Thứ Tư, 3 tháng 1, 2018

THỜI HOA NIÊN

     Năm đệ Thất trường bán công Nguyễn Duy Hiệu,(Thầy Hồ Đài làm hiệu trưởng, cậu Lê Văn Đa làm giám thị). Tôi  học hành siêng năng, nhưng mất căn bản từ tiểu học. Toán số học và đo lường trả lại cho thầy Phấn. Cuối năm, trường công lập Điện Bàn thành lập (1962) do thầy Dung làm hiệu trưởng. Cha muốn tôi thi vào trường công. Nhưng cả cha và cậu Đa không yên lòng, nên sắp xếp cho anh Tâm (Thùy) – đã học đệ Ngũ – thi thế cho tôi. Kết quả không thấy tên!

    Năm Đệ Thất (1962 – 1963) thật nhiều kỷ niệm. Lớp Anh văn khoảng hơn bốn mươi đứa, cả gái lẫn trai. Số bạn tôi còn nhớ như Nguyễn Đình Ký, Đỗ Diện, Phạm Văn Đức, Lê vĩnh Hoè (mất 2017), Phạm Phú Cừ, Khúc Thừa Thế, Nguyễn Văn Diên (mất 1965), Lê Viết Nem, Hồ Nên, Lê Tự Mộng, Lê Tự Trập, Nguyễn Văn Rô (mất 2013), Lê Tự Thắng, Lê Tự Mầu, Nguyễn Trần Thị Xuân Bạch Tuyết, Lê Thị Liễu, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Chung (nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Trương Văn Chức, Lê Thị Phước, Nguyễn Thị Diêu, Trần Thị Cương, Nguyễn Thị Mười (Dung), Lê Bá Đại, Trần Lý, Nguyễn Thị Dơi, Phan Tấn Ngọc (Phan Thanh Dũng), Phan Xuân Dũng, Dương Dèo (Dương Thanh Thu), Nguyễn Văn Tục, Trần Thị Thôi, Phan Đức Liên, Nguyến Tám (Hội - mất 2017), Thân Tám (mất 2007), Nguyễn Xuân Thống (mất 2016),Cù Tân, Thân An, Lê Minh Tá


Nguyễn Văn Châu - Đỗ Diện - Nguyễn Đình Ký

     Năm Đệ Lục có Phan Thị Tuyết Hoa, cô bé xinh xinh, con gái làng Bảo An. Có lẽ con cháu cụ Phan Khôi!?


Thầy Nguyễn Phú Long (Nhà thơ Hoàng Thị Bích Ni)

      Sau 50 năm gặp lại, nhớ nhau từng chi tíêt thời hoa niên! Cuối năm làm bích báo, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Đình Ký và tôi gom bài của các bạn, chọn bài, trang trí. Có mấy bạn “đạo” thơ văn. Dù lúc đó không biết của ai, nhưng rõ ràng không phải của hắn!
      Cô Ngân Hà đọc bài thơ : “An Ký Chung Mầu Tá Dục Sinh – Châu Diên Diêu Dũng Tuyết, Hoa, Anh …” Cô bảo Cúc B làm thơ ghép tên các bạn hay qúa! Tôi còn định cóp cả thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê… Nhưng sợ cô biết, nên thôi…

     Tôi thích thơ Bích Khê, Đinh Hùng, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương…Trong thời gian này, thầy cô khuyến khích đọc các tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn. Diên cho tôi mượn cuốn “Bên Dòng Sông Trẹm” của Dương Hà. Thầy Phan Chánh Dinh ra đề:  Anh chị hãy viết tiếp truyện “Anh phải sống” của Khái Hưng. Tôi bê nguyên cả đoạn kết vào bài văn. Tôi cho Cái Nhớn đi theo dòng nước lũ sông Hồng:“… Mọi người âm thầm rảo bước để tiễn đưa Cái Nhớn về nơi an nghỉ… nghìn đời“ Thầy Phan Chánh Dinh lấy bút đỏ khoanh tròn!      
     Trưa học về, đạp xe qua tiệm sách Thời Nay, bên kia cầu Vĩnh Điện.  Mua giấy pơ-luya hồng, mượn thơ Hàn Mặc Tử viết lưu bút cho bạn gái :

“Chữa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
     Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
      Lưu luyến bên em chẳng nói gì…”

     Ai cũng nói tôi có khiếu văn chương!   
                     


