Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

SƯỚNG “CÙ LẦN”



     Hai Sướng cố cạy hòn đá nằm ngăn mạch nước, ai dè cả tảng đổ sụp đè hai chân gãy ngang ống quyển. Đời chó đẻ, đùm đế vợ con lên cái xứ khỉ ho cò gáy cũng không yên.
     Sáu Sướng nghe tin anh mình bị nạn vội bỏ hết chuyện nhà, lận lưng tiền bán mấy con heo lên bệnh viện thăm nuôi anh. Ông bà cả Di không biết có ý gì mà đặt tên con toàn chữ S: Hai Sương, ba Sanh, bốn Sự, năm Sung, sáu Sướng…
     Ra đời cách nhau năm một, ngũ hổ tướng thời Thục Hán dũng mãnh ít ai bì nhưng năm thằng con nhà cả Di hiền khô. Chậm chạp nhất trong nhà, ít nói siêng làm là sáu Sướng, nên ông cả Di gọi là Sướng “cù lần”!
     Cù lần là động vật hiền lành, khờ khạo hay còn gọi con cu li, xấu hổ, khỉ gió. Sống vào ban đêm, ngày ngủ. Khi gặp tiếng động hay người chỉ biết cuộn tròn thân mình, dùng hai tay che kín đôi mắt. Đối với cù lần khi không thấy gì, nghĩa là không có gì nguy hiểm cả.

     Từ hai Sương đến năm Sung, khi đủ lông đủ cánh thì bay, đứa vào tận Saigon đứa lên cao nguyên đứa ra miền Bắc. Hầu như từ chăm sóc cha mẹ đến việc trong nhà ngoài ngõ, chỉ mình sáu Sướng “cù lần” lui cui quán xuyến.
     Nhiều lúc bà Cả than thầm:“Trong nhà suốt ngày không nghe tiếng nói!”. Ông Cả chúi mũi vào mấy cuốn sách với bình trà, còn không thì vác cuốc ra đồng hoặc khề khà với mấy ông bạn già. Nhưng chỉ cần nghe bà ho nhẹ một tiếng hay rêm mình rêm mẩy là hai cha con quýnh quáng như gà mắc đẻ.

     Từ hôm Sướng “cù lần” đi, hai ông bà than ngắn thở dài. Đêm nằm cứ trở mình khó ngủ, ông cả chắp tay sau đít đi tới đi lui, làm bà sốt ruột:
-         Thằng Sương có chi không hè? Hắn đi ba tám
ngày rồi, ông có nghe hắn nói gì không?
     Ông Cả chỉ tay vào cái điện thoại cùi bắp của Sướng “cù lần” để lại ở nhà:
-         Hắn nói không sao!
     Thật ra lòng ông cũng lo ngay ngáy, ngày nào ông cũng lật qua lật lại cái điện thoại, nhưng nó như cục gạch nằm êm ru. Có khi nó hết pin rồi không chừng!
     Bà Cả không biết ổng nói “hắn” là thằng nào, thằng Sương hay thằng Sướng? Hồi còn nhỏ cũng lo, đến khi có vợ có con lại càng lo hung! Không biết chết rồi có còn mang nỗi lo theo không? Càng nghĩ lung, bà càng nhớ mấy đứa cháu nội quay quắt…

     Năm kia Sương dắt hai đứa con lớn về, gầy nhom đen như mọi núi. Bà Cả dụ ở lại với bà, nhưng hình như chúng nó học thói cù lần, lấy hai tay che hai con mắt không nói không rằng.
     Thời ông bà còn trẻ, cả làng nổi đình nổi đám quanh năm. Chuyện đồng áng mỗi năm chỉ có hai mùa tháng ba, tháng tám vậy mà vẫn sung túc an vui. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai cờ bạc, tháng Ba hội hè…”. Bà con cả làng như gia đình lớn, tình làng nghĩa xóm thắm đượm gắn bó keo sơn. Tình người đáng lý ra phải lan tỏa và thăng hoa theo ân tình cuộc sống, nhưng sao cứ nhạt dần như nước ốc luộc lần ba, lần tư…
     Hôm kia, ông Hương Giảng chết không có người khiêng quan tài, trẻ trai “thoát ly” ruộng đồng bỏ lại bọn già như bó củi khô. Bây giờ bếp núc xài Gaz, thân gỗ mục dần lên rêu lên mốc theo nắng theo mưa.
     Mái ngói âm dương của căn nhà sống đã bốn đời, cứ mỗi ngày một tàn tạ, chằm vá đủ kiểu bằng những tấm nylon nhiều màu sắc, nghe như reo phần phật thở than khi trời trở gió. Thế hệ nối tiếp như đám con ông, ngày càng nghèo càng khổ lấy đâu tu bổ từ đường.

     Sáu Sướng “cù lần” bỏ túi xách lên chõng tre, mồ hôi túa ra ướt đầm lưng áo. Bà Cả hỏi dồn hỏi dập:
-         Hắn ra răng? Khỏe chưa, khi mô hắn dzề? Mấy
đứa nhỏ mô, răng mi không dắt về một đứa? Ông ơi là ông, cái thằng…
     Bà khóc bù lu bù loa, ông Cả ngồi lặng thinh vân vê điếu thuốc lá đã tắt ngấm từ lâu.
     Hai Sương đã chết vì nhiễm trùng, qua hai lần mổ ghép xương. Sáu Sướng lấy hai tay che mắt như con cù lần, nuốt nước mắt mặn chát vào trong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...