Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

DẤU ẤN TRONG ĐỜI

     Áp điện cực vào ngực và hai tay. Máy khuếch đại, ghi lại trên điện tâm đồ. Những đường cong uốn mình cao vút, cực đại là lúc ta thổn thức nhớ về nhau. Nhưng hôm nay chỉ gợn sóng lăn tăn, dù…
     Thần giao cách cảm chi phối nhịp tim. Khi giao hoà, hai bước sóng song đôi, cùng hân hoan, thăng hoa trong nhịp thở. Hay anh đã chết?
     Trời Qui Nhơn mùa đông thật buồn, gió bấc lạnh mang hơi biển, tê tái lòng người. Từ căn gác trọ đường Hàn Thuyên, nhìn áo em tung bay trong mưa phùn lạnh lẽo. Trường nữ Trinh Vương không xa, nép mình sau tượng Đức Mẹ, đôi mắt thánh thiện, hiền dịu.
     Nhưng về đêm, anh không còn nhận ra em. Cô bé nhí nhảnh trong jupe soiree trắng, hồn nhiên và nghịch ngợm bên anh. Cà phê Dung, chìm lắng trong điệu nhạc mơ hồ, vàng tay khói thuốc.
     Ngày em vào trường Sư phạm, cũng là ngày anh bị động viên vào quân đội. Những nụ hôn vụng về, vòng tay cuống quýt. Hẹn ngày ra trường sẽ thành đôi lứa.
     Những ngày sắp xa nhau, anh đưa em đi đến những nơi nào có thể. Mộ Hàn Mặc Tử chênh vênh, Ghềnh Ráng mù sương. Đầm Thị Nại mơ màng dưới chân núi Phương Mai lộng gió. Đảo Hải Minh trải dài chắn sóng cho thành phố cảng. Cù lao Xanh lẽ loi, mờ mịt ngoài khơi xa…
     Em, con gái dòng dõi trâm anh thế phiệt. Con cháu nhà Tây Sơn một thời lừng lẫy. Dù sa cơ mấy đời dưới triều Nguyễn, nhưng dần hưng thịnh, khi ba em về nhận chức thị trưởng thành phố Qui Nhơn.
     Ông nội anh, thuộc dòng khoa bảng. Ông Cử của khoa thi cuối cùng. Ông thầy đồ khiêm cung của thời nho học thất thế, không tán đồng mối lương duyên của anh và em. Do mặc cảm và tính khí khái hay bất đắc chí của của nhà nho trong thời mạt vận?
     Em đã trao thân. Mong sự lỡ làng để thành đôi. Nhưng những ngày không có anh, em đã buông thả với những đêm phòng trà thác loạn. Men rượu cay nồng, bạch phiến trộn lẫn khói thuốc Kool, đưa em về miền ảo giác.
     Em trở nên hụt hẫng với tất cả. “Make love, not war”. Thân phận lạc loài của con giun con dế, thời kỳ chiến tranh dữ dội. Em dấn thân theo phong trào Hippie. Em không còn là mình, cô giáo sinh sư phạm ngoan hiền ngày nào.
     Ngày anh trở lại, em đã có thai. Đứa bé ra đời trong nghiệt ngã. Em đã sa chân, lương tâm em gào thét, em không thể trao về anh trách nhiệm. Riêng anh, anh không tin đó là con mình. Anh từ chối trong đau xót.
     Sự ăn năn và thất vọng đã đưa em đi xa hơn, càng ngập ngụa trong vũng lầy nhân thế, em càng đánh mất nhân phẩm của mình. Ngày ra trường em chọn nhiệm sở tại Phú Bổn, dù gia thế của em dư sức can thiệp, để em ở lại Qui Nhơn.
     Trường của em heo hút, thượng nguồn sông Ba. Với sắc đẹp như bông hoa rừng, bên cạnh tính cách dạn dĩ, ngổ ngáo của con gái thị thành, em đã làm say đắm bao con tim quan chức miền sơn cước.
