Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

KHUNG TRỜI KHÔNG BÌNH YÊN

“- Ông có đi qua hẻm 1084/25/46/12/16 đường Phan Đăng Lưu chưa?”. Hẻm vòng vèo cuối cùng cũng thoát ra  bờ kè kênh Nhiêu Lộc.
     Đầu hẻm 25 có chị hai Đủ bán hột vịt lộn, kèm dưa chua, rau răm, ngãi cứu, muối ớt. Theo Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Rau răm còn có tác dụng làm sáng mắt, ích trí, mạnh gân cốt, lạnh bụng, say nắng…. Ngãi cứu  giúp ổn định khí huyết, điều hòa kinh nguyệt, giúp thai phụ an thai, chữa đau bụng do nhiễm khí lạnh, và đau bụng kinh. Lá ngải cứu sao cháy còn có tác dụng cầm máu ngay tức thì.
     Chị chỉ bán tối đa mười trứng cho một người, mua nữa không bán, nói dành cho người khác. Bán hột vịt lộn mà chảnh! Chị than:”- Ít vốn!”. Tên chị là Đủ, vậy mà không “đủ”, thiếu trước hụt sau.
     Hột vịt lộn úp mề rửa sạch. Ngâm nước muối rang,  pha bột ngọt ajinomoto chính hãng, để qua đêm cho dung dịch ngấm vào trong, sau đó chỉ hấp chứ không luộc.
     Chồng chị hai Đủ trước làm thợ hồ, nay chạy xe ôm, được chăng hay chớ, thích thì chạy không nằm nhà, vốn con nhà lính lại tính nhà quan. Bốn đứa con cứ bấu lưng mẹ. Thời nay học hành, sinh hoạt tốn kém đủ thứ, nhưng cứ ba năm hai đứa.
     Tiêu chuẩn của anh và con hằng ngày: Sáu trứng vịt lộn, hai chai bia Saigon, cộng thêm gói thuốc Bastos xanh. Đôi khi có bạn bè lại gấp đôi gấp ba. Cũng có lúc bạn bè đãi ngược, những lúc ấy, mặt chị rạng rỡ nhìn thấy thương. Nhưng tuyệt nhiên, không ai thấy anh chị cắng đắng nhau bao giờ.
     Hường – gái đầu, năm nay lớp mười, phổng phao ra dáng thiếu nữ thật xinh. Anh hai Đủ khề khà:”- Ráng học hết cấp ba, tao cho đi thi hoa hậu!”.
     Hoa hậu đâu không thấy mà con nhỏ có bầu. Bụng nó to dần, nó than tại ăn hột vịt lộn! Chị hai Đủ than trời trách đất, anh hai gầm gừ nốc cạn ly bia, mắt vằn lên dễ sợ. Hường ngồi khóc thút thít, tóc rủ che khuôn mặt yêu kiều, không biết nó nghĩ gì. Con hẻm thông ra năm ba đường phố, xe máy chạy rần rần suốt ngày đêm, làm sao biết được ai đã dụ dỗ nó? Anh hai Đủ xỉa xói chị: “Có con không biết dạy!”. Chị ngồi bó gối, đôi mắt đỏ hoe, nhìn con vừa thương vừa giận.
     Có nhân quả thiệt mà. Anh chị nên vợ nên chồng cũng vì ăn cơm trước kẻng. Nhưng gia đình chị nắm được thằng có tóc. Bây giờ mù tịt, dỗ dành hết lời, nó im thin thít.
     Con Hường bỏ học. Thằng Hưng nhìn chị thương cảm, nước mắt nó ứa ra. Nó học cùng trường với chị, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai là bạn trai của chị. Tuổi mười ba như búp măng non, vô tư lự.
     Cây trứng cá trước nhà, lá rụng đầy con hẻm nhỏ, bóng mát toả rộng, căn nhà thêm u tối. Anh hai Đủ ôm con vào lòng, Hường càng tủi thân khóc rấm rức. Con bé cứng đầu ôm nỗi niềm riêng trong thầm lặng, đôi mắt buồn hiu xa vắng.
