Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

LÂM - SƠN CƯỚC

      Ký ức hắn hổn độn. Cô Năm ghé tai hắn thỏ thẻ: “- Cô thấy không đứa nào nhớ về ông bà như mi!”. Tiếng vọng trong hắn thì thầm: Mi là đồ mất dạy, vô nghì. Từ nhỏ hắn không kiêng, không trọng ai. Ông nội hắn giả lả: “Thần linh kinh đứa ngộ”. Cha hắn bỏ mặc, mẹ hắn khóc khô nước mắt. Chữ nghĩa trong hắn lưa thưa trên cái sàng gạo, đọng lại vài hạt nguyên vẹn lẫn đất, đá.

     Hắn bỏ nhà đi theo ông Ba lên rừng, tìm kỳ nam, dược thảo. Người ta nói “ngậm ngãi tìm trầm”, hắn chỉ mang theo cái rìu. Ăn của rừng rưng rưng nước mắt, không kể được cái gian khổ của hắn. “Nậu” nào cũng không khổ bằng nậu nguồn, "Ai về nhắn với nậu nguồn - Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên” chỉ là chuyện vớ vẩn. Ông Ba trước khi xuất hành cũng làm lễ  lạy Bà Thánh Mẫu Thiên Y A Na. Trầm kỳ là báu vật của Bà, ai có lòng thành sẽ được Bà ban lộc. Tránh được tai ương "hổ vồ, trăn siết, phỉ giết, đá đè".

