Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

THỜI TRUNG HỌC

    Trường Sao Mai đã cho tôi biết bao kỷ niệm êm đềm. Một anh học trò nhà quê ngớ ngẫn, tự ti. Mặc dù là ngôi sao tỉnh lẽ! Sự hoà nhập thật khốn khổ. Cuối năm đệ nhất cấp, chẳng để lại ấn tượng gì. Ngoại trừ những lần ê mặt, vì không cân bằng được phản ứng hoá học, không giải được phương trình bậc 2! Chỉ còn nhớ:“ Tình Delta âm vô nghiệm muôn đời…”



     Đêm Noel cùng bạn bè mới tung tăng, nhẩm kinh Phật thay vì kinh Thánh. Sao Mai là trường Công giáo, ai cũng có tên Thánh. Bạn bè đặt tên thánh cho tôi là… ”Luxiphe”. Tôi hãnh diện với tên Thánh, mặc dù không biết ông Thánh ấy là ai!
Linh Mục Vũ Như Huỳnh

    Cha gầy dựng sự nghiệp. Mở xưởng mộc cỏn con, quy tụ con cháu chạy loạn từ quê ra… anh Bồng, anh Ghè. Anh Ngộ sốt rét vàng da, bủng beo, học bào học cưa. Cha mẹ bao bọc cả nhà chú Dần, cô Ngũ…Thuê nhà cho gia đình bác Xứng. Anh Hiệp học may, em Bình đi ở đợ nhà dì Chín, chú Dần bán phở dạo.
     Một lần đi học về, gặp lại cô bé ngày xưa T.H – H. học trường Bồ Đề. Đưa nhau về ngang nhà, đường Phan Chu Trinh rồi thôi. H. về khu định cư An Hải, bên kia sông Hàn - qua cầu Trịnh Minh Thế (cầu Trần Thị Lý)
     Những ngày nghỉ học, tôi đạp xe lang thang qua An Hải. Đi trên đường cát hun hút, với tiếng vi vu của phi lao, đến tận bãi tắm Mỹ Khê.

     Anh Bồng, anh Ghè bị bắt lính. Cha bó tay vì không có thợ. Đổi nghề, cùng bác Hương Ngân làm hương. Cha đi bộ xuống chợ Hàn, mua hương liệu, tăm nhang, bảo tôi chở về. Tôi xấu hổ sợ gặp bạn bè… Mẹ đi làm sở Mỹ. Chiều nào về cũng có quà, hôm thì socolate, kẹo, đồ hộp. Em Ngọc đi học nửa chừng thì nghỉ, cha cho học nghề may. Em Lũy vào lớp 2.
     Cậu Bốn (Đa) và chú Thành thầu giặt đồ Mỹ. Tối về cả nhà thi nhau lục túi quần, túi áo, có khi đồng hồ, bút máy, tiền đô. Cả nhà se nhang, dán bao hương, vào bao đi bỏ mối, hàng xóm cũng làm gia công…
     Niên khóa 1965 – 1966, tôi học đệ Tứ. Nhờ cô Bạch - thu ngân trường Sao Mai, giới thiệu đi dạy kèm, bây giờ gọi là gia sư. Đã bắt đầu có bạn đến nhà chơi,Vĩ Văn Thông, Tôn thất Hoàng Tú, Trần Đình Định, Lê Quang Chính (con thầy Lê Cần). Sau này, Thông -  pilot trực thăng, Tú học y khoa Huế ra bác sĩ, Định luật sư ở Mỹ, Chính - giáo sư, dạy ở Singapore.



