Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

KHẮC KHOẢI

     Sự đồng cảm không cần lời. Cái siết tay chặt chẽ như trao niềm tin yêu. Ánh mắt, nụ cười ấm áp, lời ăn tiếng nói tế nhị, kèm theo chút phong cách lịch lãm. Chỉ thế thôi, tôi đã thuộc về anh.
     Anh - con người từng trải. Sự nhìn nhận về cuộc sống chảy ngược vào nội tâm, nằm im. Nếu khơi mạch nguồn, dòng nước hiếm hoi len lỏi theo que vạch ngoằn ngoèo, rỉ ứa tinh châu pha màu huyết lệ, rồi tuôn trào trong thổn thức.
     Anh kể: Anh sinh ra đời trong nhung gấm, với người mẹ đơn thân. Người ta không biết cha anh là ai, ngoại trừ mẹ. Nhưng mẹ im lặng.
     Ba tuổi, anh được đi lưu diễn cùng mẹ. Ngủ nghỉ trên máy bay, khách sạn “deluxe” chiếm hơn hai phần ba thời gian thường ngày, cùng chị vú nuôi.
     Năm tuổi anh vào nội trú. Anh cũng từng khốn khổ vì các soeur ở trường nội trú. Anh tính tình ương bướng, nghịch ngợm. Mẹ nói để các soeur dạy dỗ cho thuần tính lại. Có khi nửa năm, anh không gặp mẹ. Các nữ tu thường khô cứng và nghiêm khắc, ấn tượng về các Soeur là như vậy, cho đến năm mười hai tuổi, anh gặp Dì Catherine.
   Anh thực sự bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp hiền dịu, trầm tĩnh của Dì Catherine, rất tương phản với những gì thuở nhỏ anh nghĩ về các soeur. Thuở ấy, anh cho rẳng các soeur không biết yêu, hay ít nhất cũng là không được phép nghĩ đến tình yêu nam nữ bình thường, mà chỉ… yêu kính Chúa!
     Anh ngưỡng mộ và yêu tha thiết Dì Catherine. Đáp lại, đôi mắt Dì nhìn anh đắm đuối, nồng nàn thăm thẳm. Mười lăm tuổi, Mẹ đưa anh ra khỏi trường các Soeur. Một thời gian dài, anh như chết điếng, hụt hẫng khi không còn Dì Catherine bên cạnh. Nhưng sự sinh hoạt ồn ào của thành phố, đẩy anh đi rồi quen dần với nhịp sống vội vã. Mãi sau này lớn lên, anh mới nhận và hiểu ra, câu nói của Dì Catherine: “Tôi cũng là một con người”.
     Anh tốt nghiệp khoa luật đại học Sorbonne, Paris.
     Tên "Sorbonne" còn gắn liền với phân khoa thần họctuy đây chỉ là một trong nhiều phân khoa của trường. Vì là trung tâm nghiên cứu thần học quan trọng, "Sorbonne" đã trở thành gần như đồng nghĩa với Khoa thần học của Đại học Paris.
     Anh ra trường không lâu, mẹ anh bị tai nạn máy bay qua đời, trong lần dự định ra mắt liveshow quan trọng của bà.
     Sự thăng tiến của anh trong nghề nghiệp, đem lại vinh hoa và nổi tiếng hơn mẹ anh, lúc sinh thời. Có lẽ ánh hào quang lấp lánh của mẹ, đã độ trì cho anh.
     Anh dò tìm nguồn gốc của mình, qua những người quen biết cũ của mẹ. Ai cũng nhìn anh với cặp mắt háo hức, tò mò. Mong tìm nơi anh nét thân thuộc di truyền. Sự ân cần thái quá làm anh ngại ngùng, bỡi các phiên bản giống nhau đến lợm giọng.
     Người đàn ông tóc hoa râm, đội mũ bê-rê, trông phong trần rất lạ. Hằng ngày vẫn đạp xe qua đây với cặp mắt không buồn, không vui. Đôi khi ánh lên nét ngây thơ ngồ ngộ. Dường như mọi vật dưới mắt ông không thật. Đôi lúc ông dừng xe, ngắt chiếc lá bên đường đưa lên mũi ngửi hay nhìn chăm chăm vào ngọn đèn vàng ệch ven đường, rồi quày quả đạp xe đi như chạy trốn một cái gì.
    Ý nghĩ thoáng qua hay linh cảm? Nhiều buổi chiều muộn, anh chờ người đàn ông tóc hoa râm đạp xe ngang qua. Suốt những ngày sau đó, anh chờ đợi trong mỏi mòn, vô vọng. Có khi suốt phần đời còn lại, không hề gặp. Ông ta là ai? Sự tò mò, khiến anh càng háo hức mong tìm.
     Hòm thư ngoài cổng loé lên góc chiếc phong bì, không tên người gởi. Anh bóc vội, bên trong còn chiếc phong bì riềm thư xanh đỏ PAR AVION đã cũ, ố vàng… Anh hồi hộp, chữ viết trên lá thư, nét chữ của mẹ anh:“… Rồi từ ngày ấy sống trong nam nơi kim tiền/ Bụi trần giọng hát tấm thân xinh đôi mắt hiền / Đời nghèo không lối thoát em tôi đành thôi cúi đầu mà đi / Xuân năm nay, đường đêm Ca-ti-na/ hoa mai rơi, rủ nhau nơi phương xa/ Dần trắng xóa mặt đường, một người con gái nhớ người thương…”(Gửi người em gái miền Nam – Đoàn Chuẩn & Từ Linh).
     Anh đọc đi đọc lại, không hiểu mẹ anh muốn nói gì. Người được nhận là cha anh? Ai gửi anh lá thư này?
     Mẹ anh, người con gái Hà Nội. Được sinh ra trong gia đình khuê các. Mẹ mất, nghĩa là con đường tìm về nguồn mờ mịt.
     Một ngày kia, tình cờ anh nhìn thấy người đàn ông tóc hoa râm bên bờ hồ, vẫn với điệu bộ ngớ ngẩn, ngắt lá ven đường, anh băng mình chạy đến hối hả. Người đàn ông giật mình, mặt tái mét, đôi mắt trợn trừng nhìn anh, rồi ngất lịm. Ông đã qua đời.
     Người đàn ông tóc hoa râm là nhạc sĩ B.S. tài hoa. Ông là công tử Hà thành. Dãy nhà mái ngói rêu phong trên phố Hàng Bạc, trong khu phố cổ là gia sản mấy đời nhà ông. Khu phố cổ Hà Nội, nằm ngoài hoàng thành Thăng Long. Thời Lê, giữa khu này có hồ Thái Cực. Sông Tô Lịch nối với hào thành, các đầm hồ, thông với hồ Hoàn Kiếm  sông Hồng. Đến cuối thế kỉ 19 thì các sông hồ đã bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông.
     Ông để lại những tuyệt tác, đi vào lòng người, bao thế hệ. Mẹ anh là giai nhân, thiên kiều bá mị.  Cô tiểu thư duy nhất, con nhà quyền quý, nữ sinh trường Đồng Khánh - College de Jeunes Filles. (Trường nữ sinh Đồng Khánh được thành lập năm 1917, nay là trường THCS Trưng Vương – Hà Nội). Bà tốt nghiệp khoa Thanh nhạc, học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội ngày nay).
     Duyên tình không đến được cùng nhau. Cha mẹ bà không chấp nhận chàng nghệ sĩ tài hoa, đã làm ngây ngất bao trái tim thiếu nữ thiên kim, khuê các lẫn vương tôn công tử.
     Nhưng người nhạc sĩ vang bóng một thời ấy, không phải là cha anh.
     Nổi ê chề, đau buốt tiềm ẩn lạnh băng. Những góc khuất của cuộc đời, đẩy đưa anh chơi vơi giữa giòng đời nhiều biến động sau này.
     Ngày mẹ hoài thai anh. Mẹ được gởi vào Saigon hoa lệ – Hòn ngọc Viễn Đông. (Tiếng Pháp: la perle de l'Extrême-Orient - một mỹ danh được Pháp dùng để chỉ thành phố Sài Gòn, thủ đô của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp thời kỳ đầu thế kỷ 20).  
     Các vũ trường Maxim’s, Kim Sơn, Đại Nam, Queen Bee, Tự Do… đã nâng bước chân cô ca sĩ, thăng hoa trong ánh sáng lung linh sắc màu, ngập tràn tinh hoa nghệ thuật.
     Thất vọng với tình yêu như mơ. Mẹ cho đi một lần, để còn nhớ mãi trong đời. Nhưng ai? Mẹ có phải là mẹ của anh?
     Mùa đông, những chiếc lá bàng chuyển từ vàng nâu sang đỏ tía. Cơn gió bấc lạnh run người, cuốn mép, kéo theo những chiếc lá rơi rụng. Lặng thinh, không còn nghe tiếng xào xạc trên mặt đường, nhếch nhác bởi mưa phùn. Chỉ còn trơ trụi những cành khẳng khiu, dang tay trông vời về đâu đó, trong niềm u uẩn xa xưa.
    Anh rời xa Hà Nội trong lòng nặng trĩu ưu tư. Trời đất không còn bình yên. Chiến tranh càng dữ dội, điêu tàn. Miền Tây bắc hoang sơ thành bãi chiến trường :
           “Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu, anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành…” 
(Quang Dũng)

