Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

CÂY DỪA CẠN TRÊN CÁT(*)



     Kể từ ngày chị Hai xa quê, vào thành phố này tha phương cầu thực. Chị “kinh doanh” hàng ngàn thương hiệu, đủ chủng loại. Chị phân loại hàng hoá chính xác, như người phát minh ra nó. Chị rành rẽ đường đi nước bước, hang cùng ngõ hẻm. Ai sang giàu, hèn mạt, đình chùa, miếu mạo, chợ búa nơi nào. Ai không biết, hỏi chị. Các nhà xã hội học cũng nên tham khảo ở chị.
     Chị buôn ve chai, có nơi gọi là đồng nát. Chị người miền Trung nhưng thích từ “đồng nát” hơn. Chị nghĩ đồng nát nghĩa  rộng hơn ve chai. Ai bán gì chị cũng mua, ai bỏ gì chị lượm. Chị thẩm định giá cả thị trường, không sai một đồng. Mất một đồng là mất bữa cơm trưa. Đêm về nhà trọ, tự xoa bóp đôi chân mỏi nhừ, chị trầm ngâm như một triết gia, ngóng về nơi chị ra đi, mẹ già hơn tám mươi vẫn còn lam lũ, ba đứa con tuổi ăn tuổi học.
     Chồng mất sớm khi thằng út vừa thôi nôi. Gửi con cho bà ngoại, chị đi buôn đường dài. Từng bao tỏi Lý Sơn, theo xe cùng chị vào tận Saigon. Ngày ấy tỏi Lý Sơn chưa nổi tiếng như bây giờ, nhưng cũng đem về cho chị những đồng tiền lời quý báu. Người ta buôn lậu bằng cả container không sao, chị chỉ có hơn nửa bao tải tỏi, quản lý thị trường “thu mua” của chị như ăn cướp.
     Vay mượn thêm ít vốn, chị buôn heo. Chị quen anh Ngộ -  lái xe tải, chị trải chiếu góc thùng xe, nằm chung với bầy heo, nước đái khai rình, hắt vào chỗ chị. Dù đã canh me, nhưng qua trạm Phú Tài, heo mẹ heo con bị lùa xuống đường cùng chị. Chị khóc hết nước mắt, nếu cần trao đổi gì, chị cũng cam lòng. Tấm thân xác xơ còn nghĩa lý gì.
     Anh Ngộ nhìn chị mà lòng xót xa, anh chỉ là người làm công lái thuê. Từ trong sâu thẳm, sự quý mến người đàn bà tần tảo, một nắng hai sương đã trỗi dậy trong anh lòng thương yêu lẫn ngưỡng mộ. So với vợ anh, chị đáng trân trọng biết chừng nào! Anh làm được đồng nào, vợ ở nhà hết số đề đến tiêu hoang mua sắm những thứ vô bổ, con cái nheo nhóc. Nhiều lần anh muốn chia tay nhưng con còn nhỏ dại, đành cam chịu.
     Anh bước xuống xe, nhìn những rọ heo con lăn lóc kêu eng éc, anh đến bên trạm gác tay run run kéo điếu thuốc ra mời, giọng như cầu khẩn:
-         Gia tài chị ấy chỉ bấy nhiêu thôi, chị còn đàn con
nhỏ dại, xin anh tha…
     Người cán bộ “quản lý thị trường” nhếch mép:
-         Không lo làm ăn chân chính, chỉ ham đi buôn lậu!
Thôi nhé, nói chị ấy vào thanh toán thu mua.
     Anh Ngộ quay lui, bước đến chỗ chị Hai, đôi mắt hằn lên những tia máu căm uất. Người đàn bà rủ rượi, cầm trên tay những đồng tiền nhàu nát không đủ tiền xe, như kẻ không hồn.
     Anh mời chị lên ca-bin, gom hết tiền lương vừa nhận trước khi lên đường, anh ân cần trao hết cho chị. Chị nhìn anh, rồi đẩy nắm tiền về phía anh, ôm mặt khóc nức nở.
……….
      Chị chia từng gói nhỏ: tiền trọ, tiền gởi về mẹ, tiền học phí cho con. Khi chưa gởi, chị nghĩ ra cách cho vay kiếm lời. Cho vay cũng là hình thức giữ tiền, hẹn gần tết sẽ lấy lại về quê. Bà Tám tạp hoá có uy tín, nhưng bà vỡ hụi trốn biệt.
     Chị ngồi bó gối than thầm, đôi mắt trủng viền quầng thâm đen của những đêm mất ngủ, trông chị hốc hác đến tội nghiệp.
     Anh Ngộ có người em trai đang theo học ngành công nghệ ở Saigon, biết được nghề sang băng đĩa. Đầu thập niên 90, các băng Cassette của các hãng TDK, Maxell, BASF, Sony, JVC, Nakamichi, VHS Casette… cùng với sự phát triễn của kỹ thuật số, kỹ thuật ghi âm, ghi hình, các băng đĩa CD, VCD, DVD… ra đời. Từ băng đĩa gốc được sang in hàng ngàn bản khác, chưa bao giờ nghề này lại phát đạt và dễ ăn như bấy giờ.
