Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

DIỆU TIÊN

    Lâu rồi, tôi định viết về em, nhưng không biết viết gì. Đời em ngổn ngang trăm mối, mối nào cũng rối như tơ.
     Năm tuổi, gia đình em tan đàn. Sáu con theo cha, bảy con theo mẹ. Em theo mẹ không lên rừng, mà về vùng cửa biển Chu Lai. Nắng miền trung, cát trắng bạt ngàn, gió hạ Lào nhuộm da em đen nhẻm. Tóc úa hoe vàng xác xơ, không còn mềm mại để gió thổi tung bay.
     Em như con cù lần, thu lu. Đôi mắt sợ sệt, nghi ngờ nhìn đời. Niềm tin yêu gia đình chết hẳn, khi mẹ và các anh chị vượt biên không có em. Họ đã âm thầm và câm lặng, dõi tìm em trong bóng đêm, không trăng sao. Em ngủ quên trong xác ghe tan tành, trôi giạt vào bờ của những linh hồn không bến đợi.
     Mười năm sau, cô bé mười lăm bị đá hắt ra đường. Hai cha con lão Kim hành hạ thân xác em chán chê. Bệnh ghẻ lở đồng lõa cùng cha con hắn.
     Trời không nỡ đày đọa em, nhưng trời bắt em gặm nhấm thêm men đắng của đời. Bớt son đỏ thắm trên trán em, dấu tích không thể lẫn được của con chiên ghẻ. Chúa đã đẩy em trôi xuôi phương nam. Hành trang chỉ bằng đôi mắt của thú hoang lạc loài, với tia nhìn cảnh giác và cam chịu.
     Nha Trang chiều xám dần, sân ga vắng ngắt. Em lùa vội bằng cả bàn tay, đĩa cơm thừa dang dở. Một tiếng vút kèm theo chiếc đĩa vỡ. Một dòng máu lăn dài, thắm thêm bớt son trên trán em. 
Đôi mắt dữ tợn dịu dần, lom lom nhìn, rồi vỡ òa trong thảng thốt: Diệu Tiên ba ơi! Anh ơi, chị ơi!
     Em dợm chân muốn chạy. Đôi vai bị ghì chặt. Những đôi mắt soi mói, háo hức trân trân nhìn em. Họ bế em vào nhà, con bé mười lăm như mèo con. Em không nhớ tên mình.
     Họ. Sáu anh chị em theo cha, khi lìa bầy mười năm về trước. Cha em đã một thời lừng lẫy. Cận vệ giỏi võ và trung thành của một vị tướng thất thời, đã tuần tiết.
     Em biết mình có tên Diệu Tiên. Em được đi học trường “ma Soeur”. Những con chữ nhảy nhót không hấp dẫn em bằng tiếng đàn piano thánh thót. Những bài Thánh ca dìu tâm hồn em vào cõi thánh thiện mơ hồ.
     Em, giọng Huế trong veo. Từ trong em vô thức, dội lên tiếng đàn, tiếng sáo. Tiếng hò nhặt khoan của làn điệu dân ca sông Hương, núi Ngự.
     Thoáng chốc, giọng ngâm thơ của Diệu Tiên vang lừng miền thùy dương, cát trắng  Nha Trang. Điệu sa mạc, tao đàn thiên bẩm  ray rứt lòng người. Huế là vùng đất của thi ca. Cố đô u hoài đã chứng kiến bao thăng trầm, hoang phế… Những người con xứ Huế tha phương, ai cũng mang trong lòng nỗi buồn xa xứ. Ai cũng dễ chạnh lòng khi nghe một câu hò mái đẩy, một điệu nam ai, một lời ru của mẹ và một giọng ngâm thơ Huế êm đềm. Họ thổn thức và hoài niệm về Huế một thời xa xưa…
     Những đêm khuya thơ thẩn một mình, bãi cát dài vang vọng tiếng ru của gió, tiếng sóng biển thì thầm bình yên, không như những con sóng dữ dội thời ấu thơ, đã nhấn chìm em trong tủi nhục.
     Em lẩm nhẩm và đánh vần con chữ khó. Sự cảm thụ diệu kỳ, bật lên tiếng ngân nga cao vút. Em thả hồn vào lời thơ cháy bỏng lòng mình:
Trời cuối thu rồi - Em ở đâu? 
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu? 
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy, 
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu. 

Em mộng về đâu? 
Em mất về đâu? 
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu, 
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa. 

