Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

ÔNG BA ĐÃNG TRÍ


     Ông Ba chở vợ đi chợ. Chợ vùng ven tràn ra lề đường, nhất là sau năm giờ chiều. Bà Ba xuống xe xách giỏ đi te te, mắt dáo dác tìm mua chân giò, đuôi heo, bắp chuối vừa trổ bông, tức là chưa ra quày chuối. Nghe nói đàn ông ăn món này chống trầm cảm, thiếu máu, giảm lượng đường huyết, loại bỏ các tổn thương oxy hóa dẫn đến bệnh ung thư và bệnh tim, tăng nguồn cung cấp sữa mẹ. Ăn bắp chuối hằng ngày, ngăn ngừa các rối loạn thần kinh như bệnh Parkinson và Alzheimer…    
     Bà Ba làm món này bồi dưỡng cho ông Ba và con dâu. Cả ngày ổng chẳng nói gì, hay cáu ghét, nói trước quên sau. Không bị trầm cảm là gì? Không mất trí là gì? Con dâu thiếu sữa, bà đã mua đu đủ ương nấu với cá chép hoặc cá lóc, đến rau lang xào thịt heo nạc vẫn không đủ sữa cho cháu nội bà. 
    Bà Ba tốt nghiệp lớp điều dưỡng y tế công cộng ba năm, tại Viện Quốc gia y tế công cộng Saigon. Cũng do nghiệp dĩ, bà chăm sóc sức khoẻ mọi người trong nhà như ở bệnh viện. Bà định đoạt, chọn lựa mọi nguồn dinh dưỡng. Phòng ăn treo tấm bảng đen, ghi rõ thực đơn hằng ngày. Nhiều khi ông Ba còm ròm nhưng không hiệu quả, thôi đành cố ăn cho vui lòng bà. Đôi lúc ông Ba và lũ trẻ thèm ăn xôi, ăn phở cũng do nhu cầu cơ thể, cha con ông chờ bà ra khỏi nhà, là ăn vụng. Thi nhau húp xì xụp, hít hà.
    Ông Ba, từ ngày về hưu, không còn hăng hái, hoạt bát như xưa. Ông vùi đầu trong thư phòng đọc sách. Báo chí và các chương trình trên TV không hấp dẫn ông. Đám bạn ông vắng dần vì đôi mắt kém thân thiện của bà. Không rượu, không chè, không nhảy nhót, ông chịu được. Nhưng không bạn bè ông như chết hẳn. Bà khuyến khích ông vào hội người cao tuổi, hội hưu trí, nhưng đâu phải ai cũng là bạn? Ông thử giao tiếp vài lần, nhưng không hợp. Kẻ thì vênh vênh váo váo, đeo huy chương đi tập thể dục. Kẻ thì nói chuyện trên trời, chê bai lớp trẻ không ra gì. Toàn khoe khoang cái thời đương chức, đương quyền…
    Ông ngắm nhìn những người buôn gánh bán bưng, mồ hôi chảy dài xuống cổ, chảy theo sống lưng. Ông rơm rớm nước mắt khi thấy cô thiếu nữ, nhỏ hơn con ông, gò lưng đạp xe, kéo theo xe ba gác, đủ các loại rau, bí, khổ qua, bầu, đậu rồng... Ông định bước tới mua quả bí, sực nhớ chở vợ đi chợ, nên thôi.
     Mỗi ngày qua đi, đường mỗi xa thêm. Ông Ba thở dài. Vài năm trước đây, lúc rảnh rỗi ông lấy xe đến nhà ông Phan, ông Tú - bạn ông. Lai rai vài ba xị, hàn huyên đủ chuyện trên đời. Lúc đưa cháu ra công viên, cho nó chơi đu quay, cầu tuột. Phần ông ngồi nhìn quanh, hưởng không khí vui nhộn trẻ thơ, đọc báo, hay nhìn những đôi tình nhân, nhàn nhã tâm tình.
     Tuổi đời làm ông lười hẳn. Thích nằm, ngủ sớm. Dậy sớm lọ mọ pha bình trà, ly cà phê, nhâm nhi, mà đầu óc trống rỗng. Mới đây thôi, ông đâu có lù rù như bây giờ. Bà Ba chê ông chậm chạp, hết thời hoạt bát. Bà nói : Biết vậy tôi đâu có lấy ông! Bà nói đùa vậy thôi, chứ bà chăm sóc ông nhiều hơn.
     Bà nghe ai nói cây lá gì hay, thuốc gì bổ dưỡng, bà mua về phân ra từng gói nhỏ, ghi sáng trưa chiều tối, ép ông uống. Vậy mà ông quên hoài. Bà nhắc ông ăn sáng, đi tắm, lau mặt cho ông, làm ông  như còn nhỏ dại. Đứa con gái đùa, Ba sướng hơn cu Bi – con nó.

