Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

ĐỔI ĐỜI



     Anh chị Hai: chồng chính, vợ phụ. Nghề thợ xây như dân Digan, “người đi xây những công trình, nhà cao cửa rộng là mình ra đi”. Ba đứa con ở quê nhà, con Hạnh lớp mười, thằng út lớp ba. Thằng Minh ở giữa, chưa xong lớp tám bỏ ngang, làm công nhân lò gạch.
     Không như cánh thợ trẻ, chiều thứ bảy lãnh lương góp nhau nhậu đã đời, gọi là bồi dưỡng sau một tuần cật lực.
     Anh Hai chở chị về ngang chợ, mua vội bó rau, ký thịt mỡ nhiều hơn nạc, kho mặn chát với tiêu. Dành cho tuần tới.
     Căn phòng mười hai mét vuông hình như quá rộng, chỉ có chiếc giường đôi, bếp lò cùng mấy cái nồi cũ kỹ. Anh bắc ghế ngồi trước phòng trọ, đôi mắt buồn hiu nhìn xa xăm. Mùi xào nấu ngào ngạt thơm, băng qua cửa sổ, xộc vào mũi anh. Anh thở dài nhớ về các con, “nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”.
     Chị đứng sau lưng anh lúc nào không hay, mắt đỏ hoe. Chị lấy chéo khăn lau, cười méo xẹo:
-         Nấu xong bữa ăn, khói trộn lẫn mồ hôi cay xè!
     Chị ấp úng:
-         Tui định hết tháng về với mấy đứa nhỏ, sắp khai
giảng rồi. Đầu năm học “căng” thiệt à ông! Hơn nữa, tui…
     Chị kéo tay anh, má ửng hồng pha trộn ráng chiều, mặt trời khuất dần bên kia con kênh, nước đen ngòm.
     Con đã vào trường, bụng chị nhô lên lum lúp. Thằng Minh chạy về như cơn lốc, hơ hãi:
-         Ổng bị sập giàn giáo, té gãy xương…
Chị như Từ Hải, chết đứng. Chưa kịp dặn dò con
Hạnh, hàng xóm đã đến đầy nhà, ai cũng xăng xái cho chị mượn tiền, người nhiều lắm cũng chưa tới năm trăm, nhà quê lấy đâu ra. Chú Tam lột chiếc nhẫn một chỉ, định để dành đám cưới cho con trai. Bà Năm “kẹo” thường ngày khó ưa, lẳng lặng mở túi yếm gài hai lần kim băng, lôi ra xấp tiền đủ loại, đếm được hơn một triệu.
     Thằng Minh đèo mẹ ra quốc lộ, đường làng qua mấy cơn mưa, trơn như thoa mỡ, chị bấu chặt lưng con. Xa xa, ánh đèn pha của những chuyến xe xuôi ngược, quét trên mặt đường nhựa còn đọng nước mưa, phản chiếu vệt sáng chói mắt. Thằng Minh loạng choạng, quăng mẹ hắn cái ịch trên bụi cỏ ven đường còn ướt đẫm. Chị Hai chống hai tay vào eo, cúi gập người thở dốc. Cơn đau tức từ bên hông lan dần xuống bụng dưới, chị nghe như có dòng điện nóng hổi, nhơn nhớt lăn dài theo đùi chị.
     “Họa vô đơn chí”. Chú Tam ngồi rầu rĩ nhìn con Hạnh. Ngoài trời trắng xoá cơn mưa dầm. “Ông tha mà bà không tha, làm cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Mọi năm quê mình chỉ có lụt, lụt mang phù sa bồi đắp ruộng đồng, hạt gạo còn thơm mùi lúa mới. Bây giờ mới có lũ, lũ của lũ không có trái tim người, phù sa cuốn theo hoa màu và sinh linh ra biển.
…….
     Anh Giáp, con bà Năm “kẹo” bàn với mẹ bán nhà, cả vườn với mấy sào ruộng, ra thành phố sống. Dầu gì ở phố vẫn hơn, không lo mất mùa, không lo bão lũ, nhất là tình trạng an ninh thôn xóm. Bầy gà mái với hai con gà trống, chuẩn bị giỗ cha, một đêm tụi nó quất sạch, không một tiếng kêu. Làng quê không còn yên bình.
     Bà Năm nhìn lên bàn thờ:
-         Nỡ nào bỏ ông bà, tổ tiên mà đi hả con. Bảy Lung
xóm trên, đùm đế nhau đi rồi cũng về bám mảnh đất này đó thôi!
