Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

DU CANH DU CƯ



     Chị than như dao đâm:“- Hết tiền!”. Không phải lần đầu và chưa là lần cuối. Tám Lầm rơi từ mái nhà, gãy giò trong lần leo lên lợp lại miếng tole. Hết trung tâm chỉnh hình bó bột đến rượu thuốc xoa bóp, chân hắn cứ đơ ra. Cái cần lo thì xụi lơ, chị sớm hôm chắt chiu dành tiền định nâng nền nhà. Hai năm nay, mỗi lần triều cường nước rịn vào lội tới mắt cá.
     Tám Lầm làm thợ hồ, cuối tuần được đồng nào nhậu be bét, về nhà khật khà khật khưỡng, vợ lo chăm sóc lau mặt lau mày, cháo đậu xanh giã rượu ăn được miếng nào nôn thốc nôn tháo, vậy mà chứng nào tật đó. Được cái tám Lầm hiền khô, vợ ca cẩm, giận lẫy hắn im thin thít.
      Không biết trời thương thế nào, trong lần lãnh sửa căn nhà cũ thời Pháp, tám Lầm lượm được hơn chục cây vàng, hắn đùm về đưa vợ. Đã không cám ơn của trời cho, chị còn dắt hắn đi trả lại cho người ta. Chị thắp hương lên bàn thờ, rồi khấn:
-         Của phi nghĩa bỏ ngoài sân, của phù vân để
ngoài ngõ. Nam mô A Di Đà Phật!
     Tiếng chuông ngân nga như phụ hoạ tấm lòng an nhiên không màng của rơi của vợ chồng chị.
     Nhờ số vàng được trả lại ấy, ông Giáo Lân mua tàu vượt biên. Từ nước ngoài canh cánh nỗi nhớ khôn nguôi, hình ảnh đôi vợ chồng nghèo nhưng thật thà tám Lầm, căn nhà vách ván nhô ra dòng kinh đen ngòm ngày nào, vương vấn mãi trong lòng gia đình ông bà Giáo.
     Mong ước được một lần về thăm lại chốn xưa, con kinh Nhiêu Lộc ngày nào, những căn nhà vách ván đơn sơ mái tole hoen rỉ nhô ra ngoài, trên dòng nước đen ngòm mang theo bao nhiêu chuyện bi hài lẫn cặn bả của cuộc đời nghèo khó. Ngày ấy, dân tứ xứ tránh bom tránh đạn xô giạt về ngụ cư dọc hai bên bờ kinh, tìm kế mưu sinh. Giới thượng lưu “Hòn ngọc viễn Đông” không thể ngờ có những làng chài xác xơ, rải rác trong thành phố, gia tài là chiếc ghe chằm vá đủ thứ vật liệu trên đời, tấm lưới và con chó.
     Ông bà giáo Lân tìm lại xóm cũ người xưa, cuộc đời dâu bể biết đâu mà lần. Bờ kè và đường nhựa song hành hai bên bờ kinh Nhiêu Lộc đã xoá hẳn dấu tích một thời của Saigon. Người ta mơ một ngày rất gần, dòng kinh băng qua thành phố sẽ là dòng sông Seine lững lờ giữa kinh thành Paris hoa lệ, nhưng tầng lớp lầm than như gia đình tám Lầm thành dân Digan, du mục ngay trên đất nước mình vốn trưởng thành từ nền “văn minh lúa nước” lâu đời.
     Không còn ai lam lũ trong xóm nghèo ngày xưa để hỏi, hơn hai mươi năm đủ để sang trang một số phận, một cuộc đời. Ông giáo Lân tần ngần nhìn dãy phố sáng choang ánh đèn đường, những nhà cao tầng và hàng cây soi bóng trên mặt nước xanh loang loáng, ông xăm xăm đi về căn nhà đã cũ. Người đàn ông luống tuổi, da mốc thếch hắng giọng:
-         Ông tìm ai?
-         Cho tôi hỏi, ngày xưa…
     Chưa dứt lời, người đàn ông quay ngoắt, bỏ lại sau lưng: “Làm gì có chuyện ngày xưa…”.
