Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

TÁM DÔ



      Thằng cha nào không nói “dóc”, Tám Dô càng dóc dữ nhưng không xạo. Nhớ hồi tám Dô làm “quản gia” cho ông anh vợ, thời nhà đất dậy sóng phất lên vùn vụt, anh vợ mua năm ba cái nhà, sửa sang tô phết định bán lại kiếm lời. Ổng giao cho vợ chồng Tám Dô cai quản cùng bầy chó Phú Quốc khôn đáo để, dữ dằn nhưng trung thành hết biết. Con nào cũng có xoáy trên lưng, bàn chân có màng như vịt, chỉ có tật hay đào bới lung tung.
     Một lần đãi thợ có cả nam lẫn nữ, Tám Dô nổi hứng đọc thơ: “Con bò có một cái u. làm trai một vợ là ngu hơn bò!”. Ai dè cô vợ đứng sau lưng, đàn bà nổi máu ghen phải biết, chì chiết hành hạ Tám Dô thiếu điều muốn nhảy lầu. Tám Dô chỉ vì “Thần khẩu hại xác phàm”, chớ mấy chục năm kết nghĩa phu thê, chưa một lần phụ bạc, đôi khi cũng vớ vẩn trăng hoa đâu đó ngoài đường, chứ không đóng dấu, ký tên như ông anh vợ trời ơi.

     Tám Dô có biệt tài kể chuyện, nghe ai kể hay hay hợp khẩu vị ảnh nhập tâm liền, lúc bù khú với anh em những câu chuyện tám Dô góp vui, ai cũng cười rần rật.
     Năm mười ba tuổi, tám Dô bỏ học theo du kích, làng Hòa Qúy thuộc Hòa Vang, sát nách Đà Nẵng. Cách năm cụm Ngũ Hành không đầy hai cây số, nhìn ra biển Đông xanh ngát màu trời.
     Tám Dô chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, bom đạn cày xới làng quê Hòa Qúy tan hoang. Tám Dô cùng bọn trẻ con trong làng lân la đến đồn lính Mỹ xin đồ hộp, gạo sấy. Lính Mỹ xoa đầu lũ trẻ con, “Baby no Vici!”. Tám Dô “Oke Salem”, anh lính da đen Michael ngây ngô kéo Tám Dô vào lòng, quả lựu đạn xanh nghít màu ô-liu phản chiếu tia sáng dịu mát dưới ánh nắng chiều, đẹp như món đồ chơi hấp dẫn bọn trẻ, Tám Dô lẹ tay giấu quả lựu đạn vào túi quần treilli  rộng thùng thình đã cắt cụt hai ống.
     Chiến lợi phẩm đầu đời đã ghi chiến công và đưa Tám Dô cùng lũ trẻ vào đội ngũ du kích, các anh lớn dạy chúng cách gài lựu đạn.
     Trời hừng sáng về phía biển, sau năm ngọn núi Ngũ Hành, đất trời còn đang giao hòa sáng tối, Michael vướng vào dây cước, quả lựu đạn màu ô-liu rùng mình phát nổ, thân hình Michael hứng trọn những mảnh gang vụn chết người. Michael ôm mặt lăn lộn trên đám ruộng khô khốc, gào lên gọi mẹ “Mom, Mom…”, vang dội cả làng quê nghèo xơ xác, hàng tre cũng ngậm ngùi xào xạc lá sẻ chia.
     Tám Dô tham gia nhiều trận chống càn, xém chút nữa bỏ mạng sa trường. Trong mắt Tám Dô không có lính nào “ngu” như lính Mỹ, cao lênh khênh,  hành quân như đi dạo bắn chim, mắt xanh lè ngơ ngơ ngác ngác. Nhiều lần Tám Dô đưa súng lên định “tắc cù”, nhưng nghĩ về anh lính Mỹ da đen Michael gào lên gọi mẹ ngày nào, nên thôi.
     Cái hầm sau nhà thiệt độc, ông già Tám Dô đào tránh bom đạn từ khi thực dân Pháp còn hiện diện, hầm sâu dưới bụi tre già rậm rì, đầy gai nhọn hoắt, thông ra đến hàng tre dọc bờ sông Mân Quang.
     Sông Vĩnh Điện nối từ sông Thu Bồn, Quảng Nam chảy qua Hòa Vang đến Tứ Câu về hạ lưu qua Mân Quang, Hòa Quý. Bà con cũng gọi là sông Tứ Câu hay sông Cái, đến Cổ Mân hợp lưu với sông Cẩm Lệ để tạo nên sông Hàn xuôi về cửa Đà Nẵng ra biển Đông.
     Làng quê Hòa Quý vẫn còn dư âm của Tết năm Ất Tỵ (1965). Một buổi chiều trong giờ ra chơi, Tám Dô chứng kiến máy bay Mỹ thả bom rơi lạc vào trường tiểu học Mân Quang. Chỉ một trái bom đã cướp sinh mạng của 45 mầm non vô tư lự, Tám Dô thề quyết trả thù.
     Thù chung chưa trả, thù riêng đã khiến Tám Dô càng say máu: Anh trai duy nhất của Tám Dô hy sinh trong trận chiến không cân sức, ở miền núi Hòa Vang.
     Tám Dô xung phong vào quân chủ lực. Vừa tròn mười sáu, Tám Dô cùng tiểu đội cảm tử tiến công vào sân bay Đà Nẵng, trong đêm giao thừa tết Mậu Thân. Tất cả đều hy sinh, chỉ riêng Tám Dô bị bắt sống vì súng hết đạn. Những xác chết cả “ta và địch” nằm vắt lên nhau. Quay nhìn về hướng phi trường, những đụn khói đen nghịt cuộn tròn mang theo biết bao linh hồn máu đỏ da vàng, về nơi xanh thẳm mênh mông…

