Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

LY TÁN



     Tiếng chuông chùa Viên Giác sáng nay nghe thanh âm thật lạ, tiếng ngân như nghẹn nửa chừng. Mặt trời chưa nhô lên khỏi rừng bạch đàn, chỉ ửng sáng những chòm mây vàng nhạt lững lờ bay trong biến đổi diệu kỳ, le lói tia nắng rực rỡ xuyên qua tàn lá của bình minh.
     Thầy Hương chờ hồi chuông đổ dồn như mọi lần, nhưng lặng lẽ thinh không, cây lá trong vườn không lay động, đàn cò trắng như tan vào trong mây, vỗ cánh hướng vể nơi xa tít…
     Tất cả như ngưng đọng trong thời khắc lạ lùng.
     Tiếng còi xe cứu thương bỗng khuấy động không gian tĩnh lặng, Thầy Hương chợt nhớ về những người bạn rất cũ, dĩ vãng vàng son của một thời trai trẻ, những kỷ niệm gắn chặt vào nhau khó thể xa lìa. Vậy mà càng già càng khó tính hay giận trách, thậm chí ganh tị trong lối sống lẫn phong cách của nhau. Hay từng sở thích, chiêm nghiệm cuộc đời và quan niệm sống của mỗi người nay đã đổi thay?
     Nhưng tình văn nghệ  lại khác, tình thiêng liêng không biên giới, không tuổi tác, “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” nhưng đã thành tri kỷ.
     Tư duy vị kỷ không biết tự lúc nào, đã bào mòn lòng nhân ái, dửng dưng như cỏ cây chỉ cần chút nước chút phân, để bảo tồn sự sống. Ý nghĩ đầu tiên trong sinh hoạt đời thường: “Ta nhận được gì?” đã ngự trị, ăn sâu vào tâm thức, khi từng hành động vang lên như chuông ngân của chùa Viên Giác, mang danh nghĩa phúc lợi cho người.
     Thầy Hương nhìn đám lục bình trôi dật dờ trên dòng kênh trước ngõ, váng nước ánh lên băng hoại của môi trường sống. Những chiếc lá không còn xanh, màu vàng loang lổ nâu đen dội ngược về hướng mặt trời van xin niềm vui sống. Không lẽ chuyện ngày xưa “quýt Giang Nam, Giang Bắc” là đây?
     Lòng người đã đổi thay chăng? Có còn giữ lại khí tiết hay buông xuôi theo dòng nước như đám lục bình kia? Sự e dè nghi kỵ hoá thành phản trắc, vô ơn. Nhân tâm đã ly tán trong lòng những người bạn cũ? Hay chính Thầy đã không còn là mình?
     Những chiếc bong bóng từ đáy kênh trồi dần lên mặt nước, vỡ ra mang theo mùi hôi thối. Đàn cá di cư dần ra cửa sông, dòng nước lợ đã khiến những chiếc vây, vi mềm mại thành dao nhọn hầu chống chọi với phong ba. Bỗng một chiều chúng không còn nhận ra mình đã từng tung tăng trong giòng sông trong vắt ngày nào.

     Thầy Hương cảm thấy thương xót những người bạn rất cũ. Thầy cảm thấu nỗi lòng của đám lục bình lềnh bềnh trên dòng kênh đục ngầu dơ bẩn kia và những con cá đã thích nghi với môi trường không ra mặn, ngọt.
     Sự đố kỵ, ý thức hệ và cực đoan phải chăng đã tách rời những người bạn rất cũ của Thầy? Tính dân tộc và tình yêu tổ quốc chỉ còn là khái niệm xa hoa, mơ hồ. Những khái niệm “nhục quốc thể”, “công xúc tu sỉ”(Indecent Exposure) đã không còn tồn tại trong ý thức của những người cầm cân nẩy mực.
     Nguồn gốc Nho giáo đã phai mờ trong chính gia đình Thầy hay Thầy không thể chống chọi được ảnh hưởng của sự suy đồi trong môi trường đang sống?
     Sách Đại học viết:” Muốn trị quốc tốt phải chỉnh đốn tốt gia đình, gia tộc mình. Người trong gia đình, gia tộc mình mà không giáo dục được thì sao có thể giáo dục được người khác… Một nhà thực hiện nhân ái có thể dấy lên cả nước một phong trào nhân ái. Một nhà thực hiện khiêm nhường có thể dấy lên cả nước một phong tục khiêm nhường. Còn nếu một người tham lam tàn bạo, tất dấy lên cả nước phạm thượng, làm loạn…

     Vậy mà những suy tư của Thầy như giọt nước mát trong vắt  nhưng đã tan loãng theo dòng nước đen ngòm.
     Thầy Hương mong những dòng sông quê hương không còn nhiễm mặn, con kênh hôi thối kia đã xanh lên màu nước yên bình. Khi triều lên, đàn cá tung tăng bơi về tận nguồn suối ngọt.
     Ngoài kia, tiếng pháo đì đùng của nhà ai đang sum vầy trong đêm giao thừa rộn rã. Có phải Thầy đang mơ?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...