    Chùa Hạ Nông được trùng tu, do cha cúng dường tam bảo. Ngày khánh thành (Rằm tháng Tư - 1962), tôi cùng anh Ngộ, Dần theo đoàn Phật tử chạy tung tăng. Mẹ nấu cơm chay, thiện nam tín nữ thọ trai, ai cũng khen. Nồi chay có khoai lang, mít chín cả xơ lẫn múi, đậu xanh, đậu phụng tươi giả nát, rau sống thơm nồng…
    Anh Tâm (Thùy) mặc áo lam, quần cộc xanh Phật tử. Tôi xin mẹ đi theo, nhưng cha không cho, cha nói:
     “ Dù xây chín bậc phù đồ, sao bằng làm phúc cứu cho một người“ – “ Phật tức tâm, tâm tức Phật!”
    Tôi lên chùa tụng kinh Vu Lan báo hiếu, cha nói: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ ấy là đi tu“
     Lễ Phật đản 1963, chùa Hạ Nông không một bóng cờ. Bác Xứng tụng kinh cầu an, cầu siêu.
    Ngày 11.6.1963 Thượng Toạ Thích Quảng Đức tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt (CMT8) 
     Ngày 20.8.1963, Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp Phật gíáo. Các thầy ở chùa Tỉnh hội Hội An bị bắt…học sinh nghỉ học. Thị trấn Vĩnh Điện đìu hiu! Bác Xứng nói, ai theo Phật giáo là bị bắt, bỏ bao bố thả sông. Cầu Kỳ Lam biết bao nhiêu người chết…
     Cha nghe radio la lên : “ Đảo chính rồi! anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu bị giết – Tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn…đảo chính thành công rồi”
     Đồng bào Phật giáo hò reo. Thị trấn Vĩnh Điện tưng bừng như mở hội, ai cũng hân hoan như mình vừa thoát chết – Đó là ngày 01.11.1963.
  
      Dần rủ về quê ăn khoai lang nướng, mẹ nó mới đào. Hai đứa đạp xe qua khỏi tháp Bằng An, gần đến ngõ Nghè Mai, Chánh Chước, đã nghe rộ tiếng súng. Mấy người gánh lá dâu băng qua đường, chạy về hướng thôn Nông Sơn… Dần nói đó là quân Giải Phóng.

     Những ngày mùa đông buồn da diết, Thân Tám (Thân Hùng – đã mất 2009) rủ qua bến xe Vĩnh Điện, coi xác Việt Cộng mới bị bắn chết. Bỗng nó khóc oà, nói chú nó! Không khí chiến tranh tràn vào lớp học, Dần, Bảy, Diên theo anh Đông làm du kích, lớp học thưa dần…


Thầy Phan Chánh Dinh (Nhà thơ Phan Duy Nhân)

     Thầy Phan Chánh Dinh (Phan Duy Nhân) dạy bài cuối cùng, bài thơ: “Nhà tôi” của Yên Thao.
NHÀ TÔI

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng giặc đóng
Làng tôi đấy, sạm đen màu tiết đọng
Tre, cau buồn rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lôm lốp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi, đau gì không ?
Tôi là anh lính chiến
Rời quê hương từ dạo máu khơi dòng
Buông tay gầu vui lại thuở Bình Mông
Ghì nấc súng nhớ ơi, ngày đắc thắng
Chân chưa vẹt trên nẽo đường vạn dặm
Áo nào phai không sót chút màu xưa
Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Tôi có người vợ trẻ
Đẹp như thơ
Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ
Má trắng mịn thơm thơm mùa lúa chín
Ai ra đi mà không từng bịn rịn
Rời yêu thương nào đã mấy ai vui
Em lặng nhìn với lúc chia phôi
Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ
Tôi còn người mẹ
Tóc ngã màu bông
Tuổi già non thế kỷ
Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong
Nắng mưa từ thuở tang chồng
Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

Ôi xa rồi, mẹ tôi
Lệ nhoà mi mắt
Mong con phương trời
Có từng chợt tỉnh đêm vơi
Nghe giòn tiếng súng nhớ lời chia ly
-         Mẹ ơi, con mẹ tìm đi
Bao giờ hết giặc con về mẹ vui

Đêm hôm nay, tôi trở về lành lạnh
Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa
Chiếc quần nâu đã vá mụn giang hồ
Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ
Làng tôi kia, bên trại thù quạnh quẽ
Trông im lìm như một nấm mồ ma
Có còn không em hỡi, mẹ tôi già
Những người thân yêu khóc buổi tôi xa?

