Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

BÀ NỘI TÔI



     Tôi còn nhớ rất ít về bà, nhưng những gì tôi nhớ bây giờ không còn thấy nữa!
Trong nhà bà có quyền uy tuyệt đối, từ bác Hai đến cô Út ai cũng nhắc về bà với tấm lòng yêu kính thật sự.
     Ông nội tôi là nhà nho lỡ thời, chuyển sang học nghề Đông y của cụ Tú Nhì, nhưng chỉ được trả công bằng cặp gà, cặp vịt hay nải chuối, buồng cau… Chuyện nông tang, nội trợ bà tôi lo tất, thậm chí lễ nghĩa gia phong cũng lại là bà.
     Ông nội răn đe bác Hai và cha tôi:
-         Vợ chồng phải tương kính như tân, đàn bà là nội
tướng tề gia nội trợ. Đàn ông như cái nhà, đàn bà như cái cửa. Liệu mà ăn ở cho phải đạo.
     Bác cả đã có râu, vậy mà khoanh tay cúi đầu, kính cẩn lắng nghe lời nội dạy, hỏi sao cha và các chú tôi không sợ. Huống gì con trẻ như tôi?

     Tôi được yêu quý nhất nhà, nhưng bà tôi chưa hề tỏ lời âu yếm với tôi như mẹ và cô út. Bà lặng lẽ quan sát, nghiêm nghị dạy bảo tôi nhiều điều. Có lần bà gọi bác dâu và mẹ tôi ngồi lại bàn ăn sau bữa cơm chiều. Nội nói:
-         Gái có công, chồng không phụ. Phụng sự gia tiên
nhà này là bổn phận của ta và các con. Ta chỉ cần các con cố giữ nề nếp gia phong tộc Lê nhà ta. Với con cháu: Thương yêu nhưng không được nuông chìu.
     Hình ảnh ông bà nội còn lại trong  tôi thời ấu thơ bình dị biết bao. Dấu ấn đầu đời của tôi nhớ về bà: Bà nghiêm nghị nhưng bao dung, bà là gà mẹ vĩ đại, bà như những cây cột cái trong căn nhà ngói cổ ba gian của nội dưới hàng cau cao vút, là bức bình phong chè tàu, là hàng tre gai rậm rì chắn gió sau nhà. Đứa cháu nào chuẩn bị gia thất, bà cũng có món quà nhiều ý nghĩa tặng riêng cho cháu rể hay cháu dâu. Không biết bà dành dụm từ lúc nào, nhưng lần nào cũng một chỉ vàng y.
     Còn ông nội là người đàn ông tài tử phong lưu, xướng họa ngâm thơ, đọc sách thánh hiền. Hình như ngoài bàn thờ gia tiên, án thư, bắt mạch bốc thuốc khi có ai đến nhờ vả hoặc dạy bác chú cô tôi học hành, ông không hề biết đến cái gì trong nhà. Kể cả gần đến ngày giỗ chạp ông bà, ông cũng không nhớ. Nhưng bà nội tôi không quên ngày nào…
     Đôi khi tôi nghĩ bà nội tôi mồ côi. Đến năm lên mười, tôi được  theo cha về chạp mả bên ngoại của người, tôi mới biết bà nội tôi cũng có anh em, dòng họ. Vậy mà quanh năm suốt tháng, bà nội tôi quần quật với ruộng đồng, chuông heo, ao cá… lo toan công việc nhà chồng!

     Ngày nay, chế độ mẫu hệ chỉ còn ở người Chăm và một số dân tộc Tây Bắc, Tây Nguyên. Dù phải sống trong môi trường cô lập khắc khổ, nghèo đói nhưng bản sắc dân tộc của họ còn được bảo tồn thông qua trang phục truyền thống, quan hệ cộng đồng và tập quán lâu đời.
     Xã hội càng văn minh nhưng nền tảng văn hóa dân tộc ngày càng mai một, chỉ sản sinh giống người vong bản, lai căng.
     Hình như những gì không có thực luôn được đề cao và xưng tụng. Nam nữ bình quyền thật sao hay chồng chúa vợ tôi? Giá trị của người phụ nữ dân tộc tôi chưa bao giờ lại tệ hại và đáng thương như lúc này. Họ không có gì để ước ao về tương lai, chỉ mong chờ rủi may của phận gái thuyền quyên mười hai bến nước.
     Đàn ông là tôi, có còn là hình tượng đáng ngưỡng mộ và tự hào của “phái yếu” dân tộc tôi hay là những robot ngu ngơ và hèn nhát?

     Nhìn di ảnh ông bà nội, tôi xấu hổ với bề trên và với chính mình. Gia đình là tế bào của xã hội ư? Con cháu tôi học được gì trong môi trường học đường ngoài con chữ, nhưng con chữ còn ngả nghiêng theo vũ điệu kim tiền. Có học được gì khi xã hội ngày càng băng hoại về đạo đức và truyền thống tổ tiên? Những tế bào ung thư ngày càng di căn vào tâm não mất rồi.

     Bà nội tôi nếu được tái sinh có lẽ sẽ đầu thai làm ánh trăng rằm, lung linh trên nền trời xanh thẳm, chỉ để chúng tôi ngưỡng vọng và dát vàng những con đường làng quanh co của quê nội tôi thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...