     Cơn mưa bất chợt, ùn ứ người đi đường vội vả nép dưới tàn cây trứng cá, tràn vào cả mái hiên. Gã có hàm râu quai nón, đưa cánh tay xăm trổ vằn vện gạt những giọt nước trên mặt, đôi mắt cú vọ nhìn hai chị em Hường qua khung cửa hẹp. Tự nhiên Hường rùng mình, em chạy vào trong phòng, chân tay vẫn còn run. Hắn đó…

     Bà tám Hơn thương gia đình hai Đủ hiền lành, chơn chất mà nghèo. Bà tám có nhà to, sân rộng ngay đầu hẻm, kêu anh hai Đủ qua dọn vệ sinh. Bà cho tiền mua cây gỗ, tole ván về làm quán, treo bảng to đùng: “Hột vịt lộn HAI ĐỦ”.
     Anh hai Đủ bỏ chạy xe ôm ở nhà phụ vợ. Con Hường ôm bụng bầu cũng lăng xăng với mẹ. Hột vịt lộn hai Đủ ai ăn qua một lần nhớ đời. Số lượng cứ tăng dần, suốt ngày bán không hở tay.
     Mụ năm Dư - hội phụ nữ, đã không giúp đở hộ nghèo còn le te cầm sổ, kêu gọi ủng hộ năm chục hột vịt lộn, liên hoan ngày Phụ nữ. Anh hai Đủ trừng mắt:”- Ngày Quốc tế Phụ nữ 8 tháng 3, con vợ tui không có được gói xôi, lấy đâu hột vịt lộn cho mấy bà?”. Mụ năm Dư hăm he:”- Trốn thuế còn to mồm!”.
     Bà tám Hơn quê gốc Ninh Bình, di cư vào Nam năm 1954. Ninh Bình nổi tiếng quần thể nhà thờ Phát Diệm, gồm một nhà thờ lớn và năm nhà thờ nhỏ, đặc biệt nhà thờ Đá, được xây bằng đá tự nhiên mang đậm kiến trúc Gothic. Nhà thờ lớn được xây dựng năm 1891, với tên chính thức: “Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi”, nay là nhà thờ chính toà Phát Diệm.
     Nhà thờ Đá khởi công năm 1883. Tên nguyên thuỷ: “Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ”. Bên trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, nhất là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc. Đường nét khắc hoạ sư tử, phượng hoàng sống động như thật.
     Gia đình bà tám Hơn ngoan đạo. Con cháu thành đạt, có người là giáo sư, tiến sĩ. Nhưng nay đã ở nước ngoài.
     Bà thương con Hường nết na, thuỳ mị. Bà xin vợ chồng hai Đủ cho Hường về sống với bà. Ngày Hường khai hoa nở nhuỵ, bà túc trực ngày đêm ở bệnh viện, bà nguyện cầu, lạy ơn trên. May sao mẹ tròn con vuông, thằng con trai bụ bẩm. Hường làm mẹ khi chưa tròn mười sáu.
    Cháu thôi nôi, bà tám Hơn gởi Hường vào trường phổ thông nội trú Quốc Tế I.S.U của Mỹ tại Việt Nam.


     Noel trời trở lạnh, chị hai Đủ ho khúc khắc, co rúm người. Anh hai bật dậy nhóm lửa, bếp than tổ ong nghi ngút khói càng làm chị ngộp thở. Chị quấn chăn bước ra ngoài hiên. Những vì sao long lanh trên bầu trời xanh thẳm, tiếng chuông sớm nhà thờ như nâng hồn chị trong phiêu bồng an lạc.
     Chị giật mình, thằng Hưng dụi đầu vào lưng mẹ. Hôm nay nó nghỉ học, nó sẽ đưa mẹ vào bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Ai cũng nói mẹ nó ho lao, kẻ xấu mồm tung tin phá hoại nồi cơm của chị, hèn gì mấy hôm nay ế ẩm. Ở đời sự đố kỵ, ghen ăn tức ở không biết đâu mà lường.
     Không phải chị hai Đủ ho lao, nghèo mà mang bịnh nhà giàu. Chị bị ung thư phổi…
     Anh hai thừ người, những gì có thể đã đội nón ra đi, căn nhà cấp bốn cầm cố ngân hàng, sự giúp đở của bà tám Hơn, bà con lối xóm và cả thân tộc không thể cứu chị, giành chị ở lại với anh. Chị ra đi khi con Hường vừa tốt nghiệp cấp ba.
      Ngày mãn tang chị, hai nhân viên ngân hàng gõ cửa nhà anh. Họ không đến viếng, nhưng đến thông báo nợ vay quá hạn, căn nhà sẽ bị tịch biên. Nhìn lên bàn thờ chị nghi ngút khói hương, họ ban ơn gia hạn cho anh, hai tháng trả nợ cả gốc lẫn lãi.