-         Mẹ nghĩ coi, từ việc nước, việc làng đến khuyến
nông, khuyến học đều nhờ “những người con xa quê”, mang tiền về đóng góp. Quê mình ai cũng quanh năm đầu tắt mặt tối. Có ai khá không, có ai nghĩ ra phương kế gì để thoát nghèo hay chỉ trông chờ như chờ viện trợ?
     Xã thuần nông mà hạt giống trời ơi, phân bón lại gặp phân giả, phá nát ruộng đồng. Thuốc trừ sâu thì sâu không chết, chỉ cây lúa chết. Ông tỉnh, ông huyện có qưởn đâu mà về nghe mẹ kể chuyện tào lao.
     Anh Giáp bực mình:    
-         Mẹ thấy không? Nhà mình nay mai không biết
dọn đi đâu! Cả làng này quy hoạch. Người sống, người chết đều tái định cư. Có gì yên đâu mẹ?
     Anh nhìn xa vắng, bên kia con mương, nhà Hai Ân le lói ánh đèn hiu hắt. Điện cuối nguồn hết hơi, bóng đèn 60w thấy rõ sợi dây tóc vàng khè. Tháng nào cũng phải đóng tiền điện méo mặt. Ban ngày sáng trưng, ban đêm ẩn hiện như ma.
     Con Hai Ân có tài câu lươn. Mới mười tuổi đầu, đã biết pha chế món cháo lươn với mẹ, ngon hơn đặc sản Nghệ An. Hắn tuốt lấy thịt lươn, xương lươn luộc lấy nước để nấu cháo. Rang gạo vàng thơm. Hành băm nhỏ phi với dầu ăn, tiêu, bột ngọt, dầu điều, nước nghệ, ớt bột. Múc cháo ra bát và thêm phần thịt lươn đã xào, rắc rau răm cùng hành lá cắt nhỏ, thêm gia vị cho vừa miệng, vắt chanh, trộn đều, ăn nóng. Ai cũng khen ngon.
     Hai Ân an ủi vợ:
     - Hắn cần học hành gì? Tiền đâu cho học phí, áo quần đồng phục, quỹ này quỹ nọ. Như anh Giáp, con bà Năm “kẹo”, xong đại học, trơ mỏ!
     Hai Ân lý sự:
     -  Ai đời thằng không học hành gì, lại hơn thằng có học. Thời bây giờ muốn yên phận và tiến thân, em phải dạy con, rành hai thứ…
     - Thứ gì?
     - Câm và điếc.
     - Con mình học hành giỏi giang, khôi ngô tuấn tú…
     - Nhưng chúng nó đã được quy hoạch rồi. Đồng ruộng lúa xanh rì, hạt gạo thơm và địa vị xã hội không dành cho chúng nó. Mà dành cho con ông cháu cha.
     Trời sang đông, mưa phùn gió bấc. Không rét lắm nhưng khó chịu, mùa này chỉ ngồi chơi rồi quơ đại củ khoai, củ sắn lót bụng. Hồi trước, mấy bụi tróc (dong riềng) trồng  đầy ranh vườn, bây giờ mất giống. Cứ nghe ai trồng cây gì, nuôi con gì phất lên, từ huyện đến xã hô hào tìm mua giống cho bằng được, không cần biết có phù hợp thổ nhưỡng, tập quán, khí hậu quê mình hay không. Nông nghiệp lụi tàn dần, dòng sông ô nhiễm không còn trong xanh. Cá tôm cũng tìm đường thoát nạn.
     Chú Tam dắt thằng Minh vào thăm cha nó. Vừa xuống bến xe, người đông như kiến cỏ, ông cháu lớ ngớ bị giật mất túi xách đựng mấy bộ đồ đã cũ, may không mất tiền.
     Anh Hai bị gãy mấy xương sườn, tay cầm bay bó bột treo lên cổ. Nhà thầu cũng có lương tâm, chăm lo cho anh qua cơn nguy kịch. Chú Tam xin xuất viện, đưa hai cha con anh Hai về quê. Chị Hai sau ngày hư thai, sức khoẻ kém đi thấy rõ, da xanh tái như thiếu máu, càng ngày sợ gần đàn ông.
     Không biết cơ trời thay đổi tốt lên hay không. Bờ  sông bên lở bên bồi, biền đất bồi đắp cả trăm năm nay bỗng bị xói mòn dần, trôi tuột theo dòng nước đục ngầu, hung hãn.   
