Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

NGOẠI TÔI


     Bà quẹt nước trầu đỏ thắm rịn khóe môi, tuổi chưa già nhưng mắt đã hom hem, bừng sáng mừng rỡ:
-          Tổ cha mi!
     Tôi ôm chầm lấy ngoại, bà nắm cả hai tay sợ tôi chạy mất, dắt vô nhà. Ngoại chỉ có mình thím tôi. Quê nội tôi bên kia sông, biền dâu xanh ngắt, đò ngang cách trở thím ít khi về. Tôi mồ côi mẹ khi chớm lên ba. Ngày thím chưa có thằng Mẹo, thím cưng chìu tôi hết mực thường dắt tôi về thăm bà, tôi có bà ngoại, ngoại cũng thương tôi.
     Chú thím tôi, như bao nhiêu người nông dân chất phác khác ở quê tôi. Không đẩy đưa, không biết khách sáo là gì.
    Thằng Mẹo, con chú. Nhỏ hơn tôi bốn tuổi. Làng tôi có tục gọi cha mẹ theo tên đứa con đầu lòng. Cha tôi gọi là anh Tí. Chú thím tôi, gọi chú thím Mẹo. Riết rồi tôi cũng không biết tên thật của chú thím tôi là gì.

     Cha tôi ở xa – tôi ở với ông bà nội. Đất hương hoả giao cho chú canh tác, lấy hoa lợi cúng giỗ, chạp mả hằng năm. Nhà chú đơn sơ, tre bụi sau nhà, rạ sau mùa gặt. Hầu như các vật dụng bằng tre trong nhà đều do chú làm, từ cái chõng, mành mành, cái bồ, phên (cót) dựng quanh nhà, trét cứt trâu phơi khô, sọt tre, đòn gánh…
     Có khi hơn mười ngày, thím mới quảy gánh đi chợ. Cõng theo vài con gà, trái bí, trái mít xuống chợ huyện, mua về các thứ cần dùng. Những đứa con chú tôi, cứ vô tư ra đời. Ba năm hai đứa. Từ thằng Mẹo, con Tỵ, con Hà, bé lớn, bé nhỏ, thằng Hợi anh, thằng Hợi em (hai đứa sinh đôi). Ông nội tôi trầm ngâm : “tam nam bất phú, bay ráng đẻ thêm một thằng hay con chi cũng được. Bốn thằng thì tứ hổ, năm con thì ngũ long công chúa, bay mới phát ”. Đến ngày ông nội tôi quy tiên, chú tôi vẫn nghèo. Ngày càng nghèo hơn xưa.

    Thằng Mẹo xong tiểu học, thi vô trường công lập hỏng. Chú nói: “Văn chương chữ nghĩa chẳng hay, trở về làng cũ học cày cho xong”. Không có thằng Mẹo cặp kè đến trường, không có thằng bặm trợn là nó, hay bênh vực tôi. Tôi năn nỉ ông nội cho nó đi học, ông nội la chú quá trời. Ông nói :”Học dã hảo ? Bất học dã hảo ? Học giả như hoà như đạo, bất học giả như cảo như thảo” (Học là tốt hay không học là tốt, kẻ có học như lúa như thóc, kẻ không học như rác như cỏ - Khuyến học).
     Cha tôi có dì Nhung, ngày thành hôn cha với dì tôi được mặc đồ đẹp, mang giày. Dì Nhung ôm tôi vào lòng, nhưng lòng tôi không ấm. Ánh mắt sắc và những móng tay dài sơn màu đỏ chót của dì làm tôi sợ.
     Chưa bao giờ tôi thấy chú thím to tíếng với nhau, tôi tò mò rình chú có hôn thím như cha với dì Nhung không. Tôi thấy hai người ngủ riêng hai chỏng mà sao…
     Dù hôn, nhưng cha và dì Nhung hay to tiếng với nhau, ông bà nội thở dài. Ông nói:”hai trái tim xa nhau quá, nên phải nói to mới nghe”.
    Rồi một ngày bà nội tôi đau nặng, thím tôi tất tả chăm sóc, thuốc men. Có những đêm rất khuya, bà nội trở mình rên rẩm, đã thấy thím. Tôi không biết thím ngủ lúc nào?
    Ông nội nhắn cha tôi về. Cha vào buồng, cầm tay bà nội, nhìn quanh, rồi la lối om sòm:
-         Thím làm gì không lau rửa cho mẹ? Hôi quá, đau
 nhẹ cũng thành nặng!
    Thím tôi rơm rớm nước mắt, bụm mặt, chạy ra sau hè.
    Cha lấy tiền đưa cho ông nội, ông nội không cầm. Rồi cha và dì Nhung lại đi.
    Mấy ngày sau, bà nội tôi qua đời.
……

