Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

ÔNG HAI NGÀN

     Xóm tôi có ông Hai Ngàn. Tên vậy, chớ ông xài tiền trăm. Ông sinh ra ở đây. Đất nền xóm này từ hương hỏa nhà ông mà có. Ông tự quy hoạch, bán dần từ ngoài vào trong. 
     Vườn nhà ông còn non năm công đất, cây trái xum xuê bao bọc căn nhà ngói ba gian, lợp ngói âm dương giống mái đình, đậm màu rêu phong cũ rích.
     Sau vườn có miếu thờ, nghe nói linh thiêng lắm. Mắt tượng Thần sáng quắc, hai răng nanh nhọn hoắt, mặt đỏ lòm. Nửa giống Quan Công, nửa giống Thiên Lôi. Tay phải cầm đao, giống cây Thanh Long của Quan Công, tay trái cầm búa.
     Cứ đúng ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hay còn gọi là tết Đoan Ngọ, tết diệt sâu bọ, ông cúng tế linh đình. Xôi chè, thịt, bánh biếu cả xóm. Tóc ông búi tó, ông thường mặc bộ bà ba trắng, đôi guốc chạm lốc cốc trên nền gạch. Ông thành tâm khấn vái.
     Xong ba tuần hương, ông Hai Ngàn rút cây đao múa may điệu nghệ, tiếng gió vù vù, loang loáng ánh bạc, nghe lạnh nổi da gà. Quỉ ma, cô hồn tái mặt.
     Sau hai tuần hương nữa, ông lấy cây búa gõ lên đầu đám tượng sành, mũ áo cân đai xênh xang, nghe lốp bốp, rổn rảng. Tan tành một đống, chìa ra những mảnh vỡ sắc nhọn.
     Ông Hai Ngàn không có vẻ gì thấm mệt. Ông vén tay áo, lấy cây bút lông viết đại tự, trông như ngọn giáo, vừa múa vừa đâm nát những tàu lá chuôi phất phơ. Hình như ông đang đâm mấy thằng gian. Quả thật bút chẳng tà.
     Nghe đâu, ông nội Hai Ngàn là môn sinh cụ Đồ Chiểu, từ Ba Tri, Bến Tre lưu lạc đến nơi này.
     Xóm tôi thuộc vùng ven thành phố. Ngày xưa nơi này ruộng vườn bát ngát, dân cư thưa thớt. Đường Quang Trung chạy dài từ Ngã năm Chuồng chó, băng qua cầu vượt QL1 đến Tô Ký, xuôi về Thị trấn Hóc Môn. Cuối đường Tô Ký, tại ngã ba Chùa, đường lại mang tên Quang Trung. Dấu ấn vua Quang Trung đánh tan hai mươi vạn quân Thanh, đã ghi đậm vào tâm hồn người dân nơi đây chăng?
     Bên kia đường Tô Ký là Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung (nay là Trung Đoàn Gia Định). Vườn Tao ngộ dành cho thân nhân đến thăm con em, người tình tân binh, mỗi chủ nhật hàng tuần, nay được cho thuê kinh doanh cây cảnh, bonsai… Ai đã có lần, hẳn không quên: “Hôm nay ngày Chủ Nhật/ vườn Tao Ngộ em đến thăm anh/ Đường Quang Trung nắng đổ xa xôi/ Mà em đâu có ngại khi tình yêu ngun ngút cao lên rồi/ Ta nhìn nhau bâng khuâng/ Đâu biết rằng chuyện đôi ta sẽ vui hay buồn/ Ngày mai ra đơn vị/ Đường trần hai lối mộng thôi từ đây biết ra sao?”(Vườn Tao Ngộ - Nhật Hà)

     Bà con xóm tôi đủ vùng miền. Từ Thái Bình, Nam Định, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi… đến Long An, Sóc Trăng, Cà Mau. Tất cả đều tha phương cầu thực.
     Mỗi sáng, quán cà phê cô Hai họp mặt đủ người. Ly cà phê chỉ là cái cớ, những mẫu chuyện thời sự, chuyện xóm, chuyện đời trao đổi râm ran.
     Chú Minh nhìn vườn cây đủ loại của Tám De -  Nam Định. Sống ở đây quen tật, ai cũng gọi tên có thứ (mấy) đi kèm. Khề khà:“- Ra đường thấy mấy xe máy chở cây kiểng đằng sau, đánh chết tui cũng biết đó là bà con Nam Định”.
     Ông Hai Ngàn góp lời:“- Tui thương mấy em cháu đó quá! Chịu khó làm ăn. Không sĩ diện như Năm Thu, thầy cô giáo về hưu, gia cảnh không khá giả gì. Chỉ cho con đi học hết trường này lớp nọ, không chịu cho lũ nhỏ đi làm thêm, mở mang kiến thức. Lớn trộng hết cả rồi”.

     Bà Ba Sóc Trăng, sống một mình, không thấy chồng con. Rít hơi thuốc dài, uống cạn ly cà phê đá nhìn ông Hai Ngàn:“- Nói dzậy chớ tuỳ người ông ơi, dân miền trung chịu khó hết biết. Cả nhà Sáu Nghệ hết đi làm hồ, phụ hồ, lại đi chăm sóc cây cảnh cho Tám De. Ối! hơi đâu, làm đồng nào ăn đồng nấy cho khoẻ”.
     Ông Hai Ngàn đăm chiêu, ra vẻ nghĩ gì lung lắm. Ông chậm rãi:“- Tui định dùng gian nhà của tui, mời thầy về dạy thêm miễn phí cho lũ trẻ xóm mình, học được chút chữ nghĩa cũng giữ được đạo thánh hiền. Nhưng nghe nói nhà nước cấm. Không biết làm sao!”.
     Năm Thu xoay xoay ly cà phê nguội ngắt, ngước nhìn Ông Hai Ngàn ngập ngừng:“- Nếu đươc, vợ chồng tui tình nguyện góp một tay”. Ông Hai Ngàn phấn chấn:“- Tui mời thầy dạy Anh văn nữa. Thời buổi này không biết ngoại ngữ, các cháu không làm ăn gì được”.
     Tám De nảy giờ lắng nghe. Hai đứa con thất học, không xin được vào trường vì trái tuyến, không hộ khẩu. Rụt rè:
“- Con xin góp mấy bộ bàn ghế”.
     Không biết trà dư tửu hậu vô bổ ở đâu, chớ ở đây chỉ ly cà phê ai uống nấy trả, đã phôi thai hình thành lớp học dành cho con cháu những kẻ tha hương.

     Ông Hai Ngàn xót xa:“- Phải gì yên bình, cắc cớ gì không ở quê nhà!”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...