Em đã về chưa? 
Em sắp về chưa? 
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ 
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn.
…….
(Gửi người dưới mộ - Đinh Hùng)
     Những ánh đèn chớp tắt, xa tít. Núi Cô Tiên xoã tóc trải dài, ngàn năm vẫn đợi vẫn chờ. Em đợi chờ gì ở cuộc đời này, với nỗi lòng chan chứa ê chề?  Em từ chối sang Mỹ, định cư cùng mẹ. Niềm mơ ước về vùng đất hứa của biết bao người.
     Anh xuất hiện bên em. Em choáng ngợp bỡi phong cách dung dị, lịch sự, phong lưu và biết chia sẻ của anh. Em tơi tả một thời, tưởng chừng không còn cảm xúc, bỗng trào dâng nỗi nhớ nhung và tin yêu chưa hề có trong em. Em giã từ Nha Trang, nơi đã nâng bước chân em vào đời, với bao niềm luyến lưu và những tháng ngày vô tư, thơ mộng.
     Không có ngày hợp hôn. Anh đưa em về Saigon. Tiếng chuông nhà thờ xóm đạo ngân nga, nhưng không yên bình như một thời:“Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung…”(Văn Cao). Em bị chăn dắt bỡi “ma-cô” mang danh văn nghệ. Đồng tiền em mang về, được chuyển hoá thành rượu, bia và cờ bạc. Những vết bầm trên cơ thể gầy guộc, được dấu kín bỡi những bộ trang phục điệu đà, lóng lánh kim tuyến về đêm, trong những hội thơ, phòng trà ca nhạc.
     Anh đã tặng em giọt máu không ngọt ngào. Con chưa ra đời, anh mất hút.
     Chuẩn bị cho con thôi nôi,  cũng là ngày em được tin mẹ về. Mẹ ôm em vào lòng. Mẹ khóc không thành tiếng, riêng em nuốt ngược nỗi tủi hờn.

     Ngày ấy, Mẹ vào Nha Trang chấp nhận ly hôn, để ba sống với người đàn bà khác, trước ngày mấy mẹ con tìm đường vượt biên.
     Bao nhiêu năm xuôi ngược xứ người, mẹ làm đủ thứ nghề. Các anh chị em, nay đã trưởng thành.
     Mẹ mua cho em căn nhà khá khang trang, gần làng hoa Gò Vấp, có khu vườn nhỏ. Hoa cúc vàng, hoa hồng nhung, lung linh tỏa sắc hương. Mẹ thuê người giúp việc và chăm sóc cho em.
     Ngày mẹ đi. Anh lại tìm về. Những lời ăn năn, hối hận của anh đã làm em mềm lòng.
     Em, điển hình của người con gái Huế, mềm mại, thiết tha, ân cần chu đáo trong đối nhân xử thế. Nhưng tâm hồn em đã chai lì, lạnh lẽo, qua bao thặng trầm của cuộc đời, dù em vừa qua ngưỡng tuổi hai mươi.
    Hạnh phúc lứa đôi tưởng chừng viên mãn. Bé Diễm Kiều vừa lên ba. Những đồng tiền dành dụm ít ỏi của em đã bay theo anh vào sòng bạc. Những cái tát như trời giáng, những cái đạp kèm theo lời gầm gừ của thú dữ: “Cả họ nhà mầy, Việt kiều sao không có tiền?”
     Một buổi chiều, lũ côn đồ bặm trợn xông vào nhà, vất đồ đạc và đẩy mẹ con em ra khỏi nhà, khóa trái cửa. Anh đã cầm cố nhà, vay tiền, không còn khả năng trả nợ. Chiếc vòng cẩm thạch, vật kỷ niệm của mẹ em, đôi bông tai cũng bị lột sạch.
     Bé Diễm Kiều hoảng sợ trong vòng tay buông lơi của em. Em ngất đi, khi cơn mưa giông đầu mùa, vọng tiếng sấm chớp trên đầu.
     Nghe tin dữ, mẹ bay về. Hai anh từ Nha Trang vào bên em. Căn phòng trọ bên bờ kinh Tham Lương đen ngòm. Những đôi mắt vằn lên tia máu dữ dội, căm hờn của hai người anh đầy nước mắt xót xa, nhưng không thể đưa em về những ngày tháng cũ.
     Ra tòa li dị, anh và em không còn gì để chia nhau. Em giành Diễm Kiều. Mẹ cùng anh chị em góp vốn, giúp em làm lại từ đầu.