Tôi là anh lính chiến
Theo quân về giải phóng quê hương
Mái đầu xanh bụi viễn phương
Bước chân đất đạp xiêu đồn luỹ địch
-         Này, anh đồng chí
Người bạn pháo binh
Đã đến giờ chưa nhỉ ?
Mà tôi nghe như trại giặc tan tành ?
Anh rót cho khéo nhé
Kẻo lại nhầm nhà tôi !
Nhà tôi ở cuối thôn Đoài
Có giàn thiên lý, có người tôi thương
(1949)

     Quê tôi chìm trong khói lữa. Máy bay ném bom tan tành ba cây đa cổ thụ. Cô dượng Ngũ ra đồng. Cà nông rơi trúng hầm, xác bốn đứa con, không đứa nào còn nguyên vẹn.
    Sáng sớm, quân Giải phóng tử hình thôn trưởng Nông Sơn, bắn thêm người em từ ngoài đồng chạy về. Chùa Hạ Nông vắng dần thiện nam tín nữ. Bác Xứng vẫn chiều chiều dộng chuông thinh không, vang vọng cõi trần ai. Nhà ông Đốc Thuyên – cháu cụ Trần Quý Cáp – cũng quạnh quẽ vắng ngắt.
    Gia đình tôi tản cư ra Đà Nẵng, Cha lấy lại căn nhà cho thuê ở đường Phan Châu Trinh, gần ông bà ngoại. Tôi được gửi trọ nhà ông Nữa - bảo vệ trường Nguyễn Duy Hiệu.  Cuối tuần mới về nhà. Thầy Phan Chánh Dinh, cô Dương Thị Ngân Hà, thầy Trần Văn Tường, cậu Lê Văn Đa cũng ăn cơm trưa ở nhà ông Nữa cùng tôi. 

 Cô Dương Thị Ngân Hà

     Những buổi chiều tan học, sân trường vắng hoe. Thỉnh thoảng cô bạn học P.T.T.H xinh xinh, trọ bên kia đường, mang áo quần xuống giặt ở bến sông, trước nhà trọ. Lòng tôi buâng khuâng, mong đợi, không nói nên lời…
    Một lần trong giờ toán của thầy Tường. Không biết đứa nào viết lên bảng :”Bạch Tuyết + Cúc B kết hợp”. Thầy Tường gọi tôi lên, tát cho một tai, tá hoả tam tinh! Mãi gần 50 năm sau, Phạm Văn Đức mới nhận là thủ phạm, trong lần hội ngộ, trước mặt thầy Tường!


Thầy Trần Văn Tường

   Năm đệ lục (1963-1964) tôi cùng Nguyễn Văn Diên, Nguyễn Chung (Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung), Nguyễn Đình Ký thức trắng đêm làm bích báo. Do thầy Võ Toàn Trung làm giáo sư hướng dẫn.
     Từ thị trấn Vĩnh Điện về quê gần ba cây số, nhưng xa xôi vời vợi. Dòng sông Vĩnh Điện thỉnh thoảng mang những xác người, bị trói ké sau lưng, trôi xuôi theo dòng nước đục ngầu.




    Giữa năm đệ Ngũ (1964-1965) đang hăng say học tập, lần đầu tiên tôi được xếp hạng cao trong lớp. Nhưng lớp chỉ còn hai mấy đứa, nhập chung hai lớp Pháp và Anh văn. Cha chuyển trường, ra học ở Đà Nẵng. Hụt hẫng với môi trường mới, bạn bè mới: Trường Sao Mai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...