Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

MẸ TÔI



     Tôi không tưởng tượng được đó là mẹ tôi. Ba  tôi đang ở đây, trên bàn thờ. Mẹ tôi ngoài chợ với cá mắm, dưa hành và hầm bà lằng hương vị, người không ưa phải bịt mũi.
     Cả đời mẹ lam lũ vì mấy chị em tôi. Từ năm lên mười tôi đã lê lết ngoài chợ cùng mẹ, ba tôi chạy xích lô máy. Chiếc xích lô cũng là “Mobile-home” của gia đình tôi. Cuối tuần, ba gom hết mấy mẹ con đưa đi “picnic” chỗ này chỗ nọ. Lúc lên vườn cây trái Lái Thiêu, khi vào sở thú, Tao Đàn hay về quê ngoại Gò Công, Tiền Giang.
     Quê ngoại tôi là vùng đất thiêng, nơi Từ Dụ hoàng thái hậu (Nghi Thiên Chương Hoàng hậu) ra đời. Bà là chính thất Quý phi của vua Thiệu Trị, thân mẫu vua Tự Đức. Bà Từ Dụ nổi tiếng về đức hạnh, biết yêu quý thần dân và giỏi dạy con.
     Có khi mẹ tôi là hậu duệ của bà, nên dù học hành chẳng đến đâu nhưng gia đình tôi nề nếp, các em chăm ngoan. Tôi là chị lớn, chưa hề khóc vì nghịch ngợm của các em tôi. Ba mẹ chỉ hành nghề lao động bình thường, nhưng chị em tôi được học hành tử tế, tôi không hề mặc cảm với bạn bè ở trường hay ra chợ.
     Vậy mà bà ấy theo mẹ về nhà, tự xưng là mẹ ruột của tôi! Bà ở đâu khi tôi chập chững và lớn lên từng ngày trong căn nhà đơn sơ nhưng ấm tình của ba mẹ đã nuôi tôi khôn lớn?
     Mẹ thắp hương lên bàn thờ ba, lâm râm khấn vái điều gì đó, mẹ khóc. Mẹ khóc nhớ ba tôi hay khóc vì gặp cảnh trớ trêu này?
     Tôi dửng dưng nhìn người đàn bà lạ mặt, người ta nói nếu có tình máu mủ, lòng sẽ rung lên, mắt sẽ rưng rưng, tim sẽ thổn thức. Nhưng tịnh không, lòng tôi lạnh ngắt, mắt tôi ráo hoảnh, tim tôi đập bình thường…

     Tôi đã mười bảy tuổi đời, tôi không dũng mãnh để bẻ gãy sừng trâu, nhưng tôi là lao động chính từ ngày ba mất, sau đó mẹ bị tật nguyền vì tai nạn giao thông.
     Chiếc cyclo máy là bảo vật, là người bạn thuỷ chung của gia đình tôi, như con chó Kiki. Nó đã cùng ba tôi rong ruổi vạn nẻo đường, từ con hẻm nhỏ đô thành Saigon ra xa lộ, đến tận quê ngoại xa xôi. Nhưng đành bán đi để có tiền cho chị em tôi ăn học.
     Người đàn bà ấy là chị ruột mẹ tôi. Mười mấy năm nay không hề lai vãng. Bà ấy đã có một gia đình sung túc, bà ấy đã sống trong nhung lụa, bà ấy đã lên xe xuống ngựa, kẻ hầu người hạ. Vậy mà thình lình tìm đến căn nhà nghèo nàn của mẹ con tôi.
     Nhìn hai người, tôi thương xót mẹ tôi quá chừng, mẹ tôi  gầy guộc bên cạnh người đàn bà quý phái và nung núc mỡ. Bà ra vẻ sụt sùi lấy khăn chặm mắt, nhìn tôi:
-         Thật lòng con không biết mẹ là mẹ ruột của con?
-         Chị Hai đừng hỏi. Mẹ ôm chầm lấy tôi như sợ
mất, trả lời.
     Tôi chợt nghĩ và niềm căm hận không biết từ đâu bỗng ùa về, tôi định hét lên:“Bà đã giàu có mà còn tham lam định cướp con người ta!”. Nhưng nhìn mẹ đang thổn thức, tôi im bặt.
     Đường bê tông trước nhà hắt lên cái nóng ngột ngạt của buổi trưa chớm hè, tôi đạp xe đến trường đón cu Sâm, thằng em út được sinh ra sau ngày ba mất được bốn chín ngày, lòng tôi ngổn ngang trăm mối. Mẹ đã đón nhận nuôi khi tôi chưa tròn một tuổi, để bà đi theo ngã rẽ đời mình. Vậy ba tôi là ai?

