Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

DĨ VÃNG

      Trong làng không biết ông nào hơn ông nào. Ông Chánh Hai chê Hương quản chỉ là chức mua, ra làng đứng xớ rớ, đâu dám ngồi chiếu. Mấy cụ tiên chỉ ho một tiếng, là dạ dạ như hát bội. 
     Trên hết là Hương cả, Hương chủ. Còn lại là Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ (hay Thủ bộ), Hương thân, Xã trưởng hoặc Thôn trưởng, Hương hào.
     Hương quản Hào chịu trách nhiệm duy trì trật tự trị an, cùng với đám Hương thân, Hương hào. Hương quản trực tiếp chỉ đạo Hương tuần, Cai tuần, Cai thị, Cai thôn, Trùm và Trương, những người có quyền hạn như an ninh, cảnh sát.
     Xóm trên có ông thầy Kinh. Thầy Kinh tu tại gia, được mời đi cúng khắp làng, kiêm luôn thầy địa lý. Ông Cai Tổng Thìn. Ông Lý Cát, ông Lê về hưu được thăng tòng bát phẩm, nên gọi ông Bát Lê. 
      Ông Cử Hoành được trọng vọng nhất. Ông không ra làm quan, nại cớ cha mẹ già. Học trò ông có người là ông Đốc, ông Tú, ông Nghè.
     Cai tổng Thìn nhìn quanh. Lác đác có mấy vị khăn đóng áo dài the đen, dù cặp nách vừa đến cổng đình. 
Lễ Kỳ yên năm nay được tổ chức ba ngày. Ngày lễ cũng là dịp cho các bà nấu xôi, làm bánh, chưng hoa quả. Nữ công gia chánh có dịp thi tài. Tiếng trống giục giã đã mầy hồi
     Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, tế thần Thành hoàng. Đình làng ở Nam bộ mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng Điền (bắt đầu mùa vụ mới) và Hạ Điền (khi thu hoạch xong), Kỳ Yên có thể gộp chung với Thượng Điền hoặc Hạ Điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương. Năm nay mùa màng thất bát, các cụ kết hợp lễ Kỳ yên với Hạ điền. Cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
     Chánh tế là cụ Cử Hoành, phụ tế có ông Bát Lê và Cai tổng Thìn. Bỗng ngoài cổng xôn xao. Ông Nghè Tân thong thả bước vào cúi đầu, khoanh tay chào các cụ. Ông Nghè Tân được bổ nhiệm làm đốc học. Quan đốc học có hàm chánh ngũ phẩm. Cao hơn quan phủ, quan huyện chỉ có hàm lục phẩm.
      Quay sang ông Cử Hoành, ông Nghè Tân:“- Thưa thầy, con luôn kính nhớ đến thầy. Có lẽ con sắp xa thầy, ra kinh sư”.    
     Ông cử Hoành vuốt chòm râu bạc, cười rạng rỡ. Đỉnh vinh hoa thấp thoáng. Nguyện cầu anh linh tổ tông độ trì, cho phượng hoàng tung cánh bay cao, bay xa.
     Ba hồi trống vang dội, khai trương mùa lễ hội. Lời văn tế nghiêm cẩn, dâng lòng thành của dân làng đến Thành Hoàng bổn xứ. Bóng mát từ cây đa trước sân đình tỏa rộng, như chở che và trao niềm an lạc.
     Bỗng Hương Hào: Quới làng! quới làng! Bà con chộn rộn, ngơ ngác làm kinh động đến sự thiêng liêng, khi đang hành lễ. “ Con hai Môn té giếng!”. Giếng sâu mấy chục sải tay, thằng nhỏ chắc chết! Hai Môn đứng bật dậy như lò xo. Giếng cách cổng đình hơn trăm mét. Lòng giếng xây bằng đá tổ ong xanh rêu, cây dương xỉ bám quanh tự lâu đời.
     Ông Cử Hoành thở dài. Lòng thành ta cầu an, nhưng Thành Hoàng cũng báo cho điềm xấu. Rồi đây nhân tâm ly tán. Ông nhìn trời. Trời trong xanh không gợn chút mây, nhưng phương đông ửng lên vầng ráng đỏ, báo hiệu thiên tai hạn hán. Nạn đói sẽ hoành hành nơi làng quê quạnh quẽ này thôi.
     Nghè Tân không ra kinh sư. Ông Nghè giũ áo từ quan, đi làm quốc sự. Ông đã theo cụ Hường. Phong trào Cần Vương như lửa cháy, nhiệt huyết yêu nước như vết dầu loang. Sĩ phu từ bắc tới nam hừng hực lòng ái quốc dâng trào, cao như ngọn sóng.
     Vậy mà cả đàm chức sắc Hương hội cứ “một miếng giữa làng, bằng một sàng xó bếp”. Hương quản Hào nghênh ngang dọa nạt. Sưu cao thuế nặng bà con không có để nộp, hắn bắt gà, bắt vịt. Thậm chí chộp luôn mấy con heo sữa. Hắn phạt vạ. Sưu thuế vẫn hoàn sưu thuế.
