Thứ Hai, 1 tháng 1, 2018

AI GIAO LẠI TUỔI THƠ TÔI

     Ngày ấy tôi mới vào đầu cấp, trường trung học bán công Nguyễn Duy Hiệu, Điện Bàn, gần con sông Vĩnh Điện hiền hoà. Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân) trích giảng bài học đầu tiên :
     “Này gã trai tơ, sách chật năm ngăn, mộng ứ rương hòm, tôi xin giao lại cái giang sơn thơ mộng cho người. Mà gọi làm chi khác tình vậy nhỉ! Ở trong tuổi đẹp, chúng ta để là bầu bạn: giang sơn tuổi nhỏ, này anh giao lại cho em. 
Hai tay em đang đầy hoa lộc của đời, những hoa lộc phong một lớp sương mờ, như một trái quà phong màng giấy xanh. Em mở ra cho trân trọng! Em có mười sáu tuổi chỉ một lần, em không có đến hai lần cái tuổi hai mươi, em chẳng bao giờ có lại tuổi mười tám. Em chỉ có một tuổi vui, em sẽ có một trăm năm buồn; tất cả đều tùy em đó, xấu đẹp ở tại lòng em. 
…………
     Em mười lăm tuổi, em tuổi hai mươi! đừng để mất một cái gì mà không hưởng. Em tưởng sau này em lớn, đi chơi bời mà là hưởng sao? Những cái ấy để cho bọn giác quan què quặt, tâm trí ngu đần, ta, thiếu niên, có thể không mất một xu mà hưởng hết của trời. " Say là say nghĩa, say nhơn, say chung Lý Bạch, say đờn Bá Nha " chứ há có say cái thứ rượu tồi mạt của Lưu Linh!”
………….
                                                 (Xuân Diệu – Giao lại)

     Quê tôi nghèo, đa số bạn tôi đi học chân không dép, chạy vội về nhà sau giờ tan học. Con trâu, cái cuốc, cái liềm chờ sẵn trong sân. Chỉ có ông Giang Nam mới nghĩ  “Ai bảo chăn trâu là khổ”. Chiều mùa đông rét mướt, chiếc tơi lá không che đủ hai tay. Học về ngang qua mả ông Nghè Trần Quý Cáp – Mả ông Nghè là Văn Miếu làng tôi – thuận tay hái rau dại, gánh về cho mẹ nuôi heo.
   Không ai giao lại tuổi thơ tôi. Tiếng ùng oàng từ Bà Nà, núi Chúa vọng về, dòng sông Vĩnh Điện đục ngầu, những thân người bị trói ké, úp mặt trôi theo dòng sông ra biển.
    Tuổi thơ tôi, nhiều bạn tôi vắng dần, ra đi khi chưa đủ lớn, rồi đi mãi không về.
    “Ông tha mà bà chẳng tha, hành cho cái lụt hăm ba tháng mười”. Bão Hagupit tàn phá gãy đổ cây đa đầu làng, xiêu vẹo nhà tranh vách đất, chưa kịp chống lại, trận lụt năm Giáp Thìn 1964 cuốn phăng đi. Con sáo yêu thương chết cóng tự lúc nào, đưa hai chân co quắp lên trời. Tuổi thơ tôi trôi theo dòng lũ dữ.
   Không ai giao lại tuổi thơ tôi, chênh vênh giữa hai bờ…

   Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy xạm đen màu tiết đọng
Tre cau buồn tóc rũ ước mơ sương
 ……………….
(Yên Thao – Nhà tôi)

                               Rồi một ngày, con đường nhựa quê tôi bị băm nát, nham nhở. Những buổi chiều ngóng về như xa xôi ngàn dặm. Chỉ còn được nhìn theo những áng mây bay. Nhà tôi đâu có “khuất bóng hoàng hôn” mà nghe chừng như “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.
           Gia đình tôi tản cư ra Đà Nẵng. Khu An Cư dựng tạm đón dân làng tôi. Gió từ biển Mỹ Khê lùa vào mang theo vị mặn, trộn lẫn với nền cát dưới chân hừng hực lữa.
        Ngày được đi học lại, là niềm hạnh phúc vô biên với lũ trẻ chúng tôi. Trường lạ, bạn mới. Ngỡ ngàng, thua thiệt lúc ban đầu dần hồi tan biến. Các thầy cô đã trộn lẫn chúng tôi, ân cần dìu dắt, có phần thương yêu hơn dành cho lũ trẻ chạy giặc.
     Mỗi ngày, từ chiếc đò ngang An Hải, biết bao nhiêu tà áo trắng. Học sinh Đông Giang, Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Sao Mai, Bồ Đề, Nguyễn Công Trứ…  đi về sớm tối. Tôi chìm nghỉm trong đó. Những lần trễ đò, tôi lang thang dọc sông Hàn, qua cầu Trịnh Minh Thế (cầu Trần Thị Lý), gió sông lành lạnh, xô dạt đưa tôi về nhà.

Trường Nguyễn Duy Hiệu - Điện Bàn


                Những ngày thi tú tài, ám ảnh mãi trong tôi. Năm học tới sẽ vắng dần… Ai sẽ “rớt tú tài anh đi trung sĩ” ? Ai sẽ vào Quang Trung, Thủ Đức, Đồng Đế, Đà Lạt. Nha Trang… Ai sẽ không về và sẽ mãi mãi không về ?

              Những người bạn cùng trang lứa năm xưa – tuổi thơ tôi – Hỡi người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ…?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...