Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

ÔNG VĂN NGHỆ

     Ông Mùi thích karaoke. Giọng ông không hay lắm, nhưng ông giành hát. Ai chọn kệ mẹ, ông giành. Riết rồi ông mời gãy lưỡi, bà này nhìn bà kia, lắc đầu nguầy nguậy. Khi nhắc đến, người ta gọi ông gọn lỏn: Ông văn nghệ.
     Ban đầu hội “KYCC” chỉ có cô Ba phụ nữ và bà Tám Lắc. Bà Tám Lắc không chồng. Không hiểu từ lúc nào, mỗi khi nói chuyện với đàn ông một chặp, đầu bà bắt đầu lắc. Sau đó, kết nạp thêm bà Thìn. Bà Thìn goá bụa gần chục năm nay. Bà Năm hưu trí, chị Năm Roi. Chị Năm Roi, quê Vĩnh Long có vựa bưởi ngoài chợ (Giống bưởi Năm Roi do ông Trần Văn Bưởi, người làng Mái Dầm, nay thuộc xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, Hậu Giang tìm thấy), lên đây thuê nhà, sống một mình.
     Hội “KYCC” do cô Ba phụ nữ đề xướng. Cô Ba ly dị chồng, không con, phụ trách hội phụ nữ xã. Ngoài mấy người trong hội, không ai biết “KYCC” là gì. Nghe nói, ai tiết lộ sẽ bị khai trừ ra khỏi hội. Đoán già đoán non, có người cho là “không yêu con…”. Không lẽ “không yêu con cháu”. Sống ở đời, không yêu gia đình, con cháu thì yêu ai?
     Lạ một điều, khi có liên hoan hay kỷ niệm ngày quốc tế phụ nữ, không thể thiếu ông Mùi văn nghệ. Nhà ông có dàn karaoke hiện đại, âm thanh không chê được. Hơn nữa, ông sống một mình với cơ ngơi, bao người mơ ước. Khỏi phải nói, ông bao hết và hào phóng theo yêu cầu của hội “KYCC”.
     Trong mấy bà, chị Năm Roi hay thậm thụt với ông Mùi văn nghệ. Không biết hai người tỉ tê cái gì, làm xốn mắt bà Thìn. Đi ngang vựa bưởi cô Năm, bà Thìn nguýt, háy đủ trò. Cô Năm Roi xởi lởi chào hỏi, tay cầm dao lia quanh một vòng là trái bưởi ra múi ra vỏ, mọng nước. Ngực cô nung núc rung rung, tròn lẳn.
     Hôm đám giổ chồng bà Năm hưu trí. Cả hội tụ họp từ sáng sớm. Kẻ làm gà, lặt rau, người đi chợ, tíu tít cả lên. Ông Mùi văn nghệ khệ nệ chở dàn âm thanh, bố trí chỗ đặt loa, thử micro loạn xị. Lấn át tiếng tụng kinh ê a của ông bảy Rô thầy cúng, em ruột bà Năm, tu tại gia. 
     Thấy ông Mùi văn nghệ rảnh tay, ngồi ngáp vặt. Bà Năm hưu trí đem lên đĩa lòng gà, cộng thêm cái mề và miếng tiết đỏ quạch đặt trước mặt. Ông văn nghệ không biết vô tình hay cố ý, vói tay lấy chai rượu dưới nách bà Năm, chạm vào ngực làm bà đỏ mặt
     Tiếng băm thịt hơi mạnh tay của cô Ba hội trưởng, từ dưới bếp vọng lên, nghe đều đều như tiếng mõ. Ông văn nghệ nốc cạn ly rượu, mắt liếc quanh, khà một tiếng đã đời.
     Xong hồi kinh, ông thầy cúng xăm xăm bước đến bàn ông Mùi, rót đầy ly rượu, đánh ực. Không quên đưa cay nửa miếng mề gà. Bảy Rô quay lại chỗ bàn thờ. Con gà cúng không có bộ đồ lòng.
     Hai ông ngày xưa cùng ngành, đồng tuế với nhau. Đường hoạn lộ của ông Mùi hanh thông hơn bảy Rô. Nên bảy Rô chẳng ưa gì ông Mùi, và ngược lại.
     Ông văn nghệ thử lại micro, điều chỉnh âm thanh. Tiếng a lô a lô vang xa. Đây cũng là tín hiệu báo cho bà con chòm xóm biết lễ đã qua, chuẩn bị vào hội.
     Không thấy khách mời nào thắp nén nhang cho người đã khuất. Ai cũng cầm trên tay chai rượu trắng, nút lá chuối khô. Di ảnh ông Năm mờ mờ sau làn khói hương chưa tàn. Bên ngoài tiếng hát, tiếng đàn cùng song loan gõ nhịp:”Trời ơi! Bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiển, nên Võ Đông Sơ đành chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà…” 
     Bà Năm hưu trí lấy khăn chặm nước mắt. Bà Tám Lắc nhìn ông Mùi văn nghệ, bỗng đầu bà lắc lư...