     Không hiểu sao, nhìn bộ mặt non choẹt của Tám Dô, tên  lính Mỹ áp tải “Oke Salem”, hắn moi một đống đồ hộp bày ra trước mặt Tám Dô. Nhìn tay hắn khui hộp bánh, nước miếng Tám Dô ứa ra, bấy giờ mới thấy cái đói cồn cào. Hắn đưa miếng sô-cô-la vào miệng Tám Dô, ngoạm miếng quá to, Tám Dô nghẹn họng. Hắn hoảng hốt, quay tìm lon cocacola, dòng nước ngọt lịm đả thông cổ họng.   
    Tám Dô như thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên, vài anh lính Cộng hòa vỗ vỗ vai, một anh lôi từ ba-lô chiếc áo lính khoác lên thân hình khô đét, trần trụi của Tám Dô.
     Máy bay đưa Tám Dô ra Phú Quốc làm tủ binh. Gần hai năm sau, Tám Dô được thả. Cha mẹ già khóc hết nước mắt, cho Tám Dô học nghề mộc tại xưởng gỗ ông già vợ bây giờ. Duyên nợ kiếp nào, ông già nhận Tám Dô làm rể.
     Ông anh vợ cùng tuổi, đâu khác thân phận Tám Dô. Chiến trường càng ác liệt, đôn quân càng bạo. Đang học giữa chừng, lệnh tổng động viên đưa ông anh vợ trời ơi vào quân đội.
     Ai dè, Việt cộng cũng bị bắt lính. Tám Dô không một mảnh giấy lận lưng, tống vào Trung tâm 1 nhập ngũ. Sau ngày hòa bình, Tám Dô bị quy thành phần hồi chánh.
………

          Tám Dô kể có lần ở trong hầm cùng chị ba Đủ. Chị lớn hơn Tám Dô mấy tuổi, chị bị thương nhẹ nhằm ngay ngực phải, máu ra dầm dề. Tám Dô nhìn quanh rồi xé toạc chiếc áo vải tám đen của chị để băng bó, chị lấy hai bàn tay che ngực, mặt đỏ rực trong tranh tối tranh sáng, Tám Dô lần đầu tiên nhìn thấy bầu ngực trắng ngần, cặp vú mơn mởn thanh tân của chị đẹp hơn bầu vú mẹ, nhưng lòng Tám Dô không hề nghĩ gì hơn.
     Mãi sau này, khi Tám Dô biết tin chị ở bên kia sông Hàn, hỏi nhà tìm đến thăm, chị vẫn không chồng lại cụt một chân. Chị nhận con của hai Dư làm con nuôi. Anh hai Dư là anh ruột chị, lính nghĩa quân chết trận trong ngày gần tàn cuộc chiến.
     Tám Dô có tật ai nhờ việc gì, cố làm bán sống bán chết, trời cho sức khỏe hơn người. Tuổi đã “lục thập” vác tạ gạo khỏe re, đi làm phụ hồ chủ nào cũng thương, nhưng không trả nổi tiền thuê nhà và thuốc thang cho vợ. Ông anh vợ trời ơi thương tình mua cho căn nhà cấp 4.

     Đang khỏe mạnh, ai ngờ Tám Dô mắc bệnh ung thư. Nhìn cái đầu tóc cứng như rễ tre vẫn còn đen mượt giờ trụi lủi, ông anh vợ trời ơi quay mặt khóc thầm. Đã bao năm rồi, đôi lúc Tám Dô nhận mình là du kích, đã từng chôn xác đồng đội dưới ruộng đồng, bìa rừng, bãi cát ven sông Thu Bồn, bên bồi bên lở. Tha phương vào tận Sài Gòn, bám víu vào tấm bằng liệt sĩ của ông anh, tìm cách mưu sinh. Ngồi với bạn bè của ông anh trời ơi, thì tự nhận mình là lính trinh sát sư đoàn 3 trong những ngày tan hàng, miền Trung khói lửa. Sao vậy hở trời!

     Được hơn tám tháng, Tám Dô về với ông bà…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...