     Ông Ba - một thời lẫy lừng, xông pha trận mạc. Đám lính dưới quyền kính trọng và thương yêu ông. Ông xem họ như anh em, con cháu mình, chia ngọt sẻ bùi. Ông không có số sát quân.
     Rồi ông chuyển ngành đi làm kinh tế, gầy dựng biết bao cơ ngơi, tác hợp biết bao nhiêu đôi lứa. Họ xem ông như bố nuôi của mình. Giổ tết nào, kể từ ngày ông về hưu, cũng nườm nượp xe cộ về thăm. Ông quan niệm, làm quan nhất thời, làm dân vạn đại.
      Người ta nói tuổi già sống với ký ức. Ký ức ở trong tâm hồn, tâm hồn ông ngổn ngang hoài niệm. Những người đồng đội cũ, chập chờn hiện về, trong những đêm mất ngủ. Những người lính già sống trong cô quạnh, họ bị lãng quên như lật một trang sách. Họ không bị lãng quên hẳn, nhưng chỉ được nhắc đến để làm màu trong lễ hội.
     Cũng như ông, còn sống, thỉnh thoảng mọi người nhớ đến. Đối với ông, không phải là sự sẻ chia. Nhưng nghĩa tình chân thành làm ông rơi nước mắt. Một gói trà nhỏ ướp sen tự làm, gói cà phê tự rang của những người thương binh đồng đội, làm ông cảm khái, nghẹn ngào.
    Những trang đầu cuốn sách có ý nghĩ riêng của nó. Số phận con người thời chiến khác thời bình. Cung tên, yên ngựa đã qua thời lửa đạn, cũng đến hồi ngủ yên. Đôi lúc ông cau có với bà Ba, một cách kỳ cục, vì ông cảm thấy mình vô dụng.
     Ông thường nói với bà, tôi sẽ chăm sóc bà những ngày cuối đời. Vậy mà ông bất lực. Ông ân hận ngày còn son trẻ, ông lơ là với bà. Đôi lúc ông không nhớ mình đã có gia đình, vợ con. Ông bị cuốn theo cơn lốc của thời cuộc. Ông như con kiến bò quanh lòng chảo.
     Hôm nay đã qua rằm tháng Chạp rồi, ông định lên nghĩa trang, thắp hương cho những người đồng đội, như mọi năm. Nhưng ông cảm thấy đường đi xa ngái. Mỗi ngày qua đi, đường mỗi xa thêm. Nhưng nghĩa trang và đồng đội sắp gần.
    Những buổi chiều ông lang thang qua sân đình, cây đa già hàng trăm năm tuổi, cổng làng phủ kín rêu phong. Ông thở dài, chúng sẽ biến mất không tăm hơi và sẽ được phủ lên những toà nhà tráng lệ, những con đường nhựa mượt mà của khu đô thị mới. Đồng ruộng xanh ngát hương lúa mới, đàn trâu thảnh thơi gặm cỏ, đàn cò bay lả bay la về mỗi chiều muộn, sẽ chỉ còn là chuyện của ngày xưa.
    “- Này, ông già đi chỗ khác!” Tiếng quát oai vệ của anh dân quân, làm ông giật thót mình. Ông định thanh minh, nhưng thôi. Đám người mặt lạnh tanh, giật đôi gánh bà bán đậu hủ, mấy rổ cá hấp, vất đại lên xe. Cả dãy bán hoa quả, gà vịt, nhang đèn nhốn nháo, thu gọn, kéo lê như chạy giặc. Ông Ba nhìn quanh, nghe lòng trĩu nặng, không thốt nên lời.
    Ông giật mình lần nữa, khi nghe bà Ba la lên: “- Ông làm gì đứng như trời trồng! Tôi réo không nghe, ông lãng trí quá rồi, về!”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...