Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2018

NGÔI CHÙA TRONG KÝ ỨC

     Nhìn về hướng nam, những hàng tre làng Bất Nhị như bờ viền xanh ngát cánh đồng lúa Nga Tiền.
     Ba cây đa cổ thụ cao vút, gân guốc sù sì chia ba góc, bao quanh chùa Hạ Nông và nhà nội tôi.
     Nội tôi là ông đồ nho học kiêm thầy địa lý. Những môn sinh của nội thất cơ, lỡ vận vào thời tây học. Như bác tôi, thí phát quy y trở thành thầy tu,  trụ trì chùa Hạ Nông.
     Thời kháng chiến chống Pháp, chùa Hạ Nông bị hủy hoại, tan nát. Chỉ còn giữ được đại hồng chung bằng đồng to lớn, hoa văn rất đẹp. Hai con rồng cuộn mình như đuổi bắt, tạo thành đai. Chuông được các nghệ nhân Làng đúc Phước Kiều (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam) đúc từ thời Minh Mạng (1820-1841)
Làng nghề đúc đồng Phước Kiều, có lịch sử hình thành từ khi Dinh trấn Quảng Nam, dưới thời Chúa Nguyễn Hoàng, đầu thế kỷ 17, tồn tại và phát triển hơn 400 năm qua.
      Dưới thời chúa Nguyễn và triều Nguyễn, những nghệ nhân của làng nghề được triều đình gọi ra Phú Xuân tham gia đúc đỉnh, vạc, súng và cả ấn tín.
     Nghe nói tiếng chuông vang rất xa, bác tôi kể đến Hàn (Đà Nẵng) còn vọng thanh âm. Bác tôi hiệu Thích Như Viên, pháp tự Giải Phương, tục danh Nguyễn Văn Đảnh. Lâm tế chánh tông, tứ thập nhất thế. Thuộc Tổ đình Chúc Thánh, Hội An.
     Nhiều họ tộc đã theo vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đi mở cõi, các bậc tiền nhân đặt chân vào Điện Bàn, xứ Quảng, rồi khẩn hoang, lập làng lập xã. Hạ Nông xã, Câu Nhí xã, Châu Minh xã, Mỹ Á xã… những cái tên xưa cũ đã từng lưu dấu trong “Bắc địa tấu từ” và trong “Ô Châu cận lục” của Dương Văn An biên soạn năm 1553. Ai người Quảng mà không nhớ câu: “Bồng em mà bỏ vô nôi/ để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu/ mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An”. 
     Hậu bán thế kỷ 15, làng quê tôi đã có tên. Chùa Hạ Nông được hình thành gần 300 năm, nhưng nay chỉ còn là phế tích. Cách chùa khoảng 100m, chênh chếch huớng tây-nam có gò Phật và cây thiên tuế cổ thụ. Đây là nơi nội tôi lưu giữ các tượng Phật và những gì còn sót lại của chùa. Xa xa về hướng Gò Bướm, mộ ông Nghè Trần Quý Cáp với tháp nhọn lẽ loi, nằm chung với dân làng đã quá vãng quê tôi.
     Sau hiệp định Genève. Nội tôi mất, cha tôi cùng bà con trùng tu chùa Hạ Nông (1961). Ngày lễ Phật Đản năm 1962, dù còn nhỏ, nhưng tôi không thể nào quên. Các thầy về dự lễ khánh thành, như Hòa Thượng Thích Thiện Quả, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hoà thượng Thích Trí Quang, Hoà Thượng Thích Như Huệ (Hòa Thượng thế danh là Phạm Kim Huệ, sinh năm Giáp Tuất, ngày 02-4-1934 tại làng Cẩm Phô, Điện Bàn, Quảng Nam. Đã thuận thế vô thường thâu thần an nhiên thị tịch vào lúc 9 giờ 25 tối ngày 23/06/2016 - nhằm ngày 19/5/Bính Thân tại Tổ Đình Pháp Hoa Nam Úc. Thọ thế: 83 tuổi, 60 Hạ lạp).
    Năm 1965, quê tôi chìm trong khói lửa. Chùa Hạ Nông vắng dần thiện nam tín nữ. Đạn bom cày xới tan tành ngôi chùa cùng ba cây đa cổ thụ. Chỉ còn trơ lại gác chuông. Bác tôi vẫn chiều chiều dộng chuông thinh không, vang vọng cõi trần ai. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...