     Những chiếc xe jeep nhiều sắc phục, đón đưa cô giáo trẻ cuối tuần về tỉnh lỵ Cheo Reo (Truyền thuyết của người Jarai kể rằng: Từ ngàn xưa nơi đây là vùng núi non trùng điệp, bốn mùa cây trái tốt tươi, chim kêu vượn hót suốt ngày, hổ, báo, hươu, nai, voi rừng … không kể xiết. Một ngày kia có hai anh em tên RCHOM CHEO và RCHOM REO, trong một lần vào rừng săn bắn, mãi đi theo dấu vết thú rừng đã lạc vào đây…. Cảm nhận được cảnh thanh bình và tràn đầy sức sống của muôn loài, hai anh em CHEO và REO bỏ chuyến đi săn trở về. Được già làng cho phép, họ đưa dân làng đến tại nơi này khai khẩn, lập làng, kiến tạo nên cuộc sống mới… Để ghi nhớ công ơn, dân làng lấy tên hai anh em đặt cho làng mới: CHEO REO – Nay là Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai – Kontum)
     Thầy hiệu trưởng trẻ say đắm cô giáo mới về trường mình. Lời cầu hôn chân thành và bao dung đón nhận đứa bé không cha. Em sực tỉnh khi thân xác đã rã rời, tan tành như quả đạn pháo đêm đêm rót vào thị xã.
     Rừng già bạt ngàn, tiếng chim Chơ-rao vang vọng lảnh lót, núi đồi nhấp nhô chìm trong sương mù. Tiếng cồng chiêng quyện cùng tiếng hát theo gió bay xa, tưởng chừng như chiến tranh không hề xảy ra trên mảnh đất này. 
     Trên bước đường hành quân ngang buôn làng Jarai heo hút. Anh gặp lại em. Cô giáo ngày nào đã bị đồng hoá trong trang phục váy áo dệt bằng thổ cẩm, đường viền hoa văn đẹp mắt chạy vòng quanh, những tua chỉ có đính hạt cây Tơr peng. Em đẹp rực rỡ như hoa lan trắng muốt, nổi bật giữa vòng vây học trò Bahna – Jarai, hồn nhiên và đen nhẻm bỡi nắng gió cao nguyên.
     Ngày tan hàng trong bi thảm. Anh đưa gia đình em theo đoàn quân rệu rã xuôi tỉnh lộ 7, vượt qua đèo Tuna, cầu Phú Túc - Củng Sơn, định về lại Qui Nhơn. 
     Trong đêm đen hổn loạn, anh đã lạc mất mẹ con em… 

     Sau bao thăng trầm trong cuộc sống. Anh theo vận nước nổi trôi, lưu lạc về vùng đất hiền hoà Thủ Dầu Một, Bình Dương:
                  “Ai về chợ Thủ bán hủ, bán ve
                         Bán bộ đồ chè, bán cối đâm tiêu”…
     Ban đầu Thủ Dầu Một được gọi là Phú Cường. Địa danh Phú Cường xuất hiện vào khoảng năm 1838 (Minh Mạng)
     Thân phận ngụ cư ngay trên đất nước mình. Đời chỉ dành cho anh những nghề lam lủ, anh miệt mài như con gõ kiến, mang đôi cánh sặc sỡ, bay đi tìm hang hốc sâu mọt mưu sinh.
     Hai mươi năm sau, bằng sự cần cù và kiến thức kỷ thuật sẳn có, anh đường hoàng bước lên ngôi vị danh gia. Công ty xây dựng H.H. vang danh trong ngành, không những trong tỉnh Sông Bé (Ngày 6 tháng 11 năm 1996, chia tỉnh Sông Bé để tái lập tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước) mà còn ngược về Qui Nhơn, Bình Định quê anh.
     Anh tìm lại những ngày tháng cũ. Anh đi tìm em trong niềm hy vọng mong manh. Thành phố Qui Nhơn đã không còn của anh và em, anh như người khách lạ lãng du cuối bãi đầu ghềnh. Biển không còn màu xanh biêng biếc một thời cưỡi sóng vô tư. Sân bay cũ đã hoang phế, đìu hiu (hiện nay khu vực đường băng chính được xây dựng thành đại lộ Nguyễn Tất Thành, con đường đẹp nhất Quy Nhơn. Khu vực khác được xây dựng thành công viên cây xanh và khu trung tâm thương mại của thành phố Quy Nhơn).
     Anh tìm về căn nhà cũ. Chỉ biết ba mẹ em đã mất, những người hàng xóm tốt bụng đã không còn. Anh như Từ Thức trong “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ. Từ Thức nhớ nhà, từ biệt Giáng Hương, chỉ chớp mắt đã về đến làng cũ. Phong cảnh khác hẳn xưa, chỉ còn hai bên khe núi là vẫn nguyên như trước. Chàng đem họ tên mình hỏi thăm các cụ già trong làng, một cụ trả lời: "Hồi nhỏ, tôi cũng có nghe nói hình như cụ tổ bốn đời nhà tôi họ tên cũng như thế, nhưng lạc vào động tiên cách đây đã ngót hai trăm năm rồi".
Tôi đi tìm một nửa của riêng tôi
Nhưng tìm mãi đến bây giờ chưa thấy
Nửa của tôi ơi, em là ai vậy?