     Chị chuyển nghề sang bán đĩa CD,VCD… chị vô cùng sung sướng sau mỗi ngày, ngồi xếp và phân loại những đồng tiền kiếm được gấp trăm lần đi thu mua “đồng nát”.
     Quê chị nghèo, hướng tây núi non trùng điệp, phía đông biển khơi dạt dào sóng vỗ, nhưng “đất cày lên sỏi đá”. Người dân sống mộc mạc và hồn nhiên như con còng gió, như cây dừa cạn. Miền quê Sa Huỳnh (Đã tìm thấy các dấu vết của văn hóa Sa Huỳnh lần đầu vào năm 1909 bởi nhà khảo cổ học người Pháp Vinet. Trước đây, địa danh này có tên là Sa Hoàng, song vì chữ hoàng trùng tên với chúa Nguyễn Hoàng nên đổi lại thành Sa Huỳnh). Bãi cát vàng trải dài viền làn nước biếc trong xanh như ngọc bích, những bãi san hô với đàn cá lượn lờ sắc màu muôn vẻ… Núi rừng xanh um cảnh hoang sơ kỳ ảo.
     Chị vay thêm tiền mua được căn nhà nho nhỏ tận Hóc Môn, khi đã ổn định chị đưa ba đứa con vào Saigon. Anh Ngộ còm cỏi không còn dáng vẻ phong lưu như những ngày lái xe đường dài. Chị Ngộ đã ôm cầm sang thuyền khác từ ngày người ta cấm xe tải cũ lưu hành, để bốn đứa con lại cho anh. Chị nhìn anh xót xa, chị đề nghị anh cho cháu Nhung – con gái út vào Saigon đi học cùng các con chị.
     Anh nhìn chị thở dài:
-         Cô phải còn nuôi mấy cháu ăn học, gánh vác thêm
nặng nhọc làm gì, gia đình tôi cũng tạm ổn. Khi nào cháu thi đại học sẽ nhờ cô.
     Chị nhìn lên bàn thờ, các bài vị phủ khăn điều không di ảnh, chị thắp hương cầu nguyện cho gia đạo anh bình an. Chị lén để xấp tiền dưới chân chiếc lư hương lâu ngày không nhan khói. Bé Nhung đi học về chào người khách lạ, chị Hai ôm cháu vào lòng, mới đó mà đã mười lăm năm, kể từ ngày chị bị lùa hết đàn heo cũng là ngày bé Nhung ra đời.
     Anh Ngộ ngạc nhiên quá chừng, nhà trường không hề nhắc nhở thằng Di và con Nhung đóng học phí. Không lẽ gia đình anh thuộc diện hộ nghèo nên được nhà Nước quan tâm? Anh cũng không dám lên trường để hỏi. Hai đứa lớn bỏ học ngang xương đi làm thợ hồ, nay Đà Nẵng mai Huế lâu rồi không về.
     Chị không hiểu được lòng mình, có yêu thương anh Ngộ hay chỉ cảm kích tấm lòng nhân ái của anh trong hoàn cảnh khốn cùng ngày nào. Cuộc sống và mưu sinh chật vật cứ cuốn hút chị đi, đêm về chị vùi mình vào giấc ngủ quên hết mọi thứ, còn tơ tưởng gì đến hạnh phúc riêng tư…
     Khi chuyện sang băng đĩa không còn “tự do” như trước, chị Hai chuyển nghề bán vé số dạo. Cái nghề mời mọc phải cười cầu tài, dáng người thon gọn với nước da trắng bóc khiến bao đàn ông tán tỉnh vây quanh. Chị an nhiên, những đứa con là niềm vui sống của chị.
     Vậy mà ba đứa con chị Hai đều tốt nghiệp đại học. Ngày chúng nó ra trường, dáng chị gầy nhỏ nhoi như cây dừa cạn trên cát, đứng bên con, nhưng đôi mắt chị rực sáng như hai vì sao.





(*) Dừa cạn hay hải đằngdương giácbông dừatrường xuân hoa, hoa tứ quý. Trong y học cổ truyền, các chất chiết ra từ loài dừa cạn này đã được sử dụng để điều trị một số bệnh, như bệnh đái đường, sốt rét và bệnh Hodgkin. Các chất như vinblastin và vincristin chiết ra từ cây này được sử dụng trong điều trị bệnh máu trắng. Nó có thể gây nguy hiểm nếu uống,  có thể gây ra ảo giác dưới tên gọi Vinca rosea

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...