn say máu càng dữ dội khi có ai đó hét lên:

-         Đập chết mẹ nó đi, bà con ơi…

     Đoàn người hò reo đồng thanh tương ứng vang lên như tiếng gầm của ác thú khiến thằng bé luống cuống, cặp chân khẳng khiu suýt quỵ xuống giữa đường, nó quay nhanh về đằng sau dừng lại như muốn buông xuôi…

     Bỗng tiếng trống tan trường dội từng hồi rồi lắng dần như âm thanh cứu rỗi, tất cả đều khựng lại. Lão Nhiếp vất cây gậy vào bụi tre, tay quệt mồ hôi nhìn vào cổng trường tiểu học, những bộ đồng phục áo trắng quần xanh xinh xắn, thơ ngây rạng rỡ cười đùa túa ra như bầy ong vỡ tổ.

     Nó không thể lẫn vào đâu được, Nó không thuộc thế giới hung bạo đằng kia đang đuổi theo bén gót, Nó cũng không thuộc thế giới trẻ thơ đang tung tăng hồn nhiên vô tư lự như những cánh hoa trắng muốt đang vây quanh tò mò nhìn nó.     

     Nó mồ côi ở với bà nội, Nó giữ bò, Nó ăn trộm con gà mái tơ nhà lão Nhiếp, nó túm được nhúm lông, con gà vẫy vùng cục ta cục tác inh ỏi, nó nhảy qua hàng rào, cái lưng lãnh trọn đầu gậy của lão Nhiếp, nó thấy tê rần như bị điểm huyệt, ngả quỵ, đòn thù tới tấp, thân phận nó kém xa con gà.

     Nội Nó rơm rớm nước mắt xót xa, xát muối vào những vết thương hằn lên trên làn da rám nắng, nhìn thân hình còm cỏi của Nó mà lòng bà đắng ngắt. Có khi vì thương bà mà nó nên nông nỗi này. Những nhát gậy, cú đá không đau lòng nó bằng lời miệt thị của đám đông kia: "Đồ ăn trộm, tổ cha thằng cháu nội mụ Tư Riêu!".

………..

     Dòng sông hiền hòa bỗng dưng cuộn trào hung dữ bởi cơn lũ đầu nguồn, cha Nó ngụp lặn bơi theo con nước đục ngầu đang gào thét, nắm tóc cứu được con Mị - cháu ngoại nhà lão Nhiếp. Cha nó đưa được Mị vào bờ, vừa buông tay liền bị gốc cây già trôi sông nhấn chìm mất xác.   

     Chuyện qua lâu rồi, ơn cứu mạng không ai còn nhắc đến, không rõ Mị còn nhớ hay quên, hơn nữa bây giờ cô ấy bị điên. Đôi khi bực quá nhà lão Nhiếp lại trách ngược, thậm chí phun ra thành lời với cô Mị:"Sao mầy không chết phứt cho rồi!". Đúng là "Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhơn, nhơn báo oán".

     Nội mất. Nó kéo chà tre rào kín cổng, bỏ làng đi phiêu bạt giang hồ. Nó xuống xe ngay ngả ba, vùng miền Đông đất đỏ, chỉ có những hàng cao su thẳng tắp bạt ngàn, cành lá ngã nghiêng buồn hiu trong gió…

     Nó phân vân không biết đi hướng nào, thỉnh thoảng tiếng gầm gừ của xe ô tô lên dốc và ánh đèn pha hắt bóng nó to dần lên vách gỗ của những căn nhà hai bên đường, nằm im lìm trong đêm đen. Căn chòi bán trái cây mái lợp lá buông của ai đó chỉ còn sót lại những trái chôm chôm, trái mít da đen sì, đã bị hư hỏng, Nó nuốt nước miếng, cái đói thấm dần khiến tay chân nó bủn rủn, run run bóc từng trái chôm chôm bỏ vào miệng, Nó chưa kịp nhai đã vào trong cổ, nó chưa hề biết mùi vị ngọt lịm của cây trái đặc sản miền Đông Nam Bộ. Nó leo lên sạp tre, ngủ vùi trong cơn mê mệt mỏi.