Sao để tôi tìm, tìm mãi tên em?
(Tôi đi tìm một nửa của tôi – Thơ Đặng Quốc Vinh)
     Duyên hư vô nên không là nợ. Anh nhìn về trường Sư phạm Quy Nhơn. Trường cách trung tâm thành phố  hơn cây số về hướng Đông Nam. Vùng cồn cát nằm dọc theo bờ biển với các loại cây rừng gai góc hoang dã, nay đã đổi tên thành Trường Đại học Quy Nhơn bề thế, lạ lẫm.
    Anh nhớ ngày xưa, từ bến xe Qui Nhơn băng qua đường Gia Long, theo đại lộ Võ Tánh, đi về phía biển, cuối cùng gặp đường Nguyễn Huệ. Con đường Nguyễn Huệ chạy dọc theo bờ biển, qua khúc quanh Eo Nín Thở, đến ngã ba Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Lộc. Vẫn trên đường Nguyễn Huệ, bên trái là bãi Thùy Dương, bên phải là Trường Trung Học Vi Nhân, Trường Sư Phạm Qui Nhơn, kế đến là Trường Trung Học Kỹ Thuật. Nơi đây, qua khỏi ngả ba, đến khu vực Ghềnh Ráng. Nếu tiếp tục đi trên đường Nguyễn Huệ, nhìn lên chân đồi là mộ Hàn Mạc Tử.
     Chiều xuống dần, nhanh và đen thẩm. Ánh đèn vàng vọt lung linh theo sóng nuớc, chạy dài về bên kia Hải Minh. Tượng Đức Trần Hưng Đạo uy nghi nhưng lạnh lùng chỉ tay về trung tâm thành phố.
     Anh thả hồn mình, lang thang trong vô thức. Cổng chùa Tâm Ấn uy nghi, hàng cây im lìm trong nắng sớm. Tiếng chuông ngân nga như rũ sạch bụi trần ai. Trên Chánh điện, đức Chí tôn từ bi, nhìn anh độ lượng.
      Chùa Tâm Ấn rộng lớn nguy nga. Ảnh hưởng của chùa trở thành Đại tùng lâm, tiêu biểu cho Ni tự thuộc hệ Thiền tông tại Qui Nhơn.
     Ni sư Tuệ Mẫn không ngạc nhiên, khi thấy người khách lạ. Gọi Ni cô Huyền Trân pha trà đãi khách. Đôi mắt Ni cô Huyền Trân như trời thu, mênh mông màu trời dưới đáy hồ trong vắt. Từng giọt mưa rơi tí tách từ mái hiên chùa, gợi nhớ trong anh, hình ảnh thân thương những ngày xưa cũ.
     Anh tò mò xin Ni sư Tuệ Mẫn kể về thân thế Huyền Trân. Anh giật mình khi nghe địa danh Diêu Trì, Tuy Phước. Duyên lành cho anh gặp lại cô bé không cha ngày nào, anh đã một lần phủ nhận.
     Ni cô Huyền Trân đưa anh về Tuy Phước, theo QL.19 nối liền Bình Định – Tây Nguyên. Căn nhà đơn sơ nép dưới vườn cây, lá cành nhuốm đỏ bụi đường. Em hiện ra, dung nhan tiều tụy. Đôi mắt ngơ ngác, u uẩn nhìn anh như trong mơ. Nét thanh tân của cô giáo xinh đẹp một thời, không còn một chút gì hiện hữu nơi em.
     Người chồng hiệu trưởng trẻ trung, một thời si mê em rồi cũng bỏ rơi mẹ con em. Anh ấy đã chạy theo danh vọng, khi người cha tập kết trở về. Nhà cha mẹ em đã bị trưng dụng. Mẹ con em lang bạt lên Daklak, Gia Lai rồi về lại nơi này.
     Anh ngồi lặng thinh nghe em kể, lòng ngậm ngùi, tê điếng. Có lẽ nào anh và em, như cánh bèo trôi theo con nước lớn ròng, theo thời thế đảo điên, hưng phế của cuộc đời.
     Ngày gặp lại nhau, em đã mắc bệnh nan y. Anh đưa em vào Saigon chữa trị. Ni cô Huyền Trân chắp tay, ngước nhìn cõi hư vô thăm thẳm: “Duyên tự sinh, ắt duyên tự diệt”. Chưa đầy một mùa trăng, kể từ ngày gặp lại, em đã rời xa nhân thế. Chỉ còn để lại trong anh, dấu ấn rạn vỡ khôn nguôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...