Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

GIÁO BA

    Giáo Ba khề khà nhắc lại câu chuyện cũ. Chuyện cũ rích, thân phận lúc giao thời ai cũng gần giống ai. Phải gì có ông nhà văn nào nghe được, có khi chuyện đời của giáo Ba hay hơn truyện Papillon - Người tù khổ sai của Henry Charrière không chừng.
     Ngày hoà bình lập lại, Cha giáo Ba mang ba-lô về quê tìm vợ sau mấy chục năm tập kết ra Bắc, không tìm con. Vì ông đâu biết có con. Mẹ mừng rơn, nhắn giáo Ba lưu lạc trong Saigon về gấp. Nhưng giáo Ba lừng khừng. Mới hăm mấy tuổi đời lại có trăn trở, có khi người già nghĩ không tới: Không về!
     Miền quê nghèo xác xơ. Trà Bồng là huyện miền núi, nằm ở tây bắc tỉnh Quảng Ngãi, nhưng đậm tình thương. Những người dân quê chân chất, thật thà, suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Đã cưu mang mẹ con giáo Ba, chia ngọt sẻ bùi, bao lần khốn khó. Nhưng gia đình họ, không ít thì nhiều, dính tới nguỵ quân, ngụy quyền. Hoà bình là niềm vui lớn. Nhưng sự chia lìa, buồn tủi của những gia đình, những người đã từng một thời hạt muối cắn làm đôi với mẹ con giáo Ba, bị đẩy ra rìa cuộc sống. Sự đối nghịch lúc giao thời sao nghe mặn chát.
     Cha anh đi tìm. Chiếc com-măng-ca đỗ xịch trước dãy nhà lá nghèo nàn, bên kênh Nhiêu Lộc. Lũ trẻ con, nguời lớn lấp ló, tò mò xen lẫn hoang mang. Người đàn ông mặc đồ bộ đội, vai mang xắc-cốt, xăm xăm bước vào. Giáo Ba đoán già đoán non, cuối cùng cha con nhận ra nhau.
    Cha đưa anh đi khắp nơi, giới thiệu. Ông làm cán bộ to ở trung ương, ngành giáo dục. Giáo Ba sẽ có một tương lai huy hoàng. Năm cuối đại học sư phạm Saigon chẳng nghĩa lý gì. Giáo Ba sẽ là cán bộ của chế độ mới, là hạt mầm, là kế thừa. Nhưng giáo Ba không về.
     Mãi gần Tết, anh mới về thăm mẹ. Chuyến tàu lửa thống nhất gập ghềnh, chậm chạp, đường sắt mới được khai thông. Chiếc ghế phó phòng giáo dục huyện Trà Bồng, đang chờ anh. Ngày ra mắt chi đoàn thanh niên, nghe bí thư đoàn đọc báo cáo, giáo Ba thở dài. Độc lập thì có, chớ làm gì có tự do. Tự do mà đi xởn tóc, rọc quần của người ta. Dù tóc dài hay ống loe cũng kệ họ chớ.
     Cha anh đưa vợ con về ở một dinh thự nguy nga, bên dòng sông Trà Khúc. Sông Trà Khúc là con sông lớn nhất ở tỉnh Quảng Ngãi. Nó phát nguồn từ núi Đắc Tơ Rôn do hợp nước của bốn con sông lớn là sông Rhe, sông Xà Lò (Selo), sông Rinh (Drinh), sông Tang (Ong). Chỗ ngã tư đó còn gọi là ngã tư Ly Lang. Sông từ đó chảy theo hướng đông qua ranh giới các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại, Cổ Lũy.
     Giáo Ba yên lòng về mẹ. Anh lên đường vào lại Saigon. Tốt nghiệp đại học sư phạm, bao nhiêu thảm đỏ đón chờ anh. Nhưng anh muốn đi học tiếp. Ngày đó anh muốn làm nghiên cứu sinh nước nào mà không được. Anh chọn Liên xô. Nhưng từ chối kết nạp đảng.
     Sau bốn năm trên đất bạch dương, giáo Ba khăn gói hồi hương. Cha anh đã về hưu, nhưng gia cảnh thanh bạch. Anh chọn đất miền nam – Saigon lập nghiệp. Các trường đại học mời anh giảng dạy, nhưng anh yêu cầu chỉ dạy chuyên môn và từ chối bất cứ sinh hoạt nào khác. Một thời gian sau, vì lý do này kia, người ta cho anh nghỉ dạy.