     Nghỉ hè, tôi giục thím về thăm ngoại. Bến đò đã lở sâu vào biền dâu hơn trước, những rễ tre trắng muốt dập dềnh theo con sóng vỗ bờ, chiếc đò ngang mỏng manh tròng trành  lướt nhẹ theo tay chèo sang bến Cửu Đàm. Mái ngói đỏ au nhà ông Cửu nổi bật sau hàng cau, bầy chim sẻ líu ríu trong không gian tĩnh mịch của buổi trưa yên ắng. Thím tôi không biết cha mình. Tôi hỏi bà về ông ngoại, bà chậm rãi nhai trầu, mắt đăm đăm nhìn về cõi nào xa vắng, vứt bả trầu bà ôm choàng lấy tôi hôn lên tóc, rồi buột niệng:
-         Tổ cha mi!
     Ngoại tôi mới gần năm mươi, nhưng với tôi ngoại đã quá già, vò võ một mình trong căn nhà tranh lụp xụp, bước vào tôi phải cúi đầu. Mảnh vườn con với vài cây mít, cây ổi, rau thơm… Hàng cau cao vút không biết trồng tự thuở nào, hoa cau vàng ươm trong nắng. Nhìn ngoại, lòng tôi dâng lên nỗi thương cảm vô bờ và tự hứa khi công thành danh toại, tôi sẽ về đón ngoại tôi, cùng sống với tôi và tôi tự hào rằng tôi có ngoại.
……..
     Ông nội tôi - ông Tú trẻ của làng quê nghèo hiếu học thương ngoại. Vì môn đăng hộ đối, ngoại tôi không thể với đến mâm son. Nội thiết tha đêm mong ngày nhớ ngoại, có những đêm nội bơi qua sông, dưới gốc mù u trái chín rụng lăn tròn, ngoại khóc hết nước mắt. Tóc ngoại thơm trinh nguyên mùi bồ kết, không thể kết tóc se duyên nội ngoại tôi viên mãn tròn trịa như trái mù u.
     Nội tôi theo kháng chiến, ngoại lấy chồng…
     Ông ngoại cũng đi biền biệt, nghe đâu ông hy sinh trong trận càn năm 49, mất xác. Thím mồ côi cha bằng tuổi tôi mồ côi mẹ. Dù bà nội không bằng lòng, nhưng ông nhất quyết chọn thím làm dâu, có khi nào ông nội tôi chuộc lại lỗi lầm xưa?

     Công chưa thành danh chưa toại, tôi đã vào quân đội. Đời lính ngược xuôi theo chiến trường dậy lửa, tôi không còn định hướng được cuộc đời mình. Tôi quên mất lũy tre làng, quên luôn cả ngoại.

     Những ngày trong quân y viện, vết thương bắp chân sưng tấy, tôi bị cưa mất hai chân. Ngoại tôi ngồi đó, lưng đã còng thấp hơn xưa, đưa mắt u uẩn nhìn tôi, đôi môi run run như định nói điều gì. Tôi uất ức, muốn hét lên trong nước mắt:”Con không nuôi được ngoại nữa rồi!” 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...