Mười năm sau…
     Em không còn là cô gái nhu mì của một thời trẻ dại. Ánh đèn sân khấu kỳ ảo, nghệ thuật ngô nghê, xảo trá, không thể hiện sự thực cuộc đời. Những lời lừa lọc có cánh, nâng em bay lên, bay lên. Đưa em vào hoang tưởng, mộng mị.
     Saigon phù hoa và hỗn độn. Những ý nghĩa đích thực của văn hoá, đạo đức, văn nghệ truyền thống đã bị dìm chết không thương tiếc. Em tự hào với ánh hào quang vay mượn. Những kẻ lắm tiền, trì độn song hành cùng em trong những đêm hoan ca. Những lẵng hoa thật, đủ sắc màu tràn ngập dưới chân em, lẫn lộn những nụ cười đểu giả.
     Nghệ thuật bên em, không còn khoái cảm. Không còn thẩm mĩ hay mang tính giáo dục và làm phong phú tinh thần của con người. Nghệ thuật bên em là những khuôn mặt tự mãn, vênh váo, kèm theo những lời thơ sáo rỗng, tâng bốc xu nịnh và khờ khạo.
     Cuộc đời em đã thăng hoa. Sự giàu sang đến với em quá dễ dàng. Cô bé lớp ba ngày nào, đã thành danh nghệ sĩ. Em hoà lẫn, bơi theo dòng nước tanh tưởi, như kênh Tham Lương em sống ngày nào…
     Trước mắt em mịt mù sương khói. Em không thể và không thèm  thẩm định tác phẩm em diễn ngâm hay cất cao tiếng hát. Sự cảm thụ dễ dãi của những người hâm mộ, lẫn ngu muội trong định hướng đã đẩy em vào hoang đàng, bế tắc. Nhưng em đã nổi tiếng.
     Em là thần tượng. Ngôi sao lấp lánh trên vòm trời nghệ thuật đương đại. Nhưng em cô đơn. Em hằn học với những nghệ sĩ đàn anh đàn chị tài hoa. Em ganh tị với những giọng ca, diễn ngâm  vang bóng một thời.
     Đêm về, trong căn phòng riêng sang trọng, em cảm thấy hụt hẫng và lẻ loi. Em mệt mỏi ngả mình, xuôi tay. Cảm thấy mình như đang rơi rơi xuống vực thẳm tít mù. Thiên lương và thiên bẩm cảm thụ âm nhạc trong tâm hồn cô gái Huế,bỗng trỗi dậy bừng bừng. Em bật dậy, nhìn lên tấm hình mẹ, được lồng khuôn trang trọng đang nhìn em. Nhưng đôi mắt không còn dịu dàng, tràn ngập yêu thương như  những ngày lưu lạc, nghèo khó.
     Em lục tìm những di vật của mẹ. Những bài thơ, bản nhạc được mẹ chép lại bằng nét chữ nghiêng nghiêng. Mực tím nhoà lem trên trang giấy học trò đã úa vàng:
“Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ/ Hoa lá quên giờ tàn/  Hồn người thổn thức trong phòng loan/ Đêm năm xưa nghe cung đàn gây mơ/ Âu yếm nâng tà quạt/ Hồn gió đưa về thuyền/ Tưởng người trên sóng ru thần tiên. 
Êm êm êm dần lan/ Cung Nam thương mờ vang/ Em yêu ai ? Bờ sông nhớ thương ai trong đàn/ Xa xa xa rồi tan/ cung Nam ai thở than/ Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn canh (Khối tình Trương Chi – Phạm Duy)
     Em tung mình múa lượn như thiên nga trong ngày vũ hội. Tiếng hát cao vút tràn ngập không gian, em hát mãi hát mãi… Phương đông đã le lói ánh bình minh rực rỡ, những ánh sao mờ dần. Sao mai tắt lịm tự bao giờ. Em vẫn hát như chưa bao giờ được hát.
     Tiếng hót của chim hoạ mi cao dần theo cánh vỗ, rồi tắt lịm. Một dòng máu thắm theo thanh âm tràn qua khoé miệng. Em gục xuống, những sợi tóc đen dài buồn hiu,  phất phơ theo làn gió sớm. Em đã trả lại cho đời, mảnh phù hoa và xót xa của cuộc đời nghệ sĩ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...