     Tiếng nói của cha anh không còn trọng lượng như xưa. Anh yêu cô bạn gái con nhà quyền thế chế độ cũ, giàu có. Nhưng mẹ cô không chịu. Mối lương duyên không môn đăng hộ đối, chê anh thấp người. Tướng ngũ đoản là đại phú quý. Đất không chịu trời, trời phải chịu đất. Chị về làm vợ anh.
    Ngày hợp hôn cha mẹ từ chị. Sau đó cả nhà ra nước ngoài, trừ chị. Cha anh gõ cửa tứ phương, nhưng lý lịch nhà chị đen quá, không ngành nào chấp nhận. Bằng cử nhân văn chương của chị chẳng có giá trị gì thời buổi ấy. Chị tần tảo sáng chiều quanh chợ thuốc tây chui Tân Định, mưu sinh. Ngày sắp sinh cháu đầu lòng, anh đưa chị về Quảng Ngãi. Con so nhờ mẹ, anh vào lại Saigon.    
     Anh lộc cộc đạp xe đi dạy kèm, luyện thi đại học, sáng Phú Nhuận, trưa Tân Bình, chiều Thủ Dầu Một – Bình Dương. Những lúc về khuya, đường không đèn, lầm lũi đi trong bóng đêm. Bạn bè anh mơ ước có bố làm cách mạng to như anh. Họ gọi anh là “thằng trời đày”.
      Rồi trời cũng quang, bạn cha anh đưa anh vào làm trong công ty xuất nhập khẩu BX. Tiền bạc dồi dào, nếp sống trong gia đình nhỏ bé của anh khác hẳn. Cung cách làm việc nghiêm túc và trình độ của anh được giám đốc tin cậy. Anh được bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán tài chính, sau đó được bổ nhiệm kế toán trưởng công ty. Những hoá đơn, chứng từ không hợp lệ đều bị anh xuất toán. Công ty tiếp khách triền miên, quà biếu cho chú ba, anh năm, chú bảy ở thành phố hoặc trung ương làm sao có chứng từ. Anh xin nghỉ việc.
     Anh lại về lộc cộc đạp xe đi dạy kèm, luyện thi đại học. Nhưng vợ anh không chịu đựng được cảnh con èo ọc khát sữa, mà không có tiền. Chị ôm con vượt biên. Sau đó,  nghe nói mất tích trên biển.
    Cuối năm đó, mẹ anh cũng qua đời. Cha anh ra Bắc với người vợ sau, nhưng lại là người vợ danh chính ngôn thuận hơn mẹ anh. Bà con làng quê nghèo thương yêu anh, cảm khái tình nghĩa của anh. “Thằng trời đày” không màng vinh hoa phú quý.
     Những đứa cháu họ hàng hay những người cùng làng quê anh, vào Saigon đi học. Anh sắp xếp cho ở nhà anh như nhà trọ. Gạo, chè, mắm, muối lúc nào cũng đầy đủ, ai về sớm nấu cơm, đi chợ.  
     Những năm xưa, có nhiều quán cơm xã hội ở Saigon. Dù canh rau, tương chao nhưng sinh viên, người nghèo, đạp xích lô, thợ thầy ăn no, chỉ trả mấy đồng, bằng giá tiền ổ bánh mì. Giáo Ba đầy lòng bao dung và gương mẫu trong sinh hoạt, nên mọi người tự giác, góp phần vào, trong cuộc sống cộng đồng.
     Một hôm công an chìm nổi ập vào nhà, khám xét lôi ra truyền đơn, kêu gọi chống chính quyền. Một người ở trọ khai ra giáo Ba. Thời trước, kẻ xấu mồm đã từng gọi mẹ con giáo Ba là con nhà cộng sản, chữa hoang. Bây giờ vật chứng rành rành, đúng là đồ phản động, hèn chi hắn từ chối không vào đảng. Dù bị hù doạ, bợp tai đá đít, nhưng giáo Ba không khai. Biết ai mà khai. Thằng ở trọ bị tra tấn quá đau, nên nhớ đến ai là hắn kê ra. Vì hắn quá ngưỡng mộ và thương giáo Ba, nên nhớ.
