Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

QUAY ĐẦU LẠI LÀ BỜ



     Mười bảy tuổi Kiều đẹp mê hồn, biết bao người ngưỡng mộ. Ngoài thời gian đi học, những tụ điểm ca nhạc một thời hoàng kim không thể vắng bóng dáng nàng, tiếng hát của nàng  cao vút như chim sơn ca. Nhưng Thịnh “du côn” khinh khỉnh xem Kiều như cỏ rác. Kiều thề quyết cho thằng du côn Thịnh gục, gục đâu không thấy mà mang bầu con Loan bây giờ.
     Thương thân bạc phận, Kiều thầm trách cha trách mẹ lẫn oán ông Nguyễn Du sao đặt tên Kiều. Tên vận vào người, có mụn con gái tên Loan mong được đẹp đẽ như mình, ai ngờ số phận long đong.
     Những đêm khuya rời nơi phồn hoa đô hội, ánh đèn sân khấu sau lưng, Kiều thui thủi một mình về căn nhà cô đơn của mình. Tình nghệ sĩ chan chứa biết bao, nhưng tri âm dễ có mấy người, tiếng hát lời ca đã nuôi sống mẹ con nàng.
     Loan chưa xong trung học, nghiệp dĩ giống mẹ Kiều ngày trước, thằng Hanh ra đời. Con gái đẹp không bình yên, sự xưng tụng của nhân gian đã khiến em ngộ nhận. Cha mẹ cho em hương sắc, trời lại không ban cho em đủ thông minh để tránh né sự điêu ngoa, gian dối của cuộc đời.
     Mẹ Kiều có kinh nghiệm dạn dày trong tình ái, nhưng không giữ nổi con mình. Thầy Ba lắc đầu:
-         Nhìn sắc diện hai mẹ con, qua biết đời các em
“hồng nhan đa truân” lắm lắm! Cả hai đều có sao hồng loan, đào hoa chiếu mệnh nên tình duyên ngang trái, dở dở dang dang…
     Khỏi phải nói, căn nhà cuối xóm của mẹ con Kiều dập dìu ong bướm. Đời người nghệ sĩ ăn trắng mặc trơn, đi đi về về có người đưa đón, toàn bậc vương tôn. Mụ Tư tạp hóa ngoài mặt tỏ ra ân cần tử tế, nhưng sau lưng lại thì thầm nhỏ to khắp xóm:
-         Loại đàn bà “Đưa người cửa trước rước người cửa
sau” chớ tốt đẹp gì! Mấy bà thấy ai làm đĩ mà xấu không nà?
     Mà lạ thiệt, cô nào cũng trắng da dài tóc xinh đáo để. Chồng mụ Tư thậm thụt muốn ặn tươi nuốt sống mẹ con Kiều, nhưng khi “chộ” nàng trước mặt vợ lại tỏ ra đứng đắn như thầy tu, quay lui lật đật bước lên lầu đóng cửa nhìn trộm thân hình bốc lửa của Kiều, rồi tưởng tượng ra cảnh ái ân, tâm hồn phơi phới lơ lửng như lên mây.
     Lão Tư đang thời sung mãn, dư ăn dư để rửng mỡ. Bia ôm gái gú đủ điều, nhưng lão thật sự chết mê chết mệt em Kiều. Có lần vợ lão nằm bệnh viện mấy ngày, không biết ma xui quỷ ám thế nào mà lão cầu mong mụ vợ chết phứt cho rồi!
