Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

TRƠ ĐÁY

      Con Phượng bẻ cành cây, lom khom vạch đường dài giữa sân, ngước nhìn thằng Long:”- Đây là ranh giới của tao, cấm xâm phạm nghe Long “mã tà”!
     Cha thằng Long làm cảnh sát, giữ an ninh trật tự bến xe. Thằng Long ngẩn người, nhìn đường kẻ ngoằn ngoèo như con rắn bò, rồi vạch cu ra đái. Con Phượng đỏ mặt tía tai, sượng trân.
     Con gái tức quá là ứa nước mắt. Phượng chạy vô nhà, nằm khóc rấm rứt. Nó dòm qua cửa sổ, thằng Long ngồi chống cằm, buồn thiu.
     Hai đứa cùng lớp, đi về có đôi. Thằng Long nhỏ con nhưng tử tế, luôn che chở cho con Phượng. Có lần bị thằng Cường “trâu” đè xuống mương nước, áo quần lấm lem vì bênh vực con Phượng. Phượng lại vỗ tay cười. 
    Thằng Long ấm ức, ôm cặp đi thẳng, Phượng chạy theo không kịp, ngồi xuống khóc thút thít. Vậy mà Long quay lại dỗ dành...
      Những đêm trăng sáng, bàng bạc màu vàng rơm lan tỏa. Ánh trăng phản chiếu từ mặt ao lung linh, trời xanh ngắt. Hai đứa ngồi bên nhau, lặng yên nghe tiếng dế nỉ non đâu đó trong vườn.
     Ngày nhà thằng Long di cư vào Nam, con Phượng nấp sau hàng dâm bụt nhìn theo… 
……..
     Đường phố Saigon hình như rộng thêm ra. Những chiếc taxi hai màu xanh trắng nằm trong bãi buồn hiu. Lâu lâu có tiếng xe cyclo máy phành phạch rồi mất hút về phía Chợ Lớn.
     Từ Givral nhìn sang thương xá Tax, không còn nhộn nhịp như xưa. Khách sạn Rex, Continental nhếch nhác, vắng tanh.
      Thỉnh thoảng vài phóng viên ngoại quốc đưa máy ảnh dọc ngang đại lộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ như cố lưu lại những hình ảnh một thời huy hoàng của Hòn ngọc Viễn đông. 
     Long uể oải nằm đọc sách. Chiếc cylo cà tàng, tiền thuê mỗi ngày bằng ba ký gạo, ế là vợ con ăn khoai mì, thứ sượng trân, kéo chỉ, đắng ngắt. 
     Long ngáp dài, đạp chầm chậm, mắt dáo dác tìm khách. Thời quý bà kín đáo vén tà áo dài, nhẹ nhàng ngồi lên xe, mùi nước hoa thơm ngát vắng đâu rồi. Khách chung thủy của cyclo đạp bây giờ là mấy bà bán cá, bán chè, quang gánh tòn teng theo điệu buồn vòng quay bánh xe mệt mỏi.
     Nắng trưa gay gắt, Saigon mùa mưa, nhưng hôm nay đổ lửa. Bến Bạch Đằng im ắng. Bên kia sông, những tấm biển quảng cáo phản chiếu tia nắng nhức mắt. Dòng sông phẳng lì, lững lờ từng dề lục bình trôi ngược theo con nước lớn về miệt Thanh Đa.
     Long vòng xe theo cánh tay vẫy. Người khách lớn tuổi, khuôn mặt phong trần, muốn về đường Hưng Phú, bên kia cầu chữ Y. Khách lên xe, không hỏi bao nhiêu tiền. Long đâm bối rối định hỏi lại, nhưng thôi.
     Anh xuôi đường Hàm Nghi ra chợ Bến Thành. Có lẽ khách từ Bắc vào, giọng nói đặc trưng vùng quê Nam Định. Khách lấy từ ba lô nải chuối vàng ươm, đưa ngược hai trái về phía Long, anh cám ơn và đón lấy.
