Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

MẶC KHẢI


“Người thuỷ thủ già đã hằn tri thiên mệnh
Nếp da khô dan díu thuở đào hoa…”

     Anh đang sống với nỗi u hoài, chìm ngập trong những ngày tháng cũ. Đôi khi giật mình, anh tự hỏi: Để làm gì vậy?
     Tàu neo khơi xa, bộ đồ tím đã nhạt màu bỡi gió biển, hoà lẫn màu trùng dương bát ngát, anh cảm thấy mình vô cùng nhỏ bé. Bến cảng trong kia, nơi có em. Cô bé cười tít mắt, hân hoan trong niềm vui lẫn tự hào, khi cùng anh song đôi trên những con đường rợp bóng mát, trong lòng thành phố Nha Trang.
     Ba đỉnh dãy núi Cô Tiên như dáng ngọc thanh tân của người con gái, nằm xoả tóc trãi dài xuống Bãi Tiên, theo hướng Đông Nam ra trùng khơi lộng gió.
     Quán cơm Thọ Lộc đường Công Quán, Billiard Thu Quang Trung, café 108 Độc Lập, Phương Sài, chợ Đầm dưới chân cầu Hà Ra, Cầu Xóm bóng, Hòn Chồng, tháp bà Ponagar in dấu Chiêm quốc xa vời. Đôi khi anh đưa em vào tiệm sách Kim Anh, Hoa Sen, Văn Lang, Phước Thành… mua tặng em những tập thơ nói hộ lòng anh.
     Mùa đông miền Trung buồn hiu hắt. Cây bàng trụi lá vươn những cành khẳng khiu với trời xanh, như em đang chơi vơi giữa dòng đời, đôi lúc em không còn nhận ra mình. Sóng biển tung bọt trắng xoá, mất dấu chân em trên cát. Em dừng lại nhìn đôi chân khẳng khiu của mình,  không còn cảm giác ở cả tay chân, những nốt đỏ nhạt trên da, em cào cấu nhưng không hề thấy đau, em giật mình khi lòng bàn chân co cứng, đôi mắt em ngày một mờ dần…    
     Em đi từng bước chầm chậm xuống biển, ngoài khơi xa chiếc tàu tuần dương đen thẩm, bất động. Trong mơ hồ em nghe như anh đang gọi: Hồng Nhung…
…….
     Khu vườn Dạ Ngân của hai Sơn ở Bình Mỹ chuẩn bị ngày giỗ lần thư ba mươi, kể từ ngày Hồng Nhung biệt tích. Hai Sơn cùng khoá với anh, sau bao năm lưu lạc cũng tìm được nhau. Anh rưng rưng nhìn bức di ảnh cô bé Hồng Nhung nhí nhảnh ngày nào, một cây nhang nào đó đã cháy xém vai áo trắng của em, vết đen thẩm không phai mờ dù đã cố lau chùi mặt kính. Hai Sơn định thay khung kính khác, nhưng anh ngăn lại. Có khi trong lòng Hồng Nhung ở nơi xa xôi nào đó, cũng nghĩ anh không còn hiện hữu trên cõi đời này.
     Hồng Nhung mất, tình yêu trong anh cũng chết. Hai Sơn nâng ly rượu:”- Ngầy đó tao dốt thật! Ai ngờ em tao đồng bệnh cùng Hàn Mặc Tử…”. Giọt nước mắt lăn tròn rơi xuống mặt bàn vỡ tan. Anh đắng lòng nhìn di ảnh Hồng Nhung, ngày xưa em như chim sáo, có thật lòng em vô tư lự khi đến cùng anh? Nhưng nay đôi mắt em sao u buồn vời vợi?
     Tiệm vàng K.H. của cha mẹ hai Sơn vốn nỗi tiếng ở thành phố biển Nha Trang lâu đời, qua bao vật đổi sao dời chỉ còn lại mảnh vườn Dạ Ngân, tận huyện ngoại thành Củ Chi. Hai Sơn ngậm ngùi:”- Ban đêm, khi không gian tỉnh lặng tao nghe tiếng ru hời của mẹ, tiếng ngâm thơ sang sảng của cha, tiếng cười khanh khách của em tao…”. Anh muốn quên, hai Sơn lại nhắc.
     Thuỷ triều lên, dòng sông nhỏ dập dềnh những cánh bèo trôi, nở hoa tím ngát. Chiếc xuồng máy nhà ai bắn tung con nước, tiếng vỗ bờ nghe buồn tênh.
     Soi rọi lại, anh thấy đời mình thật vô vị. Tự dưng hai thằng bạn đã qua tuổi trung niên lâu rồi mà vẫn độc thân.    
     Hai Sơn có hàm râu bá chấy mà đầu cạo trọc. Kết giao và qui tụ nhiều văn nghệ sĩ, mặc dù hai Sơn chỉ là người yêu văn nghệ. Anh lại không có duyên với đàn bà, anh đã “quán thân bất tịnh” từ ngày gặp cơ duyên theo thầy Trí Đạo. Những bóng dáng thiên kiều bá mị dưới mắt anh đều tiềm ẩn thiên la địa võng, xác thân trơ trụi nhơ nhớp, không có gì phải say mê đắm đuối.
     Tiếng kinh tụng cùng chuông mỏ vọng từ vườn Dạ Ngân đêm đêm, niềm tin yêu cuộc sống trong an bần lạc đạo, đã tạo cảm hứng trong tâm hồn đôi bạn ẩn danh. Hai Sơn ngâm nga:
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đìng tiền tạc dạ nhất chi mai
(Mãn Giác Thiền Sư)


     Nhưng trong lòng anh chỉ có hình bóng Hồng Nhung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...