Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

GIAO THỜI



    Lão An chưa bao giờ gặp cái gì là khổ trong đời. Ngày còn nhỏ, cha mẹ lo cho đủ điều. Dù tỉnh lẽ, nhưng cha lão là chủ hãng xe đò chạy khắp miền Đông, Tây Nam Bộ. Lớn lên có vợ, môn đăng hộ đối, con gái bá hộ, lại là con gái út trong mười một anh chị em. Lão đang học trên Saigon, kêu về lấy vợ, cưới xong lão không thèm học nữa. Vợ lão cũng được cưng chiều, nhưng từ ngày có chồng, bám theo chồng không rời một bước.
     Ông bá hộ mời đào kép tạo dựng gánh hát cải lương mang tên “Ban hát Bá hộ Lập” ở Gò Công, nổi tiếng khắp Nam Kỳ lục tỉnh. Tặng riêng cho con gái út làm của hồi môn, chiếc xe hơi hiệu Peugeot, nhập từ bên Pháp. Lão chỉ thua Hắc, Bạch công tử.
     Có lẽ lão An được đẻ bọc điều. Khi mới sinh ra, cha lão nhờ thầy chấm cho lá số tử vi: Sao Thái Dương chủ về đường công danh, sự nghiệp lẫy lừng, lại gặp Lộc Tồn, Thái Âm tương sinh, đóng ở cung Quan Lộc. Sao Thái Dương hội chiếu với sao Tam Thai, Bát Tọa, Ân Quang, Thiên Quý. Thân lại cư thê. Vợ lão có nốt ruồi son trên bầu ngực, gọi là nốt ruồi phú quý. Những người sở hữu nốt ruồi ấy không những giàu có, sang trọng mà còn được thuận lợi đủ đường. Từ công danh, sự nghiệp cho tới gia đình, con cái…
     Đô thành Saigon những tháng năm cuối thập niên 50 yên bình chi lạ, những người di cư đã ổn định cả việc đạo lẫn  việc đời. Nhưng cũng có nhiều đoàn người hồi cư về nơi chôn nhau cắt rốn tận Nam kỳ lục tỉnh hay miền Trung nắng cháy, gió hạ Lào khô khốc thịt da. Họ hoan hỉ và hạnh phúc trong niềm vui sống hòa bình, sau bao nhiêu năm chiến tranh tan tác đau thương.
    Thành phố vẫn hằng đêm lung linh sắc màu vũ hội, sáng ngời những đại lộ thênh thang. Tiệm kim hoàng Ngân Khánh nhà lão ở góc đường Nguyễn Huệ - Lê Lợi (Charner – Bonnard), ngoài đường người qua kẻ lại nhộn nhịp, những chiếc xe ngựa từ Bà Điểm, An Nhơn ngược xuôi về chợ Bến Thành.
     Vợ chồng hai Dư bỏ ruộng vườn theo chân lão An làm nô bộc, chồng chăm sóc cây kiểng, gánh vác đủ chuyện tạp nham, vợ lo chợ búa, cơm nước. Dù sống ở Sài thành không thiếu gì cao lương mỹ vị nhưng vợ chồng lão An lại thích toàn món miệt vườn, mắm cá lóc, mắm ba khía, bông súng, cá bông lau…
     Khi vào mùa nước nổi, cây điên điển trở nên xanh tươi, rợp bóng hai bên bờ sông, trổ bông vàng rực rỡ, soi bóng lung linh trên mặt nước làm dịu mát ánh nắng chói chan. Mùa mưa đi qua,  nước dâng cao điên điển đã trĩu nặng bông và bắt đầu rơi rụng, cả khối vàng ươm nổi trôi , bồng bềnh trên sóng nước. Bông điên điển dùng làm dưa chua, nấu canh, làm gỏi trộn thịt gà. Còn tác dụng nữa là cải tạo đất khi sử dụng làm phân xanh, rễ của nó cũng giống như rễ của các loài cây thuộc họ đậu khác, có các vi khuẩn nốt sần cố định đạm sống cộng sinh.
     Chị Dư rửa sạch Ba Khía bằng nước sôi, tách mai, đập dập sơ hai càng rồi thêm tỏi, ớt, chanh, đường cát trắng, xoài xắt sợi, khóm, khế vừa chín tới xắt nhỏ và trái cóc đập dập. Trộn đều tất cả với Ba Khía rồi cho vào khạp phơi nắng, chỉ vài ngày cho thấm là ăn ngon lành, đượm vị mặn của hạt muối vùng ven biển Bạc Liêu, Cà Mau. Vợ chồng lão An khen rối rít.
     Còn cá Bông Lau được gởi theo ghe cá lên chành Chánh Hưng, bên quận 8. Cá Bông Lau chỉ ở vùng nước lợ cửa sông Mê-Kông, nhiều nhất ở sông Bồ Đề, Năm Căn – Cà Mau, hai đầu thông ra biển đông thủy triều ròng lớn hai chiều. Cá Bông Lau dễ bị nhầm lẫn với loại cá khác là Cá Dứa. Cá Bông lau đuôi màu vàng trên lưng màu xám xanh, cá Dứa có vây lưng màu xanh, đuôi vàng xanh hoặc đỏ vàng cùng chi với cá Tra. Nhưng mỡ cá Tra màu vàng, mỡ cá Bông Lau màu trắng trong, kho với nước dừa ngon hết biết.
………….