     Bên kia sông mọc lên khu du lịch sinh thái, ruộng đất bị thu hồi, đền bù rẻ mạt. Dân làng Tây như gà mắc tóc, ôm mớ tiền vào khu tái định cư ngồi bó gối ăn dần, vô công rỗi nghề sinh ra lắm chuyện đau lòng. Anh Thắng, thằng Minh được nhận vào chân bảo vệ của công ty Huỳnh Hoang – chủ đầu tư. Thằng dốt khi có quyền hành đâm ra hống hách dễ sợ, cặp mắt thằng Minh hất lên trời. Ông thầy Phú già xin bứng cây khế bằng tuổi ông sang nơi ở mới, hắn quát tháo như hắn là chủ nhân ông:
-         Tất cả đã được đền bù, lấy tiền rồi, bây giờ là của
nhà nước.
     Anh Hai đã khoẻ, được tuyển vào đội thi công. Đội thi công của chủ đầu tư có khác, mặc đồ lao động có phù hiệu sau lưng, bao tay, nón bảo hộ vàng kệch. Lỡ té giàn giáo cũng không sao, không bị chấn thương sọ não.
     Con Hạnh được cho đi học khoá kế toán ngắn ngày, phụ trách tiền lương. Từ khi ăn trắng mặc trơn, Hạnh xinh đẹp lên thấy rõ, chị Hai nhìn con mà đâm lo.
     Một lần anh Hai được mời đi nhậu, xe hơi đón tận nhà. Thằng mặt chuột, mắt ti hí nghe đâu bà con gì của ông Huỳnh Hoang đon đả:
-         Chà chà, nhà bác nhỏ quá, mai mốt dọn vào dãy
biệt lập trong khu sinh thái, cháu phụ một tay!.
     Hắn tặng riêng cho Hạnh chiếc xe máy cáu cạnh.
     Với linh tính của người mẹ, chị Hai quyết liệt từ chối dù món quà giá trị rất lớn, so với gia đình chị.
     Lần đầu tiên anh Hai đến chốn phồn hoa, men rượu khiến anh như con người khác. Anh cười nói huyên thuyên và tự hào nhìn quanh, khi thằng mặt chuột gọi anh là bố. Anh say khướt, chân nam đá chân chiêu…
     Anh vất ra giữa bàn cọc tiền mới cáu, chưa bao giờ cả nhà anh thấy nhiều tiền như vậy.
     Hai bên bờ tả, hữu ngạn sông Sinh như hai thế giới. Bên kia sông, tiếng động cơ ầm ì suốt ngày đêm, sáng trưng ánh đèn cao áp. Nghe đâu sẽ có cầu nối hai bờ , con đường dẫn sẽ cắt ngang ranh nhà anh chị Hai. Thằng Minh tuyên bố:
-         Nhà mình sẽ ra mặt tiền, con đường nhựa nối khu
du lịch sinh thái và chạy về thành phố, đổi đời rồi!
     Mà quả thật, anh chị Hai khá lên thấy rõ.
     Ngược lại, lòng bà con hoang mang. Sự bất an hằn lên thành rãnh dọc ngang trên những khuôn mặt già nua, khốn khổ. Chú Tam lý sự:
-         Người ta mở mang giao thông gọi là để phát triển
kinh tế - xã hội, giao lưu văn hoá vùng miền, nâng cao đời sống, tiến dần đến công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Nhưng tui e rằng đây là ý đồ mở rộng, chiếm đất  của thằng  Huỳnh Hoang!
     Đúng y như lời, hơn hai mươi hecta hữu ngạn sông Sinh bị giải toả trắng bóc, mơ ước nhà mặt tiền của thằng Minh theo mây theo khói. Anh chị Hai cũng như bao người dân khác trong làng cùng chung số phận với bà con bờ tả ngạn, bên kia sông.
     Gia đình anh chị Hai, chú Tam từ khi có đồng tiền đền bù, đủ làm nhà trên mảnh đất gò tái định cư khang trang, nhưng chỉ gần trăm mét vuông, nông nghiệp mấy đời nhưng không có đất canh tác. Ngày xưa chợ làng quanh năm nhộn nhịp, đổi trao con gà, trái bí, bó hành, con heo, con vịt, xấp vải, cái nồi… Quy hoạch khu du lịch sinh thái người ta quên làm trường, trạm y tế, làm chợ.
     Anh Hai còn có nghề thợ hồ, chú Tam và bà con làng Đông ngồi bó gối nhìn nhau, lũ trẻ chưa đến mức “bần cùng sinh đạo tặc” nhưng rảnh rỗi sinh nông nổi, cà phê cà pháo suốt ngày, tập tành đua đòi ăn chơi, nhậu nhẹt. Thằng Minh dính vô vụ buôn bán heroin, tù chung thân. Con Hạnh có bầu mất việc, thằng bé sinh ra giống hệt thằng mặt chuột.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...