     Dù hơn hai mươi năm sống trong Nam, nhưng giọng nói của anh vẫn còn đậm chất miền quê Nam Định. Có lẽ sinh hoạt trong cộng đồng di cư cùng giáo xứ, nên gia đình anh vẫn giữ được nếp sống, giọng nói quê nhà.
     Đường Trần Hưng Đạo rợp bóng mát cổ thụ, cơn gió xế trưa hiu hiu khiến Long buồn ngủ.
“- Anh người tỉnh nào?”. Câu hỏi đột ngột của khách làm anh tỉnh người. Dạ, quê tôi Hải Hậu, Nam Định. Long đáp.
Khách quay người ngước nhìn anh.  Tôi cũng Hải Hậu. Giọng khách sôi nổi: “- Quê ta nhiều vị nỗi tiếng lắm đấy, nào là Giáo sư Ngô X, nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn Nguyễn Thi…”.
     Long chợt nhớ nhà văn Mai Thảo, nhạc sĩ Vũ Thành An cùng quê anh. Long định góp lời nhưng ngại nên thôi.
     Sau ngày gia đình anh trốn về, từ vùng kinh tế mới. Mẹ anh đâm ra lo sợ đủ thứ. Bà như cành cây khô, thẩn thờ ngày đêm nguyện cầu cùng tràng hạt Mân Côi. Cây thánh giá cùng tượng Chúa bùi ngùi xót thương con chiên ngoan đạo. Chỉ một sớm một chiều mất đi tất cả: Chồng, nhà cửa và gia tài một đời ki cóp. Bà khuyên anh: Chớ nhận họ hàng.
     Nhưng người khách không buông tha. Sự tươi tỉnh và nụ cười thân thiện của ông, khiến anh chợt nhớ về đêm trăng bên bờ ao ngày nào, quê anh thời thơ ấu.
     “- Bác ở làng nào quê ta?” - Tôi Trực Đại, còn anh? Long giật mình, vòng quay bánh xe chậm hẳn. Dốc lên cầu chữ Y như thẳng đứng, tóe đom đóm cùng cơn đói co thắt trong anh.   
     Người khách lịch sự xuống xe đi bộ, Long nhìn theo đôi vai hơi gù cùng dáng đi tất bật, có lẽ khách cũng một đời lam lũ mưu sinh.
     Từ ngã ba giữa cầu, rẽ về Hưng Phú, Long ghì bi-đanh, tay cầm hờ cần thắng, cyclo chạy nhanh cũng làm Long bở hơi tai. Mùi chợ cá Chánh Hưng tanh nồng trong gió. Nhìn khách lần ngón tay theo bản đồ vẽ bằng bút nguyên tử vụng về, trên trang giấy học trò. Long chầm chậm đưa xe vào lề đường...
     Nhìn địa chỉ, Long ngờ ngợ…
“- Bác tìm nhà ông Khởi phải không ạ?”
     Ông khách bừng sáng đôi mắt, giọng hối hả:“- Vâng, vâng. Ông Khởi đúng rồi, đúng rồi!”
     Ông Khởi là bạn ông Kỳ - cha của Long. Ông là kỹ sư, trưởng ty công chánh tỉnh P. Ông cùng ông Kỳ bị đưa ra bắc, sau ngày miền nam sụp đổ. Nhưng ông Kỳ đã mất, vì sốt rét ác tính. Ông Khởi vẫn chưa về…
     Khách mời Long vào quán nước bên đường. Ông tự giới thiệu tên Khanh, bác sĩ công tác tại nhà tù Ba Sao, Nam Hà.   
     Ông Khởi trước khi lìa đời, nhờ ông trao lại di vật cho gia đình, gồm cuốn nhật ký và chiếc đồng hồ cũ. Ông lấy từ ba lô, cuốn tập quăn queo trao cho Long. Trang đầu tiên dán tấm hình trắng đen: vợ chồng và bốn đứa con ông Khởi. Long ứa nước mắt, đôi mắt cương nghị của ông Khởi như có thần, đăm đăm nhìn Long. Anh áp cuốn tập vào ngực, thở hắt ra, lả người đi.