     Sau năm 1975, nhà cửa, tài sản, xe cộ, ruộng vườn của lão An bị tịch thu, trong khi lão An cùng vợ con đang chu du bên Pháp. Nhưng dù vật đổi sao dời, lão vẫn sống đế vương, sống trong lâu đài cha lão đã mua trước đó. Lâu đài nằm bên bờ sông Loire êm đềm.
     Vợ lão mua lại nhà hàng “Arc de Triomphe du Carrousel” (Khải Hoàn môn), từ ngày thay ngôi đổi chủ, nhà hàng phát đạt trông thấy. Vợ lão sở hữu vẻ đẹp thanh tú, chưa hề qua lớp đào tạo kinh doanh nào, nhưng nhờ thiên bẩm, tỏ ra bà chủ sang trọng, ân cần, thanh lịch từ dáng đi đến lời ăn tiếng  nói.
     Oái ăm thay, anh chị Dư cũng bị vạ lây. Hai vợ chồng bị đuổi ra khỏi nhà khi nhà Nước quản lý căn nhà vắng chủ. Tài sản không phải của mình, không thân sơ họ hàng ngoài con chó Kiki, thậm chí con nhồng biết nói mà lão An quý hơn vàng cũng bị tịch thu. Con nhồng quẹt mỏ vào song gỗ chiếc lồng đen bóng như màu lông của nó, nhại giọng lão An, nói liên hồi:
-         Chuyện gì vậy Dư, chuyện gì vậy Dư…?
     Khi anh chị Dư ôm hai chiếc giỏ lát áo quần dợm bước đi, con nhồng tỏ ra hoảng hốt nhảy lung tung, chui chiếc mỏ đỏ rực tứa máu nhìn theo…
     Như linh tính mách bảo, con Kiki chạy quanh ngửi từng vật dụng quen thuộc, ra đến cổng nó còn ghếch chân sau đái vào gốc cây hoàng lan như muốn lưu dấu và nhớ mùi hương để hẹn ngày trở lại.
     Anh chị Dư đi bộ ra bến Bình Đông, đường phố vắng thưa người, ngang chợ Nancy chị định tạt vào mua những vật dụng như thường ngày đi chợ, nhưng chị sực nhớ không còn những ngày ấy nữa, chị ngậm ngùi cúi đầu lầm lũi bước theo anh.
     Anh chị xin quá giang ghe tàu về Gò Công, nhưng chủ tàu không cho mang theo Kiki. Anh Dư ôm nó vào trong lòng, nó ngước nhìn đám người trên bến tàu đang hối hả chuyển hàng rồi nhìn chị Dư ủ dột, nước mắt rơi giọt ngắn giọt dài, Kiki bỗng choàng hai chân ôm cổ anh Dư, thè lưỡi liếm vành tai anh như thì thầm những lời an ủi, sẻ chia.
     Anh Dư quyết định chọn phương tiện khác, may sao gặp năm Lung xích-lô. Năm Lung thường ngày hay chở chị Dư đi chợ, lúc ở Bến Thành, khi Nancy hay chợ Cầu Muối. Năm Lung đưa vợ chồng hai Dư cùng con chó Kiki về bên quận Tư, nhà năm Lung dưới chân cầu quay Khánh Hội (Le pont tournant), cầu do người Pháp xây từ năm 1904. Gọi là nhà chớ thật ra là túp lều gỗ ván thông nhặt nhụm từ phế liệu chiến tranh, được lợp bởi mấy miếng tole rỉ sét, nằm trên những cây cừ tràm khẳng khiu ấn sâu dưới sình, de ra ngoài bờ rạch Bến Nghé đen thui.
     Thân phận vợ chồng hai Dư lớn lên từ gốc rạ, gốc bần có được học hành chi, lỡ được ăn trắng mặc trơn từ ngày theo lão An lên thành phố mấy chục năm, được lão An che chắn, nuôi dưỡng nhưng không nghe nói chuyện lương tiền. Lão có hứa sẽ cho mảnh vườn ở dưới quê Gò Công với căn nhà cha lão để lại, nhưng chỉ là lời nói chớ có văn tự chi đâu! Sự thụ động, quen chờ sai bảo đã ăn sâu vào máu, nay gặp cảnh ngộ này như gà mắc tóc.
     Nghe lời năm Lung, hai Dư làm thợ đụng, đụng đâu làm đó. Chị Dư quen đi chợ nên cũng rành, theo chân vợ năm Lung hằng ngày qua bên kia cầu Khánh Hội hay chợ trời Huỳnh Thúc Kháng buôn bán đồ lạc-xoong. Thời gian này người ta bán nhiều hơn mua, thôi thì thượng vàng hạ cám từ những bộ sa-lon sang trọng, giường tủ khảm xà cừ đến máy hát, radio, đồng hồ, xe đạp. Những người ít vốn như vợ năm Lung và chị hai Dư làm nghề dắt mối, bây giờ gọi là “cò”.
Bỗng chị hai Dư kéo tay chị Lung chạy theo chiếc xích lô máy chạy rề rề chở theo chiếc tủ thờ bằng gỗ gõ đỏ và bộ lư hương bằng đồng phủ bụi mờ nhưng rất thân quen với chị. Người đàn ông đi xe honda 67 theo sau trông tướng bặm trợn hất hàm:
-         Mua không mà nhìn? Biến!
     Chị Dư trông theo rơm rớm nước mắt, nhưng chị ngạc nhiên quá chừng, nhà bị tịch thu mà đồ đạc lại đem ra bán chợ trời.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...