Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

VĂN HOÁ ĐƯƠNG ĐẠI



     Bà vợ buông lời chua như dấm:
-         Ông mang hia bảy dặm cũng không theo kịp mấy
Lão đó! Ấy, tôi nói nghĩa đen còn nghĩa bóng thì… xin lỗi!
     Hết thời chinh chiến, ông chuyển qua ba ngành bảy nghề. Dáng người ông cao lớn, đẹp trai, rất nghệ sĩ. Thời chiến tranh, ông theo đoàn văn công đi lưu diễn dưới làn đạn réo, bom rơi.
    Lần nào về cứ, ông cũng tìm cách tiếp cận lãnh đạo. Lúc thì ngâm những bài thơ ngút trời hào khí, hừng hực chiến công, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của chú A, anh Z.
     Ông chưa bao giờ qua trường lớp âm nhạc, chỉ nhờ thiên bẩm. Những chỉ thị, diễn văn của cấp trên, ông biến hóa thành bài ca, bài vè ngân nga trong rừng sâu. Dễ hiểu, dễ trộn lẫn với rau rừng gạo hẩm, qua cơn đói khát.
     Ngày hòa bình, ông được bố trí chức trưởng phòng văn hóa - thông tin quận B. Phòng làm việc sáng choang. Những cây đàn guitar, mandolin, đàn tranh, ống tiêu, ống sáo… treo lủng lẳng trên tường. Đàn piano quí phái, đen bóng, nổi bật bên cạnh bộ salon sang trọng.
     Tủ kính đầy ắp các tác phẩm kinh điển của Ludwig van Beethoven, Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart. Những nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại người Đức và nhiều tác giả danh tiếng khác.
     Ông thật thà: Trưng bày cho đẹp mắt, chứ ba thứ quỷ này không có tác dụng gì. Ông chỉ sáng tác những bài ca phục vụ đời sống thực tế của nhân dân, cảm hứng tùy từng thời kỳ đổi thay của đất nước. 
      Nhạc lý chỉ qua sơ cấp, ông phác thảo ý tưởng, còn lại nhân viên cấp dưới thêm bớt, điều chỉnh cho phù hợp, nhưng bao giờ tên tác giả vẫn là ông.
     Gần cuối đời ông làm to: Viện trưởng viện:“Khai thác tiềm năng văn hoá đương đại”. Trong định nghĩa rộng và phổ thông, đương đại (contemporary) là thời hiện tại, đương thời. Nhưng văn hoá đương thời có gì cho viện ông khai thác?
-         Ông ra đường mà xem, chúng là đệ nhất đẳng cấp,
tầng thượng lưu cao tít. Chúng hơn gì ông chứ? Văn hoá mù mờ, chữ nghĩa không đầy lá mít, bản sắc dân tộc lai căng. Ông thì ki bo chắt bóp, nghiên nghiên cứu cứu, liêm chính cho cố vào, thằng ranh con không gọi ông Khinh cũng gọi thằng Khinh.
     Mụ dấm dẳng buông lời, như chửi bố ông Khinh. Hay cái tên vận vào người?
      Trong suốt chiều dài lịch sử, văn hóa chính là nguồn nội lực của dân tộc, đưa dân tộc vươn tới những giá trị mới của văn hóa đương đại cùng với việc bảo vệ bản sắc dân tộc. Đáng giận khi chúng đang cầm cân nảy mực, mà chúng chẳng hiểu gì về văn hoá, chúng đang ra sức huỷ hoại không thương tiếc. Ông Khinh tự nhủ.
     Ông thầm cám ơn đấng sinh thành đã đặt tên ông phù hợp với thời hiện đại. Ông Khinh, lão Khinh… Tóm lại “ông khinh tất chúng mầy!”. Khi gọi tên Khinh, ông im lặng, lực phản hồi sẽ đưa âm thanh rót chát chúa vào lỗ tai của lũ ngu muội. Ông cười đắc chí: “Ông chửi chúng mầy đấy! Ông khinh chúng mầy đấy!”.
     Người ta lập ra viện Khai thác tiềm năng văn hoá đương đại” cốt để tinh giản bộ máy cồng kềnh. Đáng ngạc nhiên, toàn một lũ hư danh nhưng bằng cấp đầy mình. Không như các viện sĩ hàn lâm cao quý, được bầu. Các viện sĩ của  ông không cần mặc áo đuôi tôm (habit vert), nghiên cứu tự do, bất kỳ nơi nào có chữ “văn hoá”. Thời đương đại, lồ lộ chữ “văn hoá” đầy đường.
     Ông nhớ thời thập niên 80, ông xử một vụ ly hôn. Người đàn bà mắt trợn trừng, xỉa xói, tay chỉ thẳng vào mặt người đàn ông:
-         Ổng lừa gạt tôi. Đồ điêu ngoa xảo trá!
     Người đàn bà kể lể:
-         Ngày ấy cách đây một năm, tôi bán thuốc lá lề
đường, ông ấy bước xuống từ chiếc xe U-oát, mua thuốc xong không nhận tiền dư trả lại. Tôi hỏi làm nghề gì? Ông bảo làm tài xế. Sau đấy, tôi bằng lòng lấy ông. Nhưng sau khi thành hôn, tôi phát hiện ra ông ấy không phải là lái xe, mà là… tiến sĩ.
     Thời trước, Nho giáo tạo nên nhân cách con người, khoa học Âu Tây tạo nên tri thức, nên nghĩ về người hơn nghĩ về mình.
     Cơ quan đã chán, bước chân về nhà như đi tù. Trong tù còn có chút tự do cho ý nghĩ hơn. Không sợ bị tù nữa, vì không có bút để viết ra những gì mình nghĩ. Ông im lặng, sự im lặng là phản kháng, là khinh. Điển hình ở viện ông, có thằng cha nào biết đến thằng cha nào, huênh hoang tự đắc, mặt hất lên trời.
-         Dẹp mẹ nó Viện của ông, toàn một lũ ngồi chơi
xơi nước, ăn hại đái nát, ngồi nhà mát ăn bát vàng. Tôi không còn kiên nhẫn ngồi chờ ông đổi đời!
     Mụ cong cớn, xỉ vả.
     Mụ không gọi tên ông, nên không có lực phản hồi, ông im lặng. Sắp hết đời người, đành phải chia tay. Ông chỉ giữ lại tủ sách thánh hiền cho riêng mình, để ôn cố tri tân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...