Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

CHỊ EM

     Chị Thắm không nhìn em, vỗ vai Thịnh nhè nhẹ. Chị quay lưng chậm rãi bước vào khu vực cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng chị gầy gò, mái tóc bạc trắng nhấp nhô trong dòng người, rồi khuất hẳn. Lòng anh nhói lên niềm thương cảm vô bờ.
     Ngày đón chị sang, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson Atlanta chìm trong sương mù, miền Đông Nam Hoa Kỳ mang khí hậu bán nhiệt đới dễ chịu, Thịnh chị đưa về nhà.
………
      Mẹ mất sớm khi Thịnh mới lên năm, chị cả Nhu đôn hậu như tên chị, nhưng nghiêm khắc giống tính bố, thay mẹ chăm sóc các em. Gà con không mẹ nên chị Thắm ý thức tự lập từ sớm, đôi lúc chị giận dỗi chị cả Nhu vì xem chị trẻ con như cu Thịnh.
     Cụ phó bảng làng Lương được bổ làm đốc học Nam Định, việc quan bận tíu tít, năm chị em được giao cho bõ An, người đầy tớ già trung hậu nhưng hay lú lẫn.
     Chỉ nhìn tia mắt không bằng lòng của chị cả Nhu, Thịnh đã ríu ríu buông ngay trò nghịch ngợm, chạy ù vào bàn học. Ngày bé, Thịnh nhớ mẹ thường chui vào góc lõm cây rơm sau nhà, rưng rức khóc. Chị Thắm chạy quanh tìm em, ôm Thịnh vào lòng dỗ dành, nhưng nước mắt chị cũng rơi. Chị Thắm ít nói, chăm sóc cho Thịnh từ miếng ăn giấc ngủ, học hành. Chị còn nghiêm hơn thầy giám thị ở trường.
………
      Cụ phó bảng làng Lương bị khép tội làm quốc sự, chống Pháp. Cụ bị bắt và chết trong tù.
      Hiệp định đình chiến chia đôi đất nước. Ngày di cư vào Nam chỉ có năm chị em, chị Thắm dắt Thịnh chạy theo đoàn người xuống Kiến An, Hải Phòng. Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, đến Vũng Tàu chị cả Nhu đưa các em theo xe về Hố Nai, Biên Hoà và định cư tại đấy. Nhờ giáo xứ bảo bọc, năm chị em được học hành tử tế.
     Khi Thịnh xong tiểu học, chị Thắm lập gia đình, theo chồng về Saigon. Chị cả Nhu cứ ở vậy, khi các em đã trưởng thành chị từ bỏ mọi sự, rẽ vào con đường dâng hiến, dấn thân theo tiếng gọi yêu thương của Giêsu. Chị được đính hôn và kết ước với Đấng Tình Quân để thuộc trọn về Chúa. Từng lời bài hát “Khúc ca ngày tận hiến” reo lên niềm vui, thiêng liêng và làm xao xuyến tâm hồn Thịnh. Chị cả Nhu cũng là Mẹ.
     Sau hai mươi năm rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, một lần nữa soeur Maria Nguyễn Thanh Nhu đành xa quê hương, theo dòng Mến Thánh Giá di tản sang Hoa Kỳ. Sau đó mười năm, Thịnh vượt biên cũng sang đất Mỹ.
……
     Hai chị em ngỡ ngàng nhìn nhau, đôi mục kỉnh như muốn rời sống mũi, Soeur Nhu ôm chầm lấy em. Chị Thắm không nói một lời, nhưng đôi mắt long lanh ngấn nước. Gần năm mươi năm rồi còn gì, hai người đã qua ngưỡng tám mươi. Sự trùng phùng dù đã được chuẩn bị nhiều năm, nhưng sau lần này có khi chị không còn gặp lại Soeur Nhu.
     Chị Thắm suốt một đời, theo nghề giáo của cha. Nề nếp gia phong, tôn ty trật tự đối với chị là kim chỉ nam trong cuộc sống.
     Thịnh xúc động đăm đăm nhìn hai chị. Tận trong sâu thẳm tâm hồn, chị Thắm vẫn buồn lòng vì từng ấy năm Soeur Nhu không về thăm quê cha đất tổ, mộ phần bố mẹ. Riêng Thịnh vài ba năm dành dụm chút đỉnh lại về. Sợi dây yêu thương gắn bó hai chị em từ bé, cứ khắng khít mãi không rời, đến nỗi chị Thắm biết rành từng món ăn, nết ở của Thịnh. Mỗi lần về muốn đi đâu, không báo chị biết, chị dỗi Thịnh ngay và không thèm nói một lời! Ông già Thịnh gần bảy mươi, chị vẫn xem như cu Thịnh ngày nào.
-         - Soeur về chứ?
-         - Không, không đời nào!
     Chị Thắm nghe đắng ngắt trong lòng, chị vào phòng khẽ khàng khép cửa. Soeur Nhu đoán thầm chị thấm mệt, có lẽ hành trình dài lê thê và chưa hợp khí hậu nơi này. Nhưng không, chị chỉ lặng lẽ buồn. Hơn nữa đời người, chị em mới gặp lại nhau và chỉ hai câu nói ấy thôi ư?
     Thịnh ngồi bên chị, ánh đèn ngoài hiên hắt tia sáng trắng vẽ lên tường sơn màu tím nhạt bóng những chiếc lá đong đưa, như bàn tay vẫy gọi. Thịnh an ủi chị, bất ngờ chị Thắm nói nhẹ nhàng nhưng nghe ra như mắng:”- Cậu không cần dạy khôn tôi!”. Chị xoay mặt vào trong, Thịnh nghe như sự thổn thức, nỗi buồn tự lòng chị ùa vào tâm hồn anh.
……..


     Chị Thắm không nhìn em, vỗ vai Thịnh nhè nhẹ. Chị quay lưng chậm rãi bước vào khu vực cách ly. Anh nhìn theo bóng dáng chị gầy gò, mái tóc bạc thoáng nhấp nhô trong dòng người, rồi khuất hẳn. Lòng anh nhói lên niềm thương cảm vô bờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...