    Năm 1966 – Phật Giáo xuống đường.Tất cả trường ở Đà Nẵng bãi khóa. Các thầy cùng bàn thờ Phật Tổ, tràn ngập các con đường Ông Ích Khiêm, Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu… Lực lượng TQLC từ Saigon bay ra trấn áp. Thành phố Đà Nẵng như bãi chiến trường.
    Một tuần mấy lần, Định lên rủ nhau tắm biển Mỹ Khê. Cha Định là ông Trần Quốc Thái, con nuôi Ngô Đình Cẩn, quận trưởng Điện Bàn. Sau ngày lật đổ Ngô Đình Diệm 01.11.1963, ông Thái ở tù, nhà cửa bị tịch thu. Định là bạn thân nhất của tôi.
     Thầy Vĩnh Linh, Thầy Thanh dạy toán, Thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh) dạy đại số, Thầy Hương dạy lý hóa, Thầy Lê dạy sử địa, Thầy Đoàn Đức Triệu dạy triết, Cô Điểu dạy vạn vật, Thầy Hoàng Ngân Hà dạy anh văn, Cha LM Vũ như Huỳnh dạy pháp văn…Thầy Vĩnh Linh sau năm 1975, đại biểu Quốc hội.

     Ngày đám giổ ông Ngoại. Tôi lén lấy xe mobilette của chồng dì ba Cẩm, dắt ra đường đạp nổ máy, chạy một mạch đến ngã tư Phan Chu Trinh – Lê Đình Dương. Chạy quá nhanh, khi rẽ sang đường bị ngả chổng vó lên trời, trầy xướt chân tay, xe quẹo cổ. Tôi cố dắt về nhà. May mà các cụ đang nhậu chẳng ai hay!
      Anh em trong nhà hơn kém nhau vài tuổi, như Lực (con dì Năm – mất năm 2011), Thạnh (con dì Bảy), Vân (con cậu bốn Đa – mất năm 1972). Ai cũng thương Vân, vì Vân là cháu nội. Tôi ra đời sớm nhất trong các cháu, nên được ưu ái của các dì, các cậu chưa vợ chưa chồng. Đi học về không ngủ trưa, chân không mang guốc, là chết với dì Chín, cậu Nghĩa!



Từ trái: Cậu mợ Lê Văn Nghĩa & Đặng Thị Huệ và anh chị Trần Thanh Ngọc (Quảng Ngãi) 

     Cậu Nghĩa (nhà thơ Tô Yên/ Lê Việt Nguyên) mua sách cho tôi đọc, rồi kể lại cho cậu nghe. Ngày dì Chín về nhà chồng, dì dắt theo tôi và Vân. Bắt ngủ bên dì trong đêm tân hôn. Hai đứa ngủ say như chết. Sáng ra dì dắt về sớm, không biết chuyện gì đã xãy ra! Cậu Ngãi có bồ (mợ Xuân sau này). Đi dạy về, cùng bạn bè đánh bài cả ngày chủ nhật. Tôi và Lực ra đường “cảnh gíới”, nếu thấy bồ cậu lên, chạy vào báo động. Hai đứa ham bắn chim, quên mất phận sự. Bồ cậu vào nhà, thấy bốn thầy say mê với mấy con bài, bỏ ra về. Vậy là hai thằng vô tích sự, bị trận đòn tơi tả!

    Khoảng năm 1966 – Cậu Ngãi cưới vợ. Mợ Xuân, con nhà danh giá nhất Đà Nẵng, học trường Tây. Cậu làm Précepteur (gia sư) rồi “cua” được mợ.
     Thời cuộc đảo điên, nghề làm hương, không phải là nghề của cha. Con cái vô tư, chỉ biết ăn và học. Mẹ sớm đi tối về… Anh Tâm được cha mẹ nuôi ăn học từ lớp đệ Thất. Chú mười Thi lang bạt kỳ hồ. Ông bà Nội mất khi chú còn nhỏ, chú ở với cha mẹ tôi. Chú đi học may, rồi cưới vợ. Có lẽ chú không yêu, sau ngày thành hôn chú bỏ nhà lên Đà Lạt. Thím mười Thôi cũng vào Saigon, đi làm thuê. Chỉ có mẹ gánh hậu quả, không sinh mà có dưỡng. Nuôi em Thu từ ngày đỏ hỏn đến năm, sáu tuổi. Thím về xin dẫn đi…