     Lý lịch và thư bảo lãnh của ông già, không cứu được anh. Tù chưa thành án, kéo dài trong nhà giam lạnh lẽo. Vợ con vượt biên, gắn thêm vào lưng giáo Ba những đòn thù nghi kỵ. Ngày gần ra toà, thằng ở trọ đột tử trong nhà giam. Nhân vật chính phản động được chuyển giao cho giáo Ba. Mười năm tù đã thành án. Cha anh nghe tin dữ, sốc nặng, bị tai biến mạch máu não, vài tháng sau qua đời.
    Dân làng và bà con biết anh bị oan, nhưng kêu trời không thấu. Chỉ bằng những món quà nhỏ mọn, những cuốn sách, từ điển các loại, gói trọn tình quê hương gởi vào trại cho anh. Ngoài giờ lao động, anh dành thời gian đọc sách, học thêm ngoại ngữ. Bạn tù chính trị như anh, có nhiều người thông tuệ, đã từng giữ nhiều chức vụ cao cấp ở chế độ cũ. Nhưng khi nghe anh có cha làm cán bộ to, họ đâm ra e dè, nghi ngại.
     Nổi lòng không biết tỏ cùng ai, anh khắc khoải, rồi đâm ra trầm mặc hẳn. Giáo Ba lao vào tìm ý nghĩa đời qua từng trang sách, say mê với chữ nghĩa lạ lùng, những cuốn từ điển Anh, Nga, Hàn, Pháp, Đức, Ý… bị dày vò ngày đêm, đưa vào tâm trí anh những cơn mê, cuồng chữ.
     Ngày ra tù, anh già như ông lão, gầy quắt, râu ria giống ông đạo núi Tà Lơn. Dân làng đón anh về trong vòng tay trìu mến, thương xót. Mặc cho những người từng là đồng chí với cha anh hằn học. “Thằng trời đày” nay kèm thêm “thằng phản động”.
     Dù yêu tha thiết. ‘chôn nhau cắt rún” anh bỏ lại chốn này. Vốn liếng tuổi thơ anh chan hoà, thẩm thấu vào từng hòn sỏi, nương khoai, hoà tan trong từng giọt nước trên dòng sông quê hương. Nhưng quê hương khó lòng dung nạp anh, dù bằng cả tấm lòng đôn hậu, nhưng chỉ biết nhìn anh ngậm ngùi.
     Ngoái nhìn căn nhà cũ, lên mộ thắp hương cho mẹ, anh nuốt nước mắt vào lòng. Ra đi.
     Con tàu chậm chạp rời sân ga Quảng Ngãi, lòng giáo Ba quặn thắt, xót xa. Người ra đi còn có ngày về, nhưng giáo Ba giã từ, mà lòng không hẹn ngày trở lại.
     Rồi anh lại lộc cộc đạp xe đi dạy kèm, luyện thi đại học. Bằng tất cả tấm lòng của người thầy, học trò kính thương anh, đời không phụ anh. Anh nổi tiếng vì có nhiều môn đệ thành danh. Nhưng anh không nghĩ đến chuyện lập gia đình lần nữa.
     Gần đây, đứa con lưu lạc ngỡ đã mất tích trên biển năm nào, tìm về. Mẹ nó định cư ở Mỹ, hai ba lần lấy chồng, nay đã mất vì tai nạn ô tô. Trong lòng giáo Ba như tê cứng, lạnh lùng. Anh từ chối sự bảo lãnh của con trai sang Mỹ. Tự nhiên nghe bảo lãnh, anh chợt nhớ lại trang giấy học trò, cha anh viết bảo lãnh cho anh năm nào. Nước mắt không biết từ đâu, trào dâng tràn khoé mắt.
     Tiếng chuông nhà thờ ngân nga trong đêm, xen lẫn tiếng còi xe vang vọng, mùa Noel lại về. Tết sắp đến, ai cũng về quê. Giáo Ba biết về đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRĂNG TREO MÁI LÁ

Tôi đi loanh quanh vì không biết đường, vác trên vai bao tải nặng trịch. Bỗng nhiên cô gái từ trong nhà bước ra chận đường: - Anh tìm ai mà...