Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

QUÊ NGOẠI

      Sự tuần hoàn của tạo hoá thật diệu kỳ, giọt nước theo sông ra biển, lại trở về nguồn. Nhìn mây trôi, để ta hiểu lẽ đời “Sinh ký tử quy
    Tôi sinh ra tại nhà ông bà Ngoại, làng Nại Hiên, nay là kiệt I, đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng. Đêm 24 tháng Chạp, năm Canh Dần (31/01/1951) sau ngày ông Táo về trời. Có lẽ bếp núc quạnh hiu, nên tôi phải “ tha phương cầu thực ? “
    Ông Ngoại có căn nhà cổ. Mười mấy cây cột lim tròn, tán trên các phiến đá, khắc chạm công phu. Khoảng sân rộng trước nhà, hàng chè tàu làm bức bình phong. Bốn cây keo tây trồng cách khoảng đều đặn, ngăn con hẻm nhỏ.
    Cha đang ở Mỹ Chánh (Huế), mẹ theo cha. Bà ngoại có quán tạp hoá trước ngõ. Nghe kể mỗi lần tôi khóc, các dì lấy kẹo cho chó berger ăn, để dỗ dành...
   Căn nhà của cha cho ông Phúng thuê. Nhà ông Phúng có Đặng (hoạ sĩ Hoàng Đăng) cùng tuổi. Khi tôi lên ba, mẹ sinh em Ngọc (Xí – Quý Tỵ, 1953), rồi em Lũy (Ất Mùi – 1955).  
 
     Cha xa nhà. Mẹ đưa tôi về ngoại. Từ dì Năm đến dì Chín, các dì thay nhau bồng bế. Những lần mẹ vắng nhà, tôi khóc, các dì dỗ dành, cho kẹo chó nhai. Con Kiki – giống berger – to cao như bê, nhai rệu rạo, nhe hàm răng trắng hếu. Tôi nín.
     Lên năm, bảy tuổi. Tôi được ngồi ăn cơm với ông ngoại. Ông tôi có hàm râu trắng phau, ngày ấy tôi nghĩ ông già lắm. Nhưng ngoại sống chưa được hưởng thọ.
   Ông kể tôi nghe, mỗi lần ăn cơm, một chuyện ngắn ngủn, đêm nằm một chuyện dài hơn, đến khi tôi ngủ vùi, khuya đái dầm ướt cả ông tôi. Sau này lớn lên tôi mới biết ông tôi lấy từ “Cổ học tinh hoa” của Nguyễn Văn Ngọc.
     Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ chuyện “Ba con rận kiên nhau” :
“Ba con rận hút máu một con lợn, tranh nhau ăn, đem nhau đi kiện. Một con rận khác gặp, hỏi:
Ba anh kiện nhau về việc gì thế?
- Ba con rận đáp: Chúng tôi kiện nhau, vì tranh nhau một chỗ đất mầu mỡ.
- Con rận kia nói: Tôi tưởng các anh chẳng nên tranh lẫn nhau thế làm gì. Các anh chỉ nên lo đến con dao của người đồ tể giết lợn, ngọn lửa của bó rơm thui lợn mà thôi."
Ba con rận nghe ra, biết là dại, thôi không đi kiện nữa, cùng nhau quần tụ, làm ăn với nhau, dù no, dù đói, cũng không bỏ nhau. Con lợn thành mỗi ngày một gầy, người ta không làm thịt cứ để nuôi, ba con rận nhờ thế mà no đủ mãi.”




      Gần cuối thập niên 80, đêm đêm nghe đọc “truyện đêm khuya” bên cái radio cũ xì, rèn rẹt. “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc tôi đã khóc, không hân hoan như ngày xưa, ông tôi kể chuyện : “Sự tích cái yên ngựa

     “Ngày xưa có một vị quan tên là Hồ Lưu rất hung ác. Năm 62 tuổi, ông ta chết. Diêm chúa lật sổ ra thấy tội trạng còn quá nặng nên bắt buộc ông ta đầu thai làm con ngựa. Ông Hồ Lưu (tức là con ngựa), lớn kên bị tên nài bạc đãi, thúc đầu gối vào hông, cỡi không cần yên. Hồ Lưu buồn bã quá, nhịn đói không ăn cỏ, ba bốn ngày sau thì chết.
 Diêm chúa nổi giận:
- Thằng này trốn tội! Phải đền tôi cho đủ mới được trở về đây. Tự vận như thế là ăn gian!
Bèn cho Hồ Lưu hoá thai lần nữa, đầu thai thành con chó. Hồ Lưu tủi phận nhưng không dám tự vận như trước. Anh ta nghĩ ra một kế: "Mình cứ cắn ông chủ mình, ông chủ nổi quạu, sẽ đập mình chết". Hồ Lưu thi hành như ý định. Chủ nhà ngỡ là chó điên nên đập chết. Diêm chúa hay được, bèn sai quỷ sứ đánh vong hồn Hồ Lưu 50 hèo rồi phán:
- Mày phải đầu thai trở lại. Tội mày chưa trả hết mà mày đòi trốn hoài. Lần này, phải đầu thai trở lại làm con rắn. 
Hồ Lưu liền bị nhốt trong ngục, bò tới bò lui. Sau rốt anh ta khoét hang vựơt ngục. Biết rằng tự tử hay cắn người đều là trọng tội, anh ta bèn giả bộ bò ra ngoài, nằm giữa đường mà ngủ. Tình chờ một chiếc xe ngựa chạy qua, cán rắn đứt làm đôi. 
Diêm chúa phán:- Bấy lâu nay mi cực khổ nhìêu quá rồi. Ta không nỡ hành tội nữa. Vậy thì mi đựơc phép đầu thai về dương thế để làm quan mà cai trị dân, lấy tên là Lưu Công. 
Lưu Công lớn lên, học hành rất giỏi, đậu thủ khoa. Ông thường răn các người tuỳ thuộc, muốn cưỡi ngựa thì phải mang yên, mang nệm. Ý của ông là khuyên răn các người bên dưới nên tử tế đối với dân, đừng hà lạm quyền hành thúc ép mà đau khổ dân lành”.


     Đã hơn nửa thế kỷ, kể từ ngày ông ngoại tôi mất, không biết ông tôi đầu thai đi đâu. Thời ông tôi, ai cũng than sưu cao thuế nặng, dân tình khốn khổ. Vậy mà đã hơn năm mươi năm qua, những cảnh đời khốn khổ, bất công, nhân tâm ly tán, u ám của bóng ma thực dân, vẫn còn hiện diện đâu đây…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...