     Bà Thìn đá chân bà Tám. Cô Ba phụ nữ đằng hắng lấy giọng:
”– Tui thấy mấy bà sa đà ráo trọi! Dù sao mình cũng phải giữ thể diện, phụ nữ phải trung hậu đảm đang. Phải luôn nhớ tôn chỉ của hội. Cái xã bằng bàn tay, làm sao qua mắt nhân dân”.
     Bàn bên kia, ông Mùi văn nghệ đang kể chuyện, hồi ông đương chức. Mặt đỏ ké, hai tay múa như lên đồng. Cả đám đàn ông buông đủa lắng nghe. Thầy cúng bảy Rô xì một tiếng trong họng, cầm luôn chai rượu còn phân nửa, nốc cạn queo. “Mẹ nó! Hồi hắn làm trưởng phòng, ngày nào không đi cơ sở. Đám đàn bà, con gái ỏng ẹo hắn lượm sạch”. Bảy Rô liếc nhìn mấy bà, nói trống không.
     Tiệc gần tàn, ông Mùi đứng dậy nói nhỏ gì đó với cô Ba. Cô Ba phụ nữ gật gật. Ông quay ra thu dọn đồ lề, ràng rịt lên xe máy Air Blade mới cáu. Không thèm chào ai, ông vút ra cổng.
     Tháng ba ta, tiết thanh minh mát dịu. Hôm nay là ngày trọng đại, vô cùng ý nghĩa với ông Mùi văn nghệ: Ông được kết nạp thành viên của hội “KYCC”. Ông lẩm bẩm: “Không Yêu…” ông đoán từ tục đến thanh, nghĩ mãi không ra.
     Dù tuổi hơn sáu mươi, nhưng ông còn phong độ. Tóc uốn, nhuộm đen kít. Quần áo bảnh bao, hàng hiệu Pierre Cardin, mang giày thể thao Adidas. Khoác vội túi vợt cầu lông Victor chính hãng. Ông phóng nhanh đến điểm hẹn.
     Điểm hẹn là căn chòi lá VIP, của nhà hàng Vườn Chim. Hiện diện không thiếu bà nào. Chị Năm Roi không quên mang theo hai trái bưởi. Cô Ba phụ nữ lộng lẫy, như đi dự hội nghị. Mùi son phấn sực nức, dù giữa cánh đồng hoang…
     Sau khi an toạ, cô Ba tuyên bố lý do: Lễ kết nạp thành viên hội “KYCC”. Bà Năm hưu trí trịnh trọng đứng lên, móc trong túi tờ giấy, mở bóp lấy kính, cao giọng đọc nội quy, mục đích và ý nghĩa của hội “KYCC”. Nghe xong, ông Mùi thở dài khoan khoái. Nỗi lo âu bấy lâu nay tan biền. Cô Ba xin thôi chức và đề nghị ông Mùi văn nghệ đảm nhận vai trò chủ tịch hội. Mấy bà vỗ tay bôm bốp tán đồng.
     Ông Mùi quyết định đổi tên hội "KYCC" khó hiểu, đôi lúc người ta hiểu sai vấn đề, thành hội "CNSB". Xem như “hội nghị” thành công mỹ mãn. Ông Mùi sốt sắng thanh toán hoá đơn, còn “bo” cho em phục vụ, phần tiền còn lại. 
     Không ai ngờ, nơi nửa phố nửa quê, hình thành cái hội mang tên “CNSB”, đầy tính nhân văn. Biểu tượng của hội là Linga & Yoni. Linga là bộ phận sinh dục nam, Yoni là bộ phận sinh dục nữ. Đây là biểu hiện của hai mặt âm dương trong vũ trụ, thể hiện sự sinh sôi sáng tạo, văn hoá và sự sinh tồn của loài người. Tín ngưỡng phồn thực đã có từ thời nguyên thủy, cách đây hàng chục vạn năm. Khi đó, con người đã biết có âm, có dương thì mới có muôn loài.
     Nơi ra đời của biểu tượng này chính là vùng thung lũng sông Indus, Ấn Độ của cư dân Sumerian và Dravidan với những tục thờ âm vật, âm lực, thần mẹ, tiến tới ý thức về nguồn gốc của mọi sự sáng tạo là cặp đôi dương vật và âm vật. Bước vào ngưỡng cửa của Ấn Độ Giáo, cặp đôi Linga-Yoni lại hóa thân vào vị thần vĩ đại Shiva. Theo truyền thuyết, thần Shiva xuất hiện lần đầu là một cột lửa có hình dương vật, biểu tượng của sự sáng tạo, sinh sôi phát triển. Sau đó, không chỉ Linga, mà cả Yoni cũng hòa vào một cặp thành Linga-Yoni, thành biểu tượng của thần.
     Từ trong tâm thức, các thành viên của hội, cùng mang ý tưởng “sống hồn nhiên như cây cỏ, vẹn nghĩa sinh tồn, nhưng không thác loạn”. “CNSB”: CHIA NGỌT SẺ BÙI". Về ý nghĩa của nội quy, ông Mùi tâm đắc nhất: TẤT CẢ LÀ CỦA CHUNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...