         Niên khóa 1966 – 1967, đệ Tam. Thêm nhiều bạn bè mới. Lớp đã phân ban. Một số học sinh giỏi, được chuyển vào trường Phan Chu Trinh. Thêm môn tiếng Pháp, do Cha Vũ Như Huỳnh phụ trách. Cha là hiệu trưởng, nên đứa nào cũng kính sợ. Tôi là học sinh chăm chỉ có hạng của lớp, Cha Huỳnh cầm cây bút chì hỏi: “ – Qu’est ce que c’est?” Tôi lúng túng, nghe văng vẵng…xích lô, vội trả lời:”- C’est…tông xích lô (un stylo)! Cha nghĩ tôi nghịch ngợm, thật ra tôi chẳng biết gì!
     Cha cho đi học thêm Anh văn ở Hội Việt Mỹ, học thêm toán thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh). Lê Quang Chính (con Thầy Cần – dạy Anh văn) cùng lớp, nói giọng tôi đọc tiếng Anh như tiếng… Pháp. Cha mua cho chiếc xe đạp mới, bị xe jeep của thầy giáo Mỹ cán quẹo cả vành. Tôi bắt đền, đem hết khả năng tiếng Anh sẳn có, kèm theo tay chân, vậy mà chỉ nhận được câu:”I don’t understand

    Vào đầu năm học, Đà Nẵng rúng động vì chuyện thầy Vinh Anh – Hiệu trưởng Phan chu Trinh. Thầy coi thi, bị thí sinh đâm chết ở Nha Trang. Hầu hết học sinh các trường đi đưa tang Thầy.
    Năm đệ Nhị (1967 – 1968) là năm ghi sâu đậm nhất thời trung học. Nhóm bạn thân cùng tranh đua học tập và họat động báo chí.
    Chị Hồ Thị Ngọc Chánh luôn nhất lớp, Tôn Thất Hoàng Tú, Vĩ Văn Thông, Phan Thị Thu Thanh, Nguyễn Thị Hồng...  Hồng to béo, thường mang thức ăn đến lớp, thân thiện với tôi trên mức bình thường, bạn bè trêu chọc :”L.19 chơi với B.52
                  Những ngày ôn thi Tú Tài 1, Hồng đến nhà học chung. Hồng dạn dĩ thích chơi trò yêu đương hơn học. Có những lúc gần vượt quá giới hạn, tôi nhút nhát không dám dấn thân. Nhưng rồi Hồng bỏ thi, về Nha Trang, sau đó  được biết Hồng sinh con! Nếu…
                 Thi đậu tú tài 1, cha rất vui. Hai cha con đi bộ xuống ngã năm, qua đường Hoàng Diệu. Cha mua chiếc xe Vélo - Solex mới toanh! Tôi mừng hết biết, đổ xăng chở cha về nhà… Thầm cám ơn cha.
                 Bây giờ nhớ lại. Tôi là đứa con bất hiếu. Một lần cha nói chở đi tìm mối bán hương ở chợ Hàn. Trời mùa đông rét mướt, gió sông Hàn thổi lên lạnh buốt, cha khoát áo măng-tô cũ, vừa đi vừa ho, tìm không được mối nào… Trong khi tôi e ngại nhìn quanh, xem có bạn nào bắt gặp mình không! Từ đó, cha không nói chở đi nữa. Tuổi mười lăm, mười bảy chỉ mghĩ về mình, cơm áo gạo tiền ỷ lại cha mẹ, đôi lúc xin tiền rong chơi, cha mẹ không cho, mặt còn phụng phịu.“ Đến khi có gia đình, có con và con đã trưởng thành, chưa hiểu hết lòng cha mẹ”.
                 Ôi ! công ơn cha mẹ cũng thấm dần và thấu hiểu theo thời gian. Mỗi ngày mỗi khác, sâu đậm ân tình, nặng trĩu lòng. Theo suốt đời bôn ba danh lợi, mưu sinh.
                 Cha mẹ ơi! đến khi con hiểu, cha mẹ không còn nữa. Dưới tuổi ba mươi quanh quẩn bên mẹ, nặng tình với mẹ hơn cha. Tuổi năm sáu mươi nặng tình cha hơn mẹ. Sự nghiệp một đời, theo gương bươn chải của cha.“ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gian khó cuộc đời không ai khổ bằng cha“. Ngẫm nghĩ sao mà đúng quá.
                 “ Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, chỉ có sức khỏe là của mình.
                 Cha mẹ yêu con là vô hạn, con yêu cha mẹ là có hạn.
                 Con ốm đau cha mẹ buồn lo, cha mẹ ốm đau con nhòm một chút, hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
                 Con tiêu tiền cha mẹ thỏai mái, cha mẹ tiêu tiền con không dễ.
                Nhà cha mẹ là nhà con, nhà con không phải là nhà cha mẹ”
      Khi hiểu đời, ta coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp, chờ báo đáp!