     Con hai Môn chết thật! Tuổi mười ba như con nhái bén, như con chàng hiu. Nhảy một phát không biết đến đâu, vẫn cứ nhảy. Hai Môn bó chiếu, lèo tèo mấy người vác cuốc theo sau. Hai Môn là dân ngụ cư, đâu có hộ khẩu, thuế thân còn nợ. Ai thương?
     Ông Cử Hoành nghe học trò mình theo chí cụ Hường Hiệu. Lòng phơi phới, không thẹn với đất trời. Môn sinh theo đạo lý, nghĩa là giúp mang nghĩa cả của thầy. Ông Cử Hoành hứng chí ngâm nga:
“Trượng phu sinh bất năng phi can chiết hạm, vị thế phù cương thường. 
Tiêu dao tứ hải, hồ vị hồ thử hương. 
Hồi đầu nam vọng mạc vô cực hề, thiên vân nhất sắc đồ thương thương. 
Lập công bất thành, học bất tựu, thiếu tráng hữu cơ thần hề, toạ thị bách niên thân thế khu âm dương. 
…….
Thiên địa vũ trụ hỗn tương vong, dư bất tuý hĩ, dư hành dư chí. 
Nam nhi tự cổ sự tang bồng, hà tất cùng sầu khấp phần tử.
Dịch nghĩa:
Kẻ trượng phu sống mà không vạch gan, bẻ cật lo giềng mối cho đời 
Rong chơi bốn biển, quê hương ở nơi đâu? 
Quay đầu trông về nam, mit mù vậy hỉ! Trời mây nối màu xanh ngắt 
Lập công chẳng được, học không xong, trai trẻ có bao lâu, ngồi ngó trăm năm, thân đuổi cuộc sớm chiều
……
Trời đất dọc ngang đều mất hết, sao ta không say, chí ta thời ta làm 
Từ xưa nam nhi đuổi theo tang bồng, cớ gì sùi sụt sầu cố hương”(1)
     Nhưng trời đã phụ lòng người. Trong thế cùng lực tận. Ông Nghè Tân cho quân binh theo mình rã ngũ. Tự lo thân, thoát khỏi chốn nguy nan.
     Nhìn mây trời u ám trên dãy Ngọc Linh chạy dài, băng qua rừng Trà My xanh ngát, đượm nồng hương quế. Ông Nghè Tân sửa lại tư thế, trịnh trọng quỳ xuống, mặt hướng về phương bắc ngậm ngùi:
“Sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết, đuốc quang minh hun mát tấm trung can;
Chỉ non sông giã với cô thành, chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí”(2)
     Ông buông mình xuống vực sâu thăm thẳm. Tiếng vượn hú thê lương tiễn biệt tấm lòng son. Nghĩa khí kẻ sĩ trong thời tao loạn, đã thành thần. Rừng thiêng vang vọng nỗi u hoài, sinh bất phùng thời.
      Hội đồng Hương chức nhóm họp kỳ này nghe có vẻ nghiêm trọng. Ngoài đương chức, còn mời hết các vị thân hào nhân sĩ nữa. Ông Chánh Hai, ông Thầy Kinh, ông Lý Cát, ông Bát Lê...
     Ông Cử Hoành từ khi được tin ông Nghè Tân tuần tiết, sinh bệnh. Mắt gần như mù hẵn, nằm nhà đắp chiếu, không còn ham bàn chuyện thế sự.
     Đám hương chức ngán nhất mấy ông quan đã về hưu, nhiễu sự. Ông Lý Cát mặt đỏ ké. Mặt trời sắp xuống núi còn tươi hơn mặt ông, sực nức mùi rượu. Lão Lý lấm lét, không dám nhìn thẳng, cứ e hèm e hèm. Ông Chánh Hai lấy ống điếu gõ gõ lên vai Thầy Kinh, mắt nháy nháy về hướng Lý Cát.
     Nội dung chung qui cũng là trật tự trị an. Thuế điền thổ, thuế thân, thuế lao dịch, thuế rượu, thuế muối… Không nghe nói gì về dân sinh, dân trí, dân quyền. Quy kết những người theo phong trào Cần Vương chống Pháp là giặc.
     Ông Bát Lê vốn nho nhã, ít nói. Bỗng dưng đứng lên chỉ tay vào bọn hương chức: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là các ông. Dân tình khốn khổ, các ông tróc nả không còn cái khố. Tiếp tay cho chúng nó gom góp tài nguyên, tơ lụa, quế hồi. Mỏ vàng Bông Miêu rỉ nước đen ngòm, là xương là thịt dân làm phu làng này, các ông biết không, hả?”
     Sân đình chộn rộn, có người nép mình tránh né. Lão Lý Cát hết say, mắt nhìn lơ láo. Ông Chánh Hai cúi đầu, Thầy Kinh luôn miệng niệm Phật.
     Nói xong, ông Bát Lê phủi đít ra về. Hương quản Hào không dám hó hé. Dầu sao ông Bát Lê cũng là quan to, chức trọng về hưu. Đã một đời phụng sự cho nước cho non.

(1)   NAM PHƯƠNG CA KHÚC - Bản chữ Hán do Nguyễn Bá Trác đăng trên Nam Phong tạp chí, do Phạm Hoàng Quân cung cấp cùng bản dịch nghĩa trên báo Tuổi trẻ.
(2) Văn tế Phò mã Chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ thượng thư Ngô Tòng Chu do Đặng Đức Siêu soạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...