     Giọng nói lạ lùng của người đàn bà khiến Nó choàng tỉnh ngồi bật dậy, tấm vải dù ai đã đắp lên thân hình nó rơi xuống đất.

-          Mầy ở đâu mà ngủ ở đây, vậy con?

     Nó dụi mắt, lúng túng:

-         Tui ở Quảng Nôm (Nam), tới (đến) đây hồi phia

(khuya), chẻng (chẳng) biết đi mô (đâu)!

-         Chớ cha mẹ con đâu?

-         Tui có cha mẹ chi mô, bà nội chết rùi (rồi)…     

     Người đàn bà Nam bộ tử tế, tốt bụng cố gắng ngồi lắng nghe Nó tỏ bày bằng giọng xứ Quảng đặc trưng quê nó.

     Bà quay vào nhà đem ra cho Nó bộ đồ đã cũ:

-         Của con tao đó, mầy đi tắm rồi thay liền đi, mầy hôi

quá rồi con…

………

     Nó có bà mẹ nuôi vậy đó. Nghe bà kể hồi sắp hòa bình mà ghê, suốt từ Xuân Lộc – Long Khánh kéo dài xuống ngã ba Dầu Giây rồi đến tận Hố Nai, trong lô cao su dọc hai bên đường QL.1, xác chết cả dân và quân như rạ, có khi tính bằng gốc cao su. Chồng và hai đứa con bà mất xác.

     Từng đoàn xe khách, xe tải chờ qua trạm dừng trước nhà bà, Nó phụ với bà bán trái cây, nào là chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, có khi mỗi ngày bán được mấy tạ. Tâm hồn Nó lớn dần theo tình thương yêu của bà. Bà nghe ai đó nói: “Khi tặng hoa hồng cho ai, trong tay mình ắt có mùi hương”, bà tất tả chạy đi nhờ làm giấy khai sinh và xin cho Nó đi học. Chính quyền địa phương ngày ấy thật tốt với dân, chí công vô tư, tạo điều kiện, tận tình và cảm thông với hoàn cảnh bà con đã lìa bỏ quê nhà, tha phương cầu thực…

     Nó quá tuổi khi vào lớp một. Nó hãnh diện khi cô giáo cho nó làm lớp trưởng. Mẹ nuôi đã “khai tâm” cho nó bằng những con chữ M.Í.T, C.A.O.S.U, C.H.Ô.M C.H.Ô.M…

     Mùa cây trái đã đi qua, ngoài giờ đi học Nó đi thồ lá chuối, mủ chuối bết những vết thâm đen trên nền vải đã bạc màu. Mùa cao su rụng lá, vỏ hạt và những cành khô là chất đốt, hạt cao su cũng đem lại cho mẹ con nó những đồng tiền quý báu, mẹ nuôi nói để dành mua xe đạp cho Nó đi học. Ôi! Nó nhớ bánh chuối chiên của bà tám N. dù chiên bằng dầu hạt cao su sao mà ngon quá!

     Đạp chiếc xe chớm lên đỉnh dốc, Nó thầy thầy T. cố đẩy chiếc xe thồ sườn mobilette chất đầy những buồng chuối xanh um lên chiều ngược lại, mồ hôi túa ra ướt đẫm trên khuôn mặt khắc khổ của thầy. Bỗng nó lùi vội xe tránh vào bên trong vườn chuối. Nó sợ thầy “dị” với nó, thầy giáo mà cũng lam lủ như nó sao được! Sau này nhắc lại, nó ân hận quá chừng!

………

     Nó tốt nghiệp trung học, thi vào cao đẳng sư phạm. Ra trường, Nó được về dạy ở chính ngôi trường hơn năm năm trước nó từng đi học. Nhưng môi trường giáo dục bây giờ đã khác, mãnh lực kim tiền đã xô ngã bức tường mô phạm lăn chiêng. Những gì các thầy cô làm bình thường ngày trước bây giờ đã khác xa... Nhìn đâu cũng thấy những chuyện không vui. Có phải vì “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm” nên ra nông nổi này chăng?

     Mẹ nuôi đã già. Quê hương bản quán xa vời, Nó quyết định nghỉ dạy, đi làm cu…li!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...