     Ông giáo thở dài, bà nắm tay ông bóp mạnh. Nỗi niềm riêng biết tỏ cùng ai, bóng song đôi của hai ông bà lúc trước, lúc sau theo ánh đèn như đèn cù, xoay tròn trên vỉa hè lót gạch sạch bong, thay thế cho đám sú, vẹt ngày nào.
    Vợ chồng tám Lầm trôi giạt về miệt Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Vợ bán bún riêu, con gái nhỏ đã thành gia thất. Nghề thợ hồ vẫn suốt đời đeo bám, từ ngày gãy giò hắn thề không nhậu nhẹt, sức khoẻ phục hồi dần dà có của ăn của để.   
     Đứa con gái lớn tên Dung quen anh chàng Việt kiều David Nguyễn, nom cũng hiền lành, nghe đâu tốt nghiệp bác sĩ bên Mỹ về đây tham gia chương trình y tế thiện nguyện.
     Hôm ra mắt thiệt là vui, Dung biểu ngồi là ngồi, biểu đứng là đứng. David Nguyễn vòng tay như cậu học trò nhỏ, nói lí nhí không đầu không đuôi, tám Lầm mặc quần xà-lỏn tiếp khách. Chị Tám dẹp quán, lăng xăng chạy ra chợ mua về con vịt quay với mấy ổ bánh mì. Chị nghĩ Việt kiều không biết ăn cơm, tám Lầm đem ra chai rượu đế Gò Đen rót ra hai ly mời khách, Dung biểu hắn uống hắn mới dám.
     Tàn tiệc, David đứng dậy lễ phép:
      - Con yêu Dung.
     Dung và chị Tám không rượu mà má ửng hồng, tám Lầm hỏi tới:
-         Cha mẹ làm gì?
-         Dạ, retire! Dung phiên dịch là nghĩ hưu, còn trách
nhẹ cha nó:
-         Ba làm như công an xét hỏi.
-         Nếu ưng, về mời cha mẹ qua đây.
     David “Dạ!” dễ thương hết sức.
     Dung thuê cho cha bộ đồ veston, đôi giày đen nhọn mỏ, chiếc cà-vạt nhờ hàng xóm thắt thít ngang họng, tám Lầm thở khò khè, luống cuống như gà mắc tóc. Chị Tám mặc chiếc áo dài tím ngát, cũng đã lâu chị không có dịp chưng diện nên hơi ngượng nghịu, nhưng trông như cô nữ sinh Đồng Khánh ngày nào. Họ chuẩn bị đón nhà trai từ Mỹ về “chạm ngõ”.
     Sau khi thưa gởi chuyện trăm năm cho con trai, nhìn cảnh nhà đơn sơ của tám Lầm, lòng ông thân sinh David Nguyễn bỗng nhiên hào hứng:
-         Thưa, gia đình anh gốc nơi nào?
     Tám Lầm ú ớ nhìn sang chị Tám. Chị rót nước mời ông bà khách, khẽ khàng thưa:
-         Từ hồi chiến tranh, gia đình cháu rời quê quán
miền Trung vào Saigon lập nghiệp. Dạ, từ đó đến nay sống chỗ này mai chỗ khác, hoàn cảnh tụi cháu đâu thể lựa chọn chỗ ở cho riêng mình.
-         Sao ông bà không về quê quán?
-         Ra đi cũng mong có ngày khá hơn để về, nhưng
cảnh đời tụi cháu như nước chảy bèo trôi, được chăng hay chớ!
     Ông khách đăm đăm nhìn chị Tám, khuôn mặt này nhất là giọng nói phả ra theo vành môi, mang hơi hướm thật thà, gợi lên từ ký ức cũ kỹ của ông sao quen thuộc quá!
    Tự nhiên ông bật ra:
-          Tám Lầm…
    Tám Lầm ngạc nhiên hết sức, ngồi thẳng người tò mò nhìn ông khách. Chị Tám tròn xoe mắt, không hiểu sao ba David lại gọi tên chồng mình.
    Ôi! Vợ chồng ông giáo Lân đã tìm gặp lại cố nhân.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...