     Lão tìm cách “gạ” Kiều bằng tấm lòng tỏ ra hữu hảo:
-         Thấy mẹ con em đơn chiếc, nếu có gì cần anh sẵn
sàng giúp một tay! Tiền bạc anh không thiếu, nếu em…
     Nói xong lão ôm đại Kiều để thỏa lòng ấp ủ bấy lâu nay. Kiều từ tốn ấn thân hình phì nộn xuống ghế nệm dài êm ái, vòng tay thô bạo của lão ghì chặt chiếc eo thon rồi xoa dần xuống bờ mông khêu gợi chết người, nhìn đôi vú  trắng hồng lồ lộ như hỏa diệm sơn của nàng, khiến lão đê mê ngây ngất. Cơn hưng phấn bùng lên dữ dội, trời sập cũng không ngăn được lão…
     Lão ngất ngây dư hương. Lão mơ màng nhớ những nụ hôn gợi cảm, tiếng rên siết gợi dục không thành lời, chỉ còn ú ớ bản năng, lão buông mình theo cảm xúc, mặc kệ đời. Lão choáng ngợp trong hào quang mông muội, ngu si, chạy theo dục vọng, khát khao mê đắm…
     Nhưng chiếc trâm cài đầu trong bàn tay mượt mà của Kiều ấn vào bụng lão, mũi kim nhọn hoắt thốn tận tâm can. Nàng nhìn lão bằng đôi mắt nhung, hồn nhiên dịu vợi. Dáng đi kiêu sa của nàng đến bên quầy rượu, đôi ly thủy tinh chạm nhau, thoang thoảng hương nồng rượu Martell khiến lão tỉnh người. Ánh mắt nàng thân thiện ngọt ngào, lão như lạc vào thiên la địa võng, càng khiến lão điên người.
     Lão đã từng hùa theo lũ ngợm nhân danh công lý, một lũ bất tài công kênh sản phẩm văn nghệ thối tha, đồng tình hò reo vinh danh. Một lũ nịnh nọt tệ lậu vây quanh, một lũ hài nhảm nhí làm băng hoại, tiêm ảo giác, khiến bao trẻ thơ viêm não. Đến nỗi từ kẻ vô thần, lão sùng kính thần quyền mê đắm.
    Lão Tư sửa lại thế ngồi, nhìn quanh phòng khách. Bức tranh nàng Mona Lisa đang nhìn lão với nụ cười bí hiểm. Trong tủ, những cuốn sách cả đời lão chưa hề biết: “Tập truyện ngắn” của A. Chekhov, “những mẩu chuyện ở Peterburg” của Nicolai Vasilyevich Gogol, “Tội ác và trừng phạt”,“Anh em nhà Karamazov” của F.M.Dostoevsky, tập truyện ngắn của Guy De Maupassant…
     Những tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh như Đường Xưa Mây Trắng, Cửa Tùng Đôi Cánh Gài, Am Mây Ngủ, Trái Tim Mặt Trời… gáy sách mạ vàng, trang trọng và hàng loạt các tác giả từ sâu trong đáy lòng, lão đã từng kính ngưỡng…
     “Thiền tông quan tâm đến kinh nghiệm chứng ngộ, đả phá mọi nghi thức và lý luận về giáo pháp. Hãy tọa thiền để kiến tính… Đặc trưng của thiền tông: Giáo ngoại biệt truyền (truyền giáo pháp ngoài kinh điển), Bất lập văn tự (không lập văn tự), Trực chỉ nhân tâm (chỉ thẳng tâm người), Kiến tính thành Phật (thấy chân tính thành Phật)…”
     Lão như lạc vào mê cung, nhìn lão chúi đầu vào những trang sách giống con ếch bà hai tay đỡ đầu, mồ hôi rịn ướt đẫm trên vầng trán thấp lòa xòa mái tóc đã chớm ngả màu, nhưng càng đọc lão càng không hiểu.
     Ý nghĩ về Kiều đã xoay chiều, lão đâm vị nể nàng. Lão nghe đâu đó: “Hơi thở giống nhau, giàu nghèo do số mệnh nhưng nhân cách hơn nhau là nhờ có văn hóa!”.
     Mụ Tư tạp hóa ngạc nhiên quá, lâu nay mụ không thấy “Tư mập” đọc sách báo gì, bỗng dưng ôm về một mớ toàn sách dày cộm. Lão không biết đọc tiếng tây, nên những tác giả lão thấy trong tủ sách nhà Kiều chỉ nhớ lõm bõm, lão tìm khắp nhà sách to bự trong thành phố, không thấy cuốn nào từa tựa, lão đành mua đại.
     Nhưng đọc sách phải có niềm đam mê, học được ở sách vô vàn điều lý thú. Nhưng đọc và cảm thụ một tác phẩm văn học lại là điều không dễ dàng gì, những tác giả vĩ đại đã trao tặng cho người đọc “đôi hài vạn dặm”, “thiên lý nhãn” tuyệt vời.