     Anh hai Đủ ngạc nhiên thấy ba người khách lạ, xăm xăm bước vô nhà. Người đàn ông lớn tuổi đặt lên bàn cặp rượu, gói trà, hộp bánh biscuit. Anh thanh niên chắp hai tay, mặt cúi gằm liếc nhìn quanh căn nhà trống rỗng. Người đàn bà trông dáng sang trọng, đằng hắng:”- Thưa ông! Chúng tôi là song thân của cháu đây!”. Bà hướng về người trẻ tuổi:“Con dại cái mang, cháu đã trót phạm đại tội với gia đình ông. Đã phá tan cuộc đời thơ ngây, trong trắng của cháu Hường!”. Bà lấy khăn chặm mắt, giọng thương cảm:”- Nay gia đình tôi đến đây xin lỗi ông bà và cháu, cho phép chúng tôi chuộc lại lỗi lầm con tôi đã lỡ dại gây nên”.
     Anh hai dần hiểu ra cớ sự. Thằng trời đánh đã dụ dỗ, hiếp dâm đứa con xinh đẹp, ngoan hiền của anh.
     Thằng râu quai nón, xăm trổ vằn vện, quý tử nhà ông Quang, cán bộ to. Dành hết những gì ông săn lượm được, cho thằng Danh - con cầu tự. Vậy mà hắn lêu lổng chơi bời, đàn đúm hút xách. Hơn bốn năm về trước, hắn tổ chức bắt cóc con gái yêu quý của anh, vùi hoa dập liễu, gây tội tày đình.
     Mắt anh sáng quắc, đứng bật dậy chỉ tay ra cửa:”- Tụi bay cút khỏi nhà tao!”. Anh chạy xuống bếp định lấy dao, gian bếp trống trơn từ ngày chị mất, con dao chẻ củi cũng không còn. Những người khách lui gót tự lúc nào, anh ném hết “sính lễ” ra gốc cây trứng cá. Rượu vỡ trộn lẫn những trái cây trứng cá rụng chín đỏ sẩm màu máu, như nỗi lòng  tủi nhục của anh.
     Bà tám Hơn xót xa nghe câu chuyện kể. Bà quyết định cho Hường du học Hoa Kỳ. Nhưng kỳ lạ thay, Hường xin ở nhà chăm sóc cho cha và ba đứa em còn thơ dại. Gia đình ông Quang lại xuất hiện xin nhận cháu nội, cháu bé giống cha như tạc. Thằng Danh không buông tha Hường, hắn cho đàn em rình mò...
     Trời về khuya, con hẻm nhỏ hiu hắt ánh đèn xuyên qua kẽ lá. Thềm nhà anh hai Đủ tranh tối tranh sáng, khung cửa sắt cũ đã khép, le lói đôi đèn hột vịt trên bàn thờ chị hai như cặp mắt đỏ quạch.
     Bà tám Hơn mua lại căn nhà rách nát của anh chị hai Đủ, thanh toán nợ ngân hàng. Hường nối tiếp nghề của mẹ, vừa học vừa làm. Em sắp tốt nghiệp đại học kinh tế. Hưng nối gót chị, đang học y khoa.
     Cu Bình ôm lưng cậu. Ở trường chắc có gì vui, hôm nay cháu rộn rã tiếng cười, liếng thoắng kể cậu Hưng nghe đủ chuyện:“- Cháu có nhiều bạn, cháu có người yêu! Lớp lá, lớp chồi…”. Tiếng rú của xe ô tô hất văng hai cậu cháu, Hưng nghe tiếng rạn vỡ của những mảnh nhựa, anh lồm cồm bò dậy, chân tê điếng. Cu Bình không thấy đâu, anh gào gọi tên cháu trong cơn đau đớn của ống chân gãy.
     Mắt anh hai Đủ vằn lên tia máu. Lũ khốn nạn còn gieo tang thương cho gia đình anh đến lúc nào? Nhìn chân con bó bột anh nghe tan nát cõi lòng. Trình báo cũng vô ích, anh đi tìm công lý bằng lý lẽ của riêng mình.
