Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

SẮC MÀU

      Trước nhà tôi có vườn cây cảnh, đủ loại cây…
      Cháu Viết - quê Nam Định - tha phương, lập nghiệp trên mảnh đất này. Tôi chú ý vườn ươm giống các loài hoa, cách làm đất , bón phân, che nắng, chăm sóc, nâng niu…Ôi kỳ diệu những hạt nẩy mầm, vươn lên những chiếc lá non run rẩy trong gió sớm. Tôi buồn lòng theo những cây con không may vội sớm héo tàn, do môi sinh hay hạt giống tôi không biết, nhưng chắc chắn không do Viết.
    Từ sáng tinh mơ tôi đã nghe thấy tiếng rì rào trên lá, những giọt nước li ti trong veo như màn sương bay sang hiên nhà tôi, dịu mát. Viết điều chỉnh vòi nước nặng nhẹ, lên cao, xuống thấp như nghệ sĩ.

    Saigon cuối mùa mưa, sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt Trăng đã tạo nên hiện tượng triều cường kèm theo mưa lớn, nước mênh mông, ngập dần những vườn ươm sắp ra hoa. Nước cứ dâng, mưa không ngớt, nước cứ dâng và mưa…
    Bên cạnh nhà tôi có hố ga to. Viết kéo ống ì ạch. Chị tổ trưởng dân phố mặc áo mưa, xuất hiện cản ngăn. Viết là dân ngụ cư, không nộp tiền làm cống. Mưa vẫn như thác đổ…Sau khi làm thủ tục đầu tiên, Viết không than trời trách đất, Viết bơm nước ngày đêm, lá hoa tơi tả. Tôi xót xa nhưng chẳng giúp được gì ! Chỉ nói vớt một câu : “Thiên tai địch hoạ” ! Sao cháu không tỏ bày ? Sực nhớ mình cũng có mồm mà như câm.
     Ôi ! Tôi thương nhà thơ Quang Dũng quá ! “Tây tiến đoàn quân không mọc tóc… rải rác biên cương mồ viễn xứ…đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”…đã làm khốn khổ cho ông. Lại lan man.
    Phải tập ngay phương pháp thiền của BS Đỗ Hồng Ngọc. Để tập trung. “Thở ra biết tôi thở ra, thở vào biết tôi thở vào” không ảnh hưởng tới cái thở của ai, té ra cuối cùng ông bác sĩ lắm tài, mát tay này trong cơn thập tử nhất sinh, cũng chỉ nhờ chính mình.

    Tôi lại liên tưởng đến tập san Quán Văn – tôi tưởng tượng thế - cuộc đời cầm bút làm văn nghệ của các bậc đàn anh, sao mà nhiêu khê hay “Sinh bất phùng thời”…?
     Tôi thích tác phẩm của ai đó, nhưng có khi tôi không thích “cá tính” tác giả. Nhưng anh Nguyên Minh lại khác. Tôi chưa hề được diện kiến, nhưng…
“Sau 36 năm, giờ đây chúng tôi cùng một nhóm văn hữu sáng tác trước năm 1975, mới có cơ hội xuất bản đặc san văn học nghệ thuật QUÁN VĂN. Đặc san dự trù ra hằng tháng, số 1 phát hành ngày 15/10/2012
Chưa phải là một tờ báo định kỳ, đây là một đặc san độc lập, thuần túy văn học nghệ thuật với ý thức và trách nhiệm của những người cầm bút không phân biệt tuổi tác và ranh giới địa lý. Các bạn có thể bắt gặp nhiều thế hệ nhà văn trong một không gian rộng mở từ trong nước ra hải ngoại.
Là nhà văn chúng ta bình đẳng trước trang giấy.
QUÁN VĂN hy vọng nơi đây là mái ấm họp mặt những người viết sáng tạo, thể nghiệm nhiều hình thức và nội dung văn chương, góp phần xây dựng một nền văn học nghệ thụât Việt Nam trong viễn tượng, một nền văn chương không biên giới trong một thế giới con người càng ngày càng cần gần lại với nhau.”(1)
“…Toà soạn chỉ rộng chừng hơn 10 m2 nên về sau được bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc gọi là cái chuồng cu…”…”…Nguyên Minh muốn giữ tính độc lập nên cương quyết không nhận tài trợ của bất kỳ ai….Quán Văn là tờ báo mà năm năm qua, chẳng những không trả nhuận bút cho tác giả mà tác giả còn phải mua báo vì không có báo tặng”(Trương Văn Dân – Toà soạn Quán Văn – QV số 41)
    Nếu không có niềm đam mê dữ dội, nếu không nhìn đời bằng đôi mắt trong veo. Thuỷ chung. Nếu không thèm thuốc lào đến nỗi : “đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Người đó không phải là Nguyên Minh.  
 “…Chiều hôm đó, nhà Út Lệ có thêm một giọng đàn ông ồ ề. Giọng ồ ề đó cứ mỗi ngày một to dần, cho tới tuần sau thì trở thành cái loa làm náo động hết cả xóm. Con nít rủ nhau quần tụ trước nhà Út Lệ để xem lão Ba Lò Heo say rượu.
Lão xách dao rượt Út Lệ chạy quanh giường, đe sẽ cắt cho kỳ được cái lưỡi của vợ, chỉ vì chị vừa hát ru con bằng mấy câu này: “Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội, người xa người tội lắm người ơi!…”.
Lão hét lên:
– Tao hỏi mầy, người xa người đây có phải là mầy xa nó không? Tao là chồng mầy, tao ở sờ sờ trước mắt đây mà mầy dám thở than thương tiếc thằng chồng cũ của mầy. Như vậy làm thân con đàn bà một dạ hai lòng như mầy thì thử hỏi có đáng thẻo cái lưỡi mầy đi, có đáng xả nát cái thân mầy ra không chớ?
Những tiếng sau cùng lão rít lên cùng một lúc với tiếng dao cheng chẻng chém xuống thanh giường. Lão la, lão hét thêm một hồi nữa rồi nằm vật xuống nền đất, ngáy khò khò.”(2)
     Tôi nghĩ Quán Văn ra đời cũng tái sinh tôi. Tôi được đọc những tác giả mình yêu kính, trong niềm hân hoan, cảm thụ và chia sẻ. Đến Quán văn số 20 đã lung linh những “sắc màu”, những phụ bản, những trang văn, thơ đã kèm theo dung nhan tác giả, dù màu chưa tới.
     Rồi cũng hết mùa mưa. Cây con trong vườn ươm của Viết đã cứng cáp hơn, hoa đã ra nụ, sẽ ra hoa rạng ngời sắc màu trong nắng ban mai…
“…Lịch sử rồi cũng qua
Trong buổi tiệc sum họp tại nhà từ đường. Lũ cháu nội của anh họ tôi nói thẳng thừng với chúng tôi :
-         Thế hệ chiến tranh đã qua. Hận thù là của chế độ đó. Còn bây giờ, thời bình là của chúng con. Biết yêu thương. Và, tha thứ
Tôi lặng lẽ bước ra vườn ngắt vội một nhánh hoa dại cắm lên bàn thờ tổ tiên.”

(Nguyên Minh – Nhà mình có hoa)
(2) (Chinh Ba – Bài thơ trên xương cụt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...