     Tư “mập” ngồi nghiêm chỉnh lật từng trang sách, mùi mực in còn thơm nồng trên giấy trắng trinh nguyên, những con chữ nhảy múa thách thức, quả thật lão gặm không vô.
     Lão chán ngấy khi trà dư tửu hậu, mà nghe đàm đạo văn chương. Đôi khi lão cũng tỏ ra mình có máu văn nghệ, bằng cách kể các chuyện đời tư không hay ho gì của ai đó lão nghe lóm được, rồi cười hề hề tự tán thưởng. Đối với lão tiền là quan trọng nhất, đề tài ưa thích là khoe khoang thành tích và sự giàu có của mình.
     “Cái tôi” là mẫu số đáng nguyền rủa, mẫu số càng lớn giá trị phân số “nhân cách” càng bé.
     Tư “mập” vớ đại tác phẩm của một nhà văn nữ, nghe tên đã thấy mê rồi: Nhã Tiên, lời văn bình dị mà sâu lắng nghe chừng như tự sự. Chuyện kể về một người con gái đồng bằng sông Cửu Long, qua bao thăng trầm, gian khó của cuộc đời nhưng vẫn giữ cốt cách của người dân miệt vườn bao dung và đầy lòng nhân ái. Đã lâu rồi lão mới thấy lòng mình bồi hồi thương cảm và tiếc nuối gấp sách. Chân dung tác giả ở bìa sau trông rất quen thuộc, lão la lên: Cô Kiều!
    Nhà Kiều bị vườn cây che khuất, chỉ thấy được ánh đèn như sao mai trên mái vòm, lúc bình minh chưa lên. Phương đông ửng hồng, cũng là lúc ánh đèn mờ dần trong sương sớm. Những đám mây bay qua rõ nét, trên nền trời xanh thẳm, chớp mắt đã biến dạng.
    Áng mây hình con ngựa đang tung vó, bỗng chốc nhạt nhoà. Mang theo cả ký ức xa xôi ngày nào mới chợt hiện về, đã bay theo gió.
     Trong những lần theo đoàn quân hướng về Tây Bắc, lão đã gặp người con gái cưỡi ngựa trên đồi, chiếc khăn piêu ngan ngát hương, đẹp tinh khôi như hoa ban rừng. Lão đã từng tưởng tượng mình là chàng Khum lang thang đi tìm nàng Ban, hoa ban nở trắng núi rừng.
     Có lần trong lúc cao hứng, Tư “mập” kể:
-         Em đưa tôi về mường,  nhà sàn bề thế của dòng
họ Xa danh giá một thời, em chưa “tằng cẩu”(búi tóc). Em “khắp”(ngâm, đọc thơ) và múa say mê, lòng tôi ngẩn ngơ :
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
(Tây tiến - Quang Dũng)
     Phảng phất đâu đây mùi hương hoa cỏ dại, từ những cánh rừng xanh bạt ngàn. Những ngôi nhà sàn thấp thoáng ven bờ suối, hoa ngũ sắc  bay bay trong gió. Em mời “láu xá”(rượu cần), chưa nhắp mà lòng tôi đã say men!
     Lão Tư giật mình, không lẽ chốn quan trường đã làm thui chột tâm hồn trắng trong và tình yêu thi ca thánh thiện của lão? Niềm tin yêu và cuộc sống đích thực lâu nay bị chôn vùi bỗng bùng lên mạnh mẻ, quyền năng nào đã chế ngự và dìm chết tâm hồn thực sự yêu văn chương của lão? Đã lâu rồi lão đâm ra hèn nhát, cảnh giác không dám bộc lộ tư tưởng và bản chất phóng khoáng của mình, dù với người thân cận nhất.
     Phong cách và nhân sinh quan của Kiều đã làm sống lại tâm hồn người của lão. Lão thấy lòng lâng lâng muốn giã từ sự hào nhoáng giả tạo đã đi qua trong cuộc đời mình. Cả đời lão Tư “mập” gom lại chỉ toàn là sự dối trá, đối phó với chính những người đồng liêu của mình. Đôi khi lão áp dụng kế “kim thiền thoát xác” của Tôn Tử để che dấu hành tung, nhưng cuối cùng chỉ còn là hư ảo, không giá trị bằng vài dòng chữ trong chiếc tủ sách kia của Kiều. Có khi: “Quay đầu lại là bờ…”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...