     Hường khóc rấm rức, oan khiên từ kiếp nào gieo rắc đời em?. Bà tám Hơn ôm em vào lòng. Lời nói nào cũng vô nghĩa với nỗi lòng ngổn ngang trăm mối.
    Thằng râu quai nón nhìn anh hai Đủ bằng đôi mắt cầu khẩn, hèn nhát. Bàn chân thô ráp của người đàn ông một nắng hai sương, đè lên chiếc ngực lông lá vằn vện. Anh đưa mũi dao nhọn hoắt, định đâm vào phần phập phồng của con tim thằng cốt đột, trong trạng thái hoảng loạn. Hình ảnh cu Bình hiện ra lung linh với nụ cười thơ ngây mỗi lúc học về, tíu tít bên anh.“- Cu Bình ở đâu?”. Dạ, nhà con.”- Nhà mầy ở đâu?”. Dạ, 234 Hoàng…
     Anh nhảy lên chiếc xe máy cà tàng, như nhảy lên yên ngựa. Căn biệt thự nguy nga nép dưới hàng cọ cao vút, hai mặt tiền đường. Anh nhún chân nhảy vào, hai con chó berger sủa rân đánh động. Không ai biết anh hai Đủ võ nghệ đầy mình, ông Quang bước ra đã bị dao kề cổ.
“- Cháu tôi đâu?”. Tiếng trẻ con khóc ré lên, chạy ù ra ôm chân anh hai Đủ. Anh buông ông Quang:”- Ông còn nợ con trai tôi, cái chân gãy!”. Rồi ôm cháu Bình nhảy phóc ra ngoài.
     Ông Quang đứng như trời trồng, mặt cắt không còn giọt máu, gào lên:”- Nghiệp chướng, nghiệp chướng mà!”.
     Đêm nay mưa ầm ào như trời trút nước, kèm theo cơn lốc cuốn xoáy chạy dài theo con hẻm nhỏ. Giang hồ tứ chiếng như anh hai Đủ một thời, nay đã hoàn lương thân cũng không yên. Cha con lão Quang muốn đẩy anh vào con đường nào đây? Một lũ giòi bọ làm người, gieo bao tang thương ngẫu lục.
     Vận nước nổi trôi, thời cuộc đảo điên thời nào chẳng có. Thịnh suy như giấc Nam Kha. Thuần Vu Phần nằm mộng thấy đến nước Hòe An. Thuần được vua Hòe An cho vào bái yết. Thấy Thuần tướng mạo khôi ngô nên gả con gái và đưa ra quận Nam Kha làm quan Thái thú, cai trị cả một vùng to lớn.
     Đương lúc vợ chồng Thuần sống cuộc đời vương giả, thì bỗng có giặc kéo đến vây quận Nam Kha. Thuần đem quân chống cự. Giặc đông mạnh, Thuần thua chạy. Quân giặc vây thành đánh phá. Công chúa nước Hòe An, vợ của Vu Phần chết trong đám loạn quân.
     Thuần Vu Phần đem tàn quân chạy về kinh đô. Nhà vua nghi Thuần đầu hàng giặc, nên tước hết phẩm hàm, đuổi về làm thường dân. Thuần oan ức vừa tủi nhục, khóc lóc bi thương... Vừa lúc ấy thì Thuần chợt tỉnh dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây hòe. Cạnh Thuần lại có một ổ kiến lớn. Bầy kiến kéo hàng đàn hàng lũ trèo lên cây hòe.
     Bà hai Hơn giao lại cơ ngơi cho anh hai Đủ và đưa mẹ con Hường sang định cư ở Mỹ. Sau ngày Hường tốt nghiệp Tiến Sĩ Khoa Học Pháp Lý (SJD), em đã bảo lãnh gia đình sang Hoa Kỳ.
     Phi trường Quốc tế Tân Sơn Nhất chói chang nắng. Anh hai Đủ đưa mắt nhìn về hướng Bà Chiểu, nơi ấy có căn nhà nhỏ trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo, nhưng thân thương và cam chịu với bao cảnh đời khốn khổ như anh. Nhìn qua khung cửa sổ máy bay, những con rạch vòng vèo, dòng kinh Nhiêu lộc phản chiếu ánh mặt trời lung lịnh, như cố níu kéo cha con anh…


     Biển bao la xanh màu ngọc bích, những áng mây trắng lững lờ trôi ngược dưới cánh bay, như mang hộ nỗi niềm ly hương trong anh về nơi cố xứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...