     Kể từ ngày đất nước chia đôi. Cuộc đời anh mất hẳn cội nguồn, mang thân phận lạc loài ngay chính trên quê hương mình.
     Khung trời nghệ thuật miền Nam trong hai thập niên năm, sáu mươi như trăm hoa khoe sắc. Anh thành lập thư viện cộng đồng và trung tâm bảo tồn & phát triển văn chương, nghệ thuật. Anh mời các nhà nghiên cứu, học giả tài danh về cộng tác.
     Saigon đang giữa mùa mưa. Mùa thu phương Nam không có gió heo may, khô và se lạnh như mùa thu Hà Nội. Cơ duyên đưa anh về trại tạm cư giáo xứ Hà Nội ở  Hố Nai, Biên Hoà. Anh gặp cụ Hàn. Cụ đã từng dìu dắt bao thế hệ tại Học viện Âm nhạc Quốc Gia. Cụ biết gia thế mẹ anh và … cụ biết rõ: Anh không phải là con của mẹ. Anh là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cổng nhà mẹ, khi chưa tròn thôi nôi.
     Anh không “sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu” như lời Xuân tóc đỏ, trong tác phẩm Giông Tố của Vũ Trọng Phụng. Mẹ đã nâng niu, chăm sóc, nuôi dưỡng anh thành tài cho đến ngày mẹ xa anh và đến tận bây giờ. Những giọt nước mắt chỉ làm long lanh thêm đôi mắt sáng, chảy ngược vào lòng anh.
     Anh hiến tặng viện mồ côi “AN NHIÊN” toàn bộ tài sản. Anh tìm về cõi an bần lạc đạo. Như ngày xưa, anh mới về với me.
     Anh cũng hít thở không khí trời. Nhưng anh không hiện hữu dưới mắt những ai, không có lòng nhân ái. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...