Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

NGHÈO

     Hồi tôi còn nhỏ, cách đây hơn năm mươi năm. Quê tôi nghèo, nhiều nhà nghèo ‘rớt mồng tơi(*) như nhà chú Tám Cừ, bà Ba Cật, ông Hai Đấu, thím Thông, chị Tiếp.... Nghèo mà con đông, con đông nên nghèo. Ông Mười Tâm là học trò của ông Nội tôi, nho học thời “vứt bút lông đi giắt bút chì”. Ông đi lính Khố Đỏ, ngang lưng có thắt đai đỏ phía trong áo. Tây đã đem ông qua Pháp chiến đấu với quân Đức hồi đệ nhị thế chiến. Ông bị trả về,  làm thương phế binh. Pháp cấp tiền hưu, thoát nghèo. Làng cử ông đi đạc điền, đo đo tính tính, diện tích méo vuông, tôi phục sát đất. Ông Mười Tâm nghêu ngao:“Bần cư náo thị vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”.     
    Nghèo quá không có đất cắm dùi, phải làm thuê. Quê nghèo chẳng có ai thuê, đành đi mót. Mùa nào mót nấy, cũng chỉ lúa sót, khoai sắn qua ngày. Hết mùa gặt, chưa cày bừa cho vụ tới, những gốc rạ còi cọc đẻ lúa rài, lại đi mót “lúa rài”.
    Áo mưa nylon ra đời, hết thời nghèo rớt mồng tơi, quay ra “nghèo mạt rệp”, nghèo trơ xương. Rệp cũng mạt vì người không còn máu để hút. Chú Tám Cừ, ông Hai Đấu cùng mấy trai làng rủ nhau, bỏ làng tha phương, qua tận Ai Lao, Cao Miên. Gần cũng rừng thiêng nước độc. Mang theo về những cơn sốt rét, da bủng trắng chạch, tong têu. Lại càng “nghèo sặc gạch”.
     Quân Nhật  chiếm các cơ sở kinh tế của chế độ cũ, in giấy bạc mới tung ra thị trường, vơ vét hàng hóa, lương thực và cướp đoạt tài sản của dân chúng, làm cho nền kinh tế bị kiệt quệ. Cuộc sống người dân điêu đứng, cùng quẫn. Tình trạng đó đã dẫn đến nạn đói Ất Dậu 1945, gần hai triệu người ở miền Bắc chết đói. Quê tôi cũng ảnh hưởng nặng nề, dân làng tôi lại “nghèo tận mạng”.
     Cách mạng mùa thu 1945. Thầy Giáo Phẩm, Chú Tám Cừ, ông Hai Đấu tham gia Uỷ Ban Dân Tộc Giải Phóng làng. Nhưng chẳng bao lâu quân Anh vào giải giáp quân Nhật, sau quân Anh là quân Pháp. Ngày 23-9-1945, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu chiến tranh. Quê tôi trở thành vùng xôi đậu.
Thầy giáo Phẩm thoát ly, rồi tập kết ra Bắc. Thầy có chữ nghĩa. Đêm nằm nhớ vợ, thương con thầy ngâm nga:
………..
Ngã tại Tương giang đầu, 
Quân tại Tương giang vĩ. 
Tương tư bất tương kiến, 
Đồng ẩm Tương giang thuỷ. 
…………
(Trường tương tư – Lương Ý Nương)

     Thầy bị phê bình :”trí thức tiểu tư sản”. Nhân cớ thầy lén về đưa tang thầy cũ là cụ Phan Khôi. Thầy bị đưa đi chăn bò ở nông trường heo hút tận Thái Nguyên. Đêm trở gió, thầy lang thang dọc theo bờ cỏ hoang vu. Thầy nhớ về miền quê nghèo xa vắng…Nghe nói, khi nước nhà thống nhất, thầy trở về quê, cũng chỉ cái ba-lô con cóc, kèm theo bệnh sốt rét kinh niên.

     Sau hiệp định Geneve, Chú Tám Cừ và ông Hai Đấu bị tố “cộng sản nằm vùng”, không làm gì được. Rủ nhau ra Đà Nẵng, người bán phở dạo, người đạp xích lô. Nhưng mấy đứa con được học hành tử tế, lại học quá giỏi! Thằng Hiệp – con chú Tám Cừ - được cấp học bổng du học Nhật. Về nước, được bổ nhiệm làm  Giám đốc Hải học viện Nha Trang, thời trước 1975. Ông Hai Đấu có tám đứa con , khi hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”, một nửa bỏ học theo giải phóng quân. Đến ngày thống nhất chỉ có thằng Diên – bạn tôi trở về. Nhưng nay Ông Hai Đấu là “cha” Việt Kiều, vì có ba đứa con ở Mỹ.





(*)"Nghèo rớt mồng tơi" chỉ cái nghèo đến cùng cực, nghèo đến nỗi không thể nghèo hơn được nữa. Thành ngữ này xuất phát từ từ "mồng tơi" là phần trên của cái áo mưa bằng lá cọ (một loại cây thân giống như cây dừa, lá xòe ra như cái quạt) mà người miền Trung hay mặc, gọi là "áo tơi". Áo tơi có hai phần, phần trên là "mồng tơi" làm bằng lá cọ, rất cứng và dày. Thường thì phần dưới có thể bị rách, bị hư, nhưng phần trên thì rất khó hư. Vì vậy, "nghèo rớt mồng tơi" có nghĩa là nghèo đến mực độ cả cái mồng tơi cũng cũ, cũng sờn đến nỗi rớt ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...