     Ông khách bối rối vỗ vỗ vào lưng anh. Mồ hôi ướt đẫm chiếc áo sơ mi đã ngả sang màu cháo lòng.
     Ngày mới vào Nam, gia đình ông Kỳ và ông Khởi được đưa về khu tạm cư Tân Mai, Biên Hòa. Ngày ấy hai người chưa đến tuổi ba mươi.
     Hai ông cùng về hưu non, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh. Ông Khởi chuyển sang nghề thầu khoán, ông Kỳ chung vốn thành lập công ty địa ốc Kim Sơn. Ngành bất động sản đã ưu ái đưa hai ông lên hàng danh gia, giàu có.
     Những căn nhà phố, khách sạn, nhà hàng… của hai ông, bị tịch thu sau những lần cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản.
     Bà Khởi, bà Kỳ bàng hoàng, chỉ nhận biết những gì xảy ra khi cửa mở và tổ công tác đặc biệt bất ngờ có mặt, đọc quyết định "kê biên tài sản". Nhà cửa bị niêm phong. Hai gia đình có bảy ngày chuẩn bị đi "xây dựng vùng kinh tế mới".
     Long không còn được “lưu dung”. Mảnh bằng đại học sư phạm, chỉ được chọn nghề cu-li hay về nông thôn tham gia sản xuất.
     Đọc xong cuốn nhật ký, ông Khanh mới nhận ra ông Khởi, người bạn năm xưa cùng làng quê Trực Đại. Gia đình ông Khanh cũng không may mắn gì hơn, cha mẹ ông bị đấu tố lên bờ xuống ruộng, thành phần ghẻ lở trong xã hội đương thời.
     Ông Khanh quyết định xin nghỉ việc, thu xếp vào Saigon.
     Bà Khởi ngạc nhiên khi thấy Long ghé thăm cùng người khách lạ. Bà vỡ oà trong đau đớn, khi hay tin chồng bà không còn nữa. Ông Khanh cảm thấy như mình có lỗi, nhớ về những ngày tháng cùng ông Khởi trong trại giam. Những tù nhân phù thủng, kiết lỵ, sốt rét co quắp trong trạm xá. Những thân hình tiều tuỵ buông xuôi, mang theo bóng dáng người thân, về miền miên viễn, vì thiếu thuốc men.
     Lúc giã từ, ông Khanh hẹn gặp lại Long. Ông sẽ cùng gia đình vào Saigon sinh sống, nhưng chưa biết chọn nơi nào.
     Đất trời mang mang, từng đàn chim bay về phương nam tìm nắng ấm. Long sốt sắng chở ông Khanh đi thăm các danh lam, thắng cảnh thành phố. Tấm lòng đôn hậu, tử tế của những người dân nơi đây, khiến lòng ông càng thêm bùi ngùi, ray rức.
     Ngày gặp lại gia đình ông Khanh, Long thoáng giật mình. Bà Khanh nhìn Long đăm đăm, rồi vỡ oà trong niềm hân hoan. Duyên trời cho bà gặp lại người bạn thuỡ thiếu thời. Bà Khanh là Phượng ngày nào…
     Xong trung học, Phượng thi vào trường đại học an ninh. Cùng công tác tại trại giam Ba Sao với ông Khanh. Trong môi trường đối kháng ý thức hệ, khiến tâm hồn Phượng trơ ra. Lòng nhân ái không thể bộc lộ, đã thui chột những gì còn le lói tình người trong Phượng.
     Sự vồn vã ban đầu đã nhường chỗ cho e dè cảnh giác. Phượng đã quên hẳn những kỷ niệm thời thơ dại. Những ngày hồn nhiên tung tăng đến trường, đường làng rợp bóng tre dịu mát, những đêm trăng...
     Nét kẻ ngoằn ngoèo trên sân ngày nào, đã thực sự là ranh giới nghiệt ngã trong tâm hồn của Phượng với Long “mã tà”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...