                  Năm 1968 - Tết Mậu Thân, súng nổ khắp thành phố. Nhà tôi trên đường Phan Châu Trinh, gần Quân đoàn I (Quân Khu 5). Chiến sự nổ ra khắp các đô thị miền Nam… Quanh doanh trại, thây người chết cong queo.

    Phạm Văn Đức có xe Honda 68, giống con ngưa trời, thường đến nhà rủ tôi đi học. Nhưng rồi Đức thi hỏng tú tài 1, biệt tăm.
      Sau kỳ thi, một số lên đường nhập ngũ, “Rớt tú tài anh đi trung sĩ…”. Năm đệ Nhất (1968 – 1969). Ba mẹ Thái nhờ tôi xin chuyển trường cho Thái và Bình. Từ trường Bồ Đề qua Sao Mai. Học đệ Thất cùng với Lũy.

     Cuối năm, chuẩn bị thi tú tài 2. Tôi thay mặt học sinh toàn trường đọc diễn văn cám ơn các cha, các Thầy Cô đã dày công dạy dỗ… Đặc san Hành Trình của trường Sao Mai  ra đời, đã mang theo những bài văn, thơ vụng về của tuổi học trò…



TÌNH YÊU SA MẠC

Về thành phố một lần xa thành phố
Tìm hoàng hôn trong đáy mắt người yêu
Tôi bỗng dưng ghê sợ những buổi chiều
Miền âm hưởng tình yêu khô đọng hẳn

Hôm tôi về xuôi chân miền sa mạc
Nghe tình yêu ấm lại cát mùa thu
Người đã lỡ theo đường về bến khác
Tôi cô đơn lạc lối bụi sa mù

Người bên ấy nghìn trùng sao gặp gỡ
Thân lạc đà xin làm kiếp thân chim
Miền biển động chim vỗ mình than thở
Rồi mùa xuân chim lặng lẽ đi tìm

Người âm thầm về rừng thiêng lạnh lẽo
Nhưng chim trời tung cánh lạc loài xa
Miền hải đảo chim xin dành cuối nẻo
Sa mạc vàng chim đơn độc bay qua

Rồi một sớm người tìm về sa mạc
Tháng ngày qua xoá hẳn dấu chân người
Mỏi cánh ngang trời thân chim xơ xác
Rồi máu đào nhuộm đỏ cát vàng tươi
(1969)

     Mối tình đầu chớm nở. Tôi đã biết nhớ nhung em Thái. Những trang nhật ký gói ghém tình yêu thương cô bé hàng xóm, tự lúc nào. Đêm khuya nhìn sang bên Út (anh trai Thái) đang ôn thi tú tài 1, em đã ngủ say. Một lần tôi tìm cớ sang nhà, nhìn em và em đã hiểu khi em đọc trộm những trang nhật ký…lời tỏ tình ngây ngô của tôi.
    Tôi đậu tú tài 2 trong niềm tự hào và vui mừng của cha mẹ, người thân. Năm đứa cùng thi, chỉ mình tôi đỗ! Nhưng Thái lại buồn vì sắp cách xa. Những giọt nước mắt của em đã nói lên nhiều điều và ai cũng hiểu lòng em! Em chưa tròn mười sáu…