     Không biết ông Ba phạm lỗi lầm gì. Ông bị rắn độc cắn chết. Hắn chôn xác ông Ba giữa mênh mông rừng già. Hắn khóc, lần đầu tiên hắn khóc, sau cái chết của ông nội hắn, hơn mười năm về trước. Hắn trở thành đầu nậu thứ thiệt.
     Nhóm “địu(1) của hắn tung hoành. Một ngày, nhóm hắn phát hiện cây dó bầu khổng lồ, thân u nần, cao vòi vọi.  Nhóm hắn dựng lán trại làm chỗ trú ngụ qua đêm. Bắt đầu “soi trầm” - động tác gọt bỏ phần vỏ cây dó bầu để lấy phần lõi trầm bên trong.  Các khối trầm hương-kỳ nam lồ lộ, hương trầm bay quyện lan toả trong gió. Nhưng chẳng may, một phu trầm trong nhóm của hắn lên cơn sốt, co giật, mắt trợn trừng, rồi xuôi tay, tắt thở.
     Lâm – Sơn cước. Chính hắn, vòng quanh cổ dây chuyền vàng óng to như sợi xích, móc chiếc nanh hổ cong veo tòng teng giữa ngực. Hắn bỗng dưng có hiếu bất ngờ. Ngôi biệt thự xây tặng cha mẹ hắn nguy nga, tráng lệ hơn nhà ông Năm Hơn - chủ tịch tỉnh. Hắn “qui hoạch” mộ phần tổ tiên, ông bà hắn ngắn nắp, nhưng không giống ai. Mộ cụ tổ uy nghi chính giữa, mỗi đời một vòng tròn bao quanh, như “long chầu, hổ phục”, trên gò cao. Dành thế long mạch lên xuống trùng trùng, uốn lượn, như cá nhảy chim bay gọi là sinh long, địa huyệt cát.
    Lâm – Sơn cước chểm chệ trên chiếc siêu xe lamborghini. Không biết hắn học từ đâu, khi trà dư tửu hậu, hắn vổ vai Hai Phú, con chủ tịch tỉnh:“làm quan nhất thời, làm dân vạn đại”. Đàn em của hắn đủ loại. Nhân chuyện hắn ủng hộ quỹ “khuyến học” tỉnh hai trăm triệu, đám phóng viên chầu rìa tung hô hắn như một vị anh hùng, từ báo địa phương đến trung ương. Hội Doanh nhân, hội khuyến học, mời hắn làm hội trưởng danh dự.
     Hắn nghĩ, “nhất thế nhì tiền”. Thế có thể có tiền, nhưng không vinh hoa phú quý. Có tiền sẽ có thế, nhất là xã hội bây giờ. Đố ai không tiền mà được đối xử tử tế, trọng vọng. “Vai mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá người ta nghe ầm ầm”. Cụ thể như hắn, không học hành, “thành đạt” khi tuổi chưa đến hai lăm, chưa vợ con, không nghề nghiệp, nhưng sống như ông hoàng.
     Hắn đâm ra muốn nổi tiếng, bất kỳ hội lễ nào hắn cũng đến dự, ủng hộ nhiều ít tuỳ theo qui mô. Triển lãm hội hoạ nào hắn cũng đến “thưởng lãm”, thậm chí sẳn sàng mua những bức tranh đắt tiền, dù hắn không hiểu gì về hội hoạ. Đem về lại vất vào trong kho.
    Lâm – Sơn cước đang muốn đi tây, hắn dự trù định cư ở nước ngoài, mai mốt thành việt kiều yêu nuớc không chừng. Nhưng nghe nói bên tây khó sống, dù có tiền nhưng dốt chỉ đi làm cu-li. Nhiều anh việt kiều không biết làm gì bên Mỹ, cũng huênh hoang ra vẻ có tiền. Hắn ghét thậm tệ loại này, thùng rỗng kêu to. Lâm – Sơn cước bao luôn quán bar, cho đàn em tống khứ, kèm theo lời cảnh cáo, nghe chẳng ngọt ngào gì.
     Hắn mời thầy dạy tiếng Mỹ, Hắn nói không thích tiếng Anh, chỉ cần dạy hắn nói, không cần dạy chữ. Con gà có biết chữ đâu mà cũng đẻ được trứng. Hắn trả thù lao thầy hậu hỉnh. Hắn biết nhiều đứa có bằng đại học, nhưng có làm chi ra hồn. Thằng Hai Phú có học hành gì đâu, ăn chơi mút mùa, nhưng bằng gì cũng có. Hai Phú còn khoe mai mốt làm cái bằng tiến sĩ chơi, dễ ợt.
     Phía sau biệt thự, Lâm – Sơn cước nuôi bốn con gấu ngựa, con nào cũng hơn tạ, thỉnh thoảng lấy mật. Chung quanh hồ nước rộng, hắn cho đào hào, sâu hơn một mét, trên lót những tấm bê-tông, nuôi rắn hổ mang. Cốt để mua vui, lấy nọc, đôi khi làm mồi nhậu.
     Lâm – Sơn cước không đi Mỹ. Hắn cùng Hai Phú “đầu tư” làm cái resort mấy chục héc-ta ở Phú Quốc. Thế và tiền kết hợp, làm cái gì không xong. Đất rừng mênh mông, chỉ tốn công khai phá nhưng đã có lời. Dự án chưa phê duyệt, đã có người ùn ùn chở từng xe tiền đến nộp cho hắn, dành phần.

     Hắn thuê điêu khắc gia nổi tiếng, tạc tượng hắn. Không phải bằng đá mà bằng trầm hưong. Trầm hương là một loại gỗ quí với hương thơm thanh khiết mà hầu hết các tôn giáo đều sử dụng dể dâng cúng lên các bậc tôn kính của mình. Qua bàn tay khéo léo, bức tượng Lâm – Sơn cước có vẻ trang nghiêm và bao dung đầy trí huệ. Mùi hương thoang thoảng làm tượng HẮN thêm phần thanh thoát. Hắn xây riêng gian nhà “an vị” tượng HẮN, trang hoàng như cung điện, sơn son thếp vàng.
     Lâm – Sơn cước nhìn tượng HẮN, bỗng thấy linh thiêng. Sấm chớp, mưa nguồn, linh hồn ông Ba, phu trầm ùn ùn, giông bão kéo tới mù mịt, cuộn xoáy lốc, tối sầm. Hắn quỳ xuống lạy tượng HẮN lia lịa. Hắn không để ý hai con gấu ngựa sổng chuồng, đang lấy đà lao tới…



(1)       Cách gọi của dân địa phương Khánh Hoà chỉ những người đi tìm trầm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...