Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

GIỖ CHÚ

     Em T. điện thoại: - Anh về giổ chú không? Tôi ngần ngừ: Để anh tính. - Tính gì? Đủ thứ chuyện trên đời…
     Chú út mồ côi từ sớm. Cha mẹ tôi cưu mang chú đến tuổi trưởng thành. Chú học nghề may, hành nghề ở thị trấn đìu hiu.
     Ngày thành hôn, chú không biết mặt cô dâu.  Kết tinh của hai người trao lại cho mẹ tôi, khi em H. còn đỏ hỏn. Lên năm, em theo mẹ vào thành phố. Tôi cũng vừa bước chân vào đại học…
     Chú bỏ nhà, lang bạt kỳ hồ. Đà Lạt sương mù không níu chân, giữ chú. Chú đi quân dịch. Ngày ấy: “Đi quân dịch là thương nòi giống…”. Chú thuyên chuyển về một đơn vị pháo binh ở QN.
“Ai ơi chớ lấy pháo binh/ Nửa đêm nó bắn rung rinh cái nhà”. Vậy mà thím tôi yêu chú, khi thím chưa đến tuổi hai mươi.
     Nghỉ hè tôi về thăm chú. Thành phố QN hiền hoà. Chia đôi, dọc theo hai bên đường quốc lộ. Những sắc lính đủ màu áo, thả hồn phiêu du theo khói thuốc, trong thời gian hiếm hoi về hậu cứ. Quán cà phê Diễm Xưa, với dòng nhạc  họ Trịnh, như đồng điệu với những tâm hồn thụ động buông xuôi trong cuộc chiến tương tàn,  ngày càng khốc liệt.
     Chú đưa tôi về nhà, Thím e lệ không dám ra chào hỏi. Ông bà thật tử tế và nhân từ, đã xem chú như rể quý, dù chưa một ngày thím mặc áo vu quy.
     Chú tôi ham thích văn học, dù chú học vấn không cao. Không biết từ đâu, ngày tôi còn tiểu học, chú đã mang về những tác phẩm thơ văn của Hàn Mặc Tử, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Trần Tế Xương… Đặc biệt, chú rất thích thơ Nguyễn Bính. Tôi đâm ra mê văn chương từ đó.
     Chú có số sát cá, thích đi câu. Mỗi lần chú đi câu thì thôi rồi, cá trong hang cũng bơi ra với chú.
     Chú rất hãnh diện vì tôi, đứa cháu sinh viên đại học duy nhất của chú. Nhưng tôi học hành dỡ dang, rồi lê chân đi tám hướng.
     Ngày tôi trở lại QN. Tôi đã mang màu áo lính khác chú, màu áo hoa cà lạ lẫm. Chú vừa mừng vui lại vừa thất vọng.
     Tôi ra đời khi chú tuổi mười ba. “Tuổi mười ba” của Nguyên Sa đầy thơ mộng, nhưng mười ba của chú tôi là con trâu với cánh đồng ẩm ướt sương mai, với cơn gió heo may lạnh lùng và đói nghèo của miền trung, trung bộ.
     Chú đã ra đi quá sớm, khi các em còn nhỏ. Thím tôi tảo tần sớm hôm, nuôi con thành người. Chú đã về với ông bà ngày 22 tháng 7 năm Mậu Thìn (1988) khi vừa qua tuổi năm mươi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...