      Tháng 8/1969. Cha dắt tôi ra Huế. Kèm theo thư giới thiệu của Cha Vũ Như Huỳnh, gửi Cha quản lý cư xá Xavier, nhưng đã hết chỗ. Cha gửi trọ nhà anh ba Hóa, trên đường Chi Lăng, gần chùa Tàu. Nhà anh ba Hóa có cô Thu, bên chùa có cô Cơ. Hai cô đang học đệ Tứ trường Chi Lăng. Thỉnh thoảng nhờ tôi hướng dẫn làm bài tập…


     Tôi ghi danh học chứng chỉ SPCN, tại trường Đại học Khoa học. Từ năm này, trường Đại học y khoa Huế không tuyển dự bị, chỉ tuyển  các sinh viên đã có SPCN. Tôi hy vọng năm tới sẽ bước chân vào trường Đại học Y khoa, thỏa niềm mong ước của cha mẹ.
      Nhưng đến tháng 10, cha gọi tôi về Đà Nẵng, chuẩn bị đi học Saigon. Cha gửi trọ nhà chú Thơm, gần cầu Phan Thanh Giản (Cầu Điện Biên Phủ), ấp Nhất Trí 3, Gò Vấp, Gia Định. Mấy năm trước gia đình chú Thơm ở Đà Nẵng, cùng xóm. Có em Nga, Mỹ. Nga đang học lớp đệ lục trường Văn Hiến, Đa Kao. Mỹ học lớp nhì. Thím Thơm bán tạp hóa, chú làm việc tại Bộ Tổng Tham Mưu. Cha gửi tiền mua xe Mobilette đời mới (Motobicane) để đi học.
     Tôi nộp đơn thi Y khoa Saigon, hỏng! Ghi danh SPCN ở Đại học Khoa học, hy vọng năm tới sẽ thi lại y khoa.
     Những ngày ở nhà chú Thơm, ngoài thời gian đi học, tôi phụ giúp thím đi mua hàng, chợ Cầu Ông Lãnh. Tối kèm em Nga, em Mỹ học hành. Nga rất dễ thương hay nhỏng nhẻo, nhưng không chăm học. Đã biết làm dáng, mặc dù mới học đệ ngũ. Đôi khi chở em đi học, em đòi chở đi chơi, tôi cũng muốn mà không dám! Đêm ngồi học bài và kèm em học, nhưng chẳng học được gì. Em cứ gối đầu lên sách, nhìn tôi…
      
    Những ngày sắp Tết (Canh Tuất – 1970). Sau mấy tháng cách xa, những lần hẹn hò cùng Thái trốn học. Ghi đậm thêm tình yêu thơ dại trong em. Ra Tết vào lại Saigon, tâm hồn trống rỗng. Tôi cảm thấy ở lại nhà chú Thơm sẽ không tiện, nên xin xuống nhà cô Phụng. Nhà cô dượng thuê chỉ có hai mấy mét vuông. Cô dượng đi làm thợ hồ, sáng đi tối mịt mới về. Em Phụng (mất 20.5.2016) đã lập gia đình, có hai con nhỏ, cháu Tuấn hai tuổi, cháu Trinh mới sinh, chồng trốn quân dịch. Hoàng học lớp ba. Tôi và Hoàng thay nhau giữ cháu…
    Sau này đi dạy kèm, có tiền ăn và mua sách vở, đỡ cho cha mẹ phần nào
     Thím mười Thôi về dắt em Xuân Thu vào Saigòn, tìm cho tôi chỗ ở mới : 10 A Lương Hữu Khánh, Q3…


     Những ngày đầu năm 1970, tình hình đấu tranh, xuống đường của sinh viên Saigon sôi động. Giảng đường trống vắng, bãi khóa triền miên.
     Chưa kịp thi. Tôi chán nản bán xe máy để làm lộ phí về quê. Ghé chợ Bến Thành, mua tặng cha chiếc mũ nỉ, cha chửi: Đồ phá của!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...