     Giáng sinh năm 1986, mùa biển phương Nam sóng yên  gió lặng, người đàn ông một thời yêu đương, một thời hoa mộng của bà đã ra đi, để lại cho bà chiếc mầm khốn khổ là tôi.
     Bà theo người tình mới về miền nào đó xa xôi, mẹ tôi nói giọng và tính cách của bà ấy đã khác xưa. Nét dịu hiền, đa cảm hình như biến mất sau ánh mắt quắc lên, khi không vừa ý điều gì. Bà đã được đổi đời, đổi cả nhân tính, vô cảm và vô ơn.
     Nếu bà ấy thật là mẹ đẻ và cật ruột của mẹ tôi, sẽ không đay nghiến khi lòng mẹ tôi đang đớn đau, khốn khổ. Bà hăm he có đủ quyền lực, thậm chí đòi xét nghiệm ADN  chỉ để giành lại những gì không thuộc về bà.

     Tôi đã trưởng thành và có quyền lựa chọn. Có thể thân xác  này do bà ấy sinh ra, nhưng ba mẹ nuôi dạy tôi từ ngày còn đỏ hỏn, dù thanh bần nhưng ba mẹ đã cho chị em tôi quá đủ đầy. Có thể tôi như cây cỏ không tên họ, lất lây sống nhờ mưa nắng của trời, tôi không thể được như em bé Stiêng đen đúa kia, ngủ bình yên trên lưng mẹ, dù sống nhờ lòng bố thí.
     Tôi oán hận bà ấy chăng? Nhìn dáng vẻ tôi cứng cỏi, nhưng đêm về lặng lẽ khóc thầm. Tôi ham học và sắp thi tốt nghiệp, nhưng con chữ cứ nhảy múa rong chơi, không chịu vào tâm não.
     Tôi bước vào cổng trường với tâm trạng mộng du, tôi khoanh tròn chữ “nhân bản” trong đề thi. Nhân phẩm và tự do của mỗi con người quanh tôi có đưa tính nhân bản của xã hôi ngày càng phát triển hay lụi tàn? Chịu ảnh hưởng của giáo dục, nhân văn đi sâu vào văn hoá, còn bản chất của “nhân bản” lại chịu nhiều ảnh hưởng từ cộng đồng và xã hội.
     Tôi trả lại tờ giấy trắng cho thầy giám thị. Tôi thi hỏng.

     Lại xuất hiện người đàn ông bên cạnh người đàn bà.   
     Khi chạm mặt, ánh mắt của người đàn ông khiến lòng tôi xốn xang. Sự lịch thiệp và nụ cười của ông, tôi không diễn tả được nhưng ấm áp lòng mình. Trái ngược hẳn thái độ trịch thượng của người đàn bà.
     Lời xin lỗi mang theo hơi hướm ăn năn có chạnh lòng người mẹ tội nghiệp của tôi? Tôi đã đọc đâu đó lời của nhà phân tâm học Sigmund Freud: “Mặc cảm Oedipus, đứa trẻ chưa trưởng thành, thể hiện sự quý mến người sinh thành thuộc giới tính khác mình nhưng lại đố kỵ và căm ghét với người cùng giới”. Nhưng tôi đã mười tám tuổi.
     Trong tôi đã hình thành một thế giới quan lạ lùng. Mẹ tôi và hai người kia, mỗi người là một hành tinh. Mẹ tôi hiền như trái đất, dù dẫm đạp bao lần vẫn bao dung, vẫn mang niềm vui sống cho đời. Người đàn bà kia, như sao chổi lượn lờ, mang theo bao điều hắc ám, muốn đâm sầm phá nát cuộc sống an bình của mẹ con tôi. Người đàn ông như vầng trăng lúc ẩn lúc hiện, rải ánh lụa vàng khắp nhân gian, chở che và chạy vòng quanh.

     Đêm đã thật khuya, nhớ lại lời phân trần của người đàn ông và đề nghị bảo lãnh đưa tôi sang Mỹ, khiến lòng tôi bâng khuâng. Tôi quay sang bắt gặp ánh mắt của Mẹ, như gà mẹ khi gặp diều hâu và im lặng.
     Tiếng dép lệch xệch kéo lê của Mẹ từ ngày bị tai nạn tôi đã quen tai, nhưng đêm nay thanh âm nghe chừng như thổn thức, nghèn nghẹn. Mẹ nằm xuống bên tôi, choàng cánh tay khẳng khiu ôm tôi vào lòng, bầu ngực no tròn chứa chan dòng sữa cho chị em tôi ngày nào, đã lép kẹp.
-         Mẹ nghĩ kỹ rồi, em Sâm đã lớn lo cho mẹ được,
con nên nghe lời ba con. Ông ấy chỉ lo lắng cho tương lai của con thôi. Còn chị Hai, dù sao con cũng là núm ruột của chị ấy, mẹ giúp chị ấy nuôi con đến tuổi trưởng thành…
     Những giọt nước mắt của Mẹ rơi vào khoé môi tôi mặn chát, tôi khóc oà ôm siết Mẹ vào lòng. Nhìn lên trần nhà, mờ mờ sau màn sương của nước mắt, tôi bắt gặp đôi mắt của bà ấy, đôi mắt của hổ mẹ lạc bầy con, lòng tôi bỗng  dưng tràn ngập nỗi xót xa…

     Tôi quyết định sang Mỹ, có thể tôi muốn trốn chạy nghịch cảnh đời mình, nhưng điều tôi ý thức nhất không phải vì tương lai